Thương về Ô Ồ, Già Hóp
(Baonghean) - Nằm trong “tốp” những thôn bản khó khăn nhất của huyện Anh Sơn, nhưng 2 bản Ô Ồ và Già Hóp của xã Tường Sơn từ trước đến nay không được hưởng chính sách đặc thù của Nhà nước. Khó khăn, thiếu thốn chồng chất đang đè lên vai của 148 hộ dân là đồng bào dân tộc Thái này...
(Baonghean) - Nằm trong “tốp” những thôn bản khó khăn nhất của huyện Anh Sơn, nhưng 2 bản Ô Ồ và Già Hóp của xã Tường Sơn từ trước đến nay không được hưởng chính sách đặc thù của Nhà nước. Khó khăn, thiếu thốn chồng chất đang đè lên vai của 148 hộ dân là đồng bào dân tộc Thái này...
Bản Ô Ồ có 77 hộ, 323 nhân khẩu là đồng bào dân tộc Thái. Cuộc sống người dân nơi đây phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, nhưng diện tích lúa nước chỉ có 10 ha, đất nương rẫy 19 ha, còn lại là đất rừng. Do đất sản xuất ít, nên gần một nửa số hộ trong bản thiếu ăn nhiều tháng trong năm. Số hộ nghèo của bản hiện còn 49 hộ. Cuộc sống khó khăn, thiếu thốn, hơn nữa quãng đường từ bản đến trường THCS quá xa, khiến con em trong bản thường bỏ học dở chừng khi lên THCS. Đầu năm học 2011 - 2012, có 20 em theo học THCS, nhưng sau ít tháng các cháu bỏ học. Vừa qua, xã Tường Sơn đã vào bản để có kế hoạch mở lớp học bổ túc THCS tại bản.
Ngay cả công trình điện lưới Quốc gia đã kéo về tận bản, và đã xây dựng trạm biến áp ngay tại bản từ năm 2010, đến nay vẫn bỏ không, vì bà con không có điều kiện đầu tư đường dây hạ thế. Nguồn điện bà con đang dùng là trước đây bản xin Xí nghiệp chè Bãi Phủ cho đấu nối, bà con phải trả giá điện 2.000 đồng/KW. Quan sát thấy mạng lưới điện ở đây rất tạm bợ, phần lớn cột điện làm bằng thân tre, gỗ, rất dễ xẩy ra tai nạn khi mưa bão. Khi nào trạm biến áp của bản đưa vào sử dụng và bà con ở đây được hưởng nguồn điện lưới quốc gia theo giá Nhà nước là chưa có câu trả lời?!
Hỏi về hệ thống trường lớp tiểu học và mầm non, chúng tôi được biết: Trường tiểu học đã được đầu tư xây dựng điểm trường kiên cố, nhưng cấp tiểu học chưa có lớp. Từ trước đến nay, các cháu phải học nhờ trong nhà văn hóa của bản. Theo chân cán bộ bản, chúng tôi đến lớp học mầm non, hết giờ lên lớp nên chỉ có một số học sinh gần nhà chơi trước cổng. Trong căn nhà bằng gỗ vừa thấp, vừa chật chội, cô giáo Nguyễn Thị Yến cho hay: Một mình cô phải dạy 40 cháu, với 3 lứa tuổi khác nhau nên rất bất cập. Hôm nào bản tổ chức họp bản là các cháu phải nghỉ học.
Ông Nguyễn Hữu Vân – Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: Tường Sơn là xã miền núi loại 1, có 14 bản, thì Ô Ồ và Già Hóp là 2 bản liền kề, với tổng số 148 hộ đồng bào dân tộc Thái là khó khăn nhất. Do không được hưởng chính sách vùng đặc thù của Nhà nước nên 2 bản này rất thiệt thòi. Mặc dù xã đã nhiều lần đề nghị lên Ủy ban Dân tộc huyện, tỉnh, chính quyền các cấp để 2 bản được hưởng vùng đặc thù nhưng vẫn không có hồi âm.
Bà Võ Thị Lam - Chủ tịch UBND huyện Anh Sơn, công nhận rằng, 2 bản Ô Ồ và Già Hóp của xã Tường Sơn nằm trong tốp 61 thôn bản khó khăn nhất huyện. Thế nhưng, do 2 bản này thuộc xã Tường Sơn (là xã miền núi loại 1) nên không được hưởng chính sách vùng đặc thù của Nhà nước. Xét trên thực tế, UBND huyện cũng đã nhiều lần đề nghị bằng văn bản lên các cấp có thẩm quyền để người dân được hưởng chính sách đặc thù của Nhà nước, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Đối với lớp học mầm non, UBND huyện sẽ sớm xem xét chỉ đạo Phòng Giáo dục phối hợp với chính quyền cơ sở có giải pháp xây dựng lớp học và điều thêm giáo viên vào dạy, đồng thời có giải pháp không để con em bỏ học ở cấp THCS.
Xuân Hoàng