Thương người “gieo chữ” vùng cao
Mùa tựu trường đã bắt đầu, học sinh từ miền xuôi đến miền ngược đang háo hức bước vào một năm học mới. Thầy cô đang tất tả sửa soạn hành trang để ngược rừng thực hiện nhiệm vụ “gieo chữ” cho trẻ em vùng cao, những con người đang cống hiến tuổi thanh xuân cho những bản làng nơi miền rẻo cao, biên giới.
(Baonghean) - Mùa tựu trường đã bắt đầu, học sinh từ miền xuôi đến miền ngược đang háo hức bước vào một năm học mới. Thầy cô đang tất tả sửa soạn hành trang để ngược rừng thực hiện nhiệm vụ “gieo chữ” cho trẻ em vùng cao, những con người đang cống hiến tuổi thanh xuân cho những bản làng nơi miền rẻo cao, biên giới.
Cùng đi một chuyến xe lên các huyện miền Tây xứ Nghệ, anh Phạm Văn Tiến (giáo viên Trường PTCS Nhôn Mai, huyện Tương Dương) lỉnh kỉnh với bao đồ đạc: giáo án, sách vở, có cả bì đựng gạo và các loại thức ăn đồ hộp, lại có cả chai nước mắm, gói tép khô... Quê anh Tiến ở xã Thanh Lâm (Thanh Chương), vợ đang công tác tai Trường Mầm non Thanh Sơn (vùng tái định cư khu vực lòng hồ thủy điện Bản Vẽ), cách nhà khoảng 30 km. Đứa con trai đầu lòng của anh chị hiện chưa đầy 1 tuổi. Ở nhà chỉ có bố mẹ đã già yếu, bố anh đang đau nặng, vừa phải đưa ra Bệnh viện Bạch Mai điều trị. Đưa bố từ Hà Nội về, anh phải soạn sửa lên trường gấp để kịp bắt tay vào năm học mới.
Lớp học ghép tại Trường Tiểu học Xiêng My (Tương Dương)
Đây là năm học thứ 7 anh bám trụ đất Nhôn Mai, một xã hết mực xa xôi của huyện Tương Dương. Từ nhà phải đi 3 chặng xe, đến thủy điện Bản Vẽ tiếp tục đi xuồng 3 - 4 tiếng xuyên qua lòng hồ, rồi lại đi bộ hơn nửa tiếng mới đến được trường. Trong điều kiện thời tiết bình thường thời gian là ngót một ngày, còn trúng vào ngày mưa gió, lũ lụt thì không thể biết trước được. Cách xa trung tâm huyện, giao thông cách trở, không có chợ búa, không có sóng điện thoại, bà con dân bản lại nghèo nên mỗi lần về quê hay ra thị trấn, anh Tiến tranh thủ mua lương thực, thực phẩm và các vật dụng sinh hoạt về cất trữ phục vụ cho cuộc sống hàng ngày.
Lên Kỳ Sơn trong những ngày đầu tháng 8, khi năm học mới đã cận kề, chúng tôi càng thấm thía những gian nan, nhọc nhằn của giáo viên vùng cao. Đến xã Mường Típ, một trong những địa phương chịu hậu quả nặng nề của trận lũ quét kinh hoàng hồi cuối tháng 6, chứng kiến cảnh trường học tan hoang và đang ngập trong lớp bùn dày khoảng 2,5 m. Các thầy cô Trường Tiểu học Mường Típ phải lên trường trước 2 tuần lễ để phối hợp với chính quyền và nhân dân giải phóng bùn đất, dựng phòng học tạm bằng tre, nứa để đảm bảo kế hoạch, chương trình của năm học mới. Anh Nguyễn Văn Hoàng (quê huyện Anh Sơn) cho biết: “Sau trận lũ quét, tuyến đường gần 30 km từ Mường Xén vào bị đứt gãy, sạt lở liên tục nên việc đi lại hết sức gian nan, có những đoạn phải khiêng xe máy qua bùn lầy. Vừa mới về quê nghỉ hè mấy ngày thì được tin trường bị lũ quét nên phải lên đây xem thế nào. Đồng bào Khơ mú ở đây vốn đã nghèo nay bị lũ lụt càng nghèo hơn. Vì thế, việc vận động học sinh đến trường trong năm học mới sẽ hết sức khó khăn, khó hơn cả việc dựng lại trường học...”.
Cùng ở huyện Anh Sơn, vợ chồng anh Trần Văn Hùng lên Kỳ Sơn dạy học đã hơn 6 năm. Anh công tác tại xã Keng Đu (cách trung tâm huyện Kỳ Sơn 80 km), chị công tác tại xã Nậm Cắn. Nói là hai vợ chồng công tác cùng một huyện nhưng cách nhau đến ngót 100 cây số và luôn sống trong cảnh “ở hai đầu nỗi nhớ”. Con gái đầu lòng của anh chị lại thường hay đau yếu. Anh Hùng tâm sự: “Nhiều lần biết con đau ốm nhưng vì công việc không thể về được. Những lúc như vậy thật tủi thân đến phát khóc vì thương vợ, thương con”.
Cuối năm học 2010- 2011, chúng tôi có dịp vào bản Búng, xã Môn Sơn (Con Cuông), nơi đầu nguồn con sông Giăng. Đây là nơi cư trú của bà con Đan Lai, cuộc sống nơi đây còn hết sức khó khăn, từ trung tâm xã vào bản hiện tại chỉ có cách đi bằng xuồng máy khoảng 3 - 4 giờ đồng hồ. Ở chốn thâm sơn cùng cốc này, có một cô giáo đã sắp sửa về hưu nhưng vẫn bám trụ với bản Đan Lai xa xôi và nghèo khó. Đó là chị Lô Thị Thanh (sinh 1958), ở bản Tân Sơn (gần khu vực trung tâm xã). Trước khi về quê Con Cuông nhận công tác, chị Thanh từng có một thời gian dài dạy học ở các xã Huồi Tụ, Mỹ Lý của huyện rẻo cao Kỳ Sơn. Hoàn cảnh gia đình chị khá thương tâm, chồng mất sớm, các con đang trong độ tuổi học hành nên đôi vai của chị luôn nặng trĩu bao nỗi lo toan. Được tăng cường vào bản Búng đã 4 năm, chị phải gửi các con cho bà ngoại chăm lo, có khi trời mưa gió, nước sông Giăng dâng cao nên hàng tháng không về thăm con được. Mỗi lần đi về thăm con và ra cơ sở chính họp hành mất hàng trăm nghìn tiền đi xuồng. Thế nhưng chị Thanh cho biết: “Điều kiện ở đây khó khăn gấp nhiều lần so với vùng trung tâm xã nhưng chế độ đãi ngộ và khoản thu nhập đều như nhau, tôi thấy chưa thật công bằng”.
Đường lên vùng cao
Anh Tiến, anh Hoàng, chị Thanh và vợ chồng anh Hùng chỉ là con số rất ít trong số những giáo viên đã và đang cống hiến trí tuệ, sức lực và tuổi trẻ cho sự nghiệp giáo dục vùng cao. Có thể xem họ là lực lượng tiên phong trong công cuộc xóa bỏ đói nghèo, lạc hậu nơi miền rẻo cao, biên giới. Thiết nghĩ, Nhà nước cần có thêm những chính sách đãi ngộ về thu nhập và thực hiện tốt việc luân chuyển giáo viên giữa các vùng để đảm bảo tính công bằng, tạo động lực cho các thầy giáo, cô giáo yên tâm công tác.
Công Kiên