Kinh tế

Mô hình sinh kế bền vững giúp Quế Phong thu hàng chục tỉ đồng mỗi năm

Nguyễn Hải 05/11/2024 17:37

Chiều 5/11, huyện Quế Phong phối hợp với Trung tâm Tư vấn phát triển lâm nghiệp Nghệ An tổ chức tổng kết đánh giá dự án nhân rộng mô hình sinh kế bền vững giai đoạn 2022-2024.

Chủ trì hội nghị có các ông: Bùi Văn Hiền- Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong; Nguyễn Thành Nhâm - Giám đốc Trung tâm Tư vấn phát triển lâm nghiệp Nghệ An.

Dự hội nghị có TS. Hứa Đức Nhị - nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thành viên Ban Chỉ đạo Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Chủ tịch Hội Chủ rừng Việt Nam; bà Nguyễn Thị Thu Huyền - Điều phối viên Quốc gia Quỹ Môi trường toàn cầu, Chương trình tài trợ các dự án nhỏ, Chương trình phát triển Liên hợp quốc; đại diện Cục Đa dạng sinh học (Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường); các doanh nghiệp và các xã thụ hưởng dự án.

 Ảnh 1
Tham dự hội nghị có đại diện các bộ, ngành, ban điều hành dự án và các cộng đồng dân cư xã Thông Thụ và xã Đồng Văn thụ hưởng dự án. Ảnh: Nguyễn Hải

Quế Phong là huyện vùng cao biên giới có Khu Bảo tồn thiên nhiên Pu Hoạt diện tích rộng 84.000 ha, trong đó, 34.000 ha rừng đặc dụng và 50.000 ha rừng phòng hộ. Huyện cũng có những loài cây đặc sản, dược liệu quý, hiếm có giá trị kinh tế cao như lùng, chè hoa vàng, bon bo… Chính vì thế, từ tháng 1/2022, trên cơ sở đề xuất của Trung tâm Tư vấn phát triển lâm nghiệp Nghệ An, UNDP đã chấp thuận và tài trợ thực hiện dự án nhân rộng mô hình sinh kế bền vững từ cây chè hoa vàng, cây lùng, cây mét và cây bon bo.

Mô hình ươm giống chè Hoa vàng từ hạt ở xã Châu Thôn, Quế Phong. Ảnh Nguyễn Hải
Mô hình ươm giống chè hoa vàng từ hạt ở xã Châu Thôn (Quế Phong). Ảnh: Nguyễn Hải

Dự án của UNDP tài trợ 1,22 tỷ đồng, đặt mục tiêu khoanh nuôi, bảo vệ, trồng bổ sung, khai thác bền vững gần 1.487,3 ha rừng lùng; bảo tồn và phát triển, khai thác bền vững 134,7 ha cây chè hoa vàng, bảo tồn và phát triển, khai thác bền vững 92,9 ha cây bon bo; phát triển 20 ha cây mét ở vùng phòng hộ ven hồ thủy điện Bản Na… tại 2 xã vùng đệm Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt.

z6001687920143_cb20ec24a203c7a4caa933b82c8fab00.jpg
Đại diện Ban Điều hành dự án báo cáo kết quả triển khai dự án tạo sinh kế bền vững tại huyện Quế Phong. Ảnh: Nguyễn Hải

Sau hơn 2 năm triển khai dự án với các bước triển khai tuần từ truyền thông vận động người dân và các địa phương, đoàn thể hỗ trợ, đã có 421/421 hộ tại 8 bản và 2 xã tham gia và đã được nghiệm thu, đạt 100%.

Cụ thể, đã trồng được 19/20 ha mét, đạt 95%; trồng bổ sung, khai thác bền vững 90,8 ha cây bon bo, đạt 97,7%; khoanh nuôi, bảo vệ, chăm sóc và khai thác bền vững 138,8/134,7 ha chè hoa vàng, đạt 99,3%; khoanh nuôi, bảo vệ và khai thác bền vững 1.487,3 ha rừng lùng, đạt 100%.

Cùng với góp phần giảm áp lực lên đa dạng sinh học và chức năng hệ sinh thái rừng tại 2 xã vùng đệm của Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, dự án đã nâng cao kiến thức năng lực phát triển sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số; nhân rộng thành công 5 mô hình sinh kế tại xã Đồng Văn, Thông Thụ.

Ảnh 4
TS Hứa Đức Nhị - nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Hội Chủ rừng Việt Nam phát biểu ghi nhận hiệu quả của mô hình. Ảnh: Nguyễn Hải

Tuy vậy, thông qua đánh giá ý nghĩa, hiệu quả lâu dài của dự án, các chuyên gia lâm nghiệp và địa phương cũng nêu lên một số thuận lợi, khó khăn khi triển khai dự án; đồng thời, kiến nghị Ban điều hành dự án tiếp tục có cơ chế xoay vòng vốn để nhân rộng các mô hình tạo sinh kế bền vững; thành lập các tổ hợp tác, tổ cộng đồng hỗ trợ, liên kết bao tiêu sản phẩm để khi dự án kết thúc các mô hình tạo sinh kế này vẫn tiếp tục được duy trì và nhân rộng.

Ban điều hành dự án bàn giao Thư chuyển giao quỹ vay vốn quay vòng phát triển sinh kế cho xã Đồng Văn và Thông Thụ. Ảnh Nguyễn HảI
Ban Điều hành dự án bàn giao Thư chuyển giao quỹ vay vốn quay vòng phát triển sinh kế của UNDP cho lãnh đạo và tổ cộng đồng 2 xã Đồng Văn và Thông Thụ. Ảnh: Nguyễn Hải

Tại hội nghị, trên cơ sở đánh giá cao ý nghĩa của dự án, ông Bùi Văn Hiền - Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong chia sẻ thế mạnh về phát triển các giống cây quý, hiếm, cây dược liệu dưới tán rừng. Huyện có diện tích rừng tự nhiên lớn nhưng các nguồn lực và mô hình tạo sinh kế cho người dân sống được từ rừng và nhờ rừng còn hạn chế. Nhờ nỗ lực của người dân và sự hỗ trợ của dự án mà ý thức của người dân về giữ rừng tự nhiên đã được nâng lên. Từ cây bon bo cho đến cây chè hoa vàng đều mang lại giá trị kinh tế cho huyện hàng chục tỷ đồng mỗi năm.

 Khen thương
UBND huyện Quế Phong và Ban điều hành dự án trao Giấy khen cho đại diện 2 tập thể lãnh đạo xã Đồng Văn và Thông Thụ trong chỉ đạo triển khai dự án. Ảnh: Nguyễn Hải

Tiếp thu các ý kiến, đề xuất, đại diện lãnh đạo huyện Quế Phong cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo, vận dụng, lồng ghép với các chương trình mục tiêu quốc gia và nguồn lực khác để các mô hình sinh kế bền vững vùng đệm Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt được tiếp nối và nhân rộng./.

Mới nhất

x
Mô hình sinh kế bền vững giúp Quế Phong thu hàng chục tỉ đồng mỗi năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO