Thiêng liêng tiếng "Mẹ"!

19/10/2014 15:47

(Baonghean) - Tiếng mẹ đẻ đã trở thành ngôn ngữ cho một quốc tịch, là “hộ chiếu tâm hồn” cho con người từ khi lọt lòng đến lúc về với tổ tiên. Hai tiếng: “Mẹ ơi” luôn được thốt lên trong vô thức khi buồn, khi vui, khi gặp gỡ, chia ly như một điểm tựa của niềm tin.

Nghĩ về mẹ, tôi lại nghĩ về các em nhỏ với trò chơi tập bế tập bồng. Từ tuổi thơ đã biết nhóm bếp cho bà, thêu thùa theo mẹ. Tiếng bà thân thương là mẹ của bầm, của bủ ở miền Trung du Bắc bộ. Tiếng mẹ thân thương như tiếng mệ, tiếng má ở Huế và Nam bộ. Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn có một bài hát khá xúc động “Huyền thoại mẹ”. Ngọn đèn gắn với đời mẹ khi sớm hôm khuya khoắt, khi đơn côi thao thức một mình. Ngọn đèn tâm tình tỏa quầng sáng ấm áp nhỏ nhoi mà nồng nàn tin cậy. Ngọn đèn như đời mẹ cứ hao dần, khuyết dần. Nhưng búp hoa đèn của ngọn đèn hạt đậu lại ươm bao hy vọng, những nỗi niềm mong ngóng...

Nghĩ về mẹ, tôi cứ nghĩ về một đời chợ - đời người. Chợ là nơi mẹ được sống cởi mở chân thực hết mình, gom nhặt và gìn giữ. Chợ không những chỉ là nơi bán mua mà còn là nơi mẹ giao đãi, gặp gỡ với người để ăn một miếng trầu, để vui một câu chuyện. Không biết tự bao giờ, ám ảnh tôi hình ảnh thắt đáy lưng ong đã thắt lại hầu bao của mẹ trong những buổi chợ nghèo nhưng giàu tình người ấy.

Nghĩ về mẹ, ta lại nghĩ về cánh đồng vụ gặt. Áo mẹ mặc màu nâu sồng phù sa. Bàn chân mẹ rạn chân chim cũng rạn từ những mắt rạ trong mùa hạn hán. Nhà thơ tài hoa Hữu Thỉnh đã từng trực cảm tinh tế thốt lên: “Mẹ đang đi gánh rạ giữa đồng - Rạ chẳng nặng mà nặng nhiều vì gió”. Gió cuộc đời cứ quăng quật xô gầy mẹ tôi. Nhưng gió không thể làm lỡ nhịp luyến láy giàu âm điệu dân ca trong câu hát ru của mẹ. Tiếng mẹ hòa vào thổ ngữ của làng quê. Có âm bổng âm trầm, có khi khoan khi nhặt, tiếng mẹ bao giờ cũng dành để vỗ về con. Nước mắt thì lặn vào trong, nụ cười thì chia cho người, nhận về mình hao khuyết, trả cho đời vẹn nguyên.

Nghĩ về mẹ, ta nghĩ về những năm tháng “Đất quê ta mênh mông” trong lời bài hát của nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu: “Mẹ vẫn đào hầm từ lúc tóc còn xanh - Nay mẹ đã phơ phơ đầu bạc”. Dọc dài đất nước ta có bao tượng đài về mẹ. Có tượng đài được thiên nhiên tạc như đá Vọng Phu. Có tượng đài mẹ Thứ ở Quảng Nam, khăn rằn bay trong gió. Và đặc biệt, chỉ có đất nước Việt Nam ta mới có tượng đài bất tử về mẹ vinh danh: Bà mẹ Việt Nam anh hùng!

Tiếng mẹ là tiếng Việt thuần nhất, chuẩn nhất và nhiều cung bậc nhất. Hình như trên thế gian này, tiếng mẹ là đồng nhất, bởi ở đó là tiếng của sinh thành, sinh sôi nảy nở. Tiếng mẹ có một mẫu số chung của nội hàm yêu thương. Và “Con dù lớn vẫn là con của mẹ - Đi suốt đời lòng mẹ vẫn theo con” (Chế Lan Viên). Đi suốt đời, con vẫn nói giọng của mẹ, của đất mẹ!

Nguyễn Ngọc Phú

Mới nhất
x
Thiêng liêng tiếng "Mẹ"!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO