Thiếu lao động ở làng nghề Trung Kiên

01/04/2014 23:23

(Baonghean) - Là làng nghề có truyền thống hơn 700 năm tồn tại và phát triển, nhưng giờ đây, làng nghề đóng thuyền Trung Kiên (Nghi Thiết, Nghi Lộc) đang đứng trước khó khăn về nguồn lao động lành nghề...

Rất ít lao động trẻ chọn lập nghiệp ở làng nghề Trung Kiên dù thu nhập khá hấp dẫn.
Rất ít lao động trẻ chọn lập nghiệp ở làng nghề Trung Kiên dù thu nhập khá hấp dẫn.

Đã vào chính mùa đóng thuyền, nên thời điểm này, đi trên khắp các nẻo đường của làng Trung Kiên, đâu đâu cũng nghe tiếng khoan, tiếng đục, tiếng bào… tạo thành thứ thanh âm đặc sắc của làng nghề. Đang giữa giờ lao động, trên con đường dẫn vào làng tịnh không có bóng dáng người đàn ông, chỉ có những người phụ nữ tất tả chở cá, thịt, rau, củ… vào bán trong chợ cóc của làng. Hỏi thăm đường mãi mới tìm được đến nhà anh Trần Đăng Lữ - ông chủ trẻ của Tổ hợp đóng tàu thuyền Lữ Hiền. Bước chuyền từ mạn thuyền này sang mạn thuyền khác, anh Lữ rổn rảng cười nói: “Nhà thiếu thợ nên ông chủ phải ra tay thôi. Anh em vẫn nói đùa là một mình hưởng hai lương!” Nói đoạn, anh Lữ dẫn chúng tôi dạo quanh cơ sở sản xuất của mình, vừa giới thiệu các quy trình công phu làm ra một con tàu, vừa như phân trần khi thoáng thấy vẻ mặt bất ngờ của chúng tôi bởi số lượng nhân công trực tiếp đóng tàu thưa thớt: “Không phải chỉ ở cơ sở của tôi, mà thời điểm này, xưởng nào cũng gặp phải tình trạng thiếu lao động trầm trọng. Có khi cao điểm, phải nhờ vả các xưởng “hàng xóm” làm cho kịp đơn hàng”.

Anh Lữ “bật mí” thêm, mỗi chiếc tàu trung bình cần đến 10 lao động lành nghề đóng liên tục trong vòng 3 tháng. Năm 2013, tổ hợp của anh chỉ có 23 thợ mộc lành nghề, huy động thêm 4 nữ lao động phổ thông để làm các công việc phụ, “tính thêm cả ông chủ kiêm thợ nữa là tổng cộng 28 người. Năm 2013, tổ hợp nhận được nhiều đơn hàng nhưng chỉ hoàn thành được 7 con tàu. Dù tất cả lao động chính và phụ đã làm ròng rã cả ngày cả đêm, có lúc phải huy động cả thợ ngoài tổ hợp nữa, đến tận chiều 30 Tết mới hoàn tất chiếc tàu cuối cùng cho chủ tàu. Đơn hàng nhiều, anh em ai cũng phấn khởi, nhưng giá như có thêm lao động thì công việc nhanh hơn, thời gian của người lao động được đảm bảo hơn”.

Không chỉ có tổ hợp đóng tàu, thuyền Lữ Hiền, mà hầu hết các tổ hợp, cơ sở đóng tàu, thuyền của làng nghề Trung Kiên đều phải đối mặt với tình trạng này. Đặc biệt là từ năm 2009 đến nay, uy tín của nghề đóng thuyền truyền thống của làng lan xa, cùng lúc với các chính sách hỗ trợ vươn khơi xa của Đảng và Nhà nước dành cho ngư dân, thế nên đơn hàng ngày càng tăng lên, tỷ lệ nghịch với số lượng thợ cả lành nghề giảm xuống thấy rõ. Ông Nguyễn Gia In - Chủ nhiệm Làng nghề năm nay đã ngoại thất tuần. 11 năm gắn bó với cương vị đứng đầu làng nghề, ông bảo, chưa bao giờ thấy tình trạng thiếu lao động lại “đáng nguy” như thời điểm này. “Lương thợ cả trung bình là 300 ngàn đồng/ngày, thợ phụ khoảng 130 - 150 ngàn đồng/ngày. Cuối năm 2013, Hợp tác xã đã họp Ban chủ nhiệm và thống nhất với các chủ xưởng tăng lương trung bình mỗi người thêm 30 ngàn đồng, nghĩa là thợ cả đã “ăn lương” 330 ngàn đồng/người/ngày. Như vậy, thu nhập một tháng không phải là thấp, đủ đảm bảo chất lượng cuộc sống gia đình người thợ. Cùng với đó, mỗi người chủ xưởng lại có những cách ưu ái riêng để giữ chân thợ, nhưng nhìn chung vẫn nan giải lắm. Cứ ra Tết là lại thiếu lao động!”.

Hiện tại, tổng số lao động làng nghề Trung Kiên khoảng 250 người, trong khi nhu cầu thực tế cần hơn 400 lao động lành nghề. Nguyên nhân của tình trạng này được ông In giải thích là phần nhiều do tâm lý thích đi xa làm ăn của người làng. Con em làng Trung Kiên, từ tấm bé đã thấm đẫm chất thợ thuyền bản sắc, dù đi vùng biển nào cũng được chào đón bởi tay nghề điêu luyện, kỹ thuật đóng tàu tinh xảo. Đào tạo được một người thợ bậc 2 phải mất ít nhất 3 năm thực hành các chi tiết khó. Năm 2004, được sự ủng hộ của chính quyền địa phương, làng nghề Trung Kiên đã mở một lớp dạy nghề và nâng cao tay nghề ngắn hạn 3 tháng cho 100 học viên đều là nhân khẩu trong làng. Học hành bài bản, chứng chỉ được cấp đàng hoàng, cơ hội việc làm rộng mở, nhưng những người thợ làng vẫn cứ đi đến những vùng biển xa xôi khác. Mặt khác, có bộ phận theo đuổi con đường học vấn, rồi công tác trong các cơ quan, doanh nghiệp, không tiếp nối nghề thợ thuyền truyền thống của cha ông. Không loại trừ nguyên nhân, một số con em làng nghề đóng thuyền lại chuyển hướng theo nghiệp thợ mộc dân dụng. Muôn vàn lý do để dẫn đến thực tế thiếu lao động có nghề ngay trong chính làng nghề truyền thống.

Hướng giải quyết như thế nào trước thực trạng ấy là điều trăn trở bao năm nay của Ban Chủ nhiệm HTX, cũng là nghĩ suy của những người như ông Nguyễn Gia Tuệ - người thợ cả thuộc thế hệ “lão thành” của làng nghề. Thế hệ thứ tư trong gia đình thợ thuyền truyền thống ấy là em Nguyễn Gia Tặng đang tập những ngón nghề đầu tiên cho chặng đường đời thợ dài mà em quyết tâm theo đuổi. “Sinh ra, lớn lên ở làng, có nghề cha ông để lại thì mình tiếp nối thôi, em không nghĩ chi nhiều, không muốn đi mô xa. Ở làng, có tay nghề là có cuộc sống ổn định, khấm khá thôi!” – Tặng cười hồn nhiên. Đứng kế bên, ông Nguyễn Gia Tuệ góp chuyện: “Điều quan trọng nhất giờ đây, theo tôi, là phải tuyên truyền, động viên con em làng giữ lấy nghề truyền thống của làng. Đó vừa là kế sinh nhai bền vững, vừa là bản sắc văn hóa, nét riêng ít nơi nào có được. Giờ đây, nhiều nơi còn phải mang nghề về làng, còn mình, có sẵn tay nghề cao, lại không giữ được nghề thì buồn lắm!”.

Nỗi buồn của người thợ cả đau đáu với nghề truyền thống ông cha ấy, cũng là nỗi niềm của biết bao người dân làng Trung Kiên. Thiếu lao động lành nghề, đồng nghĩa với việc các chủ xưởng tàu ít nhiều phải lựa chọn, cân nhắc giữa những đơn hàng khắp nơi gửi về. Điều này vô hình trung cũng thu hẹp cơ hội mở rộng sản xuất, kinh doanh của làng nghề, trong khi không cần đi đâu xa, những người con của ngôi làng nhỏ dưới chân núi Rồng ấy, vẫn có thể lập nghiệp vững vàng bằng chính nghề đóng tàu, thuyền truyền thống, như một món quà tặng truyền đời của ông cha.

Phương Chi

Mới nhất
x
Thiếu lao động ở làng nghề Trung Kiên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO