Thí nghiệm giảm vận tốc ánh sáng
Các nhà khoa học Scotland tìm cách giảm vận tốc ánh sáng vĩnh viễn bằng một thiết bị làm thay đổi cấu trúc của những hạt photon.
Vận tốc ánh sáng có thể được làm chậm lại trong khoảng không gian tự do. Ảnh minh họa: Pixabay |
Theo UPI, trong thí nghiệm mới tại Đại học Glasgow, các nhà khoa học thay đổi vĩnh viễn vận tốc ánh sáng bằng cách cho các hạt photon chạy qua một thiết bị làm thay đổi cấu trúc của chúng. Thiết bị tinh thể lỏng điều khiển bằng phần mềm máy tính được các nhà khoa học gọi là mặt nạ.
Họ thực hiện "cuộc đua" theo từng cặp hạt photon ánh sáng, để hai photon xuất phát từ cùng một điểm đến vị trí xác định. Theo kết quả, một photon tới đích như dự đoán, trong khi photon còn lại di chuyển qua mặt nạ tới chậm hơn.
Theo Nature World News, nhóm chuyên gia thành công trong thí nghiệm làm chậm photon ánh sáng lên đến 20 bước sóng ở khoảng cách một mét. Sau khi ánh sáng đi qua mặt nạ, photon di chuyển chậm hơn trong không gian tự do.
"Phát hiện trên cho thấy sự truyền ánh sáng có thể bị chậm lại, đến mức nhỏ hơn vận tốc mọi người vẫn công nhận là 299.792.458 m/s, ngay cả khi ánh sáng di chuyển trong không khí hoặc môi trường chân không", Jacquiline Romero, thành viên nhóm nghiên cứu, nói.
Thông thường, ánh sáng tạm thời truyền đi chậm hơn khi xuyên qua vật liệu như nước hoặc thủy tinh, nhưng việc truyền qua không gian tự do lại là câu chuyện khác hẳn. Trước đây, giới khoa học cho rằng không thể giảm tốc độ của ánh sáng khi nó di chuyển trong không gian tự do (không bị cản trở trong quá trình tương tác với những vật chất khác).
Theo VnExpress