Thiết thực và nhân văn
(Baonghean) - Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy năm 2012 của Bộ Giáo dục - Đào tạo có một số điểm mới rất đáng quan tâm. Trong đó phải kể đến quy định đối với học sinh là người dân tộc thiểu số, thí sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên, tính đến ngày nộp hồ sơ xét tuyển tại các huyện nghèo theo quy định tại Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP, nếu học 3 năm cuối cấp và tốt nghiệp THPT tại các huyện này, thì hiệu trưởng các trường xem xét, quyết định xét tuyển cho vào học. Sau khi nhập học, những thí sinh này được học bổ sung kiến thức 1 năm trước khi vào học chính thức. Chương trình bổ sung kiến thức do hiệu trưởng các trường quy định.
Theo quy định mới này, tỉnh ta sẽ có khoảng 2.000 học sinh các trường THPT và Trung tâm GDTX thuộc các huyện Tương Dương, Kỳ Sơn và Quế Phong tốt nghiệp năm 2012 có cơ hội được xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng trong cả nước. Chúng tôi có mặt tại Trường THPT DTNT Tương Dương 1 vào những ngày nắng nóng gay gắt. Không khí càng trở nên "nóng'' hơn khi các thầy, cô giáo và các em học sinh đang chạy đua với thời gian để chuẩn bị tốt cho các kỳ thi sắp tới. Năm học này, trường có 286 học sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Học sinh lớp 12A, Trường THPT DTNT Tương Dương 1 tích cực ôn tập, chuẩn bị cho các kỳ thi
Thầy Nguyễn Xuân Điểm - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Khi tiếp nhận được công văn chỉ đạo của cấp trên, Ban giám hiệu và toàn thể giáo viên của trường lập tức phổ biến, triển khai và tư vấn cho các em học sinh lớp 12. Đồng thời, tăng cường công tác ôn tập để nâng cao chất lượng, đảm bảo về mặt kiến thức. Bên cạnh tập trung cho việc ôn tập, chúng tôi thành lập hội đồng kiểm tra hộ khẩu của học sinh dự thi tốt nghiệp để tránh tình trạng gian lận, ảnh hưởng đến chủ trương, chính sách của Nhà nước''.
Buổi học sáng đã kết thúc, nhưng 2 nữ sinh lớp 12A vẫn ngồi lại trong lớp để tranh thủ ôn tập. Em Lô Thị Thu Trà cho biết: "Biết tin mình thuộc diện được xét tuyển, em rất vui mừng. Em phải cố gắng ôn tập thật tốt để kỳ thi tốt nghiệp đạt điểm cao mới có cơ hội được xét tuyển vào Trường Đại học Y Thái Bình". Tương tự, em La Thị Thảo chia sẻ: "Em đăng ký xét tuyển vào Trường Đại học Vinh. Cả 3 năm học em đều đạt danh hiệu Học sinh tiên tiến, bây giờ phải cố gắng có được kết quả tốt nghiệp cao để hy vọng được trúng tuyển''.
Những ngày này, thầy và trò Trường THPT DTNT huyện Kỳ Sơn cũng đang tích cực và khẩn trương hoàn thành chương trình ôn tập, hoàn tất những thủ tục cần thiết để mùa thi tốt nghiệp và tuyển sinh vào đại học, cao đẳng có được kết quả tốt nhất. Con số thí sinh dự thi tốt nghiệp của trường trong năm học này là 439 em. Tuy nhiên, theo thầy Lê Đức Cát - Phó Hiệu trưởng nhà trường thì việc thực hiện chủ trương xét tuyển vào đại học, cao đẳng cho đối tượng học sinh của các huyện nghèo vẫn đang gặp những khó khăn, vướng mắc. Đó là công văn hướng dẫn thực hiện của Bộ và Sở vẫn chưa thật sự cụ thể, dẫn đến không tránh khỏi những lúng túng khi triển khai, hướng dẫn cho học sinh. Trong khi đó, đến nay nhiều trường đại học vẫn chưa công bố chỉ tiêu xét tuyển. Do đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần giao chỉ tiêu xét tuyển cụ thể cho từng trường và phổ biến công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục & Đào tạo, trách nhiệm của cấp sở phải gửi hồ sơ đăng ký tuyển thẳng kèm theo danh sách thí sinh cho các trường nơi thí sinh đăng ký tuyển thẳng trước ngày 30/6/2012. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, cũng xuất phát từ việc văn bản hướng dẫn thiếu tính cụ thể nên hiện nay mỗi trường đại học tiến hành việc xét tuyển một cách khác nhau. Trong đó, nhiều trường chưa công bố phương án xét tuyển đối với đối tượng học sinh tốt nghiệp ở tại các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/CP. Điều này khiến các em thuộc diện được xét tuyển hết sức lo lắng, thậm chí là thiếu thông tin nên không biết nên gửi hồ sơ đăng ký ở trường nào. Trong khi đó, lãnh đạo các trường lại lo lắng chất lượng đầu vào và vấn đề bổ sung kiến thức văn hóa trong vòng 1 năm cho các em học sinh thuộc diện xét tuyển.
Trao đổi với anh Nguyễn Mạnh Hà- Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp, Sở Giáo dục - Đào tạo, chúng tôi được biết, việc thực hiện chủ trương xét tuyển nói trên ở địa bàn tỉnh ta khá thuận lợi. Vì số lượng đối tượng được xét tuyển không nhiều nên công tác chỉ đạo luôn đảm bảo kịp thời. Lãnh đạo Sở xác định đây là một cơ hội lớn dành cho học sinh vùng đặc biệt khó khăn nên thường xuyên có sự quan tâm chỉ đạo, đôn đốc các trường thực hiện. Bên cạnh những thuận lợi, việc triển khai thực hiện chủ trương hiện cũng đang gặp những khó khăn nhất định. Văn bản hướng dẫn xét tuyển của các trường đại học chủ yếu đăng tải trên trang web và gửi đến cấp Sở, chưa đến được tận các trường nên các em học sinh vùng sâu, vùng xa vẫn còn thiếu thông tin về vấn đề này.
Theo quy định, thí sinh trúng tuyển phải học 1 năm bổ túc kiến thức văn hóa, trong khi đó nhiều trường không có các khoa cơ bản nên chưa thể tiếp nhận đối tượng thí sinh thuộc diện xét tuyển. Khi trúng tuyển, thí sinh phải tự túc về các khoản liên quan đến kinh phí học tập, không được hưởng chế độ ưu đãi nên các em sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong suốt khóa học. Do vậy, nhiều học sinh đang cân nhắc giữa phương án đăng ký xét tuyển và thi tuyển. Anh Nguyễn Mạnh Hà cho biết thêm: "Sở đã có công văn chỉ đạo các trường thuộc 3 huyện Tương Dương, Kỳ Sơn và Quế Phong nộp hồ sơ học sinh đăng ký xét tuyển trước ngày 20/6 để kịp thời nộp lên Bộ Giáo dục và Đào tạo trước ngày 25/6. Qua đây, chúng tôi có lời khuyên tới các em học sinh thuộc diện xét tuyển cần lựa chọn ngành nghề đúng với năng lực, sở trường và phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện kinh tế của gia đình để đảm bảo cơ hội được theo học tại các trường đại học''.
Tóm lại, ưu tiên xét tuyển vào đại học cho đối tượng học sinh của các huyện nghèo là một chủ trương thiết thực và mang tính nhân văn, tạo điều kiện cho con em những vùng này có thêm cơ hội được đến giảng đường đại học để tiếp nhận tinh hoa tri thức, góp phần đào tạo nguồn nhân lực, giúp quê hương xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, để đảm bảo tính khách quan, công bằng và minh bạch, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần kịp thời có sự chỉ đạo, hướng dẫn rõ ràng và cụ thể để tránh tình trạng lúng túng của các thí sinh cũng như các trường đại học như hiện nay. Đồng thời, cần có thêm chủ trương hỗ trợ cho đối tượng này trong quá trình học tập tại các trường đại học, cao đẳng.
Công Kiên