Thương các thầy, cô giáo

“Thương các thầy, cô giáo mà không biết làm răng” – một chị ở bản nói thế với mọi người, và ai cũng chung tâm trạng đó.

Năm học mới bắt đầu cũng là lúc một đợt mưa lớn đổ xuống các bản, làng miền Tây. Tiếp đó là lũ lụt tràn về, đâu đâu cũng đặc quánh bùn đất. Để đến trường học, điểm lớp đóng tại bản xa, các thầy giáo, cô giáo phải trải qua vô vàn vất vả. Trên đầu thì mưa xối xả, dưới chân thì bùn lầy, phải mất nhiều giờ đồng hồ các thầy, cô mới qua được những đoạn dốc vài cây số. Những chiếc xe máy chẳng còn giống chiếc xe máy nữa. Nó như một khối đất sét nặng nề. Còn các thầy, cô thì như những người vừa “tắm” bùn. Có những điểm trường, điểm lớp ở xa trung tâm xã, đường đi qua nhiều khe, suối, mùa khô còn đỡ, nhưng khi mưa xuống dòng nước đỏ ngầu, chảy xiết. Có nhiều lần các thầy, cô giáo lỡ đường vì phải đợi nước rút. Và như mấy ngày qua hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy, nhiều thầy, cô giáo ở các xã như: Bảo Nam, Bảo Thắng (Kỳ Sơn) phải làm cáng để công kênh xe máy, đồ dùng vật dụng để qua suối. Rồi còn phải căng dây, dìu nhau mới vượt qua được dòng lũ dữ. Thật thương các thầy, cô giáo quá. Cũng vì tình yêu với nghề dạy học, vì cái chữ cho lũ trẻ, trách nhiệm với bà con vùng sâu, vùng xa mà các thầy giáo, cô giáo mới gian nan như vậy.

Bà con trong bản cũng bảo nhau: Sao mà Nhà nước không sửa cái đường, làm thêm vài cây cầu cứng để các thầy, cô giáo và người dân đi lại bớt khổ. Đấy, mình nhớ cách đây mấy năm, các thầy giáo ở Trường Tiểu học Tri Lễ 4, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong được trao giải Ấn tượng của Đài Truyền hình Việt Nam vì những đóng góp của các thầy cho sự nghiệp giáo dục ở vùng sâu, vùng xa. Đặc biệt, VTV vinh danh các thầy giáo còn là bởi họ đã vượt qua vô vàn khó khăn, thiếu thốn ở điểm trường bị chia cắt do địa hình, và đường đi khó khăn hiểm trở. Những tưởng sau đó, người ta sẽ quan tâm, cải thiện hệ thống giao thông, nhưng cho đến nay các thầy giáo ở điểm trường nổi tiếng nói trên vẫn phải đánh vật với con đường bùn đất ngập gần đến đầu gối.

Bà con ở bản mình gần như năm nào cũng bảo nhau đi sửa đường giao thông. Sau đợt mưa này cũng vậy. Sửa để các thầy giáo, cô giáo đỡ vất vả, bà con đi lại cũng dễ dàng hơn. Và quan trọng hơn là để các thầy, cô thấy được tấm lòng của dân bản mà chịu gắn bó với bầy trẻ.

Bài: Lầu Vả Xềnh
Ảnh tư liệu: Đào Thọ