Thực hiện tái cơ cấu, đưa nông nghiệp và nông thôn phát triển bền vững

02/02/2014 15:16

Hồ Ngọc Sỹ - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Giám đốc Sở NN & PTNT

(Baonghean) - Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, nông nghiệp, nông thôn Nghệ An đã đạt được nhiều thành tựu khá toàn diện và to lớn như: Tốc độ tăng trưởng khá cao và ổn định; đảm bảo an ninh lương thực; tạo việc làm và thu nhập cho dân cư nông thôn, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đã hình thành được một số vùng nguyên liệu gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm như chè, mía, cao su, thủy sản, rừng trồng nguyên liệu; phát triển chăn nuôi tập trung theo hướng hàng hóa, trang trại, gia trại; sản xuất nông nghiệp chuyển dần theo hướng ứng dụng công nghệ cao.

Đồng chí Hồ Ngọc Sỹ
Đồng chí Hồ Ngọc Sỹ

Tuy vậy, thu nhập và đời sống của nông dân và những người làm nông nghiệp vẫn còn thấp; khoảng cách giàu nghèo giữa khu vực thành thị với nông thôn và trong nội bộ khu vực nông thôn có xu hướng gia tăng. Nguyên nhân chính là do sản xuất hiệu quả chưa cao và dễ bị tổn thương do thiên tai, dịch bệnh và biến động của thị trường; các hình thức liên kết trong sản xuất còn lỏng lẻo, thiếu tính ràng buộc, quy mô, phạm vi liên kết còn ở dạng mô hình.

Tăng trưởng nông nghiệp hiện nay chủ yếu theo chiều rộng, thông qua tăng diện tích, tăng vụ, nhưng năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả sử dụng đất đai chưa cao, chưa khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế về sản xuất nông nghiệp của tỉnh nhà.

Trước thực trạng đó, ngành Nông nghiệp Nghệ An xác định việc triển khai thực hiện “Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng” theo Quyết định số 339/QĐ-TTg và “Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp” theo Quyết định số 899/QĐ-TTg là việc làm hết sức cấp thiết và đã xây dựng “Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Nghệ An theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2013-2020” trình UBND tỉnh phê duyệt.

Bản đề án nêu lên nhiệm vụ, biện pháp chủ yếu có tính chiến lược nhằm mục tiêu khai thác và tận dụng tốt lợi thế nông nghiệp của tỉnh, xây dựng và phát triển các vùng sản xuất hàng hóa có quy mô lớn, cân đối và bền vững, từng bước hiện đại. Với giải pháp cơ bản là: Áp dụng nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ tiên tiến để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; giảm thiểu các tác động bất lợi về môi trường, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân gắn với xây dựng nông thôn mới; huy động và thực hiện đa dạng hoá các nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn; thực hiện chính sách hỗ trợ từ ngân sách nhà nước tạo điều kiện thúc đẩy, huy động các nguồn lực từ doanh nghiệp, hộ gia đình, tổ chức và HTX; xây dựng, hoàn thiện và phát triển hình thức hợp tác liên kết trong tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế của tỉnh với sự vào cuộc quyết liệt của nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông và các tổ chức xã hội.

Về trồng trọt: Tái cơ cấu theo hướng phát triển sản xuất quy mô lớn, tập trung gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị. Trên cơ sở rà soát, bổ sung quy hoạch gắn với đẩy mạnh việc áp dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ tiên tiến, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho các cây trồng lợi thế của tỉnh như: lúa, ngô, lạc, mía, chè, cao su, rau củ quả,... nhằm tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tập trung phát triển công nghệ sau thu hoạch theo hướng hiện đại, nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch và nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm.

Chẳng hạn, đối với cây lương thực, bên cạnh ổn định diện tích đất trồng lúa 99.994 ha vào năm 2015 bảo đảm an ninh lương thực là chuyển đổi những diện tích đất trồng lúa không chủ động nước sang trồng các loại cây màu hoặc trồng cây thức ăn chăn nuôi; phát triển các vùng sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng xây dựng cánh đồng mẫu lớn để áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật và đưa cơ giới hóa vào các khâu của sản xuất tập trung. Phát triển ngô trên đất bãi, đất màu và ngô vụ đông trên đất 2 lúa để tăng sản lượng lương thực và làm thức ăn cho chăn nuôi,...

Thu hoạch lúa ở Hưng Nguyên bằng máy gặt đập liên hoàn. ảnh: Sỹ Minh.
Thu hoạch lúa ở Hưng Nguyên bằng máy gặt đập liên hoàn. ảnh: Sỹ Minh.

Cây công nghiệp hàng năm như cây mía, vừa thực hiện mở rộng diện tích vừa tăng cường đầu tư thâm canh cao, đến năm 2020 đạt trên 27.000 ha, sản lượng 2.000.000 tấn, đảm bảo nguyên liệu chế biến cho 3 nhà máy đường.

Đối với cây cao su, chè công nghiệp được xác định là 2 loại cây công nghiệp lâu năm chủ lực nên vừa tập trung mở rộng diện tích vừa đầu tư thâm canh. Đến năm 2020 toàn tỉnh định hình 23.500 ha cao su, 12.000 ha chè, chế biến tiêu thụ trên 30.000 tấn chè khô các loại, 18.000 tấn mủ cao su khô…

Về chăn nuôi, đẩy mạnh thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư từ các doanh nghiệp để phát triển chăn nuôi theo hướng chuyển chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi tập trung, quy mô công nghiệp; phát triển chăn nuôi trang trại, gia trại, chăn nuôi nông hộ theo hình thức công nghiệp, áp dụng kỹ thuật và công nghệ phù hợp để tạo cơ hội sinh kế cho hộ nông dân. Chuyển dần chăn nuôi từ vùng mật độ dân số cao đến nơi có mật độ dân số thấp, hình thành các vùng chăn nuôi xa thành phố, khu dân cư; chuyển dịch cơ cấu theo hướng tăng tỷ trọng gia cầm trong đàn vật nuôi. Khuyến khích áp dụng công nghệ cao, tổ chức sản xuất khép kín hoặc liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị từ sản xuất giống, thức ăn đến chế biến để nâng cao năng suất, giảm chi phí, tăng hiệu quả và giá trị gia tăng; phát triển chăn nuôi gắn với vấn đề xử lý chất thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và phòng chống dịch bệnh. Đối tượng nuôi chủ yếu: trâu, bò, lợn và gia cầm, thủy cầm. Sản phẩm chủ yếu là thịt, sữa phục vụ nội tiêu và xuất khẩu.

Về thủy sản, tập trung sản xuất thâm canh các đối tượng nuôi chủ lực (tôm sú, tôm thẻ chân trắng, rô phi, nhuyễn thể, các loại cá trên hồ nước lớn) và phát triển nuôi trồng thủy sản truyền thống có khả năng thâm canh, tạo sinh kế cho người nghèo; khuyến khích hoạt động đánh bắt xa bờ theo hình thức tổ đội sản xuất, khai thác các đối tượng có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ tốt; tăng cường quản lý nguồn lợi ven bờ nhằm nâng cao khả năng tự phục hồi và tính bền vững của nguồn lợi thủy sản. Tiếp tục đầu tư ứng dụng công nghệ thiết bị hiện đại trong khai thác, bảo quản, chế biến nâng cao giá trị, giảm tổn thất và đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Phấn đấu đến năm 2020 tổng sản lượng thủy sản đạt khoảng 120.000 tấn, trong đó nuôi trồng 51.000 tấn, khai thác 69.000 tấn.

Về lâm nghiệp, chuyển triệt để từ lâm nghiệp truyền thống khai thác sang lâm nghiệp xã hội, bảo vệ, trồng và quản lý rừng bền vững, nâng cao giá trị kinh tế và tăng năng lực, hiệu lực bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao sinh kế cho người dân miền núi, đặc biệt là dân tộc ít người. Trong đó, tập trung phát triển và tăng tỷ lệ rừng kinh tế, chuyển đổi cơ cấu sản phẩm từ sản xuất dăm gỗ sang khai thác gỗ lớn nhằm tạo vùng nguyên liệu tập trung, cung cấp gỗ cho công nghiệp chế biến hàng xuất khẩu và nội tiêu. Đến năm 2020 diện tích rừng trồng sản xuất đạt trên 160.000 ha, mỗi năm khai thác đạt khoảng 12.000 ha, với trữ lượng 200 m3/ha (chu kỳ 12 năm) và 130 m3/ha (chu kỳ 7 năm), trong đó gỗ thương phẩm đạt khoảng 80%...

Ưu tiên đầu tư phát triển công nghiệp chế biến tinh, chế biến sâu, đổi mới công nghệ, thiết bị, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến (GHP, GMP, HACCP, ISO,…) kết hợp với các biện pháp về tổ chức sản xuất, tiêu thụ hàng hóa nhằm nâng cao giá trị gia tăng nông, lâm, thủy sản.

Về thủy lợi, tập trung xây dựng, củng cố các công trình tổng hợp lớn, công trình ứng phó với biến đổi khí hậu, công trình phòng lũ; các công trình đảm bảo an toàn hồ chứa, tiêu úng, thoát lũ. Trọng điểm là hồ Bản Mồng, cống Nam Đàn, hồ Khe Lại, hệ thống kênh mương sông Sào giai đoạn 2, cống ngăn mặn giữ ngọt sông Lam, sông Mơ, các hồ chứa ách yếu. Đầu tư cho hệ thống thủy lợi phục vụ tiêu úng vùng màu ven biển và tưới cho cây công nghiệp ở vùng trung du, núi thấp. Tiếp tục đẩy mạnh chương trình kiên cố hóa kênh mương, nâng cấp hệ thống đê sông, đê biển, cứng hóa mặt đê, trồng cây chắn sóng bảo vệ đê và đảm bảo an toàn trong phòng chống bão lụt.

Thực hiện tái cấu trúc theo định hướng này, cần tập trung thực hiện một loạt nhiệm vụ, trong đó rà soát, điều chỉnh, tăng cường quản lý giám sát, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với quy hoạch là việc làm cần được quan tâm hàng đầu. UBND tỉnh đang đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương một số vấn đề liên quan, trong đó có hỗ trợ ngân sách cho tỉnh để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư trọng điểm, qua đó tạo bước đột phá trong phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn Nghệ An.

Mới nhất
x
x
Thực hiện tái cơ cấu, đưa nông nghiệp và nông thôn phát triển bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO