Thương lái Trung Quốc ngừng mua, vải thiều rớt giá thê thảm

01/07/2015 20:55

Mặc dù còn gần nửa tháng nữa mới hết mùa vải nhưng hầu hết các điểm cân vải của thương lái Trung Quốc tại Lục Ngạn (Bắc Giang) đã đóng cửa, thương lái Trung Quốc đồng loạt rút hết về nước khiến vải thiều rớt giá thê thảm, chín rụng đầy vườn do không có người mua.

Lo lắng cho vườn vải còn hơn 1 tấn quả đang đến kỳ thu hoạch mà không có thương lái thu mua, ông Giáp Văn Huy (xã Hồng Giang, Lục Ngạn) than thở, 4 ngày nay thương lái Trung Quốc bất ngờ ngừng mua vải về rút hết về nước. Người dân chở vải ra thị trấn bán chỉ thấy có một số ít thương lái thu mua vải để đưa vào các tỉnh phía Nam bán, còn thương lái Trung Quốc đã biệt tăm, không thấy đâu.

Theo ông Huy, vì thương lái Trung Quốc ngừng mua, rút hết khỏi Lục Ngạn nên giá vải thiều rớt thê thảm.

Thương lái Trung Quốc bất ngờ rút về nước khiến vải thiều rớt giá mạnh, người dân thiệt hại hàng chục triệu đồng
Thương lái Trung Quốc bất ngờ rút về nước khiến vải thiều rớt giá mạnh, người dân thiệt hại hàng chục triệu đồng

Hiện nay vải thiều loại 1 chỉ bán được khoảng 12.000-14.000 đồng/kg, vải loại 2 giá chỉ 3.000-6.000 đồng/kg. Trong khi đó, vào chính vụ giá vải loại một bán ở mức 25.000-35.000 đồng/kg, loại hai cũng bán được giá 15.000-16.000 đồng/kg.

Như vậy giá vải đã giảm đi một nửa so với trước, thậm chí có loại giá giảm chỉ còn 1/3 so với trước.

“Không có người mua lại vào cuối mùa thời tiết nắng nóng nên vải chín rụng, héo khô đầy vườn. Tính ra thiệt hại cả chục triệu đồng/tấn vải chứ không ít”, ông Huy than thở.

Tương tự, ông Giáp Văn Thành (Thôn Kép 1, xã Hồng Giang) cũng ngán ngẩm không kém khi số vải còn chưa thu hoạch ở trong vườn hiện tại không biết bán cho ai.

Ông Thành cho biết, mọi năm thương lái Trung Quốc qua thị trấn cân vải từ đầu vụ tới cuối vụ, hết mùa vải mới chịu rút về. Nhưng năm nay không rõ nguyên nhân làm sao mà họ lại rút sớm như vậy.

“Giờ ra thị trấn bán vải, chỉ còn 1-2 thương lái Trung Quốc thu mua, song số lượng họ thu mua rất ít, không đáng kể mấy”, ông Thành nói.

Theo ông Thành, vải còn nửa tháng nữa mới thu hoạch xong, những hộ có vải chín sớm thì không thiệt hại gì. Tuy nhiên, những hộ có vải muộn, giờ mới thu hoạch rộ thì thiệt hại vài chục triệu đồng chứ không ít.

“Ngay cạnh nhà tôi, có nhà còn tận 4 tấn vải chưa bán mà giờ giá rớt thê thảm khiến họ như ngồi trên đống lửa. Nhà tôi cũng, còn hơn một tấn nữa mới bán hết, giá bán như hiện nay, nếu có thương lái thu mua cũng bị thiệt mất trên chục triệu đồng. Không có người mua thì để chắc chín rụng ngoài vườn hết”, ông Thành than thở.

Cũng theo ông Thành, người dân ở đây ai cũng thắc mắc không hiểu lý do vì sao thương lại Trung Quốc lại bất ngờ rút sớm. Một số người khác thì cho rằng vải bên Trung Quốc đã vào vụ thu hoạch nên họ rút về, không mua nữa.

Ông Lê Bá Thành, Phó chủ tịch huyện Lục Ngạn cho biết, đến nay, toàn huyện đã tiêu thụ khoảng 98.000 tấn vải. Trong đó, xuất đi Trung Quốc 51.000 tấn. (Qua của khẩu Lào Cai 21.500 tấn, xuất qua cửa khẩu Tân Thanh 28.500 tấn).

Hiện nay, toàn huyện đã thu hoạch được 85% lượng vải thiều, chỉ còn khoảng 15% chưa thu hoạch được. Do vải vào cuối vụ, chín 100% nên chỉ ưu tiên tiêu thụ ở thị trường nội địa và các tỉnh vùng biên bởi loại vải này rất khó bảo quản khi vận chuyển xa, huyện không muốn xuất đi các nước khác vì muốn giữ uy tín cho quả vải thiều Việt Nam.

Ông Thành thừa nhận thương lái Trung Quốc đã rút hết về nước sớm hơn dự kiến. Nguyên nhân là do, vùng trồng vải ở Quảng Đông của Trung Quốc vải đang vào chính vụ, đặc biệt, cũng giống như ở Việt Nam, các tỉnh Phúc Kiến, Quảng Đông (Trung Quốc) đang rơi vào cao điểm nắng nóng khiến nhu cầu tiêu thụ vải giảm đáng kể nên họ rút về ưu tiên giải quyết thị trường nội địa.

Ông Thành cũng cho hay, những năm trước thương lái thu mua đến cuối vụ nên giá vải ổn định. Tuy nhiên, năm nay vải thiều của phía nước họ trùng với Việt Nam, do đó, việc các thương lái Trung Quốc về nước sớm đã hưởng đến giá bán vải trên địa bàn huyện.

Theo Vietnam.net

Mới nhất

x
Thương lái Trung Quốc ngừng mua, vải thiều rớt giá thê thảm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO