Thu hút đầu tư Mỹ: Cơ hội đón làn sóng mới
Việt Nam và Mỹ đang đàm phán về việc gia nhập Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), kỳ vọng sẽ mở ra làn sóng mới trong việc thu hút các doanh nghiệp (DN) Mỹ đầu tư vào Việt Nam.
Dây chuyền sản xuất mới tại Nhà máy Coca - Cola Đà Nẵng
Đặt nền móng kinh doanh lâu dài
Với lợi thế nguồn vốn lớn, kỹ thuật công nghệ hiện đại, có lượng Việt kiều đông, quan hệ thương mại quy mô lớn… lượng vốn đầu tư trực tiếp (FDI) của các DN Mỹ đã có những đóng góp tích cực trong tăng trưởng kinh tế - xã hội Việt Nam.
Lượng vốn đầu tư của các DN Mỹ vào Việt Nam đến nay đạt hơn 10,5 tỷ USD, với khoảng 658 dự án, đứng thứ 7 trong các nước và vùng lãnh thổ có vốn FDI vào Việt Nam, nếu tính cả nguồn vốn đầu tư qua nước thứ 3 thì Mỹ sẽ là nhà đầu tư dẫn đầu tại Việt Nam.
Hàng loạt các công ty đa quốc gia của Mỹ đã đến Việt Nam để đặt nền tảng phát triển dài hạn, khẳng định chỗ đứng trên thị trường như Pepsico, Coca Cola, Cargil, 3M, Procter & Gamble, Kimberly Clark, Intel, Starwood Hotels & Resorts...
Đặc biệt, hiện tại đang có một làn sóng mới các DN Mỹ đến Việt Nam với hàng loạt các công ty nhượng quyền thương mại như Burger King, Pizza Domino và gần đây Starbucks và McDonald’s.
Ngoài ra, nhiều định chế tài chính lớn của Mỹ như CitiBank, JP Morgan Chase, Well Fargo, Far East National Bank cũng đã đặt chân vào Việt Nam từ rất sớm, tạo tiền đề cho các DN Mỹ thực hiện đầu tư kinh doanh. Thông qua hình thức đầu tư gián tiếp nhiều công ty đầu tư của Mỹ đã rót lượng vốn lớn vào thị trường Việt Nam như Kohlberg Kravis Roberts (KKR) đã đầu tư 359 triệu USD vào Masan Group. Hay gần đây Texas Pacific Group (TPG) cũng đầu tư 50 triệu USD vào Masan Agriculture. Với những thương vụ đầu tư lớn này càng minh chứng sự hấp dẫn của Việt Nam với các DN Mỹ, thuyết phục các nhà đầu tư mới tiếp tục tìm đến Việt Nam.
Các nhà đầu tư Mỹ đánh giá cao sự hấp dẫn của thị trường Việt Nam bởi tình hình kinh tế vĩ mô về cơ bản vẫn được duy trì ở mức ổn định, các chính sách ưu đãi thuế, tiêu chuẩn thâm nhập thị trường thấp… |
Sự dịch chuyển của nhà đầu tư Mỹ tại Đông Nam Á
Theo kết quả khảo sát về triển vọng kinh doanh ASEAN năm 2014 do Phòng Thương mại Mỹ tại Singapore thực hiện và công bố mới đây cho thấy, nhiều nhà đầu tư Mỹ đang có kế hoạch mở rộng đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Việt Nam là điểm đến ưa thích thứ 2 (sau Indonesia) của các nhà đầu tư Mỹ. Có 43% DN Mỹ được hỏi cho biết đang có kế hoạch mở rộng kinh doanh tại Việt Nam.
Ông Mark Gillin -Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) Việt Nam - cho biết, hiện đang diễn ra sự dịch chuyển khỏi Trung Quốc của các DN Mỹ và đây cũng sẽ là cơ hội cho Việt Nam. AmCham Việt Nam sẽ làm hết khả năng để đảm bảo cho sự dịch chuyển nói trên hướng đến Việt Nam bởi các nhà đầu tư đến từ AmCham rất tin tưởng vào môi trường đầu tư tại đây. Minh chứng cho cơ hội đầu tư này, gần đây AmCham tại Hong Kong đã đưa một số lãnh đạo DN hàng đầu trong lĩnh vực dệt may, giày da và dịch vụ tài chính đến Việt Nam để tìm hiểu về cơ hội và môi trường đầu tư.
Theo Bà Sherry Boger- Tổng giám đốc Intel Products Vietnam, trình độ kỹ năng, tay nghề của công nhân Việt Nam không thua lao động ở Trung Quốc. Hơn nữa phát triển công nghệ cao là định hướng lâu dài đã được Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm. Vì thế đặt nền tảng cho việc tiếp tục mở rộng đầu tư vào Việt Nam, Intel đã liên kết với nhiều đối tác trong đó có các trường đại học và trường nghề với mục tiêu đào tạo nâng cao trình độ nguồn lao động.
Theo.baocongthuong