Thơm thức quà đồng ruộng

16/04/2015 10:41

(Baonghean) - “Nghệ Yên Thành, Thanh Nông Cống” ý nói Yên Thành là vựa lúa lớn nhất của xứ Nghệ, cũng như ở Thanh Hóa có vựa lúa Nông Cống. Bằng bàn tay khéo léo và đức tính cần cù, chịu khó, người dân quê lúa giờ đã biết làm ra nhiều sản phẩm từ cây lúa hướng tới các sản phẩm hàng hóa ẩm thực vừa dân giã, truyền thống, vừa hiện đại, tạo nên nét riêng cho khách du lịch mỗi lần đến với huyện lúa.

Thu hoạch bằng máy  trên đồng lúa Yên Thành. Ảnh: Hồ Các
Thu hoạch bằng máy trên đồng lúa Yên Thành. Ảnh: Hồ Các

“Câu hát năm xưa Nghệ có Yên Thành. Ai từng đói cơm, ai từng rách áo. Hạt gạo quê thắm nắng mưa hai đầu. Lặn lội sông sâu lưng mẹ còng giã lúa. Hạt để cho quê hạt dành bạn bè. Tình quê như thế ai nỡ quên ai...”. Lời bài hát “Đẹp sao quê lúa Yên Thành” (Phan Thanh Chương) gợi về một vùng đất là vựa lúa lớn nhất tỉnh, chứa đựng biết bao ân tình, mộc mạc. Những người con của Yên Thành dù đi bất cứ nơi đâu đều tự hào, nhớ về kỷ niệm một thời cùng mẹ dải nắng, dầm mưa trên cánh đồng lúa ngát vàng.

Tôi cùng Trưởng phòng Nông nghiệp huyện, anh Nguyễn Văn Dương dạo trên cánh đồng lúa xuân đang thì con gái, hương lúa phảng phất trên những con đường nội đồng rộng mở, thẳng tắp. Những cánh đồng lúa Yên Thành bây giờ được ví như khoác chiếc áo mới. Đấy là toàn huyện đã hoàn thành chuyển đổi ruộng đất. Những con đường nội đồng, bờ vùng, bờ thửa được mở rộng, thẳng tắp, tạo thuận lợi cho các phương tiện cơ giới hóa ra vào. Thành công đó, chính là sự đồng sức, đồng lòng của người nông dân, họ đã góp công, góp của để làm “cách mạng” đồng ruộng.

Anh Nguyễn Văn Dương, phân tích: Trước khi chuyển đổi ruộng đất, Yên Thành có hơn 13 nghìn ha sản xuất 2 vụ lúa. Trong quá trình chuyển đổi ruộng đất, nhiều diện tích ruộng phải sử dụng để mở đường, nên sau khi chuyển đổi xong, diện tích lúa 2 vụ giảm xuống còn 12.600 ha, như vậy mất hẳn khoảng 500 ha ruộng. Tuy nhiên, năng suất, sản lượng lúa không hề giảm so với trước, năm 2014 sản lượng lúa đạt 170 nghìn tấn (không giảm so với trước). Ruộng đồng đã được quy hoạch lại, mỗi hộ chỉ còn 1 - 2 thửa, rất thuận lợi cho việc thâm canh tăng năng suất. Khâu làm đất cơ bản sử dụng cơ giới hóa, từ đó giảm dần lực lượng lao động trong sản xuất nông nghiệp.

Nói về cây lúa huyện mình, anh Dương tự hào, Yên Thành có nhiều thuận lợi để tạo thành vựa lúa lớn nhất tỉnh. Những cánh đồng tương đối bằng phẳng, con người cần cù, chịu khó, có kinh nghiệm thâm canh lúa nước lâu đời. Đặc biệt được hưởng hệ thống thủy lợi sông Đào, bắt nguồn từ đập ba ra Đô Lương, tạo nên nguồn nước tưới tự chảy, phục vụ cho 2/3 diện tích lúa của huyện. Còn nhớ cách đây 15 năm về trước, Yên Thành chuyên sản xuất các loại giống lúa thuần, năng suất khá, nhưng chất lượng kém. Đó là xuất phát từ nhu cầu của xã hội lúc bấy giờ coi lương thực là hàng đầu, chưa quan tâm đến chất lượng. Thậm chí nhiều địa phương còn gieo cấy lúa trên đất màu 1 năm chỉ cấy 1 vụ lúa bấp bênh, bằng những giống lúa truyền thống: bao thai, kim cương, mộc tuyền...

Những năm cuối thế kỷ XX, Yên Thành cơ bản đảm bảo lương thực, vậy là số diện tích 600 ha ấy, cơ cấu chuyển đổi trồng các loại cây hoa màu, cây lúa chỉ tập trung thâm canh trên những diện tích 2 vụ lúa/năm. Bây giờ Yên Thành đã tự hào rằng, trong số 12.600 ha đất chuyên canh lúa hiện nay, đã có 2 nghìn ha sản xuất lúa chất lượng cao và 1 nghìn ha sản xuất lúa giống, nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội và tăng thu nhập cho người trồng lúa. Các giống lúa chất lượng cao như: AC5, BC15, bắc thơm, hương thơm.

Trong đó, chất lượng gạo thơm, dẻo nhất là giống lúa AC5, được Công ty TNHH Khoa học Vĩnh Hòa cung ứng giống và thu mua sản phẩm cho bà con, nhằm phục vụ thương hiệu gạo ngon. Nếu không, khách du lịch dễ dàng mua gạo chất lượng ngon về làm quà được bày bán tại các ky ốt dọc Thị trấn, hoặc các điểm xay xát gạo trong huyện. Bây giờ nhiều người dân Yên Thành đã đầu tư mua máy xay xát hiện đại, làm ra sản phẩm gạo trắng bóng, làm đầu mối cho nhiều điểm bán gạo ở các thành phố. Đó cũng chính là mục tiêu hướng đến của huyện trong tương lai là xây dựng thương hiệu gạo Yên Thành, nhằm nâng giá trị kinh tế cho người trồng lúa và thu hút khách du lịch.

Những cánh đồng lúa trải rộng, bằng phẳng tạo điều kiện đưa công nghiệp vào sản xuất.
Những cánh đồng lúa trải rộng, bằng phẳng tạo điều kiện đưa cơ giới vào sản xuất.

Những năm qua, cùng với sự vào cuộc của Nhà nước, nông dân các xã: Liên Thành, Công Thành, Đô Thành, Tân Thành, Hậu Thành, Hùng Thành, Hoa Thành… đã mạnh dạn phối hợp với các công ty chuyên cung ứng giống lúa, như Công ty Giống cây trồng Thái Bình; Công ty Giống cây trồng Trung ương 1; Viện Khoa học nông nghiệp… để sản xuất các loại giống lúa. Qua đó, nông dân được tiếp cận các tiến bộ KHKT trong thâm canh lúa, làm thay đổi nhận thức từ sản xuất mang tính tự cung, tự cấp, sang sản xuất lúa hàng hóa, nông dân được bao tiêu sản phẩm ổn định, với giá thu mua từ 9 - 10 nghìn đồng/kg. Đến nay, toàn huyện đã có 1 nghìn ha sản xuất lúa giống, mỗi năm cung ứng lượng lúa giống trên 6 nghìn tấn cho các đơn vị sản xuất lúa giống lớn trên toàn quốc, mang lại giá trị kinh tế cao gấp rưỡi cho nông dân, so với sản xuất lúa thương phẩm.

Bên cạnh đó, người dân Yên Thành không loại bỏ các loại giống lúa thuần, phục vụ cho việc chế biến các món ăn truyền thống, như tráng bánh mướt, chế biến bún gạo… và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Yên Thành là một trong những huyện có tổng đàn lợn lớn nhất tỉnh, với trên 200 nghìn con và hàng vạn con gia cầm, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế hộ. Không những vậy, lúa Yên Thành bây giờ còn tạo ra nhiều sản phẩm mang tính ẩm thực quê nhà. Đó là hạt gạo nếp quê dẻo thơm, phục vụ cho làng nghề gói bánh chưng Vĩnh Hòa nổi tiếng; gạo lúa thuần dùng để chế biến các loại bánh, bún. Những năm gần đây, Yên Thành được biết đến với nghề trồng nấm rơm, phụ phẩm cây lúa được dùng làm nguyên liệu để trồng nấm.

Làng nghề gói bánh chưng Vĩnh Hòa của xã Hợp Thành nằm sát Tỉnh lộ 538, nơi cửa ngõ của huyện Yên Thành. Những người gắn bó với nghề gói bánh chưng ở đây, khoe rằng: Toàn bộ nguyên liệu từ ngoài vào trong của chiếc bánh chưng đều do người Yên Thành cung cấp. Mỗi năm, làng nghề gói bánh chưng Vĩnh Hòa tiêu thụ hàng trăm tấn gạo nếp, chủ yếu mua của bà con nông dân trong huyện, vì thế gạo nếp thơm được bà con gieo cấy hàng năm, ngoài gia đình cất trữ làm công buổi trong gia đình, còn lại cung ứng cho làng nghề gói bánh chưng. Thịt lợn dùng làm nhân bánh cũng chọn những con lợn to, ngon, được bà con chăn nuôi theo truyền thống, sử dụng thức ăn cám gạo, ngô xay, chất lượng thịt thơm ngon.

Đậu xanh cũng thu mua qua các vụ, được bà con nông dân trồng trên đất bãi màu, thuộc vùng bán sơn địa. Lá gói bánh, cơ bản là lá chuối, thứ lá chuối hột, rọc ra phơi qua nắng vừa dẻo vừa thơm, dùng gói bánh chưng xanh hợp vô kể, cũng trồng trong các vườn nhà của người dân Yên Thành. Hàng ngày trên các phiên chợ quê, người làng Vĩnh Hòa vận chuyển bánh chưng đến bán, người dân trong vùng mang lá chuối ra trao đổi, vừa bán được bánh, lại có lá chuối mang về gói bánh ngày mai. Cứ như thế, làng nghề gói bánh chưng Vĩnh Hòa ngày càng phát triển.

Rồi nghề chế biến bánh bún, tráng bánh mướt, không có thứ gạo nào qua khỏi gạo Khang Dân 18. Bởi loại lúa này mỏng vỏ, thành cao, có độ dẻo nhất định, không bị dính khuôn, dễ tráng bánh. Vì thế hiện nay Yên Thành vẫn còn 25% diện tích gieo cấy lúa Khang Dân, một phần trong đó dùng để chế biến bánh bún. Những người phụ nữ Hợp Thành, Vĩnh Thành, Xuân Thành, Trung Thành… khéo tay, chịu khó, mở quán tráng bánh mướt dọc đường 333, đường 538 nổi tiếng với chiếc bánh vừa dai vừa mịn. Những quán bánh mướt ăn với xáo vịt, xáo lòng, nổi tiếng trong vùng đủ để níu chân thực khách mỗi lần đến với quê lúa.

Trại trồng nấm của anh Nguyễn Thọ Hạnh ở xã Nam Thành.  Ảnh: X.H
Trại trồng nấm của anh Nguyễn Thọ Hạnh ở xã Nam Thành. Ảnh: X.H

Về huyện lúa bây giờ, còn được tham quan trại trồng nấm, được thưởng thức món ăn chế biến từ nấm sò, nấm rơm, nấm mỡ. Ngược đường 538, qua chợ Rộc, rẽ ngược, cắt ngang con sông Đào, đến với trại trồng nấm của anh Nguyễn Thọ Hạnh, ở xã Nam Thành. Năm 2013, thực hiện chủ trương phát triển nghề trồng nấm của huyện, anh Nguyễn Thọ Hạnh lúc đó là Chủ tịch Hội Nông dân xã đã mạnh dạn đầu tư mở trại nấm có quy mô lớn nhất huyện, với nhiều sản phẩm nấm chất lượng cao, như nấm sò, nấm rơm, nấm mỡ. Đến nay trại nấm của anh tạo việc làm cho nhiều lao động, mỗi ngày thu hái gần một tạ nấm các loại, tạo điểm nhấn cho nghề sản xuất nấm ở Yên Thành. Nghề trồng nấm còn được mở rộng nhiều ở Khánh Thành, Sơn Thành, Công Thành, tạo việc làm và tăng thu nhập cho lao động nông thôn, đồng thời tạo thành những điểm tham quan cho khách du lịch mỗi khi đến với Yên Thành.

Về với huyện lúa còn nhiều điều muốn nói, bởi thế, khi nói về định hướng phát triển hơn nữa cho du lịch huyện nhà trong tương lai, ông Nguyễn Tiến Lợi, Chủ tịch UBND huyện, hồ hởi: Với mục tiêu tạo điểm nhấn trong ngành Nông nghiệp cho khách du lịch đến với vùng nông thôn Yên Thành, trong giai đoạn tới, UBND huyện khuyến khích cho các cá nhân tích tụ, chuyển nhượng ruộng đất, hướng tới tạo thành vùng chuyên canh lớn theo mô hình trang trại sinh thái, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ đó, tạo ra nhiều sản phẩm từ nông nghiệp mang tính hàng hóa, phục vụ nhu cầu tham quan cho khách du lịch.

Xuân Hoàng

Mới nhất
x
Thơm thức quà đồng ruộng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO