Thị xã Hoàng Mai: Tích cực chuẩn bị phương án "4 tại chỗ"
Trong năm 2013, Thị xã Hoàng Mai chịu thiệt hại nặng nề về cả người lẫn tài sản do mưa lụt gây ra. Rút kinh nghiệm từ năm trước chính quyền và nhân dân Thị xã Hoàng Mai đang tích cực chuẩn bị các phương án 4 tại chỗ. nhằm hạn chế tối đa thiệt hại do lụt bão.
(Baonghean) - Trong năm 2013, Thị xã Hoàng Mai chịu thiệt hại nặng nề về cả người lẫn tài sản do mưa lụt gây ra. Rút kinh nghiệm từ năm trước chính quyền và nhân dân Thị xã Hoàng Mai đang tích cực chuẩn bị các phương án 4 tại chỗ. nhằm hạn chế tối đa thiệt hại do lụt bão.
Người dân phường Quỳnh Phương chuẩn bị phương án phòng chống lụt bão năm 2014. Ảnh: Việt Hùng (Đài Quỳnh Lưu) |
Trở lại phường Mai Hùng một trong những “rốn lũ” của Thị xã Hoàng Mai, dấu tích của trận “đại hồng thủy” vẫn còn đó, một số đoạn sông Hoàng Mai bị lở lói, những đoạn tường rào bị sập đổ ở khu dân cư mới được hoàn thiện. Ông Đậu Danh Chiến ở khối 10 phường Mai Hùng cho hay: Chưa năm nào người dân chúng tôi phải chứng kiến trận lũ lụt lịch sử gây thiệt hại lớn đến vậy. Để ứng phó mùa mưa lũ năm nay, gia đình tôi đã cơi nới làm thêm “gác xép” đựng lúa, gạo để khi mưa bão còn có chỗ trú thân chứ năm trước mưa ngập, cả gia đình phải bám trên nóc nhà rất nguy hiểm. Theo ông Chiến thì gia đình đang chuẩn bị mua nứa đóng bè đề phòng có sự cố ngập lụt xảy ra.
Ông Đậu Viết Hiên - Chủ tịch UBND phường Mai Hùng cho biết: Phường có trên 2000 hộ dân, trong đó có trên 1.400 hộ dân nằm ở vùng ngập lụt. Đến thời điểm này, phường đã chuẩn bị xong các phương án để đối phó với mùa mưa bão. Cụ thể là đã xác định được vùng trọng điểm có trên 200 hộ dân ngập lụt nặng ở các xóm 10, 12, 13, 20. Khi xả lũ hồ Vực Mấu, nếu bị ngập lụt lực lượng dân quân tự vệ của phường tổ chức di chuyển cho tất cả số hộ trên đến khu vực đồi núi cách trung tâm phường hơn 1 km. Đến thời điểm này, phường đã vận động được hàng trăm hộ dân cơi nới nhà cửa làm gác xép trú tránh nước lũ dâng cao. Đặc biệt, toàn xã hiện có trên 250 thuyền các loại, trong đó thuyền nan và thuyền nhựa trên 200 chiếc, còn lại là thuyền thúng do dân tự đan. Rút kinh nghiệm năm trước, phường khuyến cáo bà con đối với vùng đất sản xuất hoa màu trên 100 ha ở vùng dễ ngập úng, thu hoạch vào thời điểm trước tháng 7, sau đó sẽ không triển khai sản xuất nữa vì mưa lũ sẽ gây thiệt hại.
Chúng tôi về xã Quỳnh Trang, xã nằm phía hạ du của hồ Vực Mấu, khi xả lũ thường gánh chịu thiệt hại đầu tiên. Ông Nguyễn Lương xóm 5 cho biết: Gia đình tôi nuôi cá nước ngọt với diện tích khá lớn trên 1.500 m2, để tránh thiệt hại thì khoảng ngày 15/7 là tiến hành thu hoạch, theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, nếu cứ nuôi cố cho cá to thì có khi lũ về mất cả “chì lẫn chài”. Ông Phạm Văn Nhân - Trưởng xóm 5, xã Quỳnh Trang bộc bạch: Xóm có 172 hộ dân thì hầu hết nằm ven sông Hoàng Mai, gần với khu vực xả lũ của hồ Vực Mấu. Ý thức được sự nguy hiểm từ trận lũ trước, xóm đã thành lập được tổ cơ động PCBL khoảng trên 80 người, trong đó có khoảng trên 10 người có chức năng vận hàng điều khiển 5 thuyền khi xảy ra sự cố có nhiệm vụ ứng cứu. Hiện có trên 30 hộ dân đã đầu tư làm được gác xép, gác lửng để tránh lũ, 10 ha nuôi cá đều được khuyến cáo nên thu hoạch vào trước thời điểm tháng 7.
Ông Đậu Minh Công - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Trang chia sẻ: Nếu hồ chứa nước vực Mấu xả 3 cửa trở xuống thì không gây ngập úng, nếu xả 4 - 5 cửa kết hợp với mưa lớn sẽ nhanh chóng gây ngập úng cho trên 486 hộ dân/1.756 hộ dân. Để chủ động đối phó với mùa mưa lũ, ngoài việc kiện toàn Ban chỉ huy PCBL của xã, xã thực hiện phương án “4 tại chỗ”, ở các xóm đều thành lập tổ xung kích PCBL, ứng cứu dân khi xảy ra sự cố. UBND xã đã “hợp đồng” được 10 thuyền đánh bắt cá của dân chài ven sông ứng cứu khi xảy ra ngập úng. Bởi trận lũ trước, xuồng máy vào ứng cứu nhưng nước chảy cuộn xiết xuồng rất khó tiếp cận vùng ngập, cũng may có lực lượng dân chài ứng cứu bà con kịp thời. Ngoài ra xã còn Hợp đồng với các đại lý bán hàng tạp hóa khi cần có thể cung ứng, bán nợ cho bà con mỳ tôm, gạo, nước mắm, dầu thắp, mỳ chính… trong thời điểm bị lũ chia cắt. Xã đã xây dựng được phương án di dời 495 hộ dân khi cần thiết đến được 3 địa điểm là trụ sở UBND xã, nhà văn hóa xã, trường THCS xã. Toàn xã có trên 35 ha nuôi cá nước ngọt được xã khuyến cáo thu hoạch vào trước tháng 7.
Ông Phạm Chí Diên - Trưởng phòng kinh tế Thị xã Hoàng Mai cho biết thêm: Rút kinh nghiệm từ trận lụt trước, để chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, Thị xã Hoàng Mai đã kiện toàn Ban chỉ huy PCLB và các tiểu ban PCLB. Tổ chức thực hiện tốt “4 tại chỗ”, trong đó chú trọng củng cố lực lượng dân quân nòng cốt sẵn sàng huy động khi có yêu cầu. Thống kê rà soát các hộ dân đang sinh sống ở những nơi nguy hiểm như sạt lở đất, ngập lụt… để có kế hoạch di dời đến nơi an toàn, vận động các hộ dân phải dự trữ lương thực ít nhất 5 ngày khi thiên tai xảy ra.
Theo rà soát, toàn thị xã cần di dời khoảng 2.800 hộ dân tuy theo mức độ của tương ứng của cấp bão, lượng mưa, trong đó vùng biển 2.200 hộ, 600 hộ dân ở vùng ven sông Hoàng Mai, tập trung ở các xã Quỳnh Dị, Mai Hùng, Quỳnh Trang, Quỳnh Lập, Quỳnh Thiện… UBND thị xã triển khai các lực lượng xuống các địa bàn được phân công, sẵn sàng cứu hộ, sơ tán kịp thời; Hợp đồng vật tư, phương tiện sẵn sàng ứng cứu, cứu hộ và xử lý các sự cố công trình khi lụt bão xảy ra, tiếp cận các vùng bị ngập lụt chia cắt. Chủ yếu di dời nhân dân tại chỗ ở các công trình cao tầng dân sinh, công trình cao tầng của nhà nước. Huy động ca nô, xuồng máy của các ngành chức năng và thuyền của nhân dân để tổ chức tiếp cận vùng lũ.
Tuy vậy, vẫn còn không ít bà con ở Thị xã Hoàng Mai còn chủ quan với ngập lụt. Một số người dân cho rằng trận lụt trước là do sự cố nên không cần phải mua sắm thuyền, hoặc xây dựng thêm gác xép. Ven sông Hoàng Mai, nhiều nhà còn đổ bê tông, cắm cọc tre cơi nới lấn chiếm lòng sông, mùa mưa lũ sẽ rất nguy hiểm. Để PCBL có hiệu quả, UBND Thị xã Hoàng Mai cần rà soát điều chỉnh quy trình xả lũ hồ chứa nước Vực Mấu, xây dựng kịch bản xả lũ hồ Vực Mấu và cảnh báo mức độ ngập lụt ở vùng hạ du, phương án di dời dân tương ứng, xây dựng hệ thống cảnh báo, thông báo xả tràn hồ Vực Mấu, cho chủ trương lập quy hoạch thủy lợi Thị xã Hoàng Mai. Trong khi chưa xây dựng được kịch bản xả lũ thì đơn vị vận hành hồ chứa nước Vực Mấu cần nắm bắt thông tin diễn biến của thời tiết để linh hoạt xả lũ. Có thể xả lũ trước khi dự báo sẽ có mưa to để giảm thiểu rủi ro cho vùng hạ du. Cần có cơ chế để hỗ trợ bà con vùng ngập úng ven sông Hoàng Mai mua thêm thuyền nhỏ để chủ động di dời khi lũ đến bất ngờ.
Văn Trường