Thông điệp bảo vệ môi trường trong tục ngữ Thái

10/12/2013 18:56

(Baonghean) - Tục ngữ Thái đúc kết kinh nghiệm sống một cách ngắn gọn, cụ thể, dễ hiểu, đầy sức thuyết phục. Những câu lời tục ngữ trên đây là thông điệp về bảo vệ môi trường mà cha ông “gửi” đến cho chúng ta.

1. Người Thái có câu tục ngữ: “Khầu dư na/ Pá dư nhặm/ Pơ nha xặm hóng liệng tơi côn”, nghĩa là: “Lúa ở ruộng/ Cá ở nước/ Đừng ai triệt tiêu mất nguồn sống đời người”. Vế thứ nhất khẳng định môi trường sống của lúa là ở ruộng; của cá là ở nước. Mà người thì sống nhờ có lúa, nhờ có cá để ăn. Người muốn có lúa, có cá thì phải bảo vệ ruộng, bảo vệ nước, bảo vệ đất đai, tức là môi trường sống nói chung. Vế thứ nhất là tiền đề cho vế thứ hai: “Đừng ai triệt tiêu mất nguồn sống đời người”, nghĩa là đừng hủy diệt môi trường sống. Câu tục ngữ khuyên người ta ứng xử tốt với môi trường để bảo vệ nguồn sống của chính mình, các thế hệ con cháu mình.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

2. Rừng là cái “gốc” của môi trường. Có rừng thì có nguồn nước, mỏ nước. Có rừng thì mới phát triển mãi mãi về sau. Yêu quý rừng, bảo vệ rừng là tiêu chuẩn đạo đức của con người. “Hiêm pá vạy lun lăng chắng mả/ Vạy haử nặm chu bó lay lơng/ Phaư chứ đảy khót nặm măn chắng pên côn”, nghĩa là: “Yêu quý rừng để cháu chắt mai sau mới ‘vượng’/ Để cho mọi mỏ nước chảy mãi/ Ai giữ được nguồn nước (thì) người ấy mới nên người”.

3. Phải giữ cho rừng “già”. Phải biết “kiêng” rừng, “sợ” rừng. “Pả đông xống cột/ Mạy pến hốn/ Côn pến nuột/ Pả cắm đông hẻo/ Mạy húa tả/ Pả húa bỏ/ Pả tẳm đin piêng/ Pả hẻo đông cắm/ Pả cắm đông xên”, nghĩa là:“Rừng già hoang vu/ Cây nên lông/ Người nên râu/ Rừng kiêng, rừng tha ma/ Cây đầu bến/ Rừng đầu nguồn/ Rừng thấp đất bằng/ Rừng tha ma, rừng kiêng/ Rừng kiêng, rừng ‘giật mình’”.

4. Hay như câu: “Bò mi nặm, bò mi na/ Nặm tơng na hờ hâu mua khầu/ Mẻn hóng liệng păn pí tơi côn”, nghĩa là: “Không có nước, Không có ruộng/ nước và ruộng cho ta mùa màng/ Là của nuôi đời người, ngàn năm”. Vế thứ nhất khẳng định: Không có nước thì không có ruộng, vì muốn làm ruộng thì phải có nước. Ruộng là hệ quả/ kết quả của nước (tất nhiên là phải cộng với đất đai và sức lao động, sáng tạo của con người). Theo cách suy lý đó, vế thứ hai nói: Nước và ruộng cung cấp cho con người lúa để ăn. Nếu không có nước, thì không có ruộng. Không có ruộng thì tất nhiên không có lúa, gạo để ăn. Vế thứ ba tiếp nối ý của vế thứ hai, nói lên tầm quan trọng của mùa màng, của lúa, “là của nuôi đời người ngàn năm”. Câu tục ngữ kết cấu theo kiểu “không có A thì không có B”, để suy ra “không có B thì cũng không có C”: Không có nước thì không có ruộng. Không có ruộng thì không có lúa (mùa màng). Không có mùa màng thì không có cái để nuôi sống con người.

– làm cho người nghe/ đọc phải rút ra bài học ứng xử tốt với nguồn nước, đất đai, với lao động…Tức là ứng xử, bảo vệ môi trường và tự ứng xử đúng đắn với bản thân.

Tục ngữ Thái đúc kết kinh nghiệm sống một cách ngắn gọn, cụ thể, dễ hiểu, đầy sức thuyết phục. Những câu lời tục ngữ trên đây là thông điệp về bảo vệ môi trường mà cha ông “gửi” đến cho chúng ta.

Quán Vi Miên

Mới nhất

x
Thông điệp bảo vệ môi trường trong tục ngữ Thái
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO