Thông tin kịp thời, chính xác về môi trường biển
(Baonghean) - Năm 2016, kể từ khi xảy ra sự cố Formosa đến nay, tần suất quan trắc môi trường biển được gia tăng, nhằm cập nhật kịp thời, chính xác các thông tin.
Tăng tần suất quan trắc
Từ cuối tháng 4/2016, sự cố ô nhiễm môi trường biển do Formosa đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng môi trường biển các tỉnh duyên hải miền Trung. Cận kề tỉnh Hà Tĩnh, cách biển Vũng Áng, tâm điểm của sự cố ô nhiễm chỉ khoảng 100km, vậy nên chất lượng nước biển của Nghệ An ra sao luôn được dư luận quan tâm.
Theo các cán bộ Trung tâm quan trắc TN&MT, những điểm lấy mẫu nước biển để thực hiện quan trắc phải lấy ở bãi tắm, không cách xa bờ quá 1,5km và lấy ở độ sâu từ 0,3 – 0,5m. Ảnh: Hà Giang |
Thông thường, việc quan trắc môi trường biển được thực hiện 4 lần/năm (rải đều vào tháng 3, tháng 6, tháng 9 và tháng 12). Tuy nhiên trước sự cố Formosa, được sự chấp thuận của UBND tỉnh, Sở TN&MT đã chỉ đạo Trung tâm quan trắc TN&MT đẩy mạnh việc thực hiện chương trình giám sát môi trường biển ngay từ thời điểm cuối tháng 4/2016. Theo đó, tần suất quan trắc được gia tăng và điểm lấy mẫu cũng dày hơn, trải dài theo suốt đường biển của Nghệ An từ TX. Cửa Lò đến TX. Hoàng Mai.
Theo số liệu thống kê của Sở TN&MT, giai đoạn “nóng bỏng” nhất là từ ngày 27/4 - 5/6/2016. Ở thời điểm này, mẫu nước biển ven bờ thực hiện quan trắc được lấy tại các bãi biển: Quỳnh Phương (TX. Hoàng Mai), Quỳnh Nghĩa (Quỳnh Lưu), Diễn Thành (Diễn Châu), Cửa Lò, Cửa Hội (TX.Cửa Lò). Có ngày cao điểm, các trung tâm quan trắc của Bộ TN&MT và của tỉnh thực hiện quan trắc 2 lần/ngày; tổng số đã thực hiện 19 lần quan trắc với 41 mẫu nước biển.
Trong đó, Trung tâm quan trắc TN&MT Nghệ An thực hiện độc lập 10 lần quan trắc với 23 mẫu nước biển; Trung tâm quan trắc môi trường (Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT) phối hợp cùng Trung tâm quan trắc TN&MT Nghệ An thực hiện 9 lần quan trắc với 18 mẫu nước biển (từ ngày 2/5 - 6/5/2016).
Giám đốc Trung tâm quan trắc TN&MT, ông Lê Văn Hưng cho biết, dù các thông số nước biển thuộc địa bàn tỉnh qua quan trắc đảm bảo, nhưng UBND tỉnh yêu cầu Sở TN&MT và các đơn vị trực thuộc tập trung cho công tác quan trắc môi trường biển; kể cả dịp tháng 11/2016, khi Bộ TN&MT đánh giá và công bố môi trường biển khu vực các tỉnh miền Trung đã được đảm bảo an toàn.
Kỹ sư Lê Duy Khánh vận hành máy quang phổ hấp thụ nguyên tử ASS để thực hiện phân tích hàm lượng kim loại nặng hòa tan trong nước. Ảnh: Hà Giang |
Còn ở thời điểm hiện tại, UBND tỉnh giao nhiệm vụ đảm bảo tần suất thực hiện một lần/tuần. Chỉ đạo của UBND tỉnh được thể hiện tại Công văn số 1553/UBND-NN ngày 15/3 về việc thực hiện chương trình quan trắc giám sát chất lượng nước biển mùa du lịch; với nội dung: “Đồng ý tổ chức quan trắc môi trường biển tại bãi biển Diễn Thành, Quỳnh Phương, Cửa Lò, Cửa Hội, với tần suất 1 tuần/lần trong thời gian kể từ ngày 1/4 đến ngày 30/8.
Kết quả quan trắc mỗi lần ngoài việc báo cáo UBND tỉnh, các cơ quan đơn vị có liên quan, chính quyền địa phương (cấp phường, xã, thị xã), Sở TN&MT còn phải phối hợp với Đài PH-TH, Báo Nghệ An để đăng tin trên các bản tin thời sự, báo in, để nhân dân được rõ...”.
Đảm bảo chính xác thông tin
Để đánh giá chính xác môi trường biển, có 13 thông số trong nước biển sẽ được thực hiện quan trắc bao gồm nhiệt độ, pH, Ôxy hòa tan, độ đục, độ muối, chất rắn lơ lửng, Amoni, Phosphat, Cynua, Asen, Mangan, Sắt, Coliforms. Trong đó, có 5 thông số đo, phân tích tại hiện trường (nhiệt độ, độ muối, độ đục, độ pH, hàm lượng ôxy hòa tan (DO); 8 thông số được phân tích trong phòng thí nghiệm (chất rắn lơ lửng (TSS), Amoni (NH4+), Phosphat (PO43-), Cyanua (CN-), Asen (As), Mangan (Mn), Sắt (Fe), Coliforms).
Ở Trung tâm quan trắc TN&MT, hiện đã đảm bảo năng lực thực hiện các chương trình quan trắc môi trường nói chung, chương trình quan trắc môi trường biển nói riêng. Trong đó, phòng Quan trắc môi trường và phòng Thí nghiệm của trung tâm đều đã được công nhận đạt tiêu chuẩn Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO/IEC17025:2005 với số hiệu Vilas 951 và 551.
Các thông số phân tích được thực hiện theo đúng các phương pháp tiêu chuẩn quốc tế hoặc TCVN/phương pháp xây dựng nội bộ khác đã được công nhận. Ngoài ra, trung tâm cũng đã được cấp Giấy chứng nhận về việc đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường tại Quyết định số 1237/QĐ-BTNMT ngày 25/6/2014 của Bộ trưởng Bộ TN&MT với số hiệu VIMCERTS 005.
Về các trang thiết bị của trung tâm được đầu tư cơ bản đầy đủ, đáp ứng yêu cầu công việc và được quản lý, kiểm tra theo quy định. Các thông số quan trắc được quan trắc, phân tích trên hệ thống trang thiết bị hiện đại, chính xác; đặc biệt trong đó, các thông số về kim loại nặng được phân tích trên thiết bị quang phổ hấp thụ nguyên tử AAS.
Biển Cửa Lò nhìn từ đảo Lan Châu. Ảnh: Hà Giang |
Ông Lê Văn Hưng trao đổi thêm: Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở TN&MT, Trung tâm Quan trắc TN&MT đã chủ động, kịp thời triển khai, lập kế hoạch chương trình quan trắc môi trường biển theo đúng hướng dẫn tại Thông tư số 31/2011/TT-BTNMT ngày 01/8/2011 về Quy trình kỹ thuật quan trắc môi trường nước biển từ thiết kế chương trình quan trắc, tổ chức thực hiện quan trắc, phân tích môi trường và bàn giao kết quả. Chương trình cũng được thiết kế quy định về đảm bảo chất lượng và kiểm soát chất lượng trong quan trắc môi trường (QA/QC) theo Thông tư 21/2012/TT-BTNMT ngày 19/12/2012 của Bộ TN&MT.
“Vào các ngày 4, 10, 17/4/2017, Trung tâm đã tổ chức thực hiện được 3 đợt lấy mẫu tại 4 địa điểm thuộc biển Quỳnh Phương, Diễn Thành, Cửa Lò và Cửa Hội. Qua phân tích tại hiện trường và phòng thí nghiệm cho thấy, chất lượng nước biển của cả 3 đợt đều đảm bảo quy chuẩn quy định. Trung tâm đã báo cáo kết quả kịp thời cho UBND tỉnh, Sở TN&MT, các huyện, thị xã, cơ quan truyền thông… như chỉ đạo của tỉnh tại Công văn số 1553” – ông Lê Văn Hưng nói.
Hà Giang
TIN LIÊN QUAN |
---|