Thoát nghèo nhờ 'suy nghĩ đi trước, hành động theo sau'

Hoài Thu 24/05/2023 15:01

(Baonghean.vn) - Trong nhiều cách thức giúp người dân vươn lên phát triển kinh tế, các đơn vị Bộ đội Biên phòng tỉnh đã lựa chọn cách giúp người dân thoát nghèo về tư duy, dẫn tới hành động tự giác, tích cực làm giàu theo phương châm "suy nghĩ đi trước, hành động theo sau".

Thoát nghèo nhờ thay đổi tư duy

Những ngày nắng gay gắt của đợt nắng nóng cuối tháng 5, các thành viên gia đình ông Và Chứ Rùa, sinh năm 1974, ở bản Nậm Càn và các chiến sĩ Đồn Biên phòng Nậm Càn, xã Nậm Càn (Kỳ Sơn) vẫn miệt mài đội nắng gieo giống chuẩn bị cho vụ lúa mới.

Ông Rùa cho biết, hơn nửa đời người ông đã sống trong nghèo khó, bởi trước đây theo tập tục của đồng bào Mông ông chỉ biết trồng lúa rẫy. Mấy năm nay nhờ được cán bộ biên phòng hướng dẫn cách sản xuất, ông đã thoát khỏi đói nghèo.

Ông Và Chứ Rùa cùng cán bộ Đồn Biên phòng Nậm Càn gieo mạ vụ mùa năm 2023. Ảnh: P.V

Theo Trung tá Hồ Mạnh Hùng - Chính trị viên Đồn Biên phòng Nậm Càn, ông Và Chứ Rùa là 1 trong 5 hộ gia đình được đơn vị lựa chọn hỗ trợ phát triển kinh tế bằng cách tặng giống cây, con và hướng dẫn kỹ thuật, chăm sóc để cây trồng, vật nuôi.

Đơn vị đã gặp gỡ ông và gia đình để tuyên truyền, vận động thay đổi nhận thức về phát triển kinh tế, áp dụng khoa học, kỹ thuật. Đồn Biên phòng Nậm Càn đã đầu tư cá giống, gà giống, cây ăn quả, phân bón… tặng gia đình ông Rùa, tổng số tiền mua cây, con giống trị giá khoảng 7 triệu đồng và hàng trăm ngày công.

Ngoài ra đồn còn hỗ trợ ông Rùa đào 2 ao thả cá 200 m2; tư vấn, hỗ trợ mua máy cày mini để khắc phục tình trạng diện tích ruộng bậc thang hẹp không thể cày trâu; rồi cải tạo nguồn nước, mở rộng thêm 0,5 ha trồng lúa nước.

Hội LHPN tỉnh phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tặng bò giống cho người dân xã Nậm Càn. Ảnh: P.V

Bằng cách làm này, những chiến sĩ quân hàm xanh nơi biên giới Nậm Càn đã từng bước làm thay đổi nhận thức của nhiều người dân khác, giúp họ nhận ra rằng, muốn thoát nghèo thì suy nghĩ phải thay đổi, có vậy mới biết được việc nào nên làm, việc nào không.

Nhờ việc cán bộ biên phòng giúp ông hiểu được các cách làm mới, biết canh tác theo thời vụ, áp dụng công nghệ khoa học, kỹ thuật vào trồng lúa nước, kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm với cải tạo vườn rừng, tạo ra cách phát triển kinh tế tổng hợp, đa dạng.

Từ chỗ gia đình chỉ trông chờ vào 0,3 ha ruộng bậc thang để sinh sống, đến nay, gia đình ông Rùa không chỉ có 0,75 ha sản xuất một vụ lúa nước/năm, với sản lượng bình quân đạt 65 bì trên một mùa vụ, tăng gấp đôi so với trước đây chỉ đạt được 30 đến 35 bì.

“Sắp tới lúa thu hoạch về chắc chắn sẽ còn tăng nhiều hơn vì tôi được cán bộ biên phòng hỗ trợ trồng giống lúa mới. Đàn gia súc của tôi nay đã có 5 con trâu, 5 con bò, đàn gia cầm có trên 100 con, tăng 3 lần so với năm 2020. Từ năm 2018 đến nay, thu nhập bình quân hàng năm tăng từ 5 đến 7 triệu đồng, thu nhập trong năm 2023 dự kiến trên 50 triệu đồng” - ông Và Chứ Rùa tự hào.

Lựa chọn, nhân rộng cách hỗ trợ phù hợp

Còn ở xã biên giới Tam Hợp, huyện Tương Dương, với địa hình cao, đồi núi dốc không phù hợp với trồng lúa nước, nhưng lại có thế mạnh thuận tiện cho chăn nuôi gia súc nên Đồn Biên phòng Tam Hợp lựa chọn giúp người dân về con giống để thoát nghèo.

