Thời vàng son của ca trù Kẻ Lứ

01/07/2011 17:27

"Đồn rằng trong Lứ có tròRủ nhau ôm áo gửi bò vô coi".Câu ca dân gian ấy đã nói lên niềm say mê ca trù...

"Đồn rằng trong Lứ có trò

Rủ nhau ôm áo gửi bò vô coi".


Câu ca dân gian ấy đã nói lên niềm say mê ca trù nói chung và sức hút mãnh liệt của ca trù Kẻ Lứ nói riêng. Kẻ Lứ nay thuộc xã Diễn Yên, Diễn Châu nhưng Giáo phường ca trù Kẻ Lứ vốn có ảnh hưởng cả một vùng khá rộng thuộc phủ Diễn Châu cũ (cả các huyện Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu và Nghĩa Đàn ngày nay).

Theo tài liệu nghiên cứu của nhà nghiên cứu ca trù xứ Nghệ, Nguyễn Nghĩa Nguyên, Xứ Nghệ có tới 4 giáo phường ca trù đại hàng là Cổ Đạm (Nghi Xuân, Hà Tĩnh), Kẻ Lứ (Diễn Châu), Kẻ Gắm (Yên Thành) và Cát Ngạn (Thanh Chương) cùng hàng trăm giáo phường ca trù tiểu hàng là những gánh hát khắp các làng xã chịu ảnh hưởng của 4 giáo phường đại hàng nói trên. Trong các giáo phường trên, giáo phường ca trù đại hàng Kẻ Lứ là nổi tiếng và lâu đời, có một thời vàng son, rực rỡ nhất ở xứ Nghệ.


Chúng tôi có dịp về tìm hiểu tại nhà thờ tổ sư giáo phường Kẻ Lứ (xã Diễn Yên, Diễn Châu), được biết đây vốn là một trung tâm ca trù lớn và phát triển rực rỡ, một thời vàng son từ thời Lê Trung Hưng. Dòng họ Trần nơi đây chính là tộc giáo phường tài hoa, làm rạng rỡ danh tiếng giáo phường Kẻ Lứ một thời.

Giáo phường Kẻ Lứ hiện còn giữ được gia phả tộc phường (nghĩa là phả của giáo phường kiêm cả gia phả dòng tộc) và 13 đạo sắc phong cả triều Lê và triều Nguyễn cho các quản giáp xuất sắc. Căn cứ bản phả và các đạo sắc, ông tổ sư ca trù Kẻ Lứ là cụ Trần Đức Chính, huý Mập, từng lập nên giáo phường ca trù Tư Chính nổi tiếng đất Thăng Long, được vời vào đàn hát trong phủ Chúa Trịnh.


Ca trù xưa kia vốn được vua chúa, quan lại rất mến chuộng đã đành, nhưng trong đời sống của nhân dân, ca trù cũng thành tục lệ, được quy định trong hương ước, tộc ước khoán hội... Các lễ hội lớn hay dịp khánh tiết, không có ca trù coi như "lễ mọn", thậm chí "bất thành lễ". Theo tài liệu của nhà nghiên cứu văn hoá Nguyễn Nghĩa Nguyên cho biết,

Trước kia, lễ hội Đền Cờn, Đền Cuông và các lễ hội lớn khác của phủ Diễn cũ đều tổ chức hát ca trù nhiều ngày đêm do giáo phường Kẻ Lứ đảm nhiệm. Ngoài các lễ hội trên, giáo phường Kẻ Lứ còn đặc quyền hát ở đình Cháy là đình sở tại của giáo phường (cạnh nhà thờ tổ sư ca trù họ Trần ở Yên Lý) vào dịp lễ cầu phúc đầu Xuân và các dịp khánh tiết trong làng. Ngoài ra, hàng năm các làng xã vào các dịp như lễ cầu khoa, các dịp có kỳ thi Hương (vào mùa Thu), thi Hội (vào mùa Xuân), lễ vinh quy bái tổ, khánh thành đình, đền, nhà thờ... cũng đều có mời các gánh hát của giáo phường Kẻ Lứ hát.


Giáo phường ca trù đại hàng Kẻ Lứ tuy có một thời vàng son, vang bóng là thế nhưng cũng gánh chịu một "số phận" thật nghiệt ngã. Những người đam mê, am hiểu ca trù, giỏi đàn ca ngày một ít dần. Hát ca trù từ lâu vắng bóng trong các lễ hội truyền thống, sinh hoạt văn hoá cộng đồng.


Vừa qua, một tin vui đã đến với những ai yêu quý văn hoá nước nhà là ca trù đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Theo tài liệu của họ Trần (Yên Lý) cho biết, đến sau cách mạng Tháng 8 - 1945, giáo phường Kẻ Lứ vẫn còn khá mạnh, riêng làng Mỹ Quan (nay là xã Diễn Yên) vẫn có tới 3 người chơi đàn đáy nổi tiếng và 10 đào nương thanh sắc.

Mấy năm lại đây, ca trù nhiều nơi ở xứ Nghệ đã dần được phục hồi. Ca trù Kẻ Lứ cũng trên bước đường hồi sinh. Các huyện Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu đều lập được các CLB ca trù, mỗi huyện có từ 3 - 5 CLB sinh hoạt khá đều kỳ. Người có công sưu tầm tài liệu về ca trù và tích cực cổ xuý để ca trù sớm được phục hồi nhiều năm qua là nhà giáo Nguyễn Nghĩa Nguyên, hội viên Hội văn nghệ dân gian Nghệ An.


Theo chúng tôi, để ca trù sớm trở lại là một phong tục đẹp, cần sớm nghiên cứu, hướng dẫn để phục hồi lại tục hát ca trù như trước kia từng có ở các lễ hội truyền thống như lễ hội Đền Cờn, Đền Cuông, Đền Đức Hoàng, Đền Quả Sơn, Đền Bạch Mã, Đền Ông Hoàng Mười... Các lễ hội đầu Xuân như lễ hội các dòng họ, lễ hội Cầu Ngư... cũng cần khuyến khích có tổ chức sinh hoạt ca trù. Hiện nay, các địa phương ở Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu đã bước đầu tổ chức cho các CLB ca trù sinh hoạt trong các dịp Rằm Nguyên Tiêu, tế mừng thọ và các ngày đại lễ khác. Đây là một điều rất đáng mừng và trân trọng.


Hồ Minh

Thời vàng son của ca trù Kẻ Lứ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO