Kinh tế

Huyện Quế Phong nỗ lực giảm nghèo

Xuân Hoàng 08/12/2024 07:04

Với nỗ lực vươn lên của người dân và sự hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu Quốc gia, đời sống người dân huyện Quế Phong đã có nhiều đổi thay. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm dần theo hướng bền vững.

Khơi thông nguồn lực

Về xã Châu Thôn, huyện biên giới Quế Phong chúng tôi được trưởng bản Na Tỳ - ông Hoàng Văn Minh hồ hởi nói về quá trình vươn lên của bản làng: “Dù diện tích đất đồi rộng, nhưng đời sống bà con vẫn vất vả, cái nghèo, cái đói đeo bám mãi. Từ khi có cán bộ huyện, xã về mở lớp tập huấn kỹ thuật canh tác, nay bà con biết cách trồng trọt, chăn nuôi, đời sống đồng bào khá hơn nhiều rồi. Riêng gia đình tôi đã nuôi được đàn trâu, bò 6 con và xây dựng được mô hình nuôi vịt bầu Quỳ cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Nhờ vậy, chúng tôi có tiền chăm lo cho các con ăn học chu đáo…”.

Đàn vịt đẻ tại trại chăn nuôi của gia đình anh Hoàng Văn Minh luôn duy trì từ 400 - 500 con. Ảnh: Quang An
Mô hình nuôi vịt bầu quỳ của ông Hoàng Văn Minh - Trưởng bản Na Tỳ, xã Châu Thôn. Ảnh: Quang An

Ông Hoàng Trung Cường - Chủ tịch UBND xã Châu Thôn cho biết: Cùng với sự nỗ lực vươn lên của đồng bào các dân tộc, chính sách hỗ trợ cây trồng, vật nuôi của Nhà nước thông qua Chương trình Mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2021 – 2025 đã giúp hàng trăm gia đình là hộ nghèo được hỗ trợ phát triển kinh tế. Qua đó, năm 2024 giảm được 47 hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống 5,32% so với năm 2023.

Hiện nay xã Châu Thôn đang triển khai thực hiện 5 mô hình: Mô hình nuôi dúi quy mô 19 hộ tại xóm Hưng Tiến và bản Pỏi; Mô hình tổ cộng đồng trồng dâu nuôi tằm ở 2 xóm Hợp Tiến và Minh Tiến; Mô hình cộng đồng nuôi gà cỏ, vịt bầu Quỳ ở bản Na Tỳ; Mô hình cộng đồng trồng na dai Chi Lăng tại 19 hộ ở xóm Hưng Tiến và mô hình nuôi gà đen 4 hộ ở xóm bản Quạnh. Đây là những mô hình mới, sẽ triển khai thực hiện đầu năm 2025, nhằm khai thác tiềm năng của địa phương, giúp người dân nâng cao thu nhập

Ông Hoàng Trung Cường - Chủ tịch UBND xã Châu Thôn

Xã biên giới Tri Lễ, là nơi định canh, định cư của 4 dân tộc anh em: Kinh, Thái, Khơ Mú, Mông. Thời điểm này, đồng bào Mông ở đây tất bật lấy nước vào ruộng, làm đất, dọn bờ, xử lý đồng ruộng… chuẩn bị gieo cấy cho vụ xuân tới.

Dịp này, đồng bào Mông ở xã biên giới Tri Lễ (Quế Phong) nhộn nhịp ra đồng lấy nước vào ruộng bậc thang để làm đất. Mỗi người một việc, ai cũng khẩn trương, thoăn thoắt cày cuốc, dọn đắp bờ, khơi thông nước để chuẩn bị vào mùa. Ảnh: Quang An
Dịp này, đồng bào Mông ở xã biên giới Tri Lễ (Quế Phong) nhộn nhịp ra đồng lấy nước vào ruộng bậc thang để làm đất, chuẩn bị gieo cấy lúa vụ Xuân. Ảnh: Quang An

Anh Lý Ca Dinh ở bản Na Niếng, xã Tri Lễ cho biết, gia đình anh có 3 thửa ruộng bậc thang, với diện tích 800m2. Mặc dù còn hơn 1 tháng nữa mới vào vụ gieo cấy lúa xuân, nhưng nay vợ chồng lấy nước vào ruộng, sử dụng cơ giới để làm đất. Với đồng bào vùng cao, sản xuất nông nghiệp để đảm bảo lương thực nên việc làm ruộng được ưu tiên hàng đầu để đạt năng suất cao, ổn định lương thực. Ngoài chăm lo việc ruộng, gia đình còn đẩy mạnh chăn nuôi trâu, bò, gà… nên gia đình đã thoát nghèo.

Chủ tịch UBND xã Trị Lễ - ông Lữ Văn Cương cho biết: “Tri Lễ là xã biên giới, gần 100% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng bào chỉ biết làm ruộng nương, chăn nuôi, nên cuộc sống khó bứt phá. Tuy nhiên, với sự siêng năng, cần cù, chịu khó trong sản xuất, đời sống của người dân ngày càng nâng cao, hộ đói, nghèo giảm dần. Ngoài 450ha đất sản xuất lúa nước, người dân trong xã, đặc biệt là đồng bào Mông giỏi chăn nuôi trâu, bò hàng hóa, mang lại nguồn thu nhập ổn định.

Nhờ nguồn vốn của Chương trình Mục tiêu Quốc gia, từ năm 2023 đến nay, trên địa bàn xã Tri Lễ đã có 210 hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ bò giống, lợn giống, dê giống, gà, vịt giống để nuôi, phát triển kinh tế hộ. Vì thế công tác xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn xã ngày càng thiết thực hơn. Điển hình ông Thò Chông Lỳ và ông Lỳ Tông Dinh ở bản Na Niếng biết vận dụng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước và chăm chỉ trong lao động sản xuất, đã xóa được hộ nghèo, vươn lên hộ khá trong xã.

bna_rau.jpg
Nông dân xã Mường Nọc chăm sóc rau vụ Đông. Ảnh: Xuân Hoàng

Công tác xóa đói, giảm nghèo cho người dân cũng được Đảng ủy, chính quyền xã Châu Kim đặc biệt quan tâm. Ông Hà Minh Tuấn - Bí thư Đảng ủy xã Châu Kim cho biết, ngoài chỉ đạo phát triển các sản phẩm bản địa, như gieo cấy giống lúa Japonica, nếp khau cày nọi và chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà địa phương, xã còn triển khai được 30 mô hình “Dân vận khéo” trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có 13 mô hình kinh tế. Điển hình như mô hình trồng rau màu ở các bản Đô, Khoẳng Đổ, Cọ Muồng; Mô hình bảo tồn và phát triển cây quế Quỳ tại bản Cọ Muồng với tổng diện tích 5ha; Mô hình cải tạo vườn tạp, trồng cây ăn quả với 2,9ha tại 2 bản Cọ Muồng, Hữu Văn; tổ hợp nghề nghiệp chăn nuôi dê tại bản Hữu Văn…

Cùng đó, hàng trăm hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn xã được hỗ trợ cây giống, vật nuôi từ Chương trình Mục tiêu Quốc gia, nên tỷ lệ hộ nghèo giảm dần. Năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã giảm 3%, xuống còn 11,05%, dưới mức đạt chuẩn nông thôn mới.

Khai thác tiềm năng

Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong Bùi Văn Hiền cho biết: Là huyện 30a của cả nước, đời sống của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, tỷ lệ hộ nghèo của huyện cao, nên việc xóa đói, giảm nghèo cho người dân luôn được chính quyền các cấp đặt lên hàng đầu. Lợi thế của Quế Phong là huyện có Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt diện tích rộng 84.000ha, trong đó, 34.000ha rừng đặc dụng và 50.000ha rừng phòng hộ.

Cây quế Quỳ đang được huyện Quế Phong triển khai trồng tại nhiều địa phương, nhằm mang lại nguồn thu nhập cho người dân. Ảnh: Xuân Hoàng
Cây quế Quỳ đang được huyện Quế Phong triển khai trồng tại nhiều địa phương, nhằm mang lại nguồn thu nhập cho người dân. Ảnh: Xuân Hoàng

Huyện cũng có những loài cây đặc sản, dược liệu quý, hiếm có giá trị kinh tế cao như lùng, chè hoa vàng, bon bo… Chính vì thế, cùng với sự tài trợ của các tổ chức thực hiện dự án nhân rộng mô hình sinh kế bền vững từ cây chè hoa vàng, cây lùng, cây mét và cây bon bo, người dân và các địa phương, đoàn thể triển khai thực hiện trồng nhiều cây đặc sản mang lại giá trị kinh tế cho huyện hàng chục tỷ đồng mỗi năm.

Đặc biệt, từ nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình Mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2021 – 2025, trong 3 năm qua, huyện Quế Phong đã hỗ trợ giống vật nuôi là bò, lợn, gà, dê giống và cây quế Quỳ cho 3.162 hộ nghèo, cận nghèo nuôi, trồng với tổng nguồn vốn gần 40 tỷ đồng. Trong năm 2024 này, Quế Phong trồng mới hơn 200ha quế Quỳ, từ nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình Mục tiêu Quốc gia.

bna_bo-1-.jpg
Hộ nghèo của bản Piêng Cu, xã Tiền Phong được nhận bò sinh sản nuôi từ nguồn vốn của Chương trình MTQG. Ảnh: Xuân Hoàng

Ngoài những chính sách hỗ trợ của Chính phủ, Quế Phong cũng hỗ trợ và định hướng cho các xã chuyển đổi diện tích lúa kém năng suất sang trồng giống lúa Japonia (Nhật Bản). Đến nay, nhiều hộ gia đình ở các xã Châu Kim, Mường Nọc, Tri Lễ, Nậm Giải và Tiền Phong đã chuyển sang trồng lúa Japonica, nâng tổng diện tích giống lúa này lên gần 700ha, ước tính sản lượng đạt hơn 3.000 tấn, giá gấp 1,5 lần trồng lúa thường. Huyện Quế Phong đang xây dựng sản phẩm gạo thành đặc sản, có thương hiệu hàng hóa và tham gia xuất khẩu.

Thị trấn Kim Sơn, huyện Quế Phong. Ảnh: Xuân Hoàng
Thị trấn Kim Sơn, huyện Quế Phong. Ảnh: Xuân Hoàng

Với nỗ lực của mỗi người dân, cùng với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Quế Phong giảm dần, năm 2024 tỷ lệ hộ nghèo giảm 4,09%, bình quân toàn huyện xuống còn 30,09%.

Những nỗ lực vượt khó, những mô hình chăn nuôi, chuyên canh… phát triển bền vững, đang mang lại hiệu quả kinh tế trên huyện biên giới Quế Phong, là tiền đề vững chắc tạo những bước chuyển mới và hướng đi mới, giúp bà con các dân tộc vươn lên xóa đói, giảm nghèo bền vững./.

Mới nhất

x
Huyện Quế Phong nỗ lực giảm nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO