Thủ tướng Ấn Độ thăm Israel: Chuyến đi 'lịch sử'?

(Baonghean) - Ông Narendra Modi vừa trở thành Thủ tướng Ấn Độ đầu tiên tới thăm Israel sau khi đặt chân đến Tel Aviv hôm 4/7, thực hiện chuyến công du 3 ngày.

Chuyến đi 'lịch sử' như nhận xét của Thủ tướng nước chủ nhà Israel có vẻ như không giúp hạ nhiệt căng thẳng lâu năm trong khu vực.

Bức ảnh kèm lời đề tặng của Thủ tướng Israel gửi đến Thủ tướng Ấn Độ. 	Ảnh: Twitter.
Bức ảnh kèm lời đề tặng của Thủ tướng Israel gửi đến Thủ tướng Ấn Độ. Ảnh: Twitter.

Tình bạn nảy nở

Trong thời gian lưu lại Israel vỏn vẹn 3 ngày, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã đăng tải lên trang cá nhân trên mạng xã hội Twitter tới 50 lần, bộc lộ niềm vui thích mà ông và “người bạn tốt Netanyahu” đã cũng nhau tận hưởng. Không ít quan điểm cho rằng, so với xuất phát điểm, giờ đây mối quan hệ giữa Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã nở rộ thành tình bạn chí cốt toàn diện, “bồi” thêm bằng những cuộc dạo chơi bên bờ biển và cả những lời nhắn gửi viết tay.

Không những chứng kiến 2 nhà lãnh đạo cùng cười đùa vui vẻ, trao nhau những cái ôm nồng ấm, cùng thăm thú Israel bằng trực thăng, thưởng thức nghệ thuật và tìm hiểu lịch sử, người ta còn ngạc nhiên trước “sự lãng mạn” của 2 nhà lãnh đạo khi sánh bước ven bờ biển Dor ở Haifa hôm 6/7. Họ tới đó để thảo luận vấn đề khử muối (quá trình biến nước biển thành nước uống được), nhưng ngoài chủ đề đó ra thì biết đâu đôi bạn thân thiết này còn đề cập thêm những nội dung khác, trong lúc xắn quần, và vẫy tay, mỉm cười giữa những con sóng Địa Trung Hải. “Chẳng có điều gì sánh bằng việc ra biển chơi cùng bạn bè!”, đó là điều Thủ tướng Israel đã đăng tải lên mạng xã hội sau đó, sưởi ấm trái tim của những nhà lãnh đạo thế giới cô đơn ở ngoài kia.

Thậm chí, giới quan sát còn so sánh chuyến thăm cấp nhà nước lần này của Thủ tướng Ấn Độ với những cuốn tiểu thuyết tình cảm lãng mạn nổi tiếng của nhà văn Nicholas Sparks, nhất là khi ông Netanyahu tặng ông Modi một bức ảnh chụp chung trên bãi biển, kèm một lời tựa viết tay: “Gửi tặng Thủ tướng Narendra Modi, bằng tình bạn sâu sắc nhất trong chuyến thăm lịch sử của ông tới Israel”. Giờ phút chia tay của 2 nhà lãnh đạo khi 3 ngày công du Israel của Thủ tướng Ấn Độ khép lại cũng đầy cảm xúc, khi 2 người vẫy tay từ biệt một cách bịn rịn. Chủ nhà Netanyahu đăng lên trang cá nhân lời chào bằng ngôn ngữ Hindi: “Cảm ơn đã đến thăm Israel nhé Thủ tướng Modi. Chúng ta sẽ sớm gặp lại nhau”.

Lãnh đạo Ấn Độ và Israel đã trao nhau những cái ôm nồng ấm trong chuyến thăm vừa qua.	Ảnh: Getty
Lãnh đạo Ấn Độ và Israel đã trao nhau những cái ôm nồng ấm trong chuyến thăm vừa qua. Ảnh: Getty

Quá khứ phức tạp

Điều mà ai cũng nhận thấy là 2 nhà lãnh đạo đã cùng chia sẻ quãng thời gian hết sức vui vẻ, nhưng cùng với đó, họ đã nỗ lực rất nhiều để hoàn thành một số thỏa thuận. Họ đã cùng nhau ký kết 7 bản hiệp định quan trọng về vấn đề nước, nông nghiệp và công nghệ không gian, thành lập quỹ nghiên cứu cải tiến chung trị giá 40 triệu USD. Họ cũng dành thời gian cùng xem xét lại những lợi ích an ninh chung. Hồi tháng 4, ngành Công nghiệp không gian Israel thuộc sở hữu nhà nước đã ký thỏa thuận trị giá gần 2 tỷ USD để cung cấp cho lục quân và hải quân Ấn Độ các hệ thống phòng thủ tên lửa, khiến đây trở thành bản hợp đồng quốc phòng “béo bở” nhất trong lịch sử Israel.

Nếu chỉ nhìn vào mối quan hệ nồng ấm giữa 2 nhà lãnh đạo và những bước tiến vững chắc của họ nhằm củng cố quan hệ đồng minh giữa 2 nước, nhiều người ắt hẳn sẽ quên rằng trước khi Modi nhậm chức năm 2014, quan hệ của Ấn Độ với Israel đã vô cùng hờ hững, lạnh nhạt. Điều này được lý giải một phần bởi Ấn Độ có lịch sử thiên về ủng hộ người Palestine.

Đây là quốc gia đầu tiên ngoài thế giới Arập công nhận Tổ chức Giải phóng Palestine là đại diện hợp pháp cho nhân dân Palestine vào năm 1974, và sau đó trở thành một trong những quốc gia đầu tiên công nhận Nhà nước Palestine vào năm 1988. Mối quan hệ lâu năm này đã thêm phần phức tạp dưới thời Modi và đảng BJP của ông, khi ông Modi công khai hơn về việc xích lại gần hơn với Israel. Nói về vấn đề này, P.R. Kumaraswamy - một giáo sư nghiên cứu Trung Đông tại Đại học Jawaharlal Nehru ở New Delhi cho rằng: “Trước đây, người ta không công khai thừa nhận mối quan hệ này. Kiểu như anh có bạn gái, nhưng anh chưa sẵn sàng mang về ra mắt gia đình”.

Vì thế, thật sự rất khác biệt khi BJP nhiều dịp khẳng định họ tin rằng có thể gây dựng các mối quan hệ độc lập với cả Israel lẫn Palestine. Và chuyến thăm cấp nhà nước mới đây nhất chính là minh họa rõ nét cho chính sách đó. Vijay Chauthaiwale - người phụ trách bộ phận chính sách đối ngoại của đảng BJP khẳng định: “Chúng tôi muốn xây dựng một mối quan hệ vững chắc với Israel song song với việc ủng hộ lý tưởng của người Palestine. Và chúng tôi không thấy e ngại gì về việc đó cả”.

Lật lại lịch sử, hồi năm 2015, sau khi Ấn Độ bỏ phiếu trắng trong cuộc bỏ phiếu buộc tội Israel do Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc tổ chức, Đại sứ Palestine tại Ấn Độ đã yêu cầu một lời giải thích rõ ràng.  Còn giờ đây, phản ứng trước chuyến đi của Modi, Thứ trưởng Ngoại giao Chính quyền Palestine Tayseer Jaradat đã tỏ thái độ phật ý khi trả lời hãng tin CNN: “Chúng tôi muốn Thủ tướng của một quốc gia quan trọng, như Ấn Độ chẳng hạn, hiện đang tới thăm khu vực, cũng nên thăm Palestine khi tới thăm Israel”.

Tóm lại, những bức ảnh của ông Modi và Netanyahu trong những ngày qua có thể làm nên bức tranh ấm áp trong quan hệ giữa 2 nước, nhưng thế vẫn chưa đủ để xua tan những căng thẳng khu vực bấy lâu nay. Phản ứng của Palestine trước chuyến đi cũng phần nào cho thấy rằng, kế hoạch của Ấn Độ về một mối quan hệ độc lập với từng quốc gia là chuyện không dễ dàng như ông Modi tưởng.

Phú Bình (Theo VOX)

tin mới

Chuyên gia lý giải vì sao Pháp không đủ khả năng tiến hành chiến tranh khốc liệt ở Ukraine

Chuyên gia lý giải vì sao Pháp không đủ khả năng tiến hành chiến tranh khốc liệt ở Ukraine

Nước Pháp, bất chấp những tuyên bố hung hăng của Tổng thống Emmanuel Macron, không có đủ tiềm lực để tham gia vào cuộc chiến khốc liệt ở Ukraina; thậm chí nước này có thể chỉ có đủ đạn dược trong 2-3 ngày, theo Cyril de Lattre - chuyên gia hàng không, cựu phi công Pháp nói với Sputnik.

 Tướng Cương: Sẽ xảy ra cuộc chiến tổng lực nếu Tel Aviv đáp trả

Tướng Cương: Sẽ xảy ra cuộc chiến tổng lực giữa Iran - Israel nếu Tel Aviv đáp trả vụ tấn công 13/4

(Baonghean.vn) - Bình luận về khả năng có một cuộc chiến tổng lực và toàn diện giữa Iran - Israel sau sự kiện 13/4, PGS.TS. Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an cho rằng, cuộc chiến sẽ bùng lên nếu Israel có các hành động đáp trả vào các căn cứ của Iran.

Đức tính toán gì khi đưa quân tới biên giới Nga?

Đức tính toán gì khi đưa quân tới biên giới Nga?

(Baonghean.vn) - Lần đầu tiên kể từ năm 1945, Đức đưa vài nghìn binh lính tiến sát tới biên giới Nga. Bộ trưởng Quốc phòng Đức gọi những gì đang diễn ra là “một ngày tuyệt vời đối với Quân đội Đức”. Lữ đoàn Đức này đi đâu, và sẽ gây ra mối đe dọa nghiêm trọng nào đối với lợi ích của Nga?

Cựu Giám đốc tình báo đối ngoại Pháp: Nga - Ukraine sẽ đi đến hòa bình nhờ ông Trump

Cựu Giám đốc tình báo đối ngoại Pháp: Nga - Ukraine sẽ đi đến hòa bình nhờ ông Trump

(Baonghean.vn) - Cựu Giám đốc Tổng cục An ninh Đối ngoại Pháp Alain Jouillet cho biết, nếu Nga và Ukraine không thể đạt được thỏa thuận trong những tháng tới, do áp lực từ các thế lực bên ngoài, thì một thỏa thuận ngừng bắn sẽ đạt được sau khi ông Donald Trump trở lại nắm quyền.

Cựu chuyên gia Lầu Năm Góc: Phương Tây 'đánh mất' sự ủy nhiệm của người dân Ukraine giao cho Tổng thống Zelensky

Cựu chuyên gia Lầu Năm Góc: Phương Tây 'đánh mất' sự ủy nhiệm của người dân Ukraine giao cho Tổng thống Zelensky

(Baonghean.vn) - Cựu chuyên gia phân tích của Lầu Năm Góc, Trung úy Không quân Mỹ đã nghỉ hưu Karen Kwiatkowski cho rằng, phương Tây đã đánh mất sự ủy nhiệm của người dân Ukraine giao phó cho Tổng thống Volodymyr Zelensky trong cuộc bầu cử tổng thống 5 năm trước đó.