Thiếu quyết liệt trong xử lý, xe 'dù' lộng hành

28/11/2017 14:41

(Baonghean) - Tình trạng xe “dù”, xe mang phù hiệu hợp đồng nhưng bắt khách đang có chiều hướng gia tăng và ngày càng phức tạp, gây bức xúc cho nhiều đơn vị kinh doanh vận tải chân chính. Mặc dù các cơ quan chức năng đã kiểm tra, xử lý nhưng thực tế vẫn chưa có giải pháp đạt hiệu quả.

Xe “dù” ngày càng lộng hành

Sáng 9/11, tại Bến xe Quế Phong, 19/47 xe khách tuyến cố định tạm ngừng hoạt động và tập trung lại phản đối các xe “dù” tham gia kinh doanh vận tải khách trái quy định. Nguyên nhân là các xe tuyến cố định phản ứng vì cho rằng thời gian qua, các xe cá nhân, gia đình chạy bắt giành khách với xe cố định, ảnh hưởng đến nguồn thu.

Chủ nhà xe T.H - có thâm niên chạy gần 10 năm ở Bến xe Quế Phong bức xúc nói: “Chúng tôi đầu tư mua xe, đăng ký tuyến bến cố định và nộp thuế cho Nhà nước mỗi tháng mất gần 5 triệu đồng. Trong khi đó, các xe “dù” ngang nhiên hoạt động đưa đón khách mà không phải nộp bất cứ khoản phí nào”.

Nhà xe Anh Thắng ngang nhiên đón khách tại TP. Vinh dù mang phù hiệu xe hợp đồng. Ảnh: P.V
Nhà xe Anh Thắng ngang nhiên đón khách tại TP. Vinh dù mang phù hiệu xe hợp đồng. Ảnh: P.V

Trước tình trạng trên, Phòng Kinh tế - Hạ tầng, UBND huyện Quế Phong phối hợp cùng Đội Thanh tra giao thông số 4, Sở GTVT và BQL Bến xe Quế Phong đến giải quyết sự việc.

Ông Hoàng Xuân Cương - Đội trưởng Đội Thanh tra giao thông số 4 cho hay, các xe “dù” mà các nhà xe cố định phản ánh chủ yếu là những xe hộ gia đình từ 7-9 chỗ ngồi, chủ yếu làm dịch vụ đưa đón khách tại nhà.

Tại buổi làm việc với đại diện chủ nhà xe, các cơ quan chức năng đã tiếp nhận ý kiến phản ánh nhà xe cố định, đồng thời hướng dẫn các doanh nghiệp này làm đơn kiến nghị để có căn cứ kiểm tra, xử lý xe “dù”.

Thực tế, việc các đơn vị kinh doanh vận tải bức xúc trước tình trạng xe “dù”, xe hợp đồng trá hình xảy ra nhiều năm nay nhưng việc các nhà xe đồng loạt tạm ngưng hoạt động để phản đối là chuyện chưa từng xảy ra. Theo các nhà xe, mặc dù ở Quế Phong chỉ có khoảng 4-5 chiếc xe “dù” dưới 9 chỗ nhưng các xe này hoạt động ngang nhiên, tranh giành khách của các xe chạy tuyến cố định nên các nhà xe rất bức xúc.

Ông Trần Văn Nam - Trưởng Bến xe Quế Phong cho biết: “Hầu hết các chủ xe “dù” trước đây đều đã chạy xe tuyến cố định, nay họ bán xe và mua lại các xe ô tô dưới 9 chỗ để hoạt động như xe khách. Vì đã có khách quen nên chỉ cần khách gọi điện thoại, họ sẽ cho xe vào các ngõ ngách đến đón tận nhà. Mặc dù giá vé cao hơn khoảng 20 ngàn đồng (tuyến Quế Phong - TP. Vinh) khi đi xe tuyến cố định nhưng được phục vụ tận tình nên hành khách rất thích”.

Không chỉ có xe tuyến cố định, nhiều hãng xe buýt đã gửi công văn lên các cơ quan chức năng kiến nghị có biện pháp giải quyết tình trạng xe “dù”. Đại diện Công ty TM&DV Đông Bắc cho biết, vào đầu tháng 11/2017, đơn vị cùng với các doanh nghiệp hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đã gửi công văn lên Công an tỉnh.

Theo đó, các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn, thua lỗ kéo dài, thậm chí một số đơn vị phá sản, bị ngân hàng thu tài sản xiết nợ. Nguyên nhân là do bị cạnh tranh không lành mạnh bởi các xe “dù”, xe cóc, xe hợp đồng trá hình.

Đặc biệt, thời gian gần đây xuất hiện hàng trăm xe loại 7-9 chỗ, xe 12-16 chỗ, đều không có logo, không có đăng ký kinh doanh, không có giấy phép kinh doanh vận tải, không có bến bãi, không đăng ký kê khai, nộp thuế cho Nhà nước.

Các xe này ngang nhiên dừng tại các điểm đón xe buýt, tranh giành, chèo kéo khách gây ra tình trạng mất ANTT, ATGT nhưng không bị kiểm tra và xử lý nên ngày càng hoạt động công khai.

Nhà xe Anh Thắng ngang nhiên đón khách tại TP. Vinh dù mang phù hiệu hợp đồng. Ảnh: Nguyên Hưng
Nhà xe Anh Thắng ngang nhiên đón khách tại TP. Vinh dù mang phù hiệu hợp đồng. Ảnh: Nguyên Hưng

Ông Nguyễn Đình Lâm - Trưởng phòng Kế hoạch - Vận tải Công ty CP Bến xe Vinh cho biết, thời gian gần đây, số lượng xe dùng phù hiệu hợp đồng chạy tuyến cố định, xe bỏ bến ngày càng nhiều. “Bản chất xe bỏ bến là xe dù, xe có phù hiệu hợp đồng nhưng tham gia đón khách cả tháng trời, chạy như xe tuyến cố định cũng là xe dù” - ông Lâm cho biết.

Xử lý có khó?

Theo Thanh tra giao thông, việc phát hiện, kiểm tra và xử lý các xe này không dễ. “Lực lượng Thanh tra giao thông thì mỏng, trong khi xe dù hoạt động len lỏi trên nhiều tuyến đường, không có giờ giấc cụ thể. Nhiều xe chúng tôi biết đó là xe dù, bắt khách trái quy định nhưng để có chứng cứ xử phạt thì không đơn giản”, ông Nguyễn Huy Chương - Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT cho biết.

Ông Chương cũng cho biết trong tháng 11/2017, Thanh tra Sở GTVT đã xử phạt 12 trường hợp xe 7-9 chỗ, không có giấy đăng ký hoạt động kinh doanh nhưng lại bắt khách trái quy định. Theo đó, mức xử phạt cho lỗi này là 8,5 triệu đồng nhưng nếu tái phạm lần 2 thì sẽ áp dụng mức xử phạt cao nhất là 10 triệu đồng và giữ xe.

Tuy nhiên, đến nay việc xử lý xe dù, xe hợp đồng trá hình mới chỉ thực hiện được ở địa bàn TP. Vinh, còn ở các địa phương khác thì chưa xử lý được.

Theo tổng hợp của Công ty CP Bến xe Vinh và Công ty TM&DV Đông Bắc, hiện nay, số lượng xe “dù”, xe hợp đồng trá hình, xe bỏ bến chạy trên tất cả các tuyến đường khoảng trên 160 phương tiện, trong đó lượng xe “dù” từ 7-9 chỗ chiếm khoảng gần 100 phương tiện. Có 3 tuyến có số lượng xe dù hoạt động nhiều là TX Hoàng Mai - TP. Vinh (40 xe); Đô Lương - TP. Vinh (30 xe); Thái Hòa - TP. Vinh (hơn 10 xe). Đối với các xe phù hiệu hợp đồng chạy tuyến cố định, xe bỏ bến chủ yếu chạy tuyến Quế Phong, Qùy Hợp - TP. Vinh, ví như: Hợp tác xã DV VT&TM Miền Tây, HTX VT&TM Vân Kỳ, HTX DV&VT Hòa Quang, Công ty TNHH VTHK Vinh Chung, Công ty TNHH TM&DL Anh Thắng…

Đánh giá việc xử lý tình trạng xe “dù”, xe hợp đồng trá hình, xe bỏ bến trong thời gian qua là “chưa quyết liệt”, ông Nguyễn Đình Lâm - Trưởng phòng Kế hoạch - Vận tải Công ty CP Bến xe Vinh cho rằng, cần phải tăng cường lực lượng để kiểm tra và xử lý nghiêm những doanh nghiệp vận tải có xe vi phạm, cương quyết thu hồi phù hiệu những xe vi phạm và tuyệt đối không cấp mới phù hiệu hợp đồng cho những doanh nghiệp có xe vi phạm nói trên. Đặc biệt, cần xử lý nghiêm đối với những đơn vị vận tải có nhiều xe vi phạm, kéo dài, hệ thống.

Được biết, sau sự việc hàng loạt xe tuyến cố định ở Quế Phong phản ứng, Sở Giao thông Vận tải Nghệ An đã có công văn đề nghị chỉ đạo xử lý xe ô tô dưới 9 chỗ tham gia vận tải khách trái quy định.

Theo đó, Sở GTVT đề nghị UBND các huyện, thành, thị thống kê, rà soát và lập danh sách cá nhân, gia đình trên địa bàn có dấu hiệu sử dụng xe ô tô dưới 9 chỗ tham gia hoạt động kinh doanh vận tải khách trái quy định (xe dù).

Sau khi có danh sách, gửi thông báo đến chủ xe yêu cầu chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh vận tải khách bằng xe ô tô. Tuy nhiên, đến thời điểm này, các huyện chưa có báo cáo gửi về cho Sở GTVT.

Và theo như lãnh đạo Thanh tra giao thông (Sở GTVT) thì trách nhiệm trong việc xử lý tình trạng xe dù, xe hợp đồng trá hình có vai trò của chính quyền địa phương. Nếu địa phương xác nhận không có xe dù nhưng lực lượng chức năng phát hiện được thì địa phương phải chịu trách nhiệm.

Nguyên Hưng

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Thiếu quyết liệt trong xử lý, xe 'dù' lộng hành
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO