Thị trường điện lạnh mùa nắng nóng: Tăng giá nhưng không khan hàng

02/06/2014 09:31

(Baonghean) - Những đợt nắng nóng gay gắt đầu hè đang giúp thị trường điện lạnh trên địa bàn Thành phố Vinh sôi động sau những tháng dài trầm lắng. Do có sự cạnh tranh giữa các nhà sản xuất và sự chủ động chuẩn bị trước nguồn hàng của các siêu thị, cửa hàng kinh doanh điện máy nên các dòng sản phẩm giá chỉ tăng nhẹ và không có tình trạng “sốt” hàng.

(Baonghean) - Những đợt nắng nóng gay gắt đầu hè đang giúp thị trường điện lạnh trên địa bàn Thành phố Vinh sôi động sau những tháng dài trầm lắng. Do có sự cạnh tranh giữa các nhà sản xuất và sự chủ động chuẩn bị trước nguồn hàng của các siêu thị, cửa hàng kinh doanh điện máy nên các dòng sản phẩm giá chỉ tăng nhẹ và không có tình trạng “sốt” hàng.

Sản phẩm tiết kiệm điện “lên ngôi”

Tại Siêu thị điện máy Sơn Hà những ngày nắng nóng gay gắt, lượng khách đến tham khảo, chọn mua máy điều hòa, tủ lạnh, quạt mát tăng gấp 3 - 4 lần so với các ngày thường. Đa phần trong số họ đều muốn tham khảo những thiết bị điện lạnh có tính năng tiết kiệm điện cao. Anh Nguyễn Thành ở xóm 16 - xã Hưng Lộc (TP Vinh) đang chọn mua chiếc điều hòa công nghệ biến tần của Panasonic loại 13.000 BTU, cho biết: “Bình thường, mỗi tháng gia đình tôi chỉ chi phí tầm 350.000 - 400.000 đồng tiền điện nhưng mùa hè thì bao giờ hoá đơn cũng tăng gấp đôi. Gần đây, khi chọn mua đồ điện tử tôi thường hướng đến dòng sản phẩm có khả năng tiết kiệm điện. Tôi quyết định mua chiếc máy điều hòa này vì ngoài việc tiết kiệm điện năng, dòng sản phẩm công nghệ biến tần còn có tính năng chống dị ứng, khử độc, khử mùi, rất phù hợp với gia đình đang có người già và trẻ nhỏ”.

Khách hàng chọn mua quạt phun sương tại Trung tâm mua sắm Hồng Hà.
Khách hàng chọn mua quạt phun sương tại Trung tâm mua sắm Hồng Hà.

Qua khảo sát, nhận thấy thị trường điện tử, điện lạnh năm nay khá phong phú về chủng loại, mẫu mã, kiểu dáng do các nhà sản xuất lớn như Panasonic, Sanyo, LG, Samsung, Mitsubishi, Toshiba... cung cấp. Chỉ tính riêng điều hòa nhiệt độ đã có tới 20 nhãn hiệu khác nhau, tủ lạnh có trên 30 hãng. Tuy nhiên, giá cả chỉ tăng nhẹ từ 5 - 10% so với cùng kỳ năm trước. Điểm mới là nếu như trước đây, mức độ tiết kiệm năng lượng của sản phẩm là do chính nhà sản xuất tự công bố thông tin, người tiêu dùng không thể biết những thông tin ấy chính xác đến mức độ nào thì năm nay, mức độ chính xác sẽ do Bộ Công Thương xác nhận thông qua việc dán nhãn năng lượng. Thang tiết kiệm năng lượng được đánh giá từ thấp đến cao, tương ứng được dán từ 1 - 5 sao, giúp người mua dễ dàng lựa chọn sản phẩm hợp với nhu cầu sử dụng và túi tiền của mình.

Cùng với điều hòa nhiệt độ, tủ lạnh, quạt điện đang được nhiều gia đình chọn lựa. Ngoài loại quạt điện truyền thống, năm nay, những loại quạt hơi nước, quạt phun sương với giá dao động từ 1,5 - 4 triệu đồng/chiếc tùy thương hiệu và kích cỡ, chất lượng được người dân rất ưa chuộng. Ngoài ra còn có các loại máy phun sương với giá từ 200 - 500 nghìn đồng/chiếc, được giới thiệu là tạo ẩm không khí trong phòng điều hòa và dịu mát hơn nếu đặt trước quạt điện. Nguồn gốc sản phẩm cũng đa dạng không kém: Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan… Nhưng nhiều cửa hàng cho biết, người dân đã quan tâm nhiều hơn đến nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm và tỷ lệ người hỏi mua các sản phẩm của Việt Nam tăng cao vì giá thành rẻ, chất lượng cũng không thua kém so với các sản phẩm nhập ngoại.

Đáng chú ý trong dòng sản phẩm điều hòa, các hãng đua nhau tung ra thị trường những sản phẩm tích hợp công nghệ mới như máy có hệ thống lọc không khí, kháng khuẩn diệt virut sử dụng công nghệ Nanoe-G, tính năng tự tạo ẩm chống khô da, hay công nghệ tiết kiệm điện bằng cảm ứng hồng ngoại... Trong đó nổi lên hai dòng công nghệ Econavi (cảm biến thông minh) và Inverter (công nghệ biến tần) thông qua 4 yếu tố để giám sát và cắt giảm hao phí và tiết kiệm điện năng từ 35 - 65% điện năng tiêu thụ, giá bán cũng cao hơn khoảng 1,5 - 2 triệu đồng/chiếc (tùy thuộc vào công suất) so với sản phẩm thông thường. Nhưng qua tìm hiểu khả năng tiết kiệm điện của dòng sản phẩm này có đúng như quảng cáo, chúng tôi được biết, để có thể tiết kiệm điện đến 65%, người dùng phải mở máy liên tục 9 - 10 giờ thì hiệu quả tiết kiệm điện mới rõ rệt. Như vậy, yêu cầu này chỉ phù hợp khi dùng trong công ty, văn phòng. Còn ở các hộ gia đình nếu sử dụng trong thời gian ngắn hơn, khả năng tiết kiệm điện của dòng sản phẩm này không đáng kể. Về cơ chế vận hành cũng như chứng nhận, kiểm định của các cơ quan chức năng về tính năng diệt khuẩn, diệt virus, các nhân viên cũng không giải thích và không đưa ra được các giấy tờ chứng nhận như quảng cáo...

Theo nhận định của anh Nguyễn Hồng Sơn - chủ cửa hàng kinh doanh điện tử - điện lạnh Hương Sơn: "Sức mua ở thời điểm này tăng khoảng 100% - 120% so với tháng 4, nhưng mùa nóng năm nay chưa có sự đột biến. Cùng thời điểm này năm ngoái, người tiêu dùng gần như xếp hàng để mua điều hòa khi nắng nóng lên tới 40 độ C. Các cửa hàng kinh doanh thợ lắp đặt đều trong tình trạng quá tải. Việc người dân siết chặt chi tiêu được cho là nguyên nhân khiến thị trường điều hòa năm nay giảm. Cùng với đó, sự gia tăng về số lượng của các hệ thống siêu thị điện máy nên lượng khách phân bổ vào các cửa hàng cũng được chia nhỏ ra. Mặt khác, chu kỳ tiêu thụ mặt hàng điện lạnh sôi động những năm trước đã qua, hiện nay chưa đến "điểm rơi" của chu kỳ. Riêng hàng điều hòa có vòng đời tiêu dùng khá dài, thường phải dùng được 7 - 10 năm mới hỏng, cộng với việc các hãng đua nhau sản xuất và phân phối sản phẩm khiến thị trường điều hoà kém “nóng” so với các năm trước.

Cẩn thận với các chiêu "gian lận"

Mùa nắng nóng, nhu cầu sử dụng điều hòa của người dân tăng khiến cho công việc của những thợ sửa điều hòa càng "nóng" hơn. Theo khảo sát tại các cơ sở chuyên nhận sửa chữa, bảo dưỡng, nạp gas điều hòa thời gian vài năm trở lại đều trong tình trạng quá tải khách hàng. Vào những lúc cao điểm thì tiền công lắp đặt cũng tương đương với công bảo dưỡng, nạp gas dao động từ 300.000 - 400.000 đồng/máy. Số tiền này người thợ phải nộp lại cho chủ cơ sở, nhưng ngoài tiền công được người chủ chi trả tăng gấp rưỡi (khoảng 170.000 - 200.000 đồng/người/ngày) so với ngày thường thì thợ điều hòa cũng còn có nhiều mánh khóe để "móc túi" khách hàng...

Anh Phan Anh Tuấn (ở khối Tân Tiến - phường Hưng Dũng), người có kinh nghiệm lâu năm trong nghề bảo dưỡng và lắp đặt điều hòa cho biết: "So với năm ngoái, giá bảo dưỡng năm nay cao hơn khoảng 15% - 20%; hiện chi phí trung bình cho việc bảo dưỡng, vệ sinh từ 150.000 - 400.000 đồng/máy, tùy từng loại máy và công suất. Chưa kể nếu phát hiện thêm lỗi kỹ thuật, thêm vật tư thay lắp thì tiền sửa có thể lên tới cả triệu đồng. Đặc thù công việc phải di chuyển từ địa điểm này đến địa điểm khác, có khi cách xa nhau cả chục cây số, nhưng trung bình một ngày hai người có thể bảo dưỡng được 8 - 10 máy điều hòa, nếu lắp đặt thì số máy được ít hơn. Trừ mọi chi phí mỗi ngày tôi và một chú em có thể kiếm được khoảng 800.000 - 1.000.000 triệu đồng/người".

Tìm hiểu được biết có rất nhiều kiểu “ăn gian” của thợ lắp đặt, bảo dưỡng điều hòa. Chiêu thường thấy nhất mà dân lắp đặt điều hòa hay áp dụng là chiêu ăn gian về chiều cao để tính tăng thêm tiền dây, tiền ống dẫn. Nếu chiều cao chỉ 3m nhưng nói lên 3,5m hay 3,7m khách hàng cũng chẳng mấy ai so đo, giá của ống dẫn ngoài thị trường đang dao động ở khoảng 170.000 - 250.000 đồng/m tùy loại ống, nếu mua loại thường nhất cũng đã có trăm bạc đút túi. Với một số gia đình đo đạc cẩn thận, nhiều thợ điều hòa lại ăn chênh lệch ở giá của dây đồng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, vào mùa nắng nóng không ít gia đình khi mời thợ đến sửa chữa, bảo dưỡng điều hòa đã bị "ăn gian " bởi bơm gas không đủ. Ngoài ra, sự thiếu rõ ràng về giá cả các thiết bị khi lắp đặt cũng là cách mà thợ lắp đặt, sửa chữa điều hòa hay sử dụng. Bởi hầu hết người dân khi đi mua điều hòa đều không biết cụ thể về giá các thiết bị phát sinh kèm theo như dây dẫn ống đồng, attomat, dây dẫn điện, ốc vít… mà chỉ nắm được thông tin về tiền công lắp đặt từ phía cửa hàng.

Dịch vụ sửa chữa đồ điện lạnh tại nhà có ưu điểm vượt trội là tiết kiệm được thời gian cho các gia đình, cơ quan nên ngày càng “đắt hàng”. Vì vậy, khi mua điều hòa hoặc gọi thợ sửa chữa, khách hàng nên chọn chỗ uy tín, các trung tâm điện máy lớn với đội ngũ thợ lành nghề sẽ giảm thiểu được những gian lận lặt vặt nhưng dễ bực mình cho gia chủ như đã nêu trên. Bên cạnh đó, để tránh bị "chặt chém", khách hàng nên thỏa thuận rõ ràng về tiền công lắp đặt và giá thiết bị ngay từ ban đầu, đề phòng do khan hiếm thợ mà bị hét giá trên trời.

Bài, ảnh: Ngọc Anh

Mới nhất

x
Thị trường điện lạnh mùa nắng nóng: Tăng giá nhưng không khan hàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO