Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo 'có học sinh là phải có giáo viên’
Đây là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị tổng kết năm học 2023 - 2024 và triển khai nhiệm vụ năm học mới 2024 - 2025 trong bối cảnh toàn ngành đang thiếu giáo viên ở nhiều bậc học.
Sáng 19/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2023-2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025 toàn ngành Giáo dục.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với điểm cầu chính tại Hà Nội và 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Đến dự và chỉ đạo hội nghị có đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị - Thủ tướng Chính phủ. Cùng dự có lãnh đạo các Bộ, ban, ngành liên quan, đại diện các trường đại học trên cả nước.
Tại điểm cầu tỉnh Nghệ An có các đồng chí Bùi Đình Long – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Thái Văn Thành - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan, đại diện các trường đại học và lãnh đạo các huyện, thành, thị trong tỉnh.
10 điểm sáng của ngành Giáo dục
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, trong năm học 2023 - 2024, cùng với cả nước, ngành Giáo dục quyết tâm thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ được giao để hoàn thành Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026; thực hiện các nhiệm vụ công tác năm của Chính phủ, cũng như các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị triển khai kế hoạch, nhiệm vụ năm học 2023-2024.
Đặc biệt, thời gian qua, được sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với tinh thần chỉ đạo và định hướng quan trọng là “học thật, thi thật, nhân tài thật”, phương châm “nhà trường là nền tảng, thầy cô là động lực, học sinh là trung tâm”, toàn ngành Giáo dục đã nỗ lực, cố gắng để hoàn thành kế hoạch năm học 2023 – 2024. Trong đó có nhiều kết quả tốt đẹp, tích cực, có tác động gia tăng niềm tin, sự đồng thuận, ủng hộ của toàn xã hội.
Tại hội nghị tổng kết, đại diện các tỉnh Điện Biên, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đã đề xuất nhiều nội dung, tập trung vào các vấn đề như bổ sung biên chế, đảm bảo đủ theo như định biên đã quy định, bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, nhất là ở các huyện miền núi cao.
Hội nghị cũng đi vào phân tích những điểm “nghẽn” của giáo dục và những khó khăn, bất cập như chất lượng đội ngũ giáo viên, bệnh thành tích trong giáo dục, đời sống giáo viên còn nhiều khó khăn, không có nhiều thời gian cho đọc và tự học, công tác quy hoạch mạng lưới trường lớp chưa phù hợp, tình trạng bạo lực học đường, công tác bảo đảm an toàn cho trẻ em, quy mô đào tạo trình độ đại học tăng nhưng còn thiếu nhóm ngành khoa học cơ bản.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ đã ghi nhận 10 điểm sáng của toàn ngành Giáo dục trong năm học 2023 – 2024 như đảm bảo đủ trường lớp cho học sinh, đưa tiếng Anh là môn học thứ 2, cải cách tiền lương cho đội ngũ giáo viên, hoàn thiện các thể chế chính sách về phát triển giáo dục và đào tạo, thực hiện đổi mới chương trình sách giáo khoa bước đầu đạt được mục tiêu đề ra, phát huy được tính chủ động sáng tạo của học sinh, đổi mới kiểm tra đánh giá, chuyển dần từ kiểm tra đánh giá kiến thức sang đánh giá năng lực của người học, làm tốt công tác phổ cập, xóa mù chữ…
Rà soát lại các mục tiêu đã đề ra
Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã chỉ ra những bất cập trong quá trình thực hiện đổi mới sách giáo khoa, tình trạng thiếu giáo viên cục bộ, chất lượng đội ngũ giáo viên chưa đồng đều, nhất là trong thời đại công nghệ 4.0, thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, còn tồn tại phòng học nhờ, phòng học mượn…
Bước sang năm học 2024 – 2025, năm học đánh dấu kết thúc nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đây cũng là năm học Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được triển khai từ lớp 1 đến lớp 12. Để thực hiện tốt nhiệm vụ, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu toàn ngành phải rà soát lại các mục tiêu đã đề ra, tập trung nguồn lực để thực hiện khoa học, hiệu quả.
Thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Ngành giáo dục cần chuẩn bị chu đáo các điều kiện cho năm học mới, bảo đảm an toàn vệ sinh, an ninh cho giáo viên, học sinh; tổ chức tốt lễ khai giảng, tạo không khí vui tươi, lành mạnh; tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, đáp ứng yêu cầu thực tiễn; tiếp tục rà soát bổ sung thể chế chính sách về đổi mới cơ chế chính sách, tập trung xây dựng Luật Nhà giáo, xây dựng chiến lược và các quy hoạch phát triển giáo dục và đào tạo; tổng kết đánh giá toàn diện việc đổi mới sách giáo khoa và tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện để phù hợp với tình hình mới, kịp thời báo cáo với Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền, không bảo thủ, cầu thị và phải lắng nghe từ chính thực tế.
Năm học 2024 - 2025 là năm học đầu tiên tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì cũng các bộ, địa phương tổ chức tốt kỳ thi, đảm bảo một kỳ thi tinh gọn, giảm áp lực cho phụ huynh, học sinh.
Ngoài ra, cần tiếp tục thực hiện công tác tự chủ ở các trường đại học, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, thúc đẩy hợp tác công tư; rà soát bổ sung chế độ chính sách phù hợp, thực hiện tốt việc tuyển dụng, cơ cấu lại đội ngũ giáo viên, khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, đảm bảo nguyên tắc có học sinh là phải có giáo viên một cách hài hoà, hợp lý và hiệu quả…
Trước thềm năm học mới, Thủ tướng Chính phủ gửi lời chúc tới ngành Giáo dục và mong các thầy giáo, cô giáo luôn phát huy trách nhiệm, tâm huyết với nghề, khắc phục mọi khó khăn, kiên trì mục tiêu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng sự mong chờ của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Thủ tướng cũng gửi lời chúc tới các cháu học sinh, sinh viên luôn là con ngoan, trò giỏi, thực hiện thành công ước mơ, hoài bão đóng góp xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp./.