Thủ tướng Prayuth Chan-ocha và hậu cuộc đảo chính Thái Lan

22/05/2015 07:57

(Baonghean) - Ngày 22/5/2014, Tổng Tư lệnh Lục quân Quân đội Hoàng gia Thái Lan Prayuth Chan-ocha đã tuyên bố lật đổ chính phủ dân cử của Yingluck Shinawatra và giành quyền kiểm soát chính phủ trong một cuộc đảo chính không đổ máu. Nhân dịp tròn 1 năm diễn ra sự kiện này, chúng ta cùng nhìn sâu hơn về nhân vật lãnh đạo cuộc đảo chính - Thủ tướng Thái Lan đương nhiệm Prayuth Chan-ocha; đồng thời khái quát những nét nổi bật của đất nước Thái Lan trong thời gian qua.

Ông Prayuth Chan-ocha sinh năm 1954, tốt nghiệp Học viện Quân sự Hoàng gia Chulachomklao và khởi nghiệp binh đao tại Trung đoàn 21 Bộ binh (Đội cận vệ Hoàng hậu). Từ năm 2002, ông lần lượt giữ chức Phó Chỉ huy, Chỉ huy Sư đoàn 2 Bộ binh; Phó Chỉ huy, Chỉ huy Quân đoàn 1 Lục quân; Tư lệnh Lục quân Hoàng gia Thái Lan và năm 2009 được bổ nhiệm làm phụ tá danh dự cho nhà Vua. Sau đó, ông nắm giữ cương vị Tổng Tư lệnh Lục quân Quân đội Hoàng gia Thái Lan từ tháng 10/2010 đến tháng 10/2014 trước khi trở thành Thủ tướng.

Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha. Nguồn: Getty
Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha. Nguồn: Getty

Tổng Tư lệnh Prayuth được mô tả là một người bảo hoàng (ủng hộ Nhà Vua) mạnh mẽ, đồng thời là đối thủ đáng gờm của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra. Về quan điểm chính trị, ông là một trong những người theo đuổi đường lối cứng rắn, tích cực ủng hộ trấn áp quân sự đối với các cuộc biểu tình của phe Áo Đỏ diễn ra vào tháng 4/2009 và tháng 4-5/2010.

Trong cuộc khủng hoảng chính trị nổ ra vào tháng 11/2013 và các cuộc biểu tình có liên quan chống chính phủ tạm quyền của Yingluck Shinawatra, em gái cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, Prayuth tuyên bố rằng quân đội giữ thái độ trung lập và sẽ không phát động đảo chính. Trên thực tế, ông đã tuân thủ lời hứa này cho đến tháng 5/2014, khi bà Yingluck bị Tòa án Hiến pháp truất quyền, và cấp phó của bà là Niwatthamrong Boonsongpaisan tạm thời thay bà giữ chức Thủ tướng. Vào ngày 22/5/2014, sau 2 ngày ban bố tình trạng thiết quân luật, Prayuth bất ngờ tuyên bố tiến hành đảo chính quân sự chống chính phủ.

Sau chính biến, Prayuth Chan-ocha bãi bỏ Hiến pháp 2007 và thành lập Hội đồng Quốc gia vì Hòa bình và Trật tự (NCPO) do ông làm Chủ tịch để điều hành đất nước. Ngày 22/7/2014, ông ban hành một hiến pháp tạm thời trao cho ông quyền quét sạch các thế lực cũ và quyền ân xá tội đảo chính.

Không dừng lại ở đó, Prayuth nhanh chóng trấn áp những quan điểm bất đồng. Ông nắm quyền kiểm soát các phương tiện truyền thông, áp đặt kiểm duyệt Internet, tuyên bố lệnh giới nghiêm trên toàn quốc, cấm tụ tập theo nhóm từ 5 người trở lên và bắt giam các chính trị gia lẫn các nhà hoạt động phản đối cuộc đảo chính. Nhiều người trong số này bị buộc tội xúi giục nổi loạn và bị xét xử tại các phiên tòa quân sự.

Vào ngày 31/7/2014, cơ quan lập pháp quốc gia được thành lập theo quy định của bản hiến pháp mới. Các nhà lập pháp của cơ quan này chủ yếu xuất thân từ quân đội và cảnh sát, được đích thân Prayuth lựa chọn và bao gồm cả em trai ông. Cơ quan này sau đó nhất trí thông qua biểu quyết để đưa Prayuth trở thành tân Thủ tướng. Lễ bổ nhiệm chính thức được tiến hành vào ngày 24/8/2014. Như vậy, trước khi rời khỏi vị trí Tổng Tư lệnh Lục quân hồi tháng 10/2014, Prayuth đã cùng lúc nắm giữ 3 vị trí chủ chốt: Tổng Tư lệnh Lục quân, lãnh đạo NCPO và Thủ tướng Thái Lan.

Chính biến ngày 22/5 tại Thái Lan đã gây ra những hậu quả đáng báo động đối với nền kinh tế nước này. Cụ thể, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Thái Lan trong năm 2014 chỉ tăng 0,7%, trong quý 1/2015 chỉ tăng 0,3% so với quý 4/2014. Nền chính trị bất ổn đã tác động đến số lượng khách du lịch, khiến cho ngành “công nghiệp không khói” trứ danh vốn chiếm khoảng 10% GDP của Thái Lan bị ảnh hưởng đáng kể. Bên cạnh đó, tiêu dùng và đầu tư đều chững lại, xuất khẩu - chiếm hơn 60% GDP của nước này - sau khi sụt giảm trong năm 2013 và 2014, đã tiếp tục giảm 4,3% trong quý 1/2015 so với cùng kỳ năm 2014. Thái Lan hiện vẫn đang là một trong những nước nợ nần nhiều nhất khu vực Đông Nam Á, và đây là yếu tố làm giảm niềm tin của những người tiêu dùng.

Không chỉ khó khăn về mặt kinh tế, xã hội Thái Lan cũng đang bị chia rẽ sâu sắc. Đó là sự mâu thuẫn giữa giàu và nghèo, giữa tầng lớp trí thức thành thị và những người nông dân Thái Lan, giữa phe Áo Vàng bảo hoàng và phe Áo Đỏ đòi dân chủ. Thêm vào đó, tình trạng bạo loạn của cộng đồng thiểu số Hồi giáo ở miền Nam nước này cũng gây thêm những rắc rối và thách thức trong việc ổn định tình hình xã hội. Chính quyền Thái Lan đang nỗ lực xoa dịu và hòa giải những căng thẳng và bất đồng này.

Mới đây, đầu tháng 4/2015, chính quyền Thái Lan đã tuyên bố gỡ bỏ tình trạng thiết quân luật áp dụng từ sau cuộc đảo chính và thay thế bằng Điều 44 gây tranh cãi của bản hiến pháp tạm thời. Điều luật này cho phép các lực lượng an ninh tiếp tục tiến hành các vụ bắt giữ không cần lệnh của tòa án cũng như tạm giữ người mà không cần đưa ra tội danh. Trước những quan điểm trái chiều của dư luận, Thủ tướng Prayuth Chan-ocha đã cam kết vận dụng Điều 44 “một cách xây dựng” nhằm trấn an các nhóm nhân quyền, đảng chính trị và học giả. Thế nhưng, họ vẫn cho rằng điều luật này thực chất chỉ là “bình mới rượu cũ” so với tình trạng thiết quân luật trước đây, thậm chí nó còn trao cho Thủ tướng quyền lực không giới hạn trên cả 3 lĩnh vực: lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Tóm lại, cuộc đảo chính đã dần lùi vào quá khứ, nhưng hiện chính quyền quân sự vẫn phải đối mặt với các vấn đề cốt lõi của Thái Lan. Việc chính quyền nước này nói chung và Thủ tướng Prayuth Chan-ocha nói riêng cần làm hiện nay là cố gắng hoàn thành lộ trình cải cách và soạn thảo hiến pháp theo đúng thời hạn; đồng thời giảm bớt các mâu thuẫn chính trị và khôi phục sự hòa giải, đoàn kết dân tộc, đưa Thái Lan sớm vượt qua khó khăn để lấy lại đà tăng trưởng kinh tế. Nếu những vấn đề này không được xử lý hiệu quả, khó có thể thể đảm bảo rằng mọi việc vẫn yên ổn dưới thời ông Prayuth Chan-ocha tiếp tục nắm quyền ở đất nước Chùa Vàng.

Thu Giang

Mới nhất
x
Thủ tướng Prayuth Chan-ocha và hậu cuộc đảo chính Thái Lan
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO