Thực hiện tái cơ cấu tạo bước đột phá nghề rừng

28/11/2014 08:02

(Baonghean) - Chuyển từ khai thác lâm sản truyền thống sang khoanh nuôi bảo vệ, trồng mới và làm giàu rừng là hướng đi bền vững được ngành Lâm nghiệp kiên trì thực hiện trong nhiều năm qua. Hoạt động này góp phần tích cực phủ xanh đất trống đồi trọc, tạo ra nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến giấy, từng bước giải quyết việc làm, thu nhập cho người làm nghề rừng. Phát huy thành quả đó, trước yêu cầu công nghiệp hóa và hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, thôi thúc Ngành Lâm nghiệp Nghệ An tiếp tục tái cơ cấu một cách hiệu quả hơn.

Sản xuất giống cây lâm nghiệp tại BQL rừng phòng hộ Thanh Chương. Ảnh: V.Đ
Sản xuất giống cây lâm nghiệp tại BQL rừng phòng hộ Thanh Chương. Ảnh: V.Đ

TIN LIÊN QUAN

Thực hiện lời di huấn của Bác về trồng cây gây rừng, 55 năm qua, ngành Lâm nghiệp cùng chính quyền các cấp và nhân dân trên địa bàn tỉnh triển khai nhiều chủ trương biện pháp đẩy mạnh công tác quản lý, bảo vệ và phát triển vốn rừng. Hoạt động này đưa Nghệ An trở thành một trong những địa phương đi đầu trong phát triển lâm nghiệp cả nước.

Toàn tỉnh hiện có trên 1 triệu ha rừng và đất lâm nghiệp với cơ cấu 3 loại rừng (gồm rừng phòng hộ, đặc dụng và sản xuất), tỷ lệ che phủ rừng đạt 54,6%. Trong đó, diện tích rừng trồng trên 160 ngàn ha. Nhờ áp dụng tiến bộ về giống nên năng suất, sản lượng rừng trồng tăng nhanh so với trước. Hiện năng suất rừng nguyên liệu giấy đạt bình quân 100 m3/ha và doanh thu 70 triệu đồng/ ha/ chu kỳ sản xuất. Rừng trồng không chỉ góp phần phủ xanh đất trống đồi trọc, bảo vệ môi trường mà đã hình thành vùng nguyên liệu giấy tập trung với gần 100 ngàn ha, trung bình mỗi năm khai thác đưa vào chế biến 400 - 450 ngàn m3 gỗ nguyên liệu, 2.000 - 2.500 tấn nhựa thông, 4.000 tấn nứa lùng tạo hàng xuất khẩu mang lại nguồn ngoại tệ trên 89 triệu USD, giải quyết việc làm, thu nhập cho hàng chục vạn lao động và hộ gia đình sống gần rừng.

Tuy vậy, trước yêu cầu công nghiệp hóa nông nghiệp nông thôn, ngành Lâm nghiệp cả nước nói chung, Nghệ An nói riêng bộc lộ một số hạn chế. Trước hết có thể thấy, vai trò, chức năng của từng loại rừng chưa rõ trong phát triển chung của ngành Lâm nghiệp; Quy hoạch chưa gắn mục tiêu định hướng, chưa giải quyết tận cùng chuỗi phát triển và giá trị nội tại của nó. Các tiềm năng lợi thế về rừng chưa được phát huy tốt, giá trị từ rừng mang lại chiếm tỷ trọng thấp trong nền kinh tế. Nạn khai thác, đốt phá rừng chưa được ngăn chặn. Đời sống của người làm nghề rừng tuy đã được cải thiện song vẫn còn nhiều khó khăn.

Với rừng đặc dụng (172 ngàn ha), chức năng chính là bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, nhưng trên thực tế chưa phát huy tận cùng chức năng này. Các khu rừng đặc dụng như: Vườn Quốc gia thiên nhiên Pù Mát, Pù Hoạt, Pù Huống… được đánh giá là “kho vàng” lưu giữ các loài động, thực vật quý hiếm, trong đó có nhiều loài chưa có trong Sách Đỏ thế giới đang khoanh vùng “đắp chiếu”. Cùng đó, thiếu các giải pháp để khai thác các giá trị về tính đa dạng sinh học và các lợi thế của rừng để phát triển các ngành du lịch, dịch vụ độc đáo, chia sẻ lợi ích cho cộng đồng.

Phấn đấu đến năm 2020, Nghệ An ổn định khoảng 1.170.000 ha, trong đó rừng sản xuất 605.490 ha, rừng phòng hộ 392.050 ha, rừng đặc dụng 172.460 ha; hàng năm diện tích rừng được bảo vệ đạt 880.000 - 950.000 ha, khoanh nuôi 75.000 - 85.000 ha, chăm sóc rừng 20.000 - 30.000 ha. Mỗi năm khai thác 700 - 900 ngàn m3 khối gỗ trong đó 40% là gỗ lớn phục vụ chế biến sâu, nâng kim ngạch xuất khẩu lâm sản lên 200 triệu USD/ năm.

Đối với rừng phòng hộ, diện tích khá lớn (362 ngàn ha), song việc khai thác các giá trị của rừng như các sản phẩm lâm sản, phi lâm sản chưa thiết thực; chưa thu hút được nguồn đầu tư của các tổ chức phi chính phủ để “lấy rừng nuôi rừng, lấy rừng nuôi người”, đưa người dân gắn bó với rừng, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Cá biệt trên một số diện tích rừng phòng hộ do chưa có cơ chế quản lý tốt nên nạn cháy rừng, khai thác lâm sản, phát nương làm rẫy vẫn thường xảy ra với mức độ nghiêm trọng. Chỉ riêng năm 2014, trên địa bàn một số huyện đã xảy ra hàng chục vụ cháy rừng phòng hộ, gây thiệt hại hàng trăm ha thông 4 – 5 tuổi.

Còn với rừng sản xuất, mặc dù được đánh giá có bước phát triển mạnh, nhưng diện tích rừng trồng lại chủ yếu là rừng nguyên liệu giấy, chưa có rừng gỗ lớn, đang sản xuất, kinh doanh trôi nổi, chủ yếu bán nguyên liệu thô, chưa tạo ra vùng nguyên liệu quy mô, gắn với chế biến tạo thành chuỗi sản xuất hàng hóa, đa dạng về sản phẩm, vì vậy giá trị kinh tế mang lại còn thấp. Hiện trong số trên 160 ngàn ha rừng trồng, có 60% là rừng keo nguyên liệu phục vụ cho chế biến dăm thô xuất khẩu.

Bên cạnh đó, hệ thống tổ chức của ngành mặc dù thời gian qua đã được sắp xếp chuyển đổi thành 14 ban quản lý rừng và 5 công ty lâm nghiệpTNHH MTV, nhưng chưa trở thành “bà đỡ” dịch vụ đầu vào và đầu ra tạo liên kết chặt chẽ thúc đẩy nghề rừng phát triển theo quy mô sản xuất hàng hóa. Một số công ty lâm nghiệp sức khỏe kém, năng lực sản xuất, kinh doanh yếu sống èo ọt. Các Ban quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng hoạt động nặng tính hành chính, thiếu năng động đổi mới, mọi hoạt động phụ thuộc vào hầu bao của Nhà nước.

Trong khi đó, cơ chế, chính sách bất cập, thiếu đồng bộ chưa tạo đòn bẩy thúc đẩy nghề rừng phát triển, nhất là chưa hấp dẫn để thu hút các doanh nghiệp, các nhà đầu tư. Chính sách đầu tư hạ tầng, nhất là kinh phí xây dựng đường vận xuất cho lâm nghiệp thấp, kinh phí không đáng kể, mỗi năm chỉ được 4-5 tỷ đồng nên nhiều nơi có rừng lại chưa có đường, việc khai thác vận chuyển sản phẩm rừng trồng vất vả, tốn kém, giá thành cao, không có lãi. Cơ chế hỗ trợ lại không đồng bộ, một số chương trình như: Chương trình 30a hỗ trợ nhỏ giọt, manh mún; Các chương trình xóa đói, giảm nghèo trùng lặp, thiếu hấp dẫn, thiếu động lực để người nghèo vượt khó, vươn lên gắn bó với nghề rừng.

Việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất ngoài giống chưa có gì đáng kể. Phần lớn rừng và đất lâm nghiệp đã được giao cho hộ quản lý song còn manh mún, nhỏ lẻ, năng suất thấp, chất lượng rừng không đáp ứng yêu cầu cho quá trình tổ chức lại sản xuất theo quy mô lớn tập trung. Giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích rừng trồng thấp, nhiều nơi mới đạt 7-8 triệu đồng/ha/năm, trong khi ở các nước đã đạt 30-40 triệu đồng/ha/năm.

Công tác chế biến lâm sản đang ở thời điểm yếu kém và lạc hậu. Ngoài dây chuyền sản xuất dăm giấy và nhà máy chế biến gỗ MDF tại khu công nghiệp Nam Cấm, trên địa bàn chưa có cơ sở chế biến sâu có quy mô... Xuất phát từ những yếu kém đó, để tạo bước phát triển nhanh bền vững cho ngành Lâm nghiệp Nghệ An, không có con đường nào khác là phải thực hiện tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng lĩnh vực lâm nghiệp. Theo đó cần sắp xếp, tổ chức lại làm thay đổi tương quan về cơ cấu tài nguyên, các bộ phận cấu thành và các nguồn lực khác nhằm nâng cao hiệu quả trong ngành Lâm nghiệp.

Căn cứ Quyết định số 899/QĐ-TTg, ngày 10/6/2013 về việc phê duyệt đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 1565/QĐ-BNN-TCLN, ngày 8/7/2013 Bộ NN&PTNT mục tiêu nhiệm vụ của tái cơ cấu ngành lâm nghiệp là tập trung đẩy mạnh xã hội hoá Lâm nghiệp, thu hút các thành phần kinh tế, tổ chức xã hội và người dân tham gia, nâng cao giá trị gia tăng của ngành, tạo việc làm, tăng thu nhập góp phần xoá đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống góp phần giữ vững quốc phòng - an ninh. Tái cơ cấu lâm nghiệp phải lồng ghép với phát triển kinh tế - xã hội thuộc các lĩnh vực khác; Thúc đẩy nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo sức cạnh tranh và hiệu quả trong sản xuất, khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến lâm sản từ nguồn nguyên liệu trong nước.

Kiểm tra chất lượng rừng trồng tại Khe Tròn (Thanh Chương). Ảnh: V. Đ
Kiểm tra chất lượng rừng trồng tại Khe Tròn (Thanh Chương). Ảnh: V. Đ

Với rừng đặc dụng, phải xác định chiến lược bảo tồn rừng mà trọng tâm là bảo tồn đa dạng sinh học, khai thác triệt để chức năng vai trò của nó, sớm quy hoạch hệ thống du lịch sinh thái, thị trường hóa các sản phẩm đa dạng sinh học, bảo tồn thiên nhiên. Từ đó góp phần chia sẻ lợi ích nâng cao đời sống của nhân dân trong vùng bảo tồn.

Đối với rừng phòng hộ, phải nâng cao giá trị bảo đảm an toàn về môi trường, hồ đập thủy lợi, thủy điện, tạo môi trường ổn định, bảo đảm quốc phòng - an ninh cho miền Tây Nghệ An, phát huy tối đa bảo vệ môi trường gắn với phát triển chăn nuôi đại gia súc, cây, con đặc sản, làng nghề, tận dụng dịch vụ môi trường rừng.

Với rừng sản xuất, phải xác lập vùng nguyên liệu gắn với chế biến sâu, tạo ra được những mặt hàng sản phẩm lợi thế mang tính cạnh tranh và giá trị cao. Qua đó, phát huy vai trò của doanh nghiệp và các thành phần kinh tế trong đầu tư phát triển. Tạo môi trường thuận lợi thu hút các nhà đầu tư đầu tư vào công nghiệp chế biến lâm sản và trồng rừng năng suất cao. Tạo cơ hội để các hộ nông dân tự liên kết theo chiều ngang trong sản xuất nguyên liệu và liên kết dọc với doanh nghiệp trong tiêu thụ và chế biến lâm sản.

Quá trình thực hiện tái cơ cấu đòi hỏi phải gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng xanh. Đó là sự tăng trưởng dựa trên việc khai thác, lợi dụng một cách tối đa sinh lợi của rừng, để tạo ra nguồn thu cao nhất, ổn định nội sinh của rừng, bảo đảm an sinh xã hội, hướng tới việc quản lý bền vững diện tích rừng đặc dụng và phòng hộ; sử dụng có hiệu quả diện tích đất lâm nghiệp. Để đạt mục tiêu này, trước hết tập trung rà soát phân rõ 3 loại rừng ổn định trong kế hoạch dài hạn đến năm 2020, tầm nhìn 2030, gắn các quy hoạch với các chỉ tiêu cho từng loại rừng, nhất là rừng sản xuất với chuỗi nâng cao giá trị; Chú trọng phát triển rừng gỗ lớn, vùng cây đặc sản mang lợi thế và đi liền với đó là thực hiện chế biến sâu, sớm tạo ra các sản phẩm chất lượng, giá trị cao mà thị trường đang cần.

Nguyễn Tiến Lâm

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT

Mới nhất

x
Thực hiện tái cơ cấu tạo bước đột phá nghề rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO