Thực phẩm không rõ nguồn gốc vô tư bày bán
Vấn đề mất vệ sinh an toàn thực phẩm không mới nhưng luôn "nóng". Người tiêu dùng phải đối diện với nhiều loại hàng hóa thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng… Mặc dù vậy, để kiểm tra, xử lý vấn đề này vẫn còn những khó khăn.
Sống chung với thực phẩm bẩn
Trên địa bàn TP. Vinh hiện nay, lò mổ Hưng Chính là lò mổ gia súc tập trung duy nhất sau khi lò mổ Nghi Phú dừng hoạt động những năm qua. Với mật độ dân cư đông đúc, nhiều khu chợ, siêu thị, hàng quán nên lượng thịt lợn tiêu thụ trên địa bàn thành phố Vinh rất lớn. Cũng vì thế mà lò mổ Hưng Chính luôn sáng đèn từ rất sớm để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Mặc dù vậy, theo ghi nhận của phóng viên, công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại lò mổ Hưng Chính vẫn còn nhiều bất cập. Do đã được đưa vào sử dụng lâu năm nên nhiều hạng mục tại lò mổ đã bị xuống cấp. Mọi công đoạn giết mổ súc vật đều được tiến hành ngay trên nền xi măng đọng đầy nước bẩn. Thịt lợn, nội tạng, phân lợn, nước thải… lẫn với nhau trên sàn nhà nên việc thịt lợn bị nhiễm khuẩn là điều dễ có nguy cơ xảy ra.
Lợn sau khi được giết mổ sẽ chất lên những chiếc xe máy chở đi khắp nơi tiêu thụ mà không được che đậy, những mảng thịt bám đầy bụi bẩn trong quá trình di chuyển trên đường. Được biết, trung bình mỗi ngày lò mổ này thực hiện giết mổ từ 20 – 30 con lợn, dù có lực lượng thú y cơ sở giám sát, đóng dấu kiểm dịch, việc nhắc nhở, xử lý việc mất an toàn vệ sinh thực phẩm trong quá trình giết mổ vẫn còn bỏ ngỏ.
Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 974 cơ sở giết mổ gia súc, trong đó chỉ có 41 cơ sở thu gom giết mổ tập trung có sự giám sát của cơ quan thú y thường xuyên, còn lại 933 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ. Trong đó, nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm tại các cơ sở nhỏ lẻ rất lớn. Tại những điểm này không có các điều kiện về hạ tầng, dụng cụ để phục vụ giết mổ an toàn. Hầu hết các điểm đều thực hiện trên sàn nhà, trong khi các loại chất thải và nước thải đều không được xử lý đúng cách.
Hiện nay, đồ ăn đường phố, thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn với đa dạng các món đang được nhiều người ưa chuộng, đặc biệt là giới trẻ. Tuy nhiên, đây cũng là các mặt hàng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm nhất trên thị trường.
Dạo quanh các tuyến đường trên địa bàn TP. Vinh như: Nguyễn Văn Cừ, Võ Thị Sáu, Bạch Liêu… không khó để nhận ra các cửa hàng buffet giá rẻ đã xuất hiện khá nhiều, thu hút lượng lớn thực khách. Chỉ với giá trên dưới 100.000 đồng, thực khách có thể ăn thoải mái những món "khoái khẩu" như: Bò mỹ, nầm lợn, nầm bò, thịt ba chỉ, dạ dày, bạch tuộc, chân gà, mực, bánh mì bơ, rau, củ...
Theo ghi nhận của phóng viên tại một cơ sở buffet giá rẻ trên đường Võ Thị Sáu, TP. Vinh, các món ăn được bày biện đa dạng tại các khay lớn, được tẩm ướp gia vị bắt mắt để vừa tạo ấn tượng với thực khách, cũng vừa để che đi màu sắc, mùi vị nguyên bản của thực phẩm.
Hiện nay, thịt bò trên thị trường có giá trên 200.000 đồng/kg, thịt lợn ba chỉ giá 130.000 đồng/kg, hải sản thì giá càng cao hơn nữa… vậy mà chỉ cần bỏ ra 100.000 đồng là có thể ăn thoải mái các thực phẩm này, khiến người tiêu dùng phải đặt dấu hỏi về nguồn gốc các loại thực phẩm này có đảm bảo hay không? Như gia đình tôi đã thử ăn một lần và quyết định không quay trở lại vì thực phẩm chủ yếu là hàng đông lạnh, kém chất lượng, một số đã bốc mùi… rất gây hại cho cơ thể.
Chị Phan Tú Thảo, phường Bến Thủy (TP. Vinh)
Hiện nay, loại hình đồ nướng, lẩu buffet giá siêu rẻ này đang “làm mưa làm gió” trên thị trường, vẫn thu hút rất đông thực khách, đặc biệt là giới trẻ. Có thể thấy, việc chủ quan với thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn còn hiện diện trong một bộ phận người tiêu dùng hiện nay. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra những mô hình này vẫn chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục.
Theo đánh giá của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế), hiện nay những người trực tiếp chế biến thức ăn và ngay cả người tiêu dùng hầu như đều thiếu kiến thức trong việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Thức ăn đường phố giá rẻ phần lớn không rõ nguồn gốc; quán xá nằm ở vỉa hè, sát đường giao thông, nếu bụi, nấm mốc và khí thải như xăng dầu nhiễm vào thực phẩm thì nguy cơ xảy ra ngộ độc sẽ rất cao.
Siết chặt quản lý
Trong ngày 28/5/2024, một vụ ngộ độc thực phẩm tập thể với hơn 70 người đã xảy ra tại bếp ăn tập thể Công ty TNHH MLB Tenergy, địa chỉ tại khối 3, thị trấn Yên Thành, huyện Yên Thành. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh nhận định đây là vụ ngộ độc thực phẩm nghi do chất Histamin có trong mẫu cá bạc má rán. Công nhân của công ty nhập viện với triệu chứng: Đau bụng, buồn nôn, nôn, đau đầu; một số trường hợp có nổi mẩn đỏ rải rác. Đây là vụ ngộ độc thực phẩm với số lượng người lớn trong những năm trở lại đây.
Sở Công Thương cho biết, toàn tỉnh có 48.552 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, trong đó có gần 14.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc ngành Công Thương quản lý; có 24.659 cơ sở sản xuất, kinh doanh lĩnh vực nông, lâm, thủy sản (cấp tỉnh quản lý 1.792 cơ sở, cấp huyện, xã quản lý 22.867 cơ sở); có 9.893 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thuộc ngành Y tế quản lý.
Từ năm 2021 đến nay trên địa bàn tỉnh ghi nhận 6 vụ ngộ độc thực phẩm thuộc cấp huyện, xã quản lý với 175 người mắc, không có trường hợp nào tử vong (6 tháng đầu năm 2024 đã xảy ra 1 vụ ngộ độc bếp ăn tập thể tại Công ty may Tenergy, huyện Yên Thành làm 72 người mắc).
Mặc dù công tác kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên, hiện nay công tác kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh vẫn còn những hạn chế.
Mô hình quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh hiện nay chưa thống nhất, công tác quản lý đang được phân công cho 3 ngành là Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Công Thương, trong đó Sở Công Thương không có đơn vị chuyên trách và được phân công kiêm nhiệm quản lý ATTP cho một phòng chức năng thuộc sở.
Ngoài ra, việc quản lý cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm còn có sự tham gia của lực lượng cảnh sát môi trường, quản lý thị trường. Công tác phối hợp trong quản lý an toàn thực phẩm hiệu quả chưa cao, ở cấp xã việc quản lý càng khó.
Số lượng văn bản quản lý nhà nước về ATTP nhiều, do nhiều chủ thể ban hành nên không đồng bộ giữa các ngành quản lý, đôi lúc gây khó khăn trong tra cứu, áp dụng phục vụ công tác quản lý ATTP của cơ quan quản lý và việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm của cơ sở. Việc kinh doanh, quảng cáo thực phẩm chức năng vi phạm pháp luật, đặc biệt trên mạng xã hội diễn biến phức tạp, khó quản lý, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng...
Thực hiện Quyết định số 934/QĐ-UBND về kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024 trên địa bàn tỉnh Nghệ An, từ ngày 16/4/2024 đến ngày 15/5/2024, đoàn kiểm tra liên ngành đã tiến hành kiểm tra an toàn thực phẩm tại 23 cơ sở trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra có 17 cơ sở đạt, 6 cơ sở vi phạm đã bị lập biên bản vi phạm. Quá trình kiểm tra đoàn cũng kết hợp công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cho các cơ sở chấp hành đúng các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm.
Ông Nguyễn Hữu Lê – Phó Giám đốc Sở Y tế
Ông Phạm Văn Hóa - Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Để thực hiện có hiệu quả công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đơn vị đã đề ra những giải pháp cụ thể, trong đó trọng tâm là tiếp tục nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc phối hợp thực hiện quản lý an toàn thực phẩm. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao kiến thức pháp luật an toàn thực phẩm cho chủ doanh nghiệp, cơ sở, người trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm.
Từ năm 2021 đến tháng 6/2024, toàn tỉnh Nghệ An đã thành lập 3.336 đoàn thanh tra, kiểm tra với tổng số cơ sở được thanh tra, kiểm tra là 31.402 cơ sở, trong đó có 28.666 cơ sở đạt (91,29%) và 2.736 cơ sở vi phạm (8,71%) với tổng số tiền xử phạt trên 8,2 tỷ đồng. Ngoài ra, lực lượng Công an, Quản lý thị trường đã kiểm tra, xử lý tịch thu, tiêu hủy nhiều mặt hàng liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm...