Thiếu tướng Bùi Đức Tùng và những kỷ niệm chiến trường

26/04/2013 14:43

Trải 30 năm trận mạc, gần 50 năm sống cuộc đời quân ngũ, đã bước vào tuổi 86, Thiếu tướng Bùi Đức Tùng vẫn còn rắn rỏi, bước đi vẫn còn mạnh mẽ. Con người từng vào sinh ra tử khắp các chiến trường ấy rất đỗi tự hào vì cuộc đời mình được chứng kiến những giờ phút huy hoàng của lịch sử...

(Baonghean) Trải 30 năm trận mạc, gần 50 năm sống cuộc đời quân ngũ, đã bước vào tuổi 86, Thiếu tướng Bùi Đức Tùng vẫn còn rắn rỏi, bước đi vẫn còn mạnh mẽ. Con người từng vào sinh ra tử khắp các chiến trường ấy rất đỗi tự hào vì cuộc đời mình được chứng kiến những giờ phút huy hoàng của lịch sử...

Ngôi nhà của gia đình Tướng Bùi Đức Tùng nằm giữa xóm 24, xã Nghi Phú (Thành phố Vinh). Trong khuôn viên có ao cá và được trồng nhiều loài cây thôn dã: ngô, khoai, bưởi, xoài, chuối... Có lẽ, do suốt đời xa quê nên ông muốn đưa các loài cây ấy về phố thị để trồng trong vườn nhằm nguôi ngoai nỗi nhớ. Mỗi khi nỗi buồn chợt đến, ông lại thơ thẩn ra ngắm vườn cây, ao cá, những kỷ niệm tuổi thơ, kỷ niệm quê hương lại hiện về để sưởi ấm tâm hồn, giúp ông thanh thản giữa cuộc sống đời thường với bao điều bề bộn. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng sinh năm 1928, quê ở làng Lạng Thạch (nay là xã Thạch Sơn- Anh Sơn).

Trong ký ức của ông, đó là một vùng quê đói nghèo và gian khổ, cuộc sống quanh năm lam lũ nhưng vẫn thiếu cái ăn, suốt ngày lại bị bọn cường hào, lý trưởng hoạnh họe. Năm 1945, chàng thanh niên 17 tuổi Bùi Đức Tùng đã được giác ngộ cách mạng và sớm được bố trí vào Đội tự vệ làng Lạng Thạch, từng tham gia tiến công địch ở đồn Kim Nhan và bao vây phủ đường Anh Sơn. Sau phút trầm tư, ông kể về những giờ phút hào hùng của gần 68 năm về trước: “Lúc bấy giờ đồn Kim Nhan tập trung rất đông lính Nhật nên Phủ uỷ Việt Minh Anh Sơn trực tiếp chỉ đạo việc đánh chiếm để vô hiệu hoá, làm lung lay tinh thần của bọn hào lý quanh vùng. Theo kế hoạch, đêm 22/8/1945, trong tiếng trống, mõ và thanh la, Đội tự vệ Lãng Điền chúng tôi phối hợp với các đội khác chia thành 4 hướng tiến vào đồn địch. Không ai bảo ai, tất cả cùng thẳng tiến, tay cầm giáo mác nhất tề xông lên. Trước khí thế chiến đấu của lực lượng tự vệ cách mạng, cai và lính đồn Kim Nhan thật sự hoảng loạn, phải hạ vũ khí đầu hàng. Cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trên cổng đồn báo hiệu căn cứ quân sự lớn nhất của địch ở Anh Sơn đã nằm trong tay cách mạng. Sáng hôm sau, hàng vạn quần chúng kéo về phủ đường để chứng kiến giờ phút huy hoàng của lịch sử. Tại đây, chính quyền cách mạng lâm thời chính thức ra mắt nhân dân, xoá bỏ vĩnh viễn của chế độ thực dân - phong kiến. Niềm vui vỡ oà, tất cả hoà chung niềm phấn khởi bởi đã trở thành công dân của một nước tự do, độc lập...”.

Cách mạng thành công, người đội viên Đội tự vệ ấy được điều động về Tiểu đoàn cảnh vệ có nhiệm vụ bảo vệ cơ quan đầu não của tỉnh Nghệ An. Sau đó, người lính trẻ lại được điều động ra công tác, chiến đấu tại Liên khu 10 (sau đổi thành Quân khu Việt Bắc). Từ đây, Bùi Đức Tùng rời xa người vợ trẻ vừa mới cưới, rời xa gia đình, quê hương để bước vào trận mạc.

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, người lính trẻ Bùi Đức Tùng có mặt ở hầu hết các chiến dịch quan trọng, từ Chiến dịch Việt Bắc, đến Chiến dịch Biên Giới, Thượng Lào Tây Bắc và cuối cùng là Chiến dịch Điện Biên Phủ. Tại chiến dịch “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, đơn vị của Bùi Đức Tùng có mặt ngay từ những ngày đầu, khi kéo pháo vượt hàng trăm đèo dốc cheo leo để vào trận địa đến ngày lá cờ quyết thắng tung bay trên nóc hầm Đờ-cát-tơ-ri. Trong 56 ngày đêm ấy, ông cùng đồng đội đã thực sự sống những ngày tháng đầy gian khổ và hy sinh. Lúc ấy, Bùi Đức Tùng là cán bộ cấp trung đội. Đơn vị ông lúc đầu được giao đánh chiếm cứ điểm đồi Độc Lập, khi nhiệm vụ này hoàn thành xuất sắc lại được giao tiếp tục đào hào bao vây sân bay Mường Thanh.

Người lính năm xưa chia sẻ: “Đã gần 60 năm trôi qua, tôi chưa bao giờ quên giây phút chiến thắng. Từ trong hầm tối, lấm lem bùn đất, những người lính ào ào tiến lên dưới ánh nắng mặt trời sáng chói. Tất cả cùng hò reo làm vang vọng cả đất trời, mặc cho khói bom vẫn còn nghi ngút. Nhà thơ Nguyễn Đình Thi rất tài tình khi phác họa hình ảnh: Nước Việt Nam từ trong máu lửa/ Rũ bùn đứng dậy sáng lòa”.

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, Mỹ tìm cách thế chân pháp ở chiến trường miền Nam, dựng lên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm và thực hiện dã tâm chia cắt lâu dài đất nước Việt Nam. Ngay từ năm 1963, đơn vị của Bùi Đức Tùng được lệnh bí mật hành quân vào chiến đấu và mở rộng vùng kiểm soát ở chiến trường khu V và Tây Nguyên. Tại đây, ông đã tham gia hàng trăm trận chiến đấu lớn nhỏ với bọn Mỹ- Ngụy và không ít lần đứng ở ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết, nói như cách của ông là “Sống chết cách nhau chỉ một tích tắc bóp cò, ai nhanh hơn thì người ấy sống”. Quãng thời gian này, ông không thể quên được 2 trận đánh ác liệt, góp phần tạo bước ngoặt về mặt chiến thuật trong cuộc đối đầu với bọn lính Mỹ - Ngụy được trang bị “tận răng” với hỏa lực mạnh, đó là trận Ba Gia và trận Vạn Tường (Quảng Ngãi).



Đại tướng Võ Nguyên Giáp thân mật động viên đồng chí Bùi Đức Tùng - Chính ủy Sư đoàn 2 (Quân khu V).

Ông kể: “Ở trận Ba Gia, đơn vị chúng tôi được phân công nhiệm vụ phục kích Trung đoàn 51 của Ngụy tại khu vực Núi Tròn, đánh bật địch ra phía đồng ruộng và quần nhau với chúng trên từng thửa ruộng. Thấy quân ta bừng bừng khí thế, địch chùn bước và bị tiêu diệt, bắt sống rất nhiều. Các loại vũ khí, xe quân sự của địch cũng bị ta phá hủy và thu giữ”.

Sau đó, trung đoàn của ông tiếp tục nhận được lệnh phục kích một chiến đoàn (gồm 3 tiểu đoàn) đến cứu viện và chiếm giữ đồn Gò Cao. Khi chiến đoàn của địch lọt vào đội hình phục kích, ông cùng đồng đội xung phong ra đánh phá, chia cắt đội hình địch, không cho chúng hợp nhất. “Chúng tôi đẩy địch xuống gần bờ sông và giành nhau với chúng từng đoạn giao thông hào. Địch cho máy bay đến yểm trợ, không hiệu quả, vì bị ta bắn trả quyết liệt. Buổi chiều ngày 30/5/1965, đơn vị chúng tôi gần như diệt gọn 1 tiểu đoàn thủy quân lục chiến của Ngụy. Rạng sáng hôm sau, quân ta từ các hướng đồng loạt tập kích núi Chóp Nón và dứt điểm toàn bộ số quân địch còn lại ở đây”- ông Tùng kể đầy hào hứng. Và điều đáng tự hào hơn, sau chiến thắng ở trận Ba Gia, trung đoàn của ông được đổi tên thành Trung đoàn Ba Gia, và ông là một cán bộ chỉ huy của Trung đoàn.

Giữa tháng 8/1965, Trung đoàn Ba Gia hành quân xuống vùng ven biển để xây dựng cơ sở và làm quen với điều kiện địa hình. Phát hiện sự có mặt của bộ đội giải phóng, bọn tướng tá Mỹ quyết định thực hiện cuộc hành quân “Ánh sáng sao”, huy động quân lực từ các hướng đến bao vây, tiêu diệt. Ngày 17/8/1965, ngư dân Quảng Ngãi ra khơi thấy tàu chiến Mỹ đi lại rầm rộ. Nhận thấy sự bất thường này, các ngư dân trở về báo cáo tình hình. Sau khi phân tích và đoán định ý đồ của địch, Trung đoàn Ba Gia lập tức lên kế hoạch và triển khai đội hình sẵn sàng chiến đấu.

Đúng như dự đoán, sáng hôm sau, máy bay của thủy quân lục chiến Mỹ ồ ạt xuất kích, ném đủ các loại bom xuống ấp Vạn Tường. Rồi pháo hạm từ ngoài biển cũng bắn vào ồ ạt, xe tăng gầm rú, máy bay trực thăng đổ bộ náo loạn. Địch hòng dùng quân số đông, hỏa lực mạnh để áp đảo Trung đoàn Ba Gia. “Hỏa lực của địch rất mạnh, vũ khí rất hiện đại, lại phối hợp nhiều binh chủng nhưng chúng tôi đã chủ động triển khai phương án tác chiến nên không bị tổn thất nhiều. Bằng súng không giật, B40 và lựu đạn phóng AT, chúng tôi đã bắn cháy 4 chiếc xe tăng của địch ngay trong loạt đạn đầu...”- Thiếu tướng Bùi Đức Tùng nhớ lại. Sau 2 ngày chiến đấu ác liệt, Trung đoàn Ba Gia đã rút ra được khỏi vòng vây của địch khá an toàn.

Sau chiến thắng Vạn Tường, bước chân của Thiếu tường Bùi Đức Tùng lại tiếp tục hành quân khắp các chiến trường. Sư đoàn 2 - Quân khu V thành lập, ông được cử làm cán bộ cấp sư đoàn. Trong cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân (1968), đơn vị ông được lệnh trực tiếp tiến vào đánh chiếm Đà Nẵng. Rồi những năm sau đó, ông hành quân cùng đơn vị ra chiến đấu ở Đường 9 Nam Lào (1971), sang cao nguyên Bô Lô Ven (Lào) để hỗ trợ nước bạn (1972). Mùa Xuân năm 1975, trong chiến dịch Huế - Đà Nẵng, Sư đoàn 2 của ông được giao nhiệm vụ đánh chiếm 2 cứ điểm Tiên Phước và Phước Lâm (Quảng Nam), tiến tới giải phóng Tam Kỳ và tiêu diệt toàn bộ lực lượng của Ngụy chốt chặn ở các khu vực này.

Trên đà thắng lợi, Sư đoàn 2 được lệnh tiến ra giải phóng Đà Nẵng. Tại đây, Sư đoàn 2 chủ động phối hợp với các đơn vị chủ lực và dân quân du kích tiến công địch từ mọi hướng, bọn địch hoảng loạn và rút chạy lên hàng chục chiếc tàu đang chờ sẵn ngoài cảng biển. “Nhìn cảnh địch hỗn loạn, giẫm đạp lên nhau để chạy thoát ở Đà Nẵng chiều ngày 29/3/1975, chúng tôi tin rằng ngày chiến thắng, giải phóng miền Nam không còn xa nữa”- ông Tùng chia sẻ. Là Chính ủy Sư đoàn, ông được giao nhiệm vụ ở lại Đà Nẵng làm công tác quân quản.

Trưa ngày 30/4 năm ấy, khi hay tin các mũi tấn công của ta đã tiến vào giải phóng Sài Gòn, miền Nam được hoàn toàn giải phóng, ông cùng các đồng đội mừng vui khôn xiết. Thiếu tướng Tùng bùi ngùi, xúc động khi hồi tưởng lại 38 về trước: “Sau giây phút reo hò, chúng tôi ôm chầm lấy nhau, rồi khóc. Khóc vì sung sướng, hạnh phúc, khóc vì nhớ tới bao đồng đội đã ngã xuống để có được ngày vui...”. Rồi ông cùng mọi người hòa vào dòng người từ khắp các hướng đổ về Thành phố Đà Nẵng tiếp tục reo vui mừng ngày chiến thắng.

Tính đến năm 1975, Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đã trọn 30 năm cầm súng. Sau đó, ông được chuyển công tác về Bộ Tư lệnh Quân khu IV, rồi Chỉ huy trưởng BCH Quân sự tỉnh Nghệ An, là đại biểu Quốc hội khóa 8 (1987-1992). Năm 1995 ông nghỉ hưu, sau đó lại được bầu làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Nghệ An. Phải đến năm 2002, ở tuổi 74, ông mới chính thức trở về với gia đình. Gần 50 năm theo nghiệp nhà binh, Thiếu tướng Bùi Đức Tùng có quá nhiều kỷ niệm, đặc biệt là sự gian khổ, hy sinh cũng như tình đồng chí, đồng đội đã từng “chia nhau cuộc đời, chia nhau cái chết”. Nhưng ông không thể quên được một ngày vào năm 1971, sau chiến dịch Đường 9 Nam Lào, có 2 tân binh người cùng làng đã tìm gặp và thông báo với ông rằng vợ ông ở nhà đã mất vì bệnh tim. Lấy nhau 26 năm, có với nhau một người con gái, chỉ được gặp nhau đúng 3 lần. Vì thế, ông thực sự choáng váng trước tin “sét đánh” ấy. Nhưng tình hình chiến trường diễn biến khẩn cấp, ông phải nén nỗi đau thương để tiếp tục hành quân cùng sư đoàn sang Bô Lô Ven (Lào) chiến đấu. Người vợ hiện tại đang chung sống với ông cũng là người cùng làng, từng có chồng là liệt sỹ và có 1 người con gái nhỏ. Bà sinh thêm cho ông được 4 người con (2 trai, 2 gái), vậy là ông bà có tới 6 người con (nay có 13 cháu nội ngoại).

Gia đình ông có 3 anh em trai đều tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam, và cả 3 đều trở về an toàn. Từ chiến trường trở về, bố mẹ già vẫn song toàn, ông được phụng dưỡng bố mẹ lúc già yếu. Và thêm điều này nữa, ông có được người vợ thứ 2 cũng rất đảm đang, tháo vát đã nuôi dạy các con nên người.

Ở độ tuổi 86, Thiếu tướng Bùi Đức Tùng vẫn dành thời gian để ghi lại kế hoạch tác chiến, diễn biến và những kinh nghiệm rút ra sau mỗi trận đánh tiêu biểu để gửi về đơn vị cũ như một hoài niệm. Ông chia sẻ: “Những tư liệu sống ấy sẽ được bổ sung vào kho tư liệu truyền thống của đơn vị để bồi dưỡng niềm tự hào và giáo dục tinh thần, ý chí chiến đấu cho thế hệ trẻ. Hơn nữa, đó là những bài học rút ra từ thực tiễn chiến đấu, là kinh nghiệm xương máu nên thế hệ sau cần được thấm nhuần để chủ động đối phó trước mọi tình huống”.


Công Kiên

Mới nhất
x
Thiếu tướng Bùi Đức Tùng và những kỷ niệm chiến trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO