Thức dậy từ một giai điệu…
(Baonghean) - Mùa Giáng sinh, cũng là dịp những ngày tháng đi về mốc cuối cùng của một năm. Hẳn rằng trong phút chộn rộn ấy, hẳn rằng khi cái rét đang ngọt dần này, khiến cho mọi người muốn xích lại bên nhau với bao nhiêu tâm tình, thổ lộ. Như thể có một thoáng giật mình: Ồ đã nhanh thế ư? Chẳng mấy chốc mà tóc mình đã/ sẽ bạc? Ta đã làm gì, đã sống như thế nào những ngày tháng qua? Ta đã đứng như thế nào giữa muôn triệu người trên mảnh đất này?
Và như một sự vô - thức - có - ý - thức, tôi đã gõ lên bàn phím cái cụm từ: “Nhiều cây góp lại thành rừng”, để rồi thật bất ngờ khi được nghe một ca khúc với nhan đề ấy được giới thiệu trên chính trang báo điện tử của báo đảng tỉnh nhà (www.baonghean.vn)…
Tôi tin rằng âm nhạc thật diệu kỳ khi tác động vào từng mạch nguồn cảm xúc, khơi dậy trong chúng ta những tình cảm mà thường ngày chúng ta lãng quên hoặc thậm chí không biết đến. Bằng cách nào đó, âm nhạc thâm nhập và đánh thức những sợi mong manh của cảm giác vốn khá “kín tiếng” trong tâm hồn, trí não con người. Nó khiến con người trở nên người nhất bởi tìm được đến những điều được bao bọc quá lâu trong cái vỏ của thói quen tư duy, của lý tính. Có thể nói, trước âm nhạc, con người như được trở lại thành trẻ thơ, được tắm trên dòng sông của những cảm xúc nguyên sơ, trong trẻo.
Khi những nốt nhạc đầu tiên được cất lên, có lẽ bất cứ ai cũng thấy thân thuộc đến nao lòng, như thể từng nốt nhạc, từng nhịp phách đang được rót ra từ chính tâm hồn mình. Bài hát do NSƯT Ngọc Hà thể hiện, mang đậm phong cách âm nhạc dân gian xứ Nghệ và điểm đặc biệt lý thú là viết lời bài hát là một cán bộ làm công tác Mặt trận huyện, một con chiên của Chúa đầy tận tâm, nhiệt huyết - ông Lê Văn Trí.
Bản thân tôi từng say mê các làn điệu ví dặm của dân ca Nghệ Tĩnh cũng không khỏi ngạc nhiên khi thưởng thức sự kết hợp hết sức mới mẻ và nhuần nhị ấy của âm nhạc. Được dẫn dắt bằng thứ giai điệu đằm thắm quen thuộc ấy, những lời bộc bạch của tác giả đến với chúng ta một cách hết sức tự nhiên, gần gũi. Câu ví mở đầu như một lời nhắn gửi ân tình, tha thiết: “Người ơi, hôm nay vui được về giao lưu cùng bà con xứ đạo/ Xin chúc mừng quý vị cùng tất cả bà con/ Nay mừng vì đất nước non sông được tự do, độc lập, được ấm no muôn đời”. Niềm vui ngày gặp mặt, nỗi hứng khởi của buổi sum vầy, đoàn tụ toàn dân, niềm hạnh phúc lớn lao trước sự độc lập, no ấm, đổi mới của đất nước…, tất cả tràn ngập trong từng ngôn từ, giai điệu của đoạn ví cao. Tiếp đến, khoảng lặng sau điệu ví là để tiếng thơ cất lên một cách trầm lắng, như tiếng lòng tha thiết được tỏ bày, điều tâm đắc được nhắn nhủ. Tác giả nhắc lại lời hiệu triệu đoàn kết của Bác Hồ, điều đã khắc tạc vào lòng mọi người dân Việt Nam như một hiệu lệnh của yêu thương dân tộc. Tác giả cũng nhấn mạnh thêm rằng “Cũng nhờ có sự đoàn kết mới làm vẻ vang dân tộc”.
Bài học về đoàn kết là bài học chúng ta có được sau bao cuộc kháng chiến trường kỳ trong lịch sử, sau bao nhiêu máu xương đổ xuống cùng những mất mát, đau thương. Trong những năm qua, chúng ta đã trải qua hai cuộc chiến tranh thần thánh, thậm chí cả ngàn năm trước đó, chúng ta đứng vững trước nạn xâm lăng, chống lại được thiên tai bão lũ cũng là bởi đoàn kết. Người Việt Nam ta chung dòng máu con Lạc cháu Hồng, chung một cội nguồn tổ tông, cùng ăn cơm từ gạo lúa một cánh đồng, uống nước một dòng sông… Đã có nhiều cái chung máu thịt ấy, hà cớ gì lòng người ngăn cách? Sự đoàn kết giống như cái nắm tay của một vòng tròn người. Nó giúp cho những cá thể riêng biệt được nối lại với nhau trong hơi ấm của một sức mạnh lan tỏa, sức mạnh từ lòng người, từ máu thịt, từ những tình cảm thiêng liêng mà nếu thiếu nó, sự đơn độc sẽ chiếm lĩnh và triệt bỏ mọi giá trị.
Tác giả lời bài hát là một người công giáo, ông đã không giấu niềm tự hào khi khẳng định: “Trong sự nghiệp chung có đồng bào Công giáo/ Đã cùng nhân dân cả nước anh dũng tiến lên/ Đã biết bao giáo xứ chí vững, gan bền/ Cũng lắm người thân yêu đã quên mình cho Tổ quốc”. Quả thực, trong sự nghiệp chung, không phân biệt nam nữ, vùng miền hay lương giáo, với truyền thống yêu nước và gan dạ, quật cường, người dân Việt Nam trên mọi miền Tổ quốc đã đứng dậy, cùng nhau “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, bảo vệ đến cùng thành đồng dân tộc. Trong bao máu xương đổ xuống, có biết bao người từng xông pha chiến trận với một quyết tâm duy nhất, một mục tiêu duy nhất: phụng sự Thiên Chúa và Tổ quốc. Đối với họ lúc bấy giờ, đường hướng mà đạo của họ xác tín là sự phúc âm được hiểu theo nghĩa rộng đến tận cùng, bao hàm tính hướng thiện, tính đấu tranh và tính dân tộc.
Tôi lại chợt nhớ về lần ghé thăm Bảo tàng Quân khu 4 năm nào. Trong hàng trăm, ngàn hiện vật nơi đây, tôi đặc biệt ấn tượng chiếc đèn chai và câu chuyện kể về nó. Ấy là câu chuyện về giáo dân Vũ Đăng Ninh. Khi các cán bộ Bảo tàng tìm đến nhà ông ở một huyện nghèo của tỉnh Thanh Hóa, trong căn nhà vô cùng đơn sơ ấy, người ta thấy chiếc đèn chai được treo lên một góc trang trọng thay cho những tấm huân, huy chương. Đó chính là chiếc đèn do ông sáng tạo từ thân chai thủy tinh và hộp mực học sinh, đã cùng ông và những người con của quê hương Thanh Hóa phục vụ thồ hàng cho chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa. Từ sáng kiến của ông, hàng ngàn, hàng vạn chiếc đèn như thế đã được làm ra sau đó để phục vụ cho chiến dịch. Người giáo dân ấy với tất cả tình yêu Thiên Chúa và Tổ quốc đã mang lại ánh sáng cho biết bao đoàn người trên đường ra tiền tuyến.
Ngọn đèn của ông đã nhen lên và nối dài ánh lửa của tình yêu thương, đại đoàn kết dân tộc. Ông và nhiều con chiên của Chúa đã thực sự trở thành những tấm gương đáng học tập trong lịch sử đấu tranh của nhân dân, một lịch sử được viết lên bằng máu, mồ hôi và nước mắt, một lịch sử được định nghĩa bằng lòng yêu nước, sự quả cảm và tình đoàn kết. Nhiều giáo dân kính Chúa, yêu Nước như ông đã ngã xuống để bảo vệ hòa bình cho dân tộc. Như người đảng viên công giáo Nguyễn Văn Luận thuộc Đại đội 12,7mm mang tên Phùng Chí Kiên (Diễn Châu) năm nào. Trước khi vào cuộc chiến cuối cùng, anh đã kịp để lại bức huyết thư mà ở đó, tất cả trái tim, trí óc anh đặt ở cái lẽ sống: “Tôi là Nguyễn Văn Luận, ở Diễn Kỷ. Sống là để chiến đấu, yêu thương mọi người. Tôi quyết tâm chiến đấu, đánh Mỹ, ngụy. Không sợ chết!”.
Tác giả Lê Văn Trí và nhạc sỹ Đức Chung đã có sự đồng điệu trong ý tưởng để rồi cùng nhau sáng tạo nên bài hát đầy ý nghĩa ấy. “Nhiều cây góp lại thành rừng” gồm nhiều đoạn, nhiều tiết tấu khác nhau nhưng được liên kết bởi một nội dung xuyên suốt, sáng rõ. Từng khúc đoạn đứng riêng khá độc lập, nhưng đều lấy những làn điệu dân gian quen thuộc để chuyển tải. Sau giọng thơ là đoạn tứ hoa với những lời lẽ tràn ngập niềm hân hoan. Tác giả ca ngợi tình lương giáo, và phía sau ngôn từ, âm nhạc đã khơi dậy một tinh thần lạc quan, yêu đời bằng một nhịp điệu thiết tha, dìu dặt và thân quen. Điệu ví đò đưa, vốn là một làn điệu da diết, trữ tình của dân ca xứ Nghệ, cũng được tác giả sử dụng một cách hữu hiệu để tụng ca lòng kính Chúa và yêu Nước. Kính Chúa và yêu Nước, lúc này đã hòa trộn, “giao duyên” với nhau. Và phải chăng hướng đến một cuộc sống bình yên, tự do, chan hòa, thân hữu với mọi người xung quanh đều là cứu cánh của mọi dân tộc và mọi tôn giáo?
Quan điểm sống “tốt đời, đẹp đạo” của giáo dân Thiên Chúa cũng hợp với quan điểm sống chung của đại đa số nhân dân. Đó là quan niệm sống có ích cho gia đình, dân tộc, sống thuận với lẽ trời và lòng người. “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc”, điều mà bài hát đã nhắc đến bằng âm giai mượt mà của điệu ví đò đưa, đã trở thành tâm niệm của những con chiên kính Chúa. Đức tin của họ hướng về Chúa Trời, và Chúa Trời của họ khuyên răn về sự hướng thiện, sự bao dung, hòa đồng – những tình cảm và lẽ sống hợp với tình dân tộc. Trong thẳm sâu tiềm thức mỗi con người đều chứa đựng một khao khát được yên ổn, hạnh phúc và được hướng đến những điều tốt lành.
Khao khát của họ, tính hướng thiện của họ gần như là bản năng, thứ tồn tại nguyên sơ trong mỗi con người trước khi được trải qua mọi quá trình nhận thức, giáo dục, trải nghiệm. Cùng với thời gian, niềm mong mỏi ấy của họ được nhân lên và thể hiện theo cách này hay cách khác, chịu sự tác động của vô số nhân tố như tri thức, văn hóa, tôn giáo… Song, nếu như tôn giáo duy trì khao khát ấy bằng một đức tin, thì sự khác nhau của người lương và người giáo trong việc thực hiện niềm mong mỏi của mình chỉ ở điểm tựa tinh thần chứ không phải ở mục đích hay phương tiện. Vậy nên, trong không khí ngày hội tưng bừng của bà con giáo dân, bài hát của tác giả Lê Văn Trí và nhạc sỹ Đức Chung đã cất lên tiếng nói sánh đôi của cả hai bên lương giáo, để “Đôi bề bà con ta cầu nguyện/ Để dựng xây quê hương vững bền”…
Tác giả chọn điệu ví giận thương cho đoạn cuối bài như để nhắn những ai đang cố tình lầm đường lạc lối, chưa lắng nghe tiếng lòng của phần đông bà con công giáo, những ai muốn kích động gây hận thù tạo mối ngăn cách lương giáo, hãy biết quay đầu. Những làn điệu quê hương luân phiên, trở đi trở lại từ đầu đến cuối bài hát, là một thủ pháp nghệ thuật đặc sắc của tác phẩm này. Sử dụng chất liệu của dân ca và âm nhạc truyền thống, tác giả đã khiến cho bài hát lắng sâu vào lòng người, cất lên lời gan ruột để những ai yêu thương hãy yêu thương đậm sâu hơn nữa, để những ai lầm đường tìm được một lối về, để mọi tâm hồn nương vào một nơi neo đậu.
Trong ký ức bề bộn của tôi lúc nào cũng thấp thoáng những nóc nhà thờ bình yên, hình ảnh mà ai trong chúng ta cũng đã từng gặp đâu đó trên mọi miền Tổ quốc. Nóc nhà thờ, tượng Chúa, gác chuông, và những tiếng chuông lảnh lót vang lên… Bức tranh yên bình ấy khiến người ta mỉm cười và thấy yêu tha thiết cuộc đời, nơi mà nếu mỗi con người đều sống tốt, hòa đồng và khoan dung, sẽ chạm được đến nước thánh của sự an vui, hạnh phúc, nơi mà tất cả chúng ta cần siết chặt tay nhau để có được sức mạnh to lớn, vững bền, cùng nhau tiến bước, nơi mà “Nhiều cây góp lại thành rừng”, nhiều dòng nước hòa vào thành sông biển. Nơi mà tất cả chúng ta cùng nhau rộn ràng hát khúc hoan ca: “Sống cùng nhau trong Đại đồng dân tộc/ Nhắn với ai xin đừng đơn độc/ Nhiều cội cây ơ ơ ờ góp lại, là thành một dải ơ rừng”.
Tôi yêu khúc hát ấy, không ở sự cầu kỳ, hoa mỹ của cả âm nhạc lẫn ca từ. Tôi yêu nó từ sự chân thành, giản dị. Nó như lời của anh nhắn gửi cùng em, như lời bạn bè nói cùng nhau lúc thân tình nhất. Và tôi nhận ra, không chỉ ru lòng ta bằng giai điệu, mà còn khiến những gì sâu thẳm thiêng liêng nhất sẽ thức dậy...
Quỳnh Lâm