Thông điệp chính trị đằng sau vụ tấn công Tòa nhà Quốc hội Afghanistan

27/06/2015 09:58

(Baonghean) - 2015 là năm chứng kiến một số thắng lợi quan trọng nhất của lực lượng Taliban trên chiến trường, và là giai đoạn đàm phán phi chính thức đáng kể nhất. Nhiều người vẫn nuôi hy vọng rằng đây sẽ là năm mà các cuộc thảo luận chính thức giữa Taliban và chính phủ sở tại có cơ hội tốt nhất để nhích về phía trước sau thời gian dài rơi vào thế bế tắc và giao tranh dồn dập. Nhưng vụ tấn công hồi đầu tuần này dường như đã chặt đứt tia hy vọng mong manh ấy.

Theo giới phân tích, vụ tấn công táo tợn nhằm vào Tòa nhà Quốc hội Afghanistan vốn được bảo vệ vô cùng cẩn trọng hôm 22/6 vừa qua cho thấy lực lượng Taliban vẫn tiếp tục phô bày khả năng gieo rắc chết chóc ngay tại trung tâm Thủ đô Kabul của quốc gia Hồi giáo này. Nhưng quan trọng hơn, vụ việc cũng chỉ ra rằng trận chiến tại Afghanistan không chỉ dính dáng đến các lực lượng quân sự mà có liên quan đến các hoạt động chính trị.

Khói bốc lên từ hiện trường vụ tấn công Tòa nhà Quốc hội Afghanistan hôm 22/6.  Ảnh: Reuters
Khói bốc lên từ hiện trường vụ tấn công Tòa nhà Quốc hội Afghanistan hôm 22/6. Ảnh: Reuters

Trong khi con số thống kê về thiệt hại do vụ tấn công này gây ra không lớn như những vụ tấn công gây chú ý khác từng diễn ra tại Kabul, những hình ảnh được truyền phát rộng khắp ghi lại cảnh phiên họp với sự tham gia đông đảo của giới chính khách tại trụ sở Quốc hội bất chợt bị gián đoạn bởi vụ nổ ban đầu, cùng với tính biểu tượng cao của mục tiêu tấn công (tức tòa nhà này) được cho là nhằm gửi đi một thông điệp chính trị hết sức rõ ràng.

Trước hết, phải thừa nhận rằng vụ tấn công được tính toán thời gian rất kỹ lưỡng - ngay trong tháng ăn chay Ramadan, ngay khi các nghị sỹ tập trung tại Tòa nhà Quốc hội để xác nhận việc bổ nhiệm một vị Bộ trưởng Quốc phòng mới, thì tòa nhà này đã bị rung chuyển bởi những vụ nổ.

Trước đó không lâu, Taliban đã chiếm được những vùng lãnh thổ đáng kể cả ở miền Bắc lẫn miền Nam nước này. Dù các đàm phán hòa bình phi chính thức mới diễn ra tại Qatar và Na Uy, những tiến triển lại hết sức hạn chế. Một số ý kiến nhận định, một phần lý giải điều này là do Taliban quy kết rằng chính quyền trung ương tại nước này hiện đang ở vị thế yếu kém.

Một khía cạnh khác giải thích cho sự ngông cuồng gần đây trong hoạt động chính trị và quân sự của Taliban là những cuộc tấn công đẫm máu mà Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã tiến hành trong năm qua. Với việc một vài lãnh đạo chủ chốt của Taliban rời bỏ tổ chức này để gia nhập IS, người ta lấy làm quan ngại rằng IS đại diện cho một nguồn tài chính và tính chính danh chính trị mới mà lực lượng Taliban đã đánh mất trong những năm giao tranh kéo dài và gây thương vong cho dân thường.

Dù phải thừa nhận rằng sự gia tăng số lượng các vụ tấn công đang ở mức báo động tại Afghanistan, hiện vẫn được đánh giá là thời khắc then chốt để thúc đẩy đưa ra một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột vốn dường như ngày càng khó, nếu không muốn nói là không thể đúc kết một giải pháp quân sự.

Tuy nhiên, cuộc tấn công nhắm vào Tòa nhà Quốc hội nhấn mạnh tính nhạy cảm của tình hình chính trị và cần thiết phải có sự ủng hộ về mặt chính trị từ cộng đồng quốc tế. Nhiều người Afghanistan quả quyết, yếu tố chủ chốt quyết định vụ tấn công hẳn là do ngày hôm đó là thời điểm các nghị sỹ chuẩn bị tiến hành bỏ phiếu thông qua ứng viên cho vị trí Bộ trưởng Quốc phòng của Tổng thống Ashraf Ghani, ông Masoom Stanekzai. Ông Stanekzai, người vốn nhận được sự trọng vọng rộng rãi từ rất nhiều phe phái trong giới tinh hoa của Kabul, được nhiều người đánh giá là ứng viên có thể kết hợp những nỗ lực quân sự và chính trị nhằm ổn định đất nước này.

Nhiều tháng qua, chiếc ghế Bộ trưởng Quốc phòng chưa có ai ngồi vào kể từ khi Ghani nhậm chức Tổng thống hồi tháng 9/2014 và chỗ trống này đã trở thành trọng điểm tranh luận trong giới tinh hoa chính trị tại Kabul. Việc Ghani không có khả năng chỉ định người nắm giữ cương vị này đã bị đánh giá là tượng trưng cho những khó khăn mà ông vấp phải trong quá trình kiến tạo một chính phủ có thể đối phó với lực lượng Taliban. Nói đơn giản thì cuộc tấn công chỉ làm trì hoãn buổi bỏ phiếu mà thôi, nhưng đối với nhiều người dân Afghanistan vốn bất bình trước tốc độ cải cách chậm chạp và nền kinh tế trì trệ của quốc gia Hồi giáo này, sự việc lại cho thấy chính quyền của họ đã lung lay tới mức nào.

Ngoài ra, ngày diễn ra vụ tấn công còn đáng lưu ý bởi thực tế đáng lẽ đó là ngày kết thúc nhiệm kỳ hợp pháp của Quốc hội. Tuy nhiên, do các cuộc bầu cử Quốc hội năm nay đã bị lùi lại, Ghani đã tuyên bố rằng họ sẽ tại vị cho đến khi đưa ra kế hoạch bầu cử mới. Cuộc tấn công này đã bôi đậm địa vị pháp lý để ngỏ của Quốc hội hiện nay và nỗ lực vật lộn của Ghani nhằm lôi kéo các đảng phái chính trị khác nhau trong đất nước này vào chính phủ liên minh của ông.

Cùng với việc quân đội Mỹ vẫn tiếp tục hiện diện tại nước này và khao khát của đông đảo dân chúng muốn khép lại cuộc chiến, vẫn còn tồn tại khả năng thực sự đạt được tiến triển trong việc thiết lập một thỏa thuận hòa bình. Điều này có thể sẽ cho phép Mỹ rút bớt quân về nước và dành nhiều sự ủng hộ trên thực tế hơn đối với Ghani trong các cải cách chính trị và kinh tế của ông.

Song, một thỏa thuận như vậy sẽ mang tính chính trị nhiều hơn tính quân sự. Nhằm tận dụng tốt thời điểm này khi mà khả năng lực lượng Taliban chịu đàm phán có thể đang tăng lên, Chính phủ Afghanistan cần phải đẩy mạnh các cải cách giúp chính họ trở nên đoàn kết hơn với tính chính danh lớn hơn. Điều này bao gồm các cải cách bầu cử sau cuộc bầu cử tổng thống đầy rẫy sai sót hồi năm ngoái và một thỏa thuận hiến pháp nhằm làm rõ địa vị pháp lý của chính quyền liên minh hiện đang cầm quyền. Trong khi hầu hết những vấn đề này thuộc trọng trách của giới chính khách Afghanistan, sức ép quốc tế đặt lên vai Ghani buộc ông phải tiếp tục chương trình nghị sự về các cải cách chính trị của mình, lẫn sự ủng hộ dành cho ông để đối phó với một số đồng minh cấp tư lệnh vốn phản đối những thay đổi này sẽ giúp ích rất nhiều cho tình thế hiện nay.

Chung quy lại, vụ tấn công Quốc hội Afghanistan không chỉ cho thấy mối đe dọa quân sự mà Taliban bày ra vẫn đang tiếp diễn, mà cũng vạch rõ rằng phản ứng của Chính phủ Afghanistan và cộng đồng quốc tế ủng hộ chính quyền này, chắc chắn phải là một chương trình nghị sự rõ ràng về cải cách chính trị. Nếu không đạt được điều đó, như BBC nhận định, không một ai có thể đoán chắc rằng “trận chiến vì hòa bình” tại nước này sẽ giành được thắng lợi.

Thu Giang

Thông điệp chính trị đằng sau vụ tấn công Tòa nhà Quốc hội Afghanistan
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO