Thơm ngon nước mắm Vạn Phần
(Baonghean.vn) - Theo các cụ cao niên của làng biển cho biết: Vạn Phần là địa danh của 4 xã ven biển: Diễn Ngọc, Diễn Bích, Diễn Vạn, Diễn Kim (huyện Diễn Châu). Bao đời nay Vạn Phần nổi tiếng với nghề làm nước mắm. Sản phẩm truyền thống này đã từng trở thành đặc sản “tiến vua” và mang tiếng thơm cho đến tận ngày nay.
(Baonghean.vn) - Theo các cụ cao niên của làng biển cho biết: Vạn Phần là địa danh của 4 xã ven biển: Diễn Ngọc, Diễn Bích, Diễn Vạn, Diễn Kim (huyện Diễn Châu). Bao đời nay Vạn Phần nổi tiếng với nghề làm nước mắm. Sản phẩm truyền thống này đã từng trở thành đặc sản “tiến vua” và mang tiếng thơm cho đến tận ngày nay.
Từ những con cá cơm tươi rói và hạt muối mặn mòi của biển cả cộng với cái nắng cái gió của miền trung, Vạn Phần đã kết tinh nên sản phẩm nước mắm đặc trưng có thương hiệu. Cũng có lúc thăng trầm nhưng người Vạn Phần đã nỗ lực để giữ nghề truyền thống. Anh Nguyễn Văn Hùng ở xã Diễn Ngọc, “bật mí”: Để làm được nước mắm ngon thì khâu đầu tiên phải chú trọng là nguyên liệu cá phải tươi. Người Vạn Phần chuộng loại cá thu, cá nục, cá cơm nhất bởi loại này có độ đạm cao.
Cơ sở chế biến nước mắm Vạn Phần
Cá được chọn sẽ đem vào bể chượp trộn với muối trắng rồi dùng vỉ tre ép lên, phơi nắng để cả năm trời cho chín tự nhiên, sau đó mới kéo “rút” lấy ròng loại nước mắm cốt màu vàng như cánh gián có độ đạm rất cao. Loại nước mắm cốt này được pha chế một chút chanh, tỏi, ớt băm tạo thêm hương vị chua cay mặn ngọt ăn vào nghe râm ran đầu lưỡi. Nhờ từ chất lượng, uy tín mà sản phẩm nước mắm xứ Vạn Phần ngày càng được nhiều người biết đến. Anh Hùng cho biết thêm: Dịp tết Nguyên đán thường tiêu thụ khá mạnh, chủ yếu khách quen ở Hà Nội vào lấy. Riêng trong năm qua gia đình anh làm 15 tấn chượp, chế biến và tiêu thụ gần 10.000 lít nước mắm doanh thu hàng trăm triệu đồng. Riêng ở Diễn Ngọc có trên 20 cơ sở chế biến nước mắm đều giữ được chữ tín về chất lượng. Sát bên là xã Diễn Bích trong năm 2005 đã xây dựng được làng nghề chế biến nước mắm Hải Đông, đa số các hộ dân đều phát huy hiệu quả, nhiều hộ dân còn vươn lên làm giàu từ nghề chế biến nước mắm như gia đình bà Xuân Liên, ông Trần Quy …
Cũng tại Diễn Châu, Công ty CP thuỷ sản Vạn Phần đã góp phần xây dựng thêm “thương hiệu” cho nước mắm Vạn Phần và mở mang thị trường tiêu thụ rộng khắp. Ông Võ Văn Đại - Giám đốc Công ty cho biết: Thời điểm cổ phần hoá Công ty gặp không ít những khó khăn như hệ thống kho xưởng bị xuống cấp, hư hỏng, thiếu vốn… Vượt lên những thử thách ban đầu, Công ty đã tập trung mọi nguồn lực để phát triển. Như huy động mọi nguồn vốn trong cán bộ công nhân viên để xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư mua sắm thêm trang thiết bị, cụ thể là nâng cấp nhà xưởng, bể chượp, hệ thống tủ lạnh ướp cá. Công ty vẫn áp dụng quy trình chế biến nước mắm theo phương thức cổ truyền, đặc biệt là sản xuất loại nước mắm “hạ thổ” (chôn dưới đất) được thị trường ưa chuộng. Đóng chai sản phẩm ở Công ty CP thuỷ sản Vạn Phần
Anh Đại kể: Loại nước mắm “hạ thổ” này chôn dưới đất lâu từng nào thì ngon từng đó, có hương vị thơm ngon đặc trưng rất khó quên. Sản phẩm của Công ty không sử dụng chất bảo quản, được Cục sở hữu trí tuệ và Bộ công thương cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãnhiệu hàng hoá và sử dụng mã vạch theo quy định của quốc gia và quốc tế.Khẳng định được uy tín, chất lượng, đến nay sản phẩm của Công ty đã được tiêu thụ rộng khắp trên toàn tỉnh. Công ty đã từng xuất lô hàng trên 1.800 lít nước mắm sang Ma lai xia. Đến thời điểm này để cạnh tranh với nhiều hãng nước mắm khác, Công ty đang khai thác thị trường Hà Nội, đặc biệt là thị trường ở nước bạn Lào. Mỗi năm Công ty sản xuất được từ 1,5 - 2 triệu lít nước mắm, chế biến trên 100 tấn mắm tôm, gần 10 tấn sứa khô xuất khẩu, tạo công ăn việc làm ổn định cho gần 100 lao động.
Văn Trường