Thị xã Hoàng Mai khôi phục sản xuất

20/03/2014 10:32

(Baonghean) - Sau cơn bão số 10, ngân sách tỉnh đã cấp ban đầu cho TX. Hoàng Mai gần 13,7 tỷ đồng. Đến nay, thị xã đã phân bổ về các phường, xã để kịp thời hỗ trợ người dân. Chính sách hỗ trợ của Nhà nước về giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy, hải sản đối với vùng gặp thiên tai, dịch bệnh đã phần nào giúp người dân nơi đây vượt qua khó khăn.

Người dân phường Mai Hùng cải tạo ao đầm chuẩn bị nuôi tôm vụ 1 năm 2014.
Người dân phường Mai Hùng cải tạo ao đầm chuẩn bị nuôi tôm vụ 1 năm 2014.

Ông Văn Đức Trường – Chủ nhiệm HTX nuôi trồng thủy sản Phú Cường, phường Mai Hùng cho biết: HTX có 31 ha nuôi tôm thâm canh với 56 hộ nuôi, khi bão lũ xảy ra vào đầu tháng 10/2013, HTX có 30 ao tôm nuôi 60 ngày, lũ về bất ngờ, bà con không kịp trở tay, bất lực nhìn hàng chục tấn tôm trôi ra biển, tổng thiệt hại gần 27 tỷ đồng. Là chủ nhiệm HTX làm đại lý thức ăn cho tôm, chuyên cung ứng cho các hộ trong HTX vay nợ thức ăn, đến nay các hộ nuôi tôm trong HTX đang nợ gia đình tôi hơn 4 tỷ đồng tiền thức ăn, tiền điện và thuốc xử lý, nhưng vẫn chưa trả được đồng nào vì tôm mất trắng chẳng biết nhìn vào đâu. Riêng gia đình tôi nuôi 3 ha tôm, tại thời điểm lũ lụt tôm đạt 60 con/kg, trôi mất khoảng 12 tấn tôm, trị giá 2,4 tỷ đồng. Đến nay gia đình tôi đã nhận được tiền hỗ trợ của Nhà nước 18 triệu đồng. Mặc dù số tiền này chỉ một phần rất nhỏ so với đầu tư của người nuôi tôm, nhưng trong điều kiện nguồn ngân sách hạn chế, phải hỗ trợ cho rất nhiều hộ, chúng tôi rất cảm ơn các cấp chính quyền đã đồng hành chia sẻ khó khăn với người dân, tiếp thêm sức mạnh giúp bà con khắc phục khó khăn, tái đầu tư sản xuất.

Đến tận bây giờ, anh Lê Trọng Nam, khối 10 phường Mai Hùng vẫn chưa nguôi nuối tiếc, khi đó tôm nuôi trên 80 ngày tuổi, đạt gần 70 con/kg, bị lũ cuốn trôi xấp xỉ 7 tấn tôm, trị giá khoảng 1,4 tỷ đồng. Anh Nam kể lại: Tối 27/9/2013, trời mưa khá to, tôi rất lo lắng. Trước đó vài ngày, vợ bàn xuất tôm bán nhưng tôi thấy tôm đang độ lớn rất nhanh nên muốn nuôi thêm mấy ngày nữa hy vọng tăng sản lượng, ai ngờ lũ về bất ngờ trong đêm, hai vợ chồng tôi dốc hết sức giăng lưới lên cao để tôm khỏi trào ra ngoài, song biển nước mênh mông không thể nào ngăn cản nổi, đành bất lực nhìn gần 7 tấn tôm trôi tuột khỏi tay mình. Hai vợ chồng tôi hoang mang, khóc ròng giữa biển nước.

Lo cứu tôm dưới đầm, ở nhà gồm lúa, lợn, đồ đạc bị lũ cuốn trôi hết, thiệt hại về tài sản khoảng 300 triệu đồng. 4 đứa con đang tuổi ăn học đều nhìn vào đàn lợn và đầm tôm để trang trải, nay mất sạch. Đến nay còn nợ tiền thức ăn cho tôm và các chi phí khác gần 1 tỷ đồng. Nay chuẩn bị thả nuôi vụ 1 năm/2014, trong tay không có đồng vốn nào, may vừa rồi được Nhà nước hỗ trợ hơn 9 triệu đồng, gia đình chắt chiu để vệ sinh ao đầm, dù khó khăn đến đâu cũng phải nỗ lực nuôi tôm trở lại vì chỉ có nuôi tôm mới trả được nợ cho tôm. Chúng tôi rất mong ngân hàng cho khoanh nợ cũ, cho vay mới để bà con có vốn tái đầu tư sản xuất.

Tuy nhiên, qua tìm hiểu ở các hộ nuôi tôm được biết, ngân hàng rất hạn chế cho vay đầu tư nuôi tôm vì sợ rủi ro cao. Do đó một số hộ phải dựa trên các dự án khác để vay vốn, nhưng thực chất nguồn vốn này được người vay đầu tư vào nuôi tôm. Khi thiên tai bão, lũ xảy ra gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi, song người dân không có cơ sở để yêu cầu ngân hàng hỗ trợ các chính sách vay vốn theo cơ chế ưu đãi của Nhà nước đối với vốn vay đầu tư sản xuất chăn nuôi gặp thiên tai, lũ lụt. Đó cũng là cái khó cho người chăn nuôi. Trên thực tế con số thiệt hại về chăn nuôi, đặc biệt là nuôi tôm ở Thị xã Hoàng Mai sau bão số 10 là rất lớn, song theo số liệu của chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp Thị xã Hoàng Mai thì con số vốn vay đầu tư vào chăn nuôi bị thiệt hại là khá khiêm tốn. Anh Đặng Minh Ánh – Trưởng phòng tín dụng Ngân hàng Nông nghiệp Thị xã Hoàng Mai cho biết: Tính đến 31/12/2013, tổng dư nợ cho vay của chi nhánh đạt 510 tỷ đồng, trong đó đối tượng có vay vốn ngân hàng đầu tư chăn nuôi trâu, bò, nuôi tôm, hàng hải sản đông lạnh… bị thiệt hại hơn 6,3 tỷ đồng. Đối với những trường hợp này, ngân hàng đã thực hiện giảm lãi suất từ 0,5 – 1%/năm. Những đối tượng này sau đó đã trả nợ cũ, và ngân hàng tiếp tục cho vay mới để tái đầu tư sản xuất.

Quỳnh Vinh là một trong những xã bị ảnh hưởng nặng nề, ông Vũ Lê Công – Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Sau bão số 10, 1.912 hộ/3.253 hộ dân của xã Quỳnh Vinh bị thiệt hại về tài sản, hoa màu, vật nuôi, với mức tổng thiệt hại 39,3 tỷ đồng; trong đó riêng thiệt hại về chăn nuôi đàn gia súc, gia cầm khoảng 10 tỷ đồng. Sau bão lũ, người dân Quỳnh Vinh nhận được sự sẻ chia cứu trợ của các nhà hảo tâm và đồng bào trong cả nước, cuộc sống nhân dân dần ổn định trở lại. Về thiệt hại trong chăn nuôi, người dân địa phương đã được nhận tiền hỗ trợ của tỉnh đợt 1 gần 900 triệu đồng, nay bà con đang làm thủ tục để tiếp tục nhận thêm 400 triệu đồng. Dù số tiền chưa nhiều, không thể bù đắp thiệt hại cho người dân, song với trách nhiệm và sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của các cấp chính quyền đã giúp người dân có nguồn vốn nhỏ để mua con giống.

Ông Hồ Hữu Đạt, phòng kinh tế UBND Thị xã Hoàng Mai cho biết: Theo Quyết định số 35/2013/QĐ-UBND ngày 8/7/2013 về việc sửa đổi bổ sung Điều 2, Quyết định số 45/2011/QĐ-UBND “về việc quy định chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh”. Hiện UBND Thị xã Hoàng Mai đã tổng hợp kinh phí khôi phục sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại do bão số 10, với tổng số tiền ngân sách nhà nước hỗ trợ các đối tượng hơn 21,7 tỷ đồng, trong đó giống cây trồng gần 2,4 tỷ đồng; giống vật nuôi trên 6,2 tỷ đồng; giống thủy sản, hải sản hơn 13,1 tỷ đồng. Đến nay, số tiền đã được ngân sách tỉnh cấp ban đầu cho Thị xã Hoàng Mai gần 13,7 tỷ đồng, thị xã đã phân bổ về các phường, xã để hỗ trợ cho người dân kịp thời. UBND thị xã đang đề nghị ngân sách tỉnh tiếp tục bổ sung số tiền hơn 8 tỷ đồng để thị xã phân bổ hỗ trợ cho nhân dân đầu tư sản xuất, chăn nuôi kịp thời vụ.

Quỳnh Lan

Mới nhất

x
Thị xã Hoàng Mai khôi phục sản xuất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO