Thư đi Quảng Đông
(Baonghean) - “Nghệ An ngày 14/6/2013
Kính gửi thân nhân ông Chu Mậu Thần ở Quảng Đông, Trung Quốc!
Đã 4 năm, kể từ năm 2009, đến nay mới có một người từ đất nước các ông (bà) đến thăm viếng người thân của các ông (bà) là ông Chu Mậu Thần – người đã hy sinh cho sự nghiệp chiến đấu bảo vệ Tổ quốc của nhân dân Việt Nam chúng tôi. Biết ơn sự hy sinh ấy của ông Chu Mậu Thần và 4 đồng đội của ông trên con tàu tiếp viện Hồng Kỳ 1 vào năm 1972 ác liệt ấy ở Đảo Ngư, chúng tôi cảm ơn người Trung Quốc đã tới viếng thăm ông vào ngày 5/6 vừa qua tại Nghĩa trang Liệt sỹ xã Nam Giang, huyện Nam Đàn của chúng tôi; đó là ông Khổng Huyễn Hữu – Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHND Trung Hoa ở Việt Nam.
Hẳn linh hồn ông Chu Mậu Thần đã rất vui khi tiếp nhận tình cảm của người đồng hương đặc biệt ấy. Và hẳn nếu có thể, linh hồn ông Chu Mậu Thần cũng đã nói với các ông (bà) và ông Khổng Huyễn Hữu rằng, cách trở đường xa và bởi bao trắc trở chuyện đời, ông Chu Mậu Thần có chút nỗi niềm chạnh nhớ cố hương, nhưng ông và các đồng đội ông không hề phải tủi buồn, vì nơi ông và các đồng đội ông yên nghỉ là nơi luôn trang trọng trong lòng nhân dân chúng tôi – nghĩa trang liệt sỹ; ông và các đồng đội của ông luôn được nhân dân địa phương ở đó chăm lo hương khói, chăm sóc phần mộ chu đáo như đối với hàng chục liệt sỹ con em xã Nam Giang, Nam Đàn, Nghệ An.
Kính thưa thân nhân ông Chu Mậu Thần!
Thấm thoắt đã 4 năm kể từ ngày con gái ông Chu Mậu Thần đại diện cho các ông (bà) sang thăm viếng ông rồi bặt tin đến nay. Khoảng thời gian đó cứ hàng năm người dân địa phương lại mong ngóng các ông (bà) có mặt vào một ngày trọng nào đó hầu để cùng hương khói cho ông Chu Mậu Thần được trọn vẹn theo như phong tục của nhân dân chúng tôi và chắc là phong tục của đất nước các ông (bà) cũng thế. Mong ngóng thế để rồi cứ cầu mong cho con gái ông được bình an vô sự, để có một ngày lại thay mặt cho các ông (bà) sang thăm viếng người cha thân yêu của mình.
Dù có thể là các ông (bà) đều đã biết ít nhiều về nơi yên nghỉ của ông Chu Mậu Thần và các đồng đội của ông, thì chúng tôi cũng cứ muốn thông báo lại với các ông (bà) rằng: Nơi đó nằm sát Quốc lộ 46 – một trong những tuyến đường đẹp nhất của quê hương Nghệ An chúng tôi, nối thị xã du lịch biển Cửa Lò, qua Thành phố Vinh, lên quê hương Nam Đàn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, rồi thẳng lên miền Tây rộng lớn… Người dân Nghệ An chúng tôi thường xuyên lại qua trên tuyến đường này, đi qua nơi ấy, gần như đều thuộc tên tuổi ông Chu Mậu Thần, biết sự hy sinh vì tình hữu nghị cao cả của ông và đồng đội. Trong tình cảm của chúng tôi, ông và các đồng đội của ông trên con tàu Hồng Kỳ 1 ấy, đã như là người Việt Nam rồi. Và tình cảm cao đẹp ấy, sự hy sinh ý nghĩa ấy vì cuộc sống hòa bình của nhân dân Việt Nam cũng như nhân dân Trung Quốc, của chúng tôi và các ông (bà), hẳn là các ông (bà) cũng đồng ý với chúng tôi là chúng ta luôn gìn giữ, bảo vệ, nhân lên, vun đắp cho một giá trị của chính nghĩa…
Còn bây giờ, có lẽ các ông (bà) hãy tìm cách gửi lời cảm ơn ông Khổng Huyễn Hữu đã có một nghĩa cử đáng trân quý với thân nhân của các ông (bà) đang an nghỉ trên đất quê chúng tôi mà dẫu không cố hương nhưng như đã thực là “nhà”. Nghĩa cử đó của ông Khổng Huyễn Hữu, chắc cũng đủ để các ông (bà) xua đi cái bối rối lòng người không đáng có, hầu một ngày sớm nhất có mặt viếng thăm ông Chu Mậu Thần.
Kính thư!”
Vũ Vương