Mô hình nuôi dê của hộ bà Hà Thị Loan phát huy hiệu quả tốt từ nguồn hỗ trợ của mô hình "Chia sẻ 50". Ảnh: Khánh Ly

Có chuồng nhốt đàn dê hơn 20 con nằm ngay bên trục đường chính đoạn qua bản Văng Môn, xã Tam Hợp, bà Hà Thị Loan vừa cho đàn dê ăn vừa “khoe” việc trước đây gia đình khó khăn, không có tiền, nhưng nay đã thoát nghèo nhờ đàn dê giống và lợn giống bộ đội Đồn Biên phòng Tam Hợp hỗ trợ. Đầu năm 2022, bà được các cán bộ biên phòng và UBND xã cho “vay” 3 con lợn và 6 con dê, rồi được hướng dẫn chăm sóc, gây giống. Nhờ vậy, đến nay đàn dê của gia đình bà đã có 21 con.

Thiếu tá Hà Huy Thiên - Chính trị viên Phó Đồn Biên phòng Tam Hợp cho biết, từ đầu năm 2022, đồn triển khai mô hình “Chia sẻ 50” và “Đồng hành cùng nông dân vượt khó thoát nghèo”.

Cách “đồng hành” được thực hiện bằng việc Đồn phối hợp với chính quyền xã và Tổng đội Thanh niên xung phong 9 sử dụng giống vật nuôi, giống cây trồng từ hoạt động lao động, tăng gia sản xuất của đơn vị mình cho người dân “vay” không lãi suất. Đối với lợn giống thì thời gian cho “vay” khoảng 15 -18 tháng, đối với dê giống thì từ 18 - 24 tháng.

Đơn vị và gia đình cùng thống nhất sau khi vật nuôi sinh sản thì gia đình sẽ trả lại số lượng con giống mà đơn vị đã hỗ trợ, để đơn vị dùng số “vốn” này chuyển cho các hộ khác “vay”. Cách làm này vừa khuyến khích người dân động viên nhau nỗ lực chăn nuôi, sản xuất, vừa tạo được nguồn “vốn lưu động” và không ngừng phát triển từ một lần đầu tư ban đầu. Từ số “vốn” là 20 con lợn cho 5 hộ gia đình “vay” đầu năm 2022, đến tháng 5/2023, số "vốn" đó đã thêm 42 con và chuyển cho các hộ khác cùng vươn lên xoá đói nghèo.

Cán bộ Đồn Biên phòng Tam Hợp bàn bạc với cán bộ bản Phá Lõm về giúp đỡ người dân phát triển kinh tế. Ảnh: Hoài Thu

Còn mô hình “Sẻ chia 50” được triển khai theo cách thức cán bộ đồn đầu tư kinh phí mua vật nuôi giao cho người dân chăm sóc, sau đó lợi nhuận ban đầu được “chia đôi”, một nửa gia đình được thụ hưởng, nửa còn lại gia đình trả lại cho đơn vị để tiếp tục chuyển cho hộ nghèo khác. Hiện tại, mô hình này đang triển khai tại hộ bà Hà Thị Loan, số dê bà Loan được chia sẻ đã sinh sản thêm 7 con, sắp tới sẽ chuyển số dê này cho hộ nghèo khác chăn nuôi.

Thiếu tá Hà Huy Thiên cho biết, qua hơn 1 năm thực hiện 2 mô hình mà đơn vị cùng UBND xã lựa chọn triển khai cho thấy đang phát huy tốt hiệu quả, Vì vậy, đồn sẽ tiếp tục duy trì, mở rộng thêm quy mô hỗ trợ.

Qua kết quả bước đầu ở xã Tam Hợp cũng cho thấy, người dân rất hào hứng với cách làm này khi chính người được giúp đỡ lại có thể giúp được người khác. Họ vừa giúp nhau thoát khỏi tư duy trông chờ, ỷ lại, vừa giúp nhau làm kinh tế có hiệu quả thiết thực.

Năm 2022, các đơn vị Bộ đội Biên phòng Nghệ An đã hướng dẫn nhân dân các khu vực biên giới áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi và thực hiện có hiệu quả 57 mô hình phát triển kinh tế tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.

Cụ thể, giúp người dân 3.490 ngày công lao động, chăm sóc và thu hoạch 72 ha hoa màu; trồng rừng, khai hoang, phục hóa 13 ha; trao tặng 250 cây bưởi giống, 2 con bò giống và hàng chục con dê, lợn giống.
Ngoài ra, các đơn vị biên phòng cũng đã giúp người dân làm mới và tu sửa 50 km đường giao thông nông thôn; nạo vét, sửa chữa 36 km kênh mương thủy lợi; thực hiện Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” cùng Hội LHPN tỉnh tặng mô hình sinh kế cho 5 hộ nghèo trị giá 50 triệu đồng...

Mới nhất
x
Thoát nghèo nhờ 'suy nghĩ đi trước, hành động theo sau'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO