Thọ Hợp (Quỳ Hợp): Nỗi lo sông "nuốt" bản

04/06/2014 15:16

(Baonghean) - Dòng sông Dinh đi qua xóm Sơn Tiến, cắt xóm thành hai phần gồm bản Sợi phía tả ngạn và bản Dũa phía hữu ngạn, hai bản này được nối với nhau bằng cây cầu tre lắt lẻo, chỉ đủ một người đi bộ dắt xe máy qua. Điều đáng lo ngại là bản Dũa đang hàng ngày phải đối mặt với tình trạng bị nước sông bào mòn.

Sông “nuốt” bản

Gặp chúng tôi ở đầu bản, già làng Trương Văn Miên, người có trên 60 năm gắn bó với bản Dũa (xóm Sơn Tiến, xã Thọ Hợp, Quỳ Hợp) đã ví von chua chát: “Bản Dũa trước đây tròn đầy như hình trăng rằm, nay nước sông Dinh bào vẹt, mòn như trăng khuyết. Nhìn cảnh nước sông ngoạm sâu vào bản ngày càng nhiều mà lo”.

Đoạn sạt lở sông Dinh qua bản Dũa.
Đoạn sạt lở sông Dinh qua bản Dũa.

Đến xóm Sơn Tiến, cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là ở đây có sự phân định rất rõ giữa bên lở với bên bồi. Đứng từ bản Sợi – bên bồi, nhìn sang toàn cảnh bản Dũa – bên lở, đang bị bào mòn lở lói mà không khỏi ái ngại. Dòng sông Dinh khoét sâu vào bản Dũa thành một hình vòng cung lõm sâu. Do bản Dũa nằm ở khúc cua của dòng sông, nền đất bản Dũa lại hình thành chủ yếu từ đất cát, phù sa tơi xốp, nên chỉ cần đất ngập nước là sạt lở nhanh. Khi mưa lũ lớn, dòng nước hung dữ ngoạm sâu vào thành các hang hốc. Vì thế, 57 hộ dân, gần 270 con người của bản Dũa ngày đêm không khỏi lo ngại, nhất là có 6 hộ dân sát mép sông đang thuộc diện cần phải di dời.

Anh Trương Văn Thiêm, Trưởng bản Dũa cho biết: Khoảng 3 - 4 năm nay, mỗi năm sông “ăn” đất thổ cư của dân bản vào sâu khoảng 7 - 8 mét, kéo dài trên khúc cua khoảng 300 mét, như vậy mỗi năm bản Dũa bị nước “dũa” mòn mất khoảng 2.250m2 đất ở. Chỉ tính từ năm 2009 đến nay, sông Dinh đoạn qua xóm Sơn Tiến đã chuyển dòng, lấn sâu vào đất thổ cư của dân bản khoảng 35 - 40 mét”. Già Trương Văn Miên – là một chủ hộ ven sông phải di dời năm 2012 tâm sự: “Cực chẳng đã mới phải di dời thôi. Bao nhiêu công sức dành dụm làm nhà cửa, khi di dời chỉ đem theo được một số dụng cụ. Nhà dân vùng này chủ yếu xây bằng đá, gạch, bốc dỡ xuống có sử dụng được bao nhiêu đâu. Di dời coi như phải bỏ lại tất cả, làm lại từ đầu... Năm đó, nước lũ tràn về, đất sụt lở nhanh cả nhà chỉ kịp “bỏ của chạy lấy người”. May mắn không bị nước cuốn trôi. Dù rất khó khăn nhưng cứ nghĩ trận chết hụt đó, năm 2012 gia đình tôi đã quyết định di dời đến nơi ở mới”.

Ông Nguyễn Văn Trung – Chủ tịch UBND xã Thọ Hợp cho biết: Những ngày mưa lũ lớn, bản Dũa bị nước sông Dinh chia cắt, cô lập với trung tâm xã và huyện nằm ở phía tả ngạn. Học sinh trung học phổ thông phải đạp xe vòng xuống phía cầu ở mạn dưới vòng lên với quãng đường đến trường khoảng 15-17 km. Gia đình nào có con học trường phổ thông cơ sở, tiểu học thì phải gửi con lại bên kia sông để tiện đi học. Còn các cháu lứa tuổi mầm non thì phải có người ở nhà trông vì không thể gửi ai mà cũng không thể đưa đi đón về với quãng đường vòng hàng chục km từng buổi học.

Theo Trưởng bản Trương Văn Thiêm, các hộ dân bản Dũa đều không có đất canh tác lúa. Sản xuất kinh tế chủ yếu là chăn nuôi và trồng hoa màu, mía, ngô, đậu, lạc. Vì thế đời sống hàng ngày của người dân bản Dũa phụ thuộc rất lớn vào các hoạt động giao thương, mua bán với bên ngoài. Những ngày nắng, người dân đi qua sông Dinh bằng cây cầu tre nhỏ đã rất khó khăn, về mùa mưa lũ nước ngập cầu, việc đi lại rất nguy hiểm.

Cần sớm khắc phục

Để ngăn chặn tình trạng sạt lở và những hiểm họa ập đến do sạt lở gây ra, hàng năm xóm Sơn Tiến đều huy động người dân bản Sợi, bản Dũa góp cọc tre, công sức để tự làm kè. Theo Trưởng bản Trương Văn Thiêm thì kè cọc tre rõ ràng là có tác dụng giúp bồi lắng một số ít ở chân kè, hạn chế phần nào tình trạng sạt lở. Tuy nhiên, những kè làm bằng tre chỉ mang tính đối phó, tạm thời, chủ yếu là ngăn chặn sạt lở đối với tình trạng mực nước thấp. Mùa mưa lũ đến, kè tre của người dân Sơn Tiến tự làm không đủ sức để ngăn cản những cú thúc, cú ngoạm với sức nước cực mạnh. Để đối phó với mùa mưa lũ năm nay, bản huy động mỗi hộ dân đóng 3 cây tre và đã làm được một đoạn kè ở phía đầu bản. Dẫu sao thì đó cũng là những nỗ lực tại chỗ đáng ghi nhận, khi chưa có sự hỗ trợ về kinh phí hay vật tư, vật liệu của các ngành, các cấp để khắc phục tình trạng sạt lở.

Nhận thấy sự cần thiết phải di dời các hộ dân ven sông Dinh để đảm bảo tính mạng và tài sản, các cấp chính quyền đã khảo sát và hỗ trợ 6 hộ dân thực hiện di dời và ổn định cuộc sống từ năm 2012. Hiện tại vẫn còn 17 hộ trong diện cảnh báo bị ảnh hưởng bởi sạt lở, trong đó có 6 hộ thuộc diện cần phải di dời đã đăng ký di dời trong năm 2014 nhưng vẫn chưa có kinh phí thực hiện. Các hộ dân này đang rất cần sự quan tâm hỗ trợ để sớm thoát khỏi nỗi lo sạt lở đe dọa đến tính mạng và tài sản.

Đi sâu vào bản, chúng tôi biết nỗi lo này không chỉ với riêng các hộ ở ven sông. Bởi với tình trạng sạt lở tiếp diễn hàng năm như hiện nay, nếu không có biện pháp ngăn chặn thì có thể dân bản Dũa còn phải di dời mãi, lùi mãi. Và nếu cứ như tốc độ sạt lở 4 năm qua, thì chỉ khoảng 10 năm nữa thôi cả bản Dũa sẽ... thành phù sa trôi xuôi…

Để khắc phục tình trạng chia cắt, các cấp chính quyền đã đưa vào quy hoạch xây dựng cầu kiên cố qua bản, mong rằng sẽ đẩy nhanh tiến độ khảo sát, thực hiện để cuộc sống người dân bản Dũa sẽ sớm được đổi thay. Cùng với đó, cần có sự phát huy nội lực của nhân dân trên địa bàn, cùng với sự hỗ trợ của xã, huyện, của các cấp, các ngành, để thực hiện biện pháp xây dựng kè kiên cố nhằm cứu lấy bản Dũa khỏi tình trạng “sông nuốt bản”.

Đức Dương

Thọ Hợp (Quỳ Hợp): Nỗi lo sông "nuốt" bản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO