“Thư viện” của thầy Tiêu
Bắt đầu sưu tầm sách báo từ năm 1970, có trong tay 31 đầu báo, tạp chí và họa báo, hơn 400 bức ảnh về Bác Hồ, 9 tuyển tập, hàng tập bài viết, tài liệu hiếm về Hồ Chí Minh, hàng trăm tạp chí và tiểu thuyết nổi tiếng khác… Đó là “thư viện” của Thầy giáo Đậu Đức Tiêu mà chúng tôi có dịp may mắn được “mục sở thị”.
(Baonghean.vn) - Bắt đầu sưu tầm sách báo từ năm 1970, có trong tay 31 đầu báo, tạp chí và họa báo, hơn 400 bức ảnh về Bác Hồ, 9 tuyển tập, hàng tập bài viết, tài liệu hiếm về Hồ Chí Minh, hàng trăm tạp chí và tiểu thuyết nổi tiếng khác… Đó là “thư viện” của Thầy giáo Đậu Đức Tiêu mà chúng tôi có dịp may mắn được “mục sở thị”.
Khi chúng tôi bày tỏ nguyện vọng muốn tìm hiểu về thư viện riêng của thầy, thầy giáo Đậu Đức Tiêu khiêm tốn “Cũng chưa có gì đáng kể đâu cô à. Chỉ là một chút “của để dành”lúc về già thôi”. Một chút mà ông giáo về hưu này nói là một tủ sách đáng kể với từng chồng sách báo, tạp chí được sắp xếp một cách cẩn thận, gọn gàng. Đó là tâm huyết mà thầy Tiêu gom góp trong suốt 60 năm trời.
Thầy giáo Đậu Đức Tiêu (xóm 12, xã Quỳnh Thạch, Quỳnh Lưu, Nghệ An) sinh năm 1930. Thời niên thiếu, thầy vừa hăng hái tăng gia sản xuất phát triển kinh tế vừa tích cực tham gia vào đội Thiếu niên cứu quốc, rồi gia nhập đội Thanh niên cứu quốc và là thành viên của đội du kích tại địa phương. Đến năm 1954, thầy được cấp trên tín nhiệm và cho học lớp cảm tình Đảng, sau đó thầy được cử sang Trung Quốc học. Thầy kể, sau hai năm tu dưỡng tại đất khách, hành trang mà thầy mang về là hai vai sách và báo. Sau đó, cùng với bạn bè trang lứa, thầy xung phong vào công tác ở miền núi Lục Ngạn, Bắc Giang. Thời gian dạy học ở đây, cô giáo miền quan họ cũng đem lòng yêu thương thầy giáo người Xứ Nghệ nên đã cùng thầy nên vợ nên chồng.
Thầy Tiêu bên "thư viện" của mình
Năm 1971, do mẹ đau ốm, thầy xin chuyển công tác về quê hương Quỳnh Lưu để tiếp tục công tác dạy học, đảm nhận nhiệm vụ tại các trường Cấp 2 Quỳnh Giang, Cấp 2 Quỳnh Văn, Quỳnh Tân. Dù ở miền ngược hay miền xuôi thầy vẫn luôn hoàn thành xuất săc nhiệm vụ của mình và luôn thể hiện tấm lòng tâm huyết với sự nghiệp giáo dục của nước nhà bằng cách đóng góp ý kiến thiết thực trong các kì đại hội. Năm 1991, thầy nghỉ hưu và tiếp tục công việc sưu tầm sách, báo. Thầy tâm sự “Ngày còn học ở Trung Quốc, thầy sẵn sàng nhịn ăn để mua được quyển sách hay đến lúc có lương thì dành phần lớn tiền lương để “săn lùng” sách, báo, tạp chí nên cuộc sống gia đình nhiều lúc cũng gặp khó khăn”.
Thầy cười tự hào “Cũng may bà nhà là người tâm lý, đảm đang nên gia đình cũng vượt qua được giai đoạn khó khăn mà mình thì sưu tầm được nhiều sách quý”. Tủ sách hôm nay có được cũng nhờ công lớn của vợ thầy. Tủ sách của thầy nằm trang trọng trên tầng trên của ngôi nhà. Thầy Tiêu nói “Có được sách đã khó, bảo vệ được sách còn khó hơn. Cũng giống như văn hóa đọc của giới trẻ bây giờ, có mà không được bảo vệ, phát huy thì rồi sẽ bị mai một và biến mất”.
Hiện tại, thư viện riêng của thầy Tiêu bao gồm hàng nghìn số của 31 đầu báo, tạp chí trong và ngoài nước,hơn 400 cuốn tiểu thuyết của các tác giả nổi tiếng trên văn đàn Việt Nam và nước ngoài. Nhiều sách quý về các bài thuốc cổ truyền, phong thủy, tử vi…
Thầy nói “Thầy yêu quý và tự hào về những tư liệu, cuốn sách viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh- Người thầy vĩ đại trong lòng thầy, cả đời thầy luôn luôn phấn đấu theo lời dạy của Người”. Đặc biệt, như cuốn “Hồ Chủ tịch sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta”; “tuyển tập Hồ Chí Minh”; cuốn “Hồi ký về Hồ Chủ tịch” của những người học trò từng sống và làm việc bên Bác như Võ Nguyên Giáp, Hoàng Văn Hoan... Và có một bộ sưu tầm đáng giá nữa đó là400 bức ảnh về Bác mà thầy đã kì công cắt dán từ trên các báo và tạp chí. Năm nay, dù đã ở tuổi xưa nay hiếm nhưng thầy vẫn không ngừng công việc sưu tầm sách báo, hoàn thành một tuyển tập 7.160 câu danh ngôn đặc sắc; cuốn “hồi kí nhà giáo”; “Đấu tranh là hạnh phúc”…Ngoài việc tham gia cộng tác cho nhiều báo, thầy Tiêu còn thường xuyên làm thơ, hiện thầy là một hội viên tích cực của Câu lạc bộ thơ người cao tuổi xã Quỳnh Thạch. Thầy đã được trao tặng huân hương kháng chiến hạng nhất, hai huy chương do Bộ giáo dục và Công đoàn giáo dục Việt Nam trao tặng.
Thầy Tiêu rất vui khi có nhiều bạn bè hưu trí, giáo viên đã biết và đến thư viện riêng của thầy để tìm tư liệu. “Thầy muốn góp một chút sức mình trong việc khôi phục lại văn hóa đọc cho giới trẻ ngày nay. Đó là tâm nguyện lớn nhất đời thầy”. Thầy Tiêu tâm sự.
Nguyễn Thị Quỳnh