Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe: Ôn hòa nhưng kiên định

24/04/2015 08:41

(Baonghean) - Tại Hội nghị thượng đỉnh Á - Phí vừa diễn ra tại Jakarta, Indonesia, bài diễn văn của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã được dư luận thế giới hết sức chờ đợi. Người ta muốn chứng kiến ông Abe xử lý thế nào giữa việc quảng bá về vai trò của Nhật Bản trong nền hòa bình thế giới với những “điều tiếng” xung quanh câu chuyện đền Yasukuni. Sự thể hiện của ông Shinzo Abe đã không khiến người dân Nhật Bản thất vọng khi cho thấy sự mềm dẻo nhưng kiên định. Và niềm tin của họ với vị Thủ tướng của mình càng được củng cố với những thông tin kinh tế khả quan vừa được công bố - một minh chứng cho sự đúng đắn của chính sách mang đậm dấu ấn cá nhân Abenomics.

Con đường mới: kiêu hãnh và thanh thản

Trước khi rời đất nước tới dự Hội nghị thượng đỉnh Á – Phi, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã gửi cây lễ “masakaki” đến đền Yasukuni – nơi thờ những người lính Nhật Bản thiệt mạng trong Chiến tranh Thế giới thứ 2. Như mọi lần, động thái này đã vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của Trung Quốc và Hàn Quốc khi hai nước đều cho rằng ông Abe nên giữ nguyên quan điểm về lịch sử của những người tiền nhiệm – ám chỉ việc xin lỗi và nhận trách nhiệm cho những gì mà Nhật Bản đã gây ra trong cuộc Chiến tranh thế giới II, thay vì bày tỏ sự khâm phục và lòng biết ơn trước một ngôi đền như Yasukuni. Xuất phát từ mong muốn của Hàn Quốc và Trung Quốc về việc “giữ nguyên quan điểm lịch sử” của những người tiền nhiệm, người ta trông đợi một lời xin lỗi trong bài phát biểu của ông Shinzo Abe tại Hội nghị thượng định Á – Phi. Một lời xin lỗi như vậy sẽ rất hợp lý khi bài phát biểu của ông Abe tập trung vào việc quảng bá vai trò của Nhật Bản như một nước “tiên phong đóng góp một cách năng động cho nền hòa bình của thế giới”.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Thế nhưng, đã không có bất cứ lời xin lỗi nào của ông Shinzo Abe. Mọi người đều thừa nhận ông Abe đã thể hiện một thái độ hết sức ôn hòa qua bài phát biểu, rằng “Nhật Bản, với lòng ân hận sâu sắc về Chiến tranh thế giới thứ 2, hứa sẽ là một quốc gia tôn trọng các nguyên tắc hòa bình, cho dù tình huống có như thế nào đi nữa”, đồng thời cam kết không thực hiện “các hành động gây hấn hoặc sử dụng vũ lực để chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ hoặc độc lập về chính trị của bất kỳ quốc gia nào”. Tuy nhiên, nếu người ta hy vọng ông Abe phải tiếp tục hối lỗi với những gì xảy ra trong quá khứ, phải thể hiện sự hối lỗi đó qua cách ứng xử “phải phép” với đền Yasukuni, thì ông Abe đã thể hiện sự kiên định với một lập luận hoàn toàn khác. Với ông, quá khứ và hiện tại, sự tưởng nhớ và tham vọng là những khái niệm không thể đánh đồng. Với ông, đã đến lúc Nhật Bản phải nhìn nhận đường hướng của mình từ sau Chiến tranh thế giới 2 với sự kiêu hãnh và thanh thản. Đường hướng đó được thực hiện dựa trên “sự cảm nhận của trái tim” và hướng tới chủ nghĩa hòa bình của Nhật Bản.

Bên cạnh đó, người ta còn cảm thấy những mâu thuẫn trong phát biểu về hòa bình với những gì mà ông Abe đang thực hiện trong thời gian gần đây nhằm tăng cường sức mạnh quốc phòng. Việc ông thông qua luật cho phép Nhật Bản xuất khẩu vũ khí, tìm cách diễn giải lại Hiến pháp và cho phép mở rộng quyền phòng vệ tập thể, hay việc thay đổi những nguyên tắc hợp tác quốc phòng với Mỹ… được một số nước diễn giải là “hung hăng, hiếu chiến”, đưa Nhật Bản trở thành một nước nguy hiểm. Thế nhưng, ông Abe đã khẳng định rằng chắc chắn Nhật Bản không “nuôi mộng” thống trị thế giới hay điều gì đó tương tự. Những gì ông làm là nhằm đưa Nhật Bản trở thành một quốc gia hùng mạnh, tự tin, chủ động trước mọi sự đe dọa, chủ động tham gia trong các vấn đề an ninh của thế giới, và ông sẽ kiên định để thực hiện ước mong này.

Kinh tế - trụ cột không thể thiếu của nước Nhật hùng mạnh

Người dân Nhật có thể tự hào với những gì mà nhà lãnh đạo của mình đã thể hiện tại Hội nghị thượng đỉnh Á – Phi, nơi mà Nhật Bản đã được quảng bá như một quốc gia yêu chuộng hòa bình, vì hòa bình, nhưng không phải bằng cách chìm ngập trong sự ăn năn, hối lỗi với quá khứ. Chấp nhận làm những điều khác biệt so với những người tiền nhiệm, ông Shizo Abe đang chứng tỏ mình là một vị Thủ tướng luôn kiên định với lợi ích của dân tộc.

Bên cạnh cách ứng xử với các đối tác quốc tế, cùng thời điểm này, sự tín nhiệm của ông Abe còn được “cộng điểm” nhờ những tin tức tốt lành về sự tăng trưởng của nền kinh tế. Trong một báo cáo vừa được Bộ Tài chính Nhật Bản công bố, nước này đã đạt thặng dư thương mại lần đầu tiên trong gần 3 năm qua. Cho đến nay, chưa có số liệu thống kê chính thức về tăng trưởng quý I/2015 của nền kinh tế Nhật Bản, nhưng với đà khôi phục trước đó trong quý 4/2014 (tăng trưởng 2,2% - đánh dấu mức tăng đầu tiên sau 3 quý), cộng với những tín hiệu tích cực trong khu vực sản xuất trong tháng 2 và tháng 3/2015 (tăng trưởng 0,3% với cùng kỳ) và những con số thống kê về thặng dư thương mại, Nhật Bản đang hy vọng sẽ đạt được kết quả tăng trưởng tốt trong những tháng tiếp theo của năm 2015, đưa tăng trưởng GDP trong năm 2015 đạt mức 2,7%. Tất nhiên, với người Nhật Bản, mọi con số thống kê sẽ không có ý nghĩa bằng cam kết của Chính phủ rằng thu nhập của các hộ gia đình sẽ tăng lên trong năm tài chính 2015 này.

Trong bối cảnh vẫn còn có những ý kiến bất đồng về chính sách kinh tế Abenomics được Thủ tướng Shinzo Abe đưa ra từ năm 2013, những tín hiệu tích cực của nền kinh tế - dù chưa khẳng định được chiều hướng đi lên vững chắc, cũng sẽ giúp người dân Nhật Bản thêm tin tưởng vào con đường mà ông Abe lựa chọn. Và chắc chắn, hơn tất cả những người dân của mình, ông Shinzo hiểu rằng sẽ không thể có một nước Nhật hùng cường, tự chủ như ông mong muốn nếu không có một nền kinh tế vững mạnh, cũng có nghĩa sẽ không có đường lùi cho Abenomics sau 2 năm thực hiện.

Thúy Ngọc

Mới nhất
x
x
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe: Ôn hòa nhưng kiên định
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO