Kinh tế

Huyện Quế Phong hy vọng xóa nghèo từ cây quế

Xuân Hoàng - Quang An 15/12/2024 16:16

Huyện Quế Phong được mệnh danh là vùng đất quế. Cùng với bảo vệ rừng quế đã có từ trước, huyện đang triển khai trồng 60 vạn cây quế Quỳ để đồng bào các dân tộc có nguồn thu nhập bền vững.

Hy vọng ở cây quế

Dịp cuối năm, bà con xã biên giới Hạnh Dịch đang hối hả với việc phát dọn cây dại trên đất đồi để trồng cây quế Quỳ. Gia đình ông Lô Văn Hoài ở bản Vinh Tiến vừa trồng xong gần 4 ha quế Quỳ trên vùng đất đồi phía sau nhà. Ông Hoài phấn khởi cho hay: Cây quế Quỳ đã được gia đình trồng từ hàng chục năm trước, nhưng số lượng ít, chỉ trồng xen trong vườn tràm.

Người dân bản Vinh Tiến, xã Hạnh Dịch (Quế Phong) tiến hành trồng quế Quỳ trong tháng 12/2024. Ảnh: Quang An
Người dân bản Vinh Tiến, xã Hạnh Dịch (Quế Phong) tiến hành trồng quế Quỳ trong tháng 12/2024. Ảnh: Quang An

Năm nay, Nhà nước có chính sách hỗ trợ cây giống, gia đình chuyển toàn bộ diện tích đất đồi này sang trồng quế. Cây giống nhận về đến đâu, gia đình huy động nhân lực đào hố trồng ngay đến đó. Theo hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp xã, cây quế giống được bóc hết bầu, trồng theo hàng lối, cây cách cây 2m, mỗi gốc được bón một nắm phân. Do cây giống chỉ cao 30cm nên gia đình bảo vệ không cho gia súc vào, đồng thời thường xuyên phát dọn cây dại và trồng dắm nếu có cây bị chết.

“Bây giờ kinh tế gia đình ổn định hơn trước nên cây quế sẽ được chăm sóc tốt hơn và chờ đến ngày cây thực sự trưởng thành mới thu hoạch tỉa. Dự kiến sau 4 - 5 năm sẽ cho thu hoạch bằng cách cắt tỉa cành bán cho thương lái. Mong rằng loại cây mới sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp gia đình có nguồn thu nhập ổn định”, ông Lô Văn Hoài chia sẻ.

Một rừng quế Quỳ 3 năm tuổi ở bản Vinh Tiến, xã Hạnh Dịch. Ảnh: Xuân Hoàng
Một rừng quế Quỳ 3 năm tuổi ở bản Vinh Tiến, xã Hạnh Dịch. Ảnh: Xuân Hoàng

Quan sát cho thấy, trên địa bàn bản Vinh Tiến, nhiều hộ có vườn quế Quỳ đã 3 - 4 năm tuổi, được bảo vệ, chăm sóc tốt. Bà con cho hay, trước đây đất đồi chủ yếu trồng keo và sắn, nhưng nhận thấy cây quế Quỳ có giá trị cao hơn nên chuyển sang trồng quế.

Một người dân nói rằng, trước đây gia đình cũng trồng cây keo, chỉ từ 5-7 năm là cho thu hoạch, nhưng mức đầu tư về giống, phân bón, chăm sóc… đặc biệt là chi phí mở đường để thu hoạch keo rất cao. Trong lúc trồng quế thì được hỗ trợ, quế chưa đến kỳ thu hoạch cả cây thì vẫn có thể thường xuyên “lấy ngắn nuôi dài” bằng cách tỉa cành, lá đem bán.

Bà Lữ Thị Thìn - Phó Chủ tịch UBND xã Hạnh Dịch cho biết: Địa phương có tiềm năng, lợi thế và phù hợp với trồng cây quế Quỳ. Từ trước, bà con trên địa bàn xã đã trồng giống quế bản địa này và cho thu nhập ổn định bằng cách chặt tỉa cành. Hiện tại, xã Hạnh Dịch có 147 ha quế Quỳ được trồng rải rác ở 6 bản. So với trồng keo thì cây quế Quỳ thu nhập cao hơn. Trồng keo mặc dù sau 5 - 6 năm thu hoạch 1 lần, nhưng sau đó phải đầu tư trồng lại, còn quế chỉ đầu tư trồng 1 lần và cho thu hoạch kéo dài hàng chục năm. Đến lúc cây quá to, bà con thu hoạch cả cây, thương lái thu mua toàn bộ thân, lá, cành, gốc, rễ nên giá trị cao.

Cây quế Quỳ nhiều năm tuổi ở xã Hạnh Dịch. Ảnh: Quang An
Cây quế Quỳ nhiều năm tuổi ở xã Hạnh Dịch. Ảnh: Quang An

Bà Lữ Thị Thìn cho biết thêm, năm nay kế hoạch của địa phương trồng 61.000 cây quế, tương đương gần 30 ha. Đến đầu tháng 12, bà con đã nhận 47.000 cây giống và tiến hành trồng được hơn 20 ha. Bà con trồng quế đều được Nhà nước hỗ trợ giống từ nguồn vốn của Chương trình MTQG. “Chính quyền địa phương tuyên truyền, hướng dẫn bà con sau khi trồng xong có giải pháp bảo vệ vườn quế bằng cách làm hàng rào thép gai, nhằm ngăn chặn gia súc vào phá; cùng đó thường xuyên phát dọn cây dại để cây quế phát triển nhanh”, bà Lữ Thị Thìn cho hay.

Bí thư Đảng ủy xã Châu Kim Hà Minh Tuấn cho biết, khi diện tích cây keo lai ít đi có nghĩa là diện tích cây quế Quỳ tăng lên. Điều này nói lên rằng, bà con đã biết chọn loại cây có giá trị kinh tế cao để đầu tư và chứng tỏ đời sống của bà con đã được nâng lên, vì chỉ khi đời sống nâng lên thì họ mới có điều kiện để đầu tư vào giống cây dài ngày. Ông Tuấn cho biết thêm: Diện tích trồng quế của xã Châu Kim đã gần 200 ha và chắc chắn sẽ còn mở rộng, nếu giá quế giữ ổn định.

Cần có nhà máy chế biến

Theo số liệu của huyện Quế Phong, diện tích quế Quỳ của huyện hiện nay gần 750 ha, tập trung ở các xã: Châu Kim, Hạnh Dịch, Nậm Giải, Mường Nọc, Châu Thôn… Đa phần diện tích quế này được trồng từ nhiều năm trước, thân cây cao, to, lâu nay bà con đã khai thác bằng cách tỉa cành, bán cho thương lái, tạo nguồn thu đáng kể.

bna_que-2.jpg
Giống cây quế Quỳ được ươm ngay trên địa bàn huyện Quế Phong. Ảnh: Quang An

Ông Phạm Hoàng Mai - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Quế Phong cho biết: Từ nguồn vốn của tiểu dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc Chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025, huyện Quế Phong cùng với hỗ trợ giống bò, dê, lợn… thì cây quế Quỳ là một trong những cây trồng chính hỗ trợ bà con phát triển sản xuất, tăng thu nhập.

Theo đó, dịp cuối năm 2024, toàn huyện triển khai trồng 60 vạn cây quế Quỳ, tương đương 240 ha, nâng tổng diện tích quế ở địa phương này lên gần 1.000 ha, trở thành cây trồng lâu năm được kỳ vọng là cây xóa nghèo bền vững cho người dân. Để có đủ cây giống cung ứng cho các địa phương, từ đầu năm 2024, các cơ sở ươm cây giống trên địa bàn huyện đã tiến hành ươm giống, đến nay đã đủ tiêu chuẩn xuất vườn, cung ứng cho người dân trên địa bàn trồng. Sau khi bà con trồng xong, địa phương sẽ tiến hành nghiệm thu để hỗ trợ trực tiếp cho bà con với tổng nguồn vốn 2,67 tỷ đồng của Chương trình MTQG.

Huyện miền núi Quế Phong có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển cây quế Quỳ. Ảnh: Xuân Hoàng
Huyện miền núi Quế Phong có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển cây quế Quỳ. Ảnh: Xuân Hoàng

Ông Bùi Văn Hiền - Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cho biết: Đặc điểm của cây quế Quỳ bản địa là hàm lượng tinh dầu cao. Quế không chỉ nguyên liệu quý trong công nghiệp chế biến dược phẩm, thực phẩm mà gỗ quế cũng tốt để sản xuất đồ mộc dân dụng. Là địa phương cuộc sống của người dân sống chủ yếu dựa vào lâm nghiệp, do vậy, cây quế Quỳ không chỉ là cây xóa nghèo, mà còn là cây làm giàu cho đồng bào các dân tộc nơi đây.

Chủ trương của huyện Quế Phong là kêu gọi thu hút doanh nghiệp vào đầu tư nhà máy chế biến tại địa phương, nhằm nâng cao giá trị từ cây quế. Từ trước đến nay, do trên địa bàn huyện chưa có nhà máy chế biến nên sản phẩm vỏ quế do bà con thu hoạch, bán cho thương lái vận chuyển đến nơi khác chế biến, khiến giá trị sản phẩm quế bị giảm. Do đó, địa phương mong muốn có doanh nghiệp vào đầu tư nhà máy chế biến sản phẩm quế để bà con yên tâm trồng.

Quế Phong là huyện biên giới, một trong những huyện nghèo của cả nước, tỷ lệ hộ nghèo còn chiếm 30,09%. Cùng với các cây trồng, vật nuôi khác, thì việc phát triển diện tích cây quế Quỳ là nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế, tạo nguồn thu để hướng tới mục tiêu xoá nghèo bền vững.

Mới nhất

x
Huyện Quế Phong hy vọng xóa nghèo từ cây quế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO