Thiếu nước sạch - vấn đề cấp bách của người dân vùng lũ miền Tây Nghệ An
Sau những ngày mưa lũ dữ dội tràn qua các xã miền Tây Nghệ An, cuộc sống của hàng ngàn hộ dân chưa thể trở lại bình thường. Khi nước lũ rút đi, thay vì được thở phào nhẹ nhõm, người dân ở các vùng rốn lũ lại tiếp tục đối mặt với một thách thức mới: Thiếu nước sạch nghiêm trọng ở nhiều bản làng.
Những ngày cuối tháng 7, tại các xã: Tương Dương, Tam Quang, Nhôn Mai, Mỹ Lý, Mường Típ..., mưa lũ đã để lại hậu quả nặng nề. Nhiều ngôi nhà bị ngập trong bùn, đất, tài sản bị cuốn trôi, hệ thống đường sá sạt lở nghiêm trọng. Trong đó, thiếu nước sinh hoạt đang là vấn đề bức thiết nhất, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân.
.jpg)
Tại bản Mác, xã Tương Dương, ông Lương Văn Kiêm chia sẻ: “Gia đình tôi trở về sau lũ thì tất cả vật dụng đều phủ đầy bùn, đất. Khó khăn lớn nhất lúc này không phải là thực phẩm mà là nước sinh hoạt. Không có nước để tắm giặt, lau dọn, cuộc sống hoàn toàn bị đảo lộn. Các công trình cấp nước của bản bị vùi lấp, đường ống hư hỏng hết cả. Chúng tôi chỉ mong chính quyền sớm khắc phục để có nước sử dụng”.

Thực tế cho thấy, phần lớn hộ dân ở bản Mác rơi vào tình trạng không có nước sinh hoạt. Dù các vật dụng hư hỏng đã được chuyển ra khỏi nhà, nhưng thiếu nước khiến họ không thể dọn dẹp sạch sẽ.

Bà Lương Thị Hiên - Trưởng phòng Kinh tế xã Tương Dương cho biết, hiện ở bản Lau, bản Nhẵn và một phần bản Mác, với hơn 100 hộ dân đang thiếu nước nghiêm trọng. Các công trình nước tự chảy bị hư hỏng nặng. Địa phương đang cố gắng khắc phục, nhưng lực nước yếu và chưa có hóa chất xử lý như phèn để hỗ trợ bà con.

Không chỉ riêng xã Tương Dương, tại nhiều khu dân cư ven khe, suối ở xã Con Cuông, tình trạng tương tự cũng đang diễn ra. Hệ thống nước máy chưa thể khôi phục, trong khi các bể chứa và giếng nước cá nhân bị hư hỏng nặng. Nước sinh hoạt trở thành “tài sản quý” mà nhiều hộ dân phải đi xin từng can từ những nguồn tạm bợ, tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh.

Ghi nhận thực tế tại nhiều điểm vùng lũ cho thấy, bùn, đất và nước tù đọng thành từng vũng lớn, pha lẫn rác rưởi và đồ dùng sinh hoạt trôi dạt. Đây là môi trường khiến cho vi khuẩn, mầm bệnh dễ phát triển. Thiếu nước khiến việc dọn dẹp, khử trùng, vệ sinh môi trường bị đình trệ. Đặc biệt, tại những nơi tập trung đông người như chợ Hòa Bình (xã Tương Dương), tình trạng này càng nghiêm trọng hơn.

Theo thống kê ban đầu từ Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An, có hàng ngàn hộ dân trong tỉnh đang thiếu nước sinh hoạt. Nhiều trường học, trạm y tế tê liệt do không có nước để duy trì hoạt động.
Quan sát của chúng tôi cho thấy, hiện nay, các đơn vị cung cấp nước sạch đang vận chuyển liên tục các xe nước, bồn nước đến các khu dân cư. Theo đó, bà con sử dụng các loại dụng cụ có thể đựng được nước, đến xách về nhà sử dụng. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp trước mắt, nhằm giải quyết vấn đề nước ăn uống.

Trong khi chờ đợi các giải pháp dài hạn, nhiều tổ chức thiện nguyện, Hội Chữ thập đỏ, Đoàn thanh niên các địa phương đã kịp thời triển khai hỗ trợ nước sạch, mang đến hàng nghìn thùng nước tinh khiết cho bà con vùng lũ. Tuy nhiên, do điều kiện giao thông còn chia cắt ở nhiều nơi nên việc tiếp cận và hỗ trợ vẫn gặp nhiều khó khăn, nguồn lực cứu trợ vẫn còn rất hạn chế.

Bài toán nước sinh hoạt sau lũ đang trở thành thách thức lớn đối với các địa phương miền Tây Nghệ An.