Thỏa thuận lịch sử giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ:"Một đổi một" có phải là liều thuốc giải?

21/03/2016 15:09

(Baonghean) - Cuối tuần qua, sau một cuộc họp cực kỳ “căng thẳng và cân não”, trái với dự báo của giới quan sát là sẽ chẳng có thỏa thuận nào đạt được giữa Liên minh châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ, các bên đã cùng nhất trí về một giải pháp mới được đánh giá là đột phá và lịch sử. Thế nhưng, phép toán “một đổi một” liệu có đưa ra lời giải thỏa đáng, đáp ứng được kỳ vọng hạn chế dòng người nhập cư vào châu Âu hay không, đó vẫn là câu hỏi khó trả lời.

Châu Âu ngậm đắng nuốt cay

1
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu (phải) và Tổng thống Pháp Francois Hollande (trái) tham dự cuộc họp về người tị nạn tại Brussels, Bỉ hôm 18/3/2016. Ảnh: Reuters

Theo thỏa thuận được đánh giá là đột phá vừa đạt được giữa Liên minh châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ, tất cả những người Syria di cư bất thường và trái phép đã đến Hy Lạp từ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được đưa trở lại Thổ Nhĩ Kỳ từ ngày hôm qua - 20/3.

Cụ thể hơn, cứ mỗi người di cư Syria bất hợp pháp được đưa trở lại Thổ Nhĩ Kỳ từ Hy Lạp thì Liên minh châu Âu sẽ tiếp nhận trực tiếp và tái định cư cho một người tị nạn Syria đã xin bảo hộ tị nạn hợp pháp tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Quá trình tái định cư tại các nước EU này sẽ bắt đầu từ ngày 4/4 tới đây. Có thể hiểu đây là việc sàng lọc từ nguồn của châu Âu. Mục tiêu của thỏa thuận mới này cũng là đóng cửa con đường chính thông qua biển Aegean - vùng biển giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là con đường đầy nguy hiểm mà hơn 1 triệu người di cư đã phải vượt qua để vào châu Âu từ năm ngoái đến nay.

Tuy nhiên, đi kèm với thỏa thuận “một đổi một” này, Liên minh châu Âu đã phải cam kết tăng hỗ trợ tài chính cho Thổ Nhĩ Kỳ gấp đôi thành 6 tỷ euro; đặc biệt phải đẩy nhanh tiến trình đàm phán kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ vào EU cũng như xem xét miễn thị thực cho 78 triệu công dân Thổ Nhĩ Kỳ khi du lịch tới các nước EU.

Vì thế, nói là cùng đạt thỏa thuận, thế nhưng, nhìn những điều khoản cụ thể thì người ta dễ thấy một châu Âu rõ ràng đang “bị thiệt” và “ở thế dưới” so với Thổ Nhĩ Kỳ. Có ý kiến còn cho rằng, thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ đã cho thấy “sự thỏa hiệp đau đớn” của Liên minh châu Âu. Trong đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã nắm đằng chuôi, “ở thế trên” buộc châu Âu phải gật đầu với các yêu cầu của Ankara để nhận được sự hợp tác của nước này trong việc ngăn chặn dòng người tị nạn vẫn đang tiếp tục đổ vào Hy Lạp mỗi ngày.

Đầu xuôi đuôi có lọt?

Đành lòng xuôi theo những điều kiện có phần quá đáng của Thổ Nhĩ Kỳ như vậy, nhưng giải pháp “một đổi một” có được thực hiện xuôi chèo mát mái như kỳ vọng của Liên minh châu Âu hay không lại là chuyện khác. Thực tế giải pháp “một đổi một” đã được đưa ra từ nhiều ngày nay, nhưng nó đã nhận được không ít lời phản đối mạnh mẽ của các tổ chức nhân quyền. Cho đến khi nó đạt được thống nhất giữa các bên, những phản đối này vẫn chưa dừng lại.

3
Thỏa thuận "một đổi một" vừa đạt được với Thổ Nhĩ Koischưa thể là giải pháp trọn vẹn cho cuộc khủng hoảng người tị nạn của Liên minh châu Âu. Ảnh: AFP

Trong tuyên bố mới nhất, Tổ chức Ân xá quốc tế cho rằng, đây là một đòn giáng mạnh vào lịch sử nhân quyền thế giới. Tổ chức này cũng nhận định: “Việc châu Âu gửi trả lại những người tị nạn không thể hiện sự nghiêm chỉnh tôn trọng luật pháp quốc tế. Thổ Nhĩ Kỳ không phải là một đất nước an toàn cho người tị nạn và người dư cư, nên việc gửi trả lại về đó là bất hợp pháp và vô đạo đức”. Ngay trong chính nội bộ Liên minh châu Âu, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cũng bày tỏ lo ngại về tính pháp lý của việc trao trả lại người tị nạn này.

Bên cạnh vấn đề pháp lý và nhân quyền, tính khả thi của giải pháp này cũng là câu hỏi lớn đặt ra. Như Hy Lạp, việc tiến hành phỏng vấn, lập hồ sơ số người tị nạn bất hợp pháp tại nước này để gửi trả lại chắc chắn sẽ là vấn đề nan giải. Bởi nền kinh tế kiệt quệ, nhân lực yếu kém và hệ thống tư pháp lỏng lẻo khiến Athens khó có thể giải quyết toàn bộ khối công việc khổng lồ này, bất chấp sự trợ giúp của Liên minh châu Âu.

Trong khi đó với “đầu kia” là Thổ Nhĩ Kỳ, việc đẩy đi một người nhưng lại nhận lại một người tị nạn khác thực tế chẳng có gì thay đổi. Chẳng qua đây chỉ là “miếng mặc cả” cần thiết với Liên minh châu Âu mà Ankara cần phải chấp nhận. Thực tế, việc thực hiện thỏa thuận cũng không phải là ưu tiên của chính phủ Tổng thống Tayyip Erdogan lúc này. Tất nhiên, nó sẽ xếp sau việc trấn áp phong trào nổi dậy của người Kurd, hay chống đỡ với cuộc khủng hoảng của người hàng xóm Syria luôn rình rập bên kia biên giới.

Trong khi đó, trở lại với nội bộ Liên minh châu Âu, một trong những điều kiện mà EU cam kết với Thổ Nhĩ Kỳ là đẩy nhanh quá trình đàm phán kết nạp Ankara làm thành viên vốn đã bị trì hoãn từ lâu. Không có gì đảm bảo điều khoản này sẽ được châu Âu thực hiện đúng như cam kết, bởi vẫn còn rất nhiều nước đặc biệt như Cộng hòa Síp vẫn đang phản đối kịch liệt việc mở cửa với Thổ Nhĩ Kỳ. Hiện cũng còn cả một danh sách dài các vấn đề bất đồng và các điều kiện mà Thổ Nhĩ Kỳ phải đạt được để hướng tới các tiêu chuẩn của EU.

Ngay như trước đàm phán, Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP) Martin Schulz hôm 17/3 cũng cảnh báo rằng, các cuộc đàm phán nhằm đạt được thỏa thuận cuối cùng không thể gắn với nỗ lực gia nhập EU của Ankara. Hay như Thủ tướng Bỉ Charles Michel cũng nhấn mạnh, thà không đạt thỏa thuận còn hơn một văn bản tồi tệ “bán tháo” những giá trị của châu Âu.

Như thế, rõ ràng đằng sau bản thỏa thuận “một đổi một” vừa đạt được giữa Liên minh châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn còn ngổn ngang những bất đồng và căng thẳng chồng chất. Dưới con mắt của các nhà phân tích thì đây tiếp tục là một bước đi “ăn xổi” và mất phương hướng của châu Âu để cứu vãn cuộc khủng hoảng người tị nạn hiện nay. Và rằng, một sự xem xét toàn diện, cải thiện tổng thể các quy định và giải quyết cái gốc từ Trung Đông - Bắc Phi mới là những giải pháp trọn vẹn. Tất nhiên, quá trình này chắc chắn chưa thể đi đến hồi kết chỉ bằng thỏa thuận “Một đổi một” có phần nóng vội mới đây.

Phương Hoa

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Thỏa thuận lịch sử giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ:"Một đổi một" có phải là liều thuốc giải?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO