Dự phiên thảo luận có đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, đại biểu đơn vị bầu cử TP. Vinh; Ngọc Kim Nam - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đại biểu đơn vị bầu cử huyện Đô Lương; Nguyễn Thị Kim Chi - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy Khối Các quan tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh tại đơn vị bầu cử thị xã Cửa Lò.
Đồng chí Phan Đức Đồng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Vinh, đại biểu HĐND tỉnh đơn vị bầu cử TP. Vinh, Tổ trưởng Tổ 1 điều hành phiên thảo luận.
SÀNG LỌC, ƯU TIÊN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG CHO NHỮNG DỰ ÁN GIẢI NGÂN TỐT
Các đại biểu đã tập trung thảo luận tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 6 tháng cuối năm, đặc biệt là các giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công; rà soát, thu hồi dự án treo; giải quyết khó khăn trong lĩnh vực nông nghiệp do diễn biến phức tạp của thời tiết gây ra.
Liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm 2023, một số nguồn vốn giải ngân đạt thấp như vốn nước ngoài (13,7%), chương trình mục tiêu quốc gia (19,18%), vốn kéo dài mới (14,78%), còn 13 huyện, thành, thị và 29 đơn vị chủ đầu tư giải ngân dưới mức bình quân chung của tỉnh, đại biểu Trần Phan Long, thị xã Cửa Lò đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo rà soát các chủ đầu tư, nhà thầu thi công, tư vấn để đánh giá năng lực từng đơn vị, từ đó có giải pháp sàng lọc, ưu tiên bố trí nguồn vốn cho những chủ đầu tư, dự án giải ngân tốt.
Đại biểu cũng đề nghị làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm trước tình trạng số dư tạm ứng kéo dài chưa thu hồi và tình trạng tồn đọng dự án hoàn thành chưa quyết toán còn nhiều.
Liên quan đến kiến nghị từ địa bàn thị xã Cửa Lò, đại biểu Trần Phan Long đề nghị quan tâm chỉ đạo quyết liệt thu hồi các dự án chậm tiến độ trên địa bàn thị xã như: Dự án sân gofl; resort Bắc đảo Lan Châu; Dự án quần thể khu sinh thái biệt thự nghỉ dưỡng, khu vui chơi thể thao, giải trí Lan Châu, Song Ngư.
Đặc biệt, đối với Dự án quần thể khu sinh thái biệt thự nghỉ dưỡng, khu vui chơi thể thao, giải trí Lan Châu, Song Ngư, vị đại biểu đến từ thị xã Cửa Lò cho biết, tiến độ dự án ghi trong giấy chứng nhận đầu tư là hoàn thành và đưa vào hoạt động năm 2020, nhưng đến nay mới hoàn thành một số hạng mục, còn nhiều hạng mục chưa thực hiện và trong quá trình thực hiện có nhiều sai phạm.
Đề nghị UBND tỉnh điều chỉnh quy hoạch theo hướng xóa bỏ một số hạng mục của dự án trên và yêu cầu nhà đầu tư triển khai thực hiện, điều chỉnh, tháo dỡ các hạng mục xây dựng sai quy hoạch; giao lại một phần diện tích để tích hợp với tổng thể quy hoạch lâm viên phía Đông đường Bình Minh.
Nhằm tạo sự chủ động cho chủ đầu tư trong việc giải ngân vốn đầu tư công, đại biểu Nguyễn Hữu An - Chủ tịch UBND thị xã Hoàng Mai đề nghị HĐND, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành xem xét hàng năm bố trí tổng toàn bộ nguồn vốn của một dự án, không phân khai các hạng mục như: xây lắp, giải phóng mặt bằng… để không phải điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn khi thực tiễn có phát sinh.
Liên quan đến thi công dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn qua địa bàn thị xã Hoàng Mai, đại biểu An cho biết, chủ đầu tư và các nhà thầu chủ yếu tập trung thi công tuyến chính; còn hệ thống đường gom, xử lý các vấn đề phát sinh như: thoát nước, hoàn trả các mương tiêu nước… lại triển khai rất chậm, gây bức xúc trong người dân; qua đó đề nghị HĐND tỉnh, UBND tỉnh với Ban Quản lý Dự án 6 và Bộ Giao thông Vận tải sớm xử lý.
Trả lời ý kiến đại biểu Trần Phan Long, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Phạm Hồng Quang cho biết, tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương vừa qua, theo số liệu từ Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh cao hơn so với mặt bằng chung cả nước; thuộc tốp 28 các địa phương, bộ, ngành giải ngân trên mức trung bình. Tuy nhiên, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư Nghệ An thẳng thắn nhìn nhận, con số giải ngân vẫn chưa đáp ứng so với yêu cầu, mong muốn của tỉnh.
Để giải ngân vốn đầu tư công có thể đạt trên 95% trong năm nay, trong 6 tháng cuối năm, tỉnh sẽ tiếp tục thường xuyên theo dõi và 10 ngày một lần có báo cáo gửi bí thư các huyện, thành, thị ủy, các chủ đầu tư để đôn đốc giải ngân. Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh sẽ ban hành nghị quyết tập trung chỉ đạo để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công; tiếp tục duy trì các tổ công tác do các Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì để kiểm tra tiến độ giải ngân tại các dự án, chỉ riêng 6 tháng đầu năm nay các đoàn đã kiểm tra 35 dự án ở 13 địa phương.
UBND tỉnh sẽ tiếp tục chủ động rà soát, điều chuyển vốn đầu tư công như đã thực hiện trong 6 tháng đầu năm. Đến nay, riêng những nguồn vốn thuộc thẩm quyền UBND tỉnh đã điều chuyển trên 155 tỷ đồng và đang trình HĐND tỉnh điều chuyển trên 77 tỷ đồng vốn đầu tư công tại những dự án giải ngân chậm, hoặc khó giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nghệ An cho biết: Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã chỉ đạo thực hiện giải pháp cán bộ; theo đó những chủ đầu tư, ban quản lý dự án mà để giải ngân chậm thì rà soát, xem xét thay thế cán bộ; đồng thời sẽ chuyển chủ đầu tư từ những chủ đầu tư yếu kém hoặc khả năng thực hiện với những công trình, dự án có vốn lớn, phức tạp sang chủ đầu tư có kinh nghiệm hơn.
Riêng ý kiến rà soát, thu hồi dự án chậm tiến độ tại thị xã Cửa Lò, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng đã thông tin cụ thể, riêng Dự án quần thể khu sinh thái biệt thự nghỉ dưỡng, khu vui chơi thể thao, giải trí Lan Châu, Song Ngư tỉnh đang đưa vào diện dự án chậm tiến độ để rà soát.
Đối với ý kiến của đại biểu thị xã Hoàng Mai nhằm tạo sự chủ động cho chủ đầu tư trong việc giải ngân vốn đầu tư công, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, lâu nay đơn vị này cơ bản phân bổ theo kiến nghị của chủ đầu tư; đồng thời cho biết về nguyên tắc sẵn sàng phân bổ còn như kiến nghị.
Về ý kiến đề nghị làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm trước tình trạng tồn đọng dự án hoàn thành chưa quyết toán còn nhiều, Phó Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Thanh Tùng cho biết, qua rà soát, tính đến 31/3/2023 toàn tỉnh còn 4.390 dự án tồn đọng; trong đó cơ cấu thì 220 dự án cấp tỉnh, còn lại là các dự án cấp huyện, xã làm chủ đầu tư.
Theo lãnh đạo Sở Tài chính, nguyên nhân chính là ban quản lý dự án cấp huyện lực lượng “mỏng”, nên công tác tổng hợp dự án hoàn thành còn chậm, đặc biệt là có những dự án kéo dài lâu, từ năm 2014 trở về trước; đồng thời việc phối hợp giữa chủ đầu tư và đơn vị tư vấn, thi công có những trường hợp không thực hiện được vì nhà thầu, đơn vị tư vấn giải thể.
Nguyên nhân khác là việc cơ cấu lại, sáp nhập, giải thể ban quản lý dự án nên có những hồ sơ thất lạc; phòng Tài chính - Kế hoạch các huyện phối hợp với Kho bạc Nhà nước để rà soát dự án chậm quyết toán chưa được quyết liệt.
Lãnh đạo Sở Tài chính cũng cho biết một trong những nguyên nhân là trong tình hình khó khăn, có những nhà thầu mặc dù đã được quyết toán nhưng khi nộp quyết toán tại Kho bạc Nhà nước đồng nghĩa với việc phải hạch toán doanh thu, kéo theo phải xác định số thuế phải nộp, nên đâu đó có những nhà thầu, chủ đầu chậm nộp báo cáo quyết toán.
Về giải pháp, Phó Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Thanh Tùng cho biết, cơ quan này đã tham mưu UBND tỉnh đề ra 7 giải pháp cụ thể để giải quyết như: Tiếp tục căn cứ các quy định để đôn đốc hoàn thiện hồ sơ theo các hướng dẫn; đồng thời có chế tài xử phạt chủ đầu tư, nhà thầu vi phạm quy định nghiệm thu, thanh toán khối lượng hoàn thành và quyết toán công trình.
Đối với ý kiến đại biểu về số dư tạm ứng kéo dài chưa thu hồi, đại biểu Nguyễn Thanh Tùng cho biết, tính đến 30/4/2023, số dư tạm ứng là hơn 69 tỷ đồng. Nguyên nhân do ban quản lý dự án của chủ đầu tư giải thể nên không có địa chỉ thu hồi tạm ứng; nhà thầu phá sản; dự án đình hoãn không thực hiện được; ban quản lý dự án sáp nhập, bàn giao chủ đầu tư; vướng công tác giải phóng mặt bằng. Hiện Sở Tài chính đã tham mưu UBND tỉnh 9 giải pháp để giải quyết.
CÓ GIẢI PHÁP CĂN CƠ ĐỂ CHỐNG HẠN DỌC SÔNG LAM
Bày tỏ lo lắng trước diễn biến phức tạp, khắc nghiệt của thời tiết hiện nay ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp dọc sông Lam, đại biểu Hoàng Thị Hồng Hạnh, huyện Đô Lương đề nghị có giải pháp căn cơ lâu dài, xây dựng lộ trình đầu tư, cải tạo, nâng cấp các trạm bơm để đáp ứng nhu cầu nước tưới.
Trả lời ý kiến của đại biểu, Giám đốc Sở NN&PTNT Phùng Thanh Vinh cho biết, đã phân tích những nguyên nhân dẫn đến các địa phương sau bara Đô Lương dọc sông Lam có nguy cơ thiếu nước sản xuất như vừa rồi không có lũ tiểu mãn, diễn biến thời tiết không đồng đều, cục bộ, vùng cần nước không có. Hệ thống trạm bơm có 74 trạm nhưng mới nâng cấp 12 trạm bơm, các trạm còn lại công nghệ lạc hậu cách đây 20 - 30 năm.
Trước tình hình đó, ngành đã tiến hành khảo sát rất kỹ, xây dựng Đề án sản xuất vụ hè thu. Dự kiến sẽ có 6.000 ha trồng lúa bị hạn hán trong vụ hè thu, đại biểu Phùng Thành Vinh đề nghị các địa phương bám theo đề án để có kế hoạch sản xuất, phụ thuộc điều kiện thời tiết để xuống giống phù hợp; các diện tích dự báo khô hạn thì chuyển đổi cây trồng.
Sở cũng đã đề xuất UBND tỉnh bố trí kinh phí nâng cấp 3 trạm bơm dọc sông Lam, qua đó giải quyết chống hạn cho xấp xỉ 2.000 ha trồng lúa. Về lâu dài, Sở cũng đang tiến hành tiếp cận các nguồn vốn đề nâng cấp các trạm bơm còn lại dọc sông Lam, xây dựng bara trên sông Lam để nâng mức nước và nâng cấp hệ thống thủy lợi Nam Nghệ An.
Phát biểu tại phiên thảo luận, đối với việc đầu tư các công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh như đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông qua địa bàn của tỉnh, đường bộ ven biển… Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An Thái Thanh Quý đề nghị các huyện, thành, thị có dự án đi qua song hành với chủ đầu tư để giúp thêm cho tỉnh có cam kết mạnh mẽ với các chủ đầu tư; song đồng thời trước những hệ lụy, ảnh hưởng, tác động trực tiếp của dự án đến đời sống nhân dân khu vực hai bên dự án như gây ngập lụt, chậm thi công đường gom… thì huyện, tỉnh cần phải phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ, nhất quán để có ý kiến với các chủ đầu tư, nhất là chủ đầu tư thuộc các cơ quan Trung ương vào cuộc xử lý, đồng bộ với quá trình triển khai thi công.
Dự báo diễn biến thời tiết phức tạp trong thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị các địa phương quan tâm chú ý để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt sản xuất vụ hè thu, ứng phó với biến đổi khí hậu, các tình huống liên quan đến khô hạn;… ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân.