Thực hiện quy định cai nghiện ma túy bắt buộc: Còn nhiều vướng mắc!

16/07/2015 12:38

(Baonghean) - Nghị định số 221/2013/NĐ-CP về áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đưa đi cai nghiện bắt buộc được xem là hành lang pháp lý vững chắc cho các ngành chức năng trong thực thi nhiệm vụ. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, việc lập hồ sơ, đưa người đi cai nghiện ma túy bắt buộc theo quy định tại Nghị định số 221 ở tỉnh ta vẫn còn những khó khăn, vướng mắc.

Theo thống kê, tính đến tháng 6/2015, toàn tỉnh hiện có 7.293 người nghiện có hồ sơ quản lý, trong đó có 863 người nghiện ma túy phát hiện mới, 1.967 người tái nghiện, 5.884 người nghiện ma túy có mặt tại cộng đồng và 1.163 đối tượng đang cai nghiện tại cộng đồng và các trung tâm giáo dục lao động xã hội, cùng với 223 người tại các trại tạm giam. Có 376 trong số 480 xã, phường tại 21 huyện, thành, thị có người nghiện ma túy, trong đó có 141 xã, phường trọng điểm về ma túy, hơn 66 tụ điểm, 340 điểm bán lẻ chất ma túy.

Nghịch lý là khi tệ nạn ma túy ở tỉnh ta ngày càng diễn biến phức tạp, đối tượng nghiện ngoài xã hội đang có chiều hướng gia tăng thì các trung tâm giáo dục lao động xã hội lại không có học viên để điều trị và cai nghiện.

Trung tâm GDLĐXH 1 đóng tại xã Hưng Lộc (TP. Vinh), trước đây, mỗi năm tiếp nhận trên 200 học viên vào cai nghiện tập trung. Thế nhưng, năm 2014, trung tâm chỉ tiếp nhận được 109 học viên. Từ đầu năm 2015 đến nay, tổng cộng, đơn vị quản lý đối tượng ma túy bắt buộc và ma túy tự nguyện cùng với điều trị thuốc Methadone chỉ vẻn vẹn 101 người, trong đó đang quản lý và điều trị tập trung là 59 người. Trong số này chỉ có 2 học viên thuộc diện cai nghiện bắt buộc. Trong khi số lượng cán bộ, nhân viên của trung tâm là 48 người...

Học viên cai nghiện ma túy tham gia sản xuất tại Trung tâm Giáo dục lao động xã hội 2.
Học viên cai nghiện ma túy tham gia sản xuất tại Trung tâm Giáo dục lao động xã hội 2.

Tương tự, Trung tâm Giáo dục lao động xã hội 2 (đóng trên địa bàn xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc) cũng thiếu học viên trầm trọng. Trong 6 tháng đầu năm 2013, trung tâm mới chỉ tiếp nhận được 25 học viên (trong khi chỉ tiêu đặt ra là 140 học viên), trong đó chỉ có 9 học viên thuộc diện cai nghiện bắt buộc. Với quy mô 300 học viên, nhưng hiện nay chỉ có 86 học viên nên cơ sở vật chất được đầu tư hàng chục tỷ đồng đang rất lãng phí. Khu ở của học viên hiện chỉ sử dụng một nhà, còn khu đối diện gần như bỏ trống. Việc thiếu vắng học viên cai nghiện dẫn đến nhiều hoạt động khác như lao động, dạy nghề cũng bị ngưng trệ. Trước đây, trung tâm mở nhiều lớp dạy nghề kết hợp sản xuất như mây tre đan, cơ khí, làm vàng mã… nhưng do không đủ học viên nên hiện tại chỉ có duy nhất một xưởng sản xuất vàng mã.

Tại Trung tâm Giáo dục lao động xã hội TP. Vinh, tính đến thời điểm này cũng chỉ có 30 học viên cai nghiện, phần lớn trong số này là cai nghiện tự nguyện. Ông Nguyễn Xuân Toàn, Giám đốc trung tâm cho biết: “Trước khi Nghị định 221 có hiệu lực thì mỗi năm, thành phố đưa vào các cơ sở cai nghiện bắt buộc khoảng 200 đối tượng. Tuy nhiên, từ khi nghị định có hiệu lực, thành phố mới chỉ đưa được 3 trường hợp đi cai nghiện tập trung”.

Nguyên nhân là từ đầu năm 2014 đến nay, triển khai Nghị định số 221/2013/NĐ-CP của Chính phủ về Quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, việc đưa người nghiện vào trung tâm cai nghiện bắt buộc găp rất nhiều khó khăn. Trước đây, việc đưa người nghiện ma túy đi cai nghiện bắt buộc thuộc thẩm quyền quyết định của UBND cấp huyện. Tuy nhiên, từ ngày 1/1/2014, Nghị định 221 có hiệu lực, theo đó, thẩm quyền về lĩnh vực này chuyển cho Tòa án nhân dân cấp huyện. Trình tự, thủ tục lập hồ sơ quản lý người nghiện hiện nay cũng phải qua nhiều cơ quan như Công an xã, Công an huyện, Phòng Tư pháp, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội rồi mới đến Tòa án nhân dân cấp huyện nên mất rất nhiều thời gian. Chính sự phức tạp trong thủ tục đã dẫn đến việc các địa phương gặp khó trong việc đưa người nghiện đi cai theo diện bắt buộc. Năm 2014, toàn tỉnh chỉ mới đưa được 159 đối tượng vào trung tâm cai nghiện bắt buộc, đạt tỷ lệ 29% so với chỉ tiêu. Còn năm 2015, chỉ tiêu đặt ra là cai nghiện bắt buộc cho 600 đối tượng nhưng đến hết tháng 6, chỉ có 130 đối tượng thuộc diện cai nghiện bắt buộc trong số 782 học viên đang được quản lý tại các trung tâm giáo dục lao động xã hội, đạt hơn 16%.

Ông Đào Xuân Lục, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh cho biết, toàn tỉnh hiện có 8

trung tâm có chức năng cai nghiện và quản lý sau cai, trong đó có 3 trung tâm trực thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, 1 trung tâm trực thuộc Tỉnh đoàn và 4 trung tâm trực thuộc UBND TP. Vinh và các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong. Các trung tâm này có quy mô phục vụ từ 150 - 300 học viên. Vì vậy, con số chỉ 782 học viên hiện nay có thể coi là một sự lãng phí lớn về mặt cơ sở vật chất, nhân lực. Nguyên nhân là phần lớn các đối tượng nghiện ma túy chưa có ý thức tự nguyện cai nghiện tập trung, trong khi việc đưa các đối tượng đi cai nghiện bắt buộc gặp nhiều khó khăn, vướng mắc bởi cơ chế.

Nếu thực hiện theo đúng quy trình mới, thời gian đưa ra được quyết định đưa người đi cai nghiện là từ 37-72 ngày (trước đây chỉ có 15 ngày). Trong thời gian chờ có quyết định, người nghiện có hộ khẩu thường trú tại địa phương sẽ được gửi về gia đình quản lý, những người không rõ nơi cư trú phải đưa đến các cơ sở xã hội quản lý. Tuy nhiên, các địa phương chưa có nhà lưu giữ, không có cán bộ chuyên môn để xử lý cắt cơn nghiện nên việc quản lý, lưu giữ đối tượng là rất khó. Thực tế có nhiều trường hợp, khi quyết định có hiệu lực thì người nghiện đã bỏ trốn. Một thực tế là ở những địa phương thành phố, đồng bằng – những nơi có trình độ dân trí cao và người nghiện nắm rõ về luật thì tỷ lệ bỏ trốn cao hơn nhiều so với các địa phương miền núi. Con số 110/130 đối tượng cai nghiện bắt buộc nằm ở 2 trung tâm giáo dục lao động xã hội các huyện Quế Phong và Tương Dương đã khẳng định thực tế đó.

Cũng theo quy định mới, trong hồ sơ đề nghị đưa người đi cai nghiện bắt buộc vào cơ sở cai nghiện phải có văn bản xác định người nghiện ma túy. Việc xác định tình trạng nghiện cũng khó thực hiện vì Nghị định 221/NĐ-CP yêu cầu thẩm quyền xét nghiệm là y sỹ, bác sỹ có chứng chỉ hành nghề và phải qua khóa tập huấn về cai nghiện tại cộng đồng, trong khi phần lớn y sỹ, bác sỹ ở các địa phương không đáp ứng được yêu cầu này. Ngoài ra, để người nghiện ma túy cắt cơn, phải trải qua một quá trình tương đối dài, cần sự chung tay của cộng đồng. Nghị định 221 lại quy định thời hiệu áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc chỉ có 3 tháng. Đây là khoảng thời gian quá ngắn để có thể điều trị cai nghiện ma túy.

Không chỉ riêng Nghệ An, mà những vướng mắc, bất cập trong việc thực hiện quy định đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thời gian qua đã gây khó khăn cho tất cả các địa phương trong cả nước. Tuy nhiên, đến thời điểm này, việc thay thế, sửa đổi các quy định về xử lý người nghiện ma túy vẫn chưa được Quốc hội và Chính phủ tiến hành. Điều này đồng nghĩa với việc, thời gian tới, công tác quản lý người nghiện ma túy (đang ngày càng có dấu hiệu gia tăng) vẫn sẽ tiếp tục gặp rất nhiều khó khăn. Đây sẽ là nguy cơ lớn ảnh hưởng đến tình hình trật tự an toàn xã hội.

Minh Quân

Mới nhất

x
Thực hiện quy định cai nghiện ma túy bắt buộc: Còn nhiều vướng mắc!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO