Thủ tướng trình Quốc hội cơ cấu tổ chức Chính phủ khóa mới
Chiều 25/7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trình Quốc hội về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021.
18 Bộ và 4 cơ quan ngang Bộ
Theo tờ trình, cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ mới sẽ vẫn giữ nguyên 18 Bộ, 4 cơ quan ngang Bộ như bộ máy tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016.
Cụ thể gồm: Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên – Môi trường, Bộ Thông tin – Truyền thông, Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Bộ Khoa học – Công nghệ, Bộ Giáo dục Đào tạo, Bộ Y tế.
4 cơ quan ngang Bộ gồm: Ủy ban Dân tộc, Ngân hàng Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trình Quốc hội về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021. |
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, thực tiễn hoạt động thời gian qua cho thấy, cơ cấu tổ chức Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016 cơ bản phù hợp. Chính phủ đã hoàn thành chức năng, nhiệm vụ được giao.
Tờ trình cũng nêu rõ, để tổ chức thực hiện, sau khi Quốc hội có Nghị quyết về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định khung về cơ cấu, quyền hạn, chức năng nhiệm vụ của các Bộ, cơ quan ngang Bộ; kiện toàn bộ máy của các bộ, cơ quan ngang bộ, bảo đảm thu gọn đầu mối, giảm cấp trung gian.
Chính phủ cũng sẽ sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc theo quy định của Hiến pháp, Luật tổ chức Chính phủ và các luật liên quan, đáp ứng yêu cầu thực tiễn; phân định rõ trách nhiệm, phạm vi và cách thức giải quyết công việc của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ và các thành viên khác của Chính phủ; đổi mới phương thức lãnh đạo, quản lý điều hành trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử.
Báo cáo thẩm tra về cơ cấu tổ chức của Chính phủ do ông Nguyễn Khắc Định - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội trình bày nhất trí với cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV như trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, gồm 18 bộ, 4 cơ quan ngang bộ. Việc thực hiện theo phương án này phù hợp với chủ trương của Đảng, Hiến pháp, Luật tổ chức Chính phủ và đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Những nội dung còn trùng lặp, chồng chéo trong phân công lĩnh vực quản lý của các bộ, cơ quan ngang bộ sẽ được giải quyết thông qua việc sửa đổi, ban hành mới các nghị định của Chính phủ quy định chức năng,nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ.
Cần tinh gọn, phân định rõ thẩm quyền và trách nhiệm
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, phương án tổ chức nhiệm kỳ 2016-2021 là xây dựng cơ cấu tổ chức Chính phủ phải tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ với vị trí là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, thưc hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội, đáp ứng vai trò quản lý nhà nước trong nền kinh tế thị trường, định hướng XHCN và hội nhập quốc tế.
“Hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ theo hướng tinh gọn, hợp lý, bảo đảm phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm giữ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan hành chính nhà nước các cấp. Thực hiện nhất quan nguyên tắc một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm chính. Những việc cơ liên quan, xác định rõ các cơ quan có liên quan phối hợp, khắc phục tình trạng chồng chéo, chia cắt, bỏ trống trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực” – Thủ tướng cho biết.
Trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị Quốc hội lưu ý Chính phủ bám sát chức năng nhiệm vụ đã được quy định trong Hiến pháp và Luật tổ chức Chính phủ, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, quản lý điều hành phát triển kinh tế xã hội, phát huy vai trò của tập thể Chính phủ, đề cao trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, tăng cường phối hợp trong quản lý nhà nước, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động, đáp ứng yêu cầu phát triển.
“Xác lập cơ cấu bộ máy hợp lý để làm tốt công tác xây dựng thể chế, là đầu mối tăng cường quản lý một số lĩnh vực mà thực tiễn đang đặt ra những nhiệm vụ mới như ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý biển đảo, năng lượng, quản lý doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước trong các doanh nghiệp. Tăng tính chủ động hơn cho chính quyền địa phương và tăng cường kiểm tra, giám sát của Trung ương” – ông Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh.
Ngay sau khi nghe các báo cáo, đại biểu thảo luận ở Đoàn về cơ cấu tổ chức của Chính phủ. Kết quả thảo luận sẽ được Uỷ ban thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội vào sáng mai (26/7) trước khi Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết về cơ cấu tổ chức của Chính phủ./.
Theo VOV
TIN LIÊN QUAN |
---|