Thương cánh chim trời

13/10/2011 17:28

Hàng năm, sau vụ mùa,  những đàn cò chao lượn khắp các cánh đồng để thỏa thích tìm nguồn thức ăn. Nhưng mấy năm gần đây, tính mạng của lũ chim di trú và lũ cò thường xuyên có nguy cơ mắc các loại cạm bẫy của con người. Nếu không có giải pháp hữu hiệu để ngăn cấm việc săn bắt hàng loạt đối với các loài chim thì nguy cơ mất cân bằng sinh thái đang hiển hiện trước mắt.

(Baonghean) - Hàng năm, sau vụ mùa, những đàn cò chao lượn khắp các cánh đồng để thỏa thích tìm nguồn thức ăn. Nhưng mấy năm gần đây, tính mạng của lũ chim di trú và lũ cò thường xuyên có nguy cơ mắc các loại cạm bẫy của con người. Nếu không có giải pháp hữu hiệu để ngăn cấm việc săn bắt hàng loạt đối với các loài chim thì nguy cơ mất cân bằng sinh thái đang hiển hiện trước mắt.

Khoảng vài năm nay, sau vụ gặt, cánh đồng Dừa quê tôi (xã Tường Sơn, Anh Sơn) lại được giăng cơ man nào là lưới. Thời kỳ cao điểm, toàn cánh đồng có tới hàng trăm thửa lưới (mỗi thửa khoảng 100 m2). Lưới được quây quanh các cọc bằng tre nứa, trên các cọc được treo các vỏ lon bia và các thứ hộp bằng sắt để khi giật lưới sẽ tạo nên tiếng động. Ban ngày, các tấm lưới được vén lên để tránh sự phá hoại của trâu bò. Đến đêm, chủ nhân của các thửa lưới ra đồng buông lưới xuống kín cả một vùng, rồi thổi còi, giật vỏ lon bia và các hộp sắt để tạo ra tiếng động. Lũ chim trên đường di trú vào phương Nam tránh rét bất chợt bị kích thích bởi thứ âm thanh lạ liền cùng nhau chao xuống. Khi lũ chim đã lọt vào thửa lưới, người bẫy chim làm các động tác đánh động, xua đuổi để chúng hoảng loạn, nháo nhác cất cánh bay về tứ phía và dễ dàng bị mắc đầu hoặc chân vào các mắt lưới đã giăng sΩn. Với cách bẫy này, có những người mỗi đêm bắt được 200- 300 con chim. Ngày hôm sau, họ đem ra chợ bán hoặc nhập cho các hàng quán hay cung cấp cho các "đầu nậu" dưới xuôi lên với mức giá 15- 20.000 đồng/con. Nguyễn Xuân Tiến, một tay bẫy chim có tiếng trong vùng cho biết: "Hiện đang là thời điểm chim di trú bay qua nhiều nhất nên hầu như đêm nào cũng ra đồng quây lưới bắt chim. Nếu gặp may, chỉ cần một tuần bẫy chim là kiếm được số tiền bằng cả vụ lúa.



Những thửa lưới được quây để bẫy chim ở đồng Dừa,
xã Tường Sơn (Anh Sơn).

Trong quan niệm của chúng ta, cánh cò biểu trưng cho sự thanh bình, trù phú của mỗi làng quê. Thế nhưng, gần đây những cánh cò trắng đang dần thưa vắng trên các cánh đồng. Bởi lẽ, ban đêm cò thường trú ngụ trên những lùm cây rậm rạp. Có những kẻ đang tâm cầm khẩu súng săn hạ sát hàng loạt và xem đây là một nghề mưu sinh. Vào dịp này, nếu ai có cơ hội đi dọc những cánh đồng quê sẽ thấy những chấm trắng trông xa tưởng chừng như một đàn cò đang thong thả tìm mồi. Lại gần, hóa ra đó là đàn cò... xốp. Lũ cò xốp này do những kẻ bẫy cò chế tạo và phết vào đó loại keo dính đặc biệt rồi rải khắp các cánh đồng để nhử cò thật. Đang bay trên không trung, đàn cò nhầm tưởng có đồng loại đang kiếm ăn phía dưới liền sà xuống và dính vào lớp keo phết trên thân cò xốp. Với cách bẫy này, không ít chú cò bị dính và trở thành mồi ngon của con người.

Những điều kể trên đã giải thích nguyên do vì sao lâu nay khắp các chợ quê và chợ thành phố đều bày bán công khai các loài chim, tại không ít quán ăn, thịt chim được chế biến thành các món hấp dẫn và trở thành đặc sản.

Cụ Nguyễn Văn Sáu (hơn 90 tuổi) ở xã Tường Sơn (Anh Sơn) cho biết: "Bây giờ, sản xuất nông nghiệp thật khó khăn vì cây lúa, cây ngô bị mắc quá nhiều loại sâu bệnh. Có lẽ một phần là do các loài chim chóc bị săn bắn hết nên sâu bọ cứ sinh sôi, phát triển một cách vô tội vạ. Nhà nước cần có những quy định xử phạt cụ thể đối với những kẻ tàn sát các loài chim để cứu chúng tránh khỏi nguy cơ tuyệt diệt, góp phần bảo vệ mùa màng".


Công Kiên

Thương cánh chim trời
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO