Thượng viện Mỹ phê chuẩn tân Đại sứ tại Việt Nam: Bắc cây cầu mới!
(Baonghean.vn) - Tính từ khi Tổng thống Bill Clinton bổ nhiệm ông Pete Peterson làm Đại sứ đầu tiên của Mỹ tại Việt Nam vào ngày 11/7/1997, tối 18/11 vừa qua, Thượng viện Mỹ đã bổ nhiệm ông Ted Osius làm vị Đại sứ Mỹ thứ 8 tại Việt Nam.
Trong xu thế quan hệ Việt - Mỹ đang có sự vận động theo chiều hướng tích cực, việc ông Ted Osius được đề cử sau nhiều tháng trì hoãn chứng tỏ Mỹ đã “vượt qua” những khó khăn trong lựa chọn nhân sự để đưa ra phương án tốt nhất cho quan hệ Việt – Mỹ tiến đến mốc kỷ niệm 20 năm “bình thường hóa” quan hệ ngoại giao (tính từ ngày 28/1/1995).
Ông Ted Osius |
TIN LIÊN QUAN |
---|
Ông David Shear được bổ nhiệm Đại sứ Việt Nam từ tháng 8/2011 và tháng 3/2014 được Thượng viện chấp thuận để làm Trợ lý Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phụ trách khu vực Đông Á - Thái Bình Dương. Khi ông David Shear kết thúc nhiệm vụ Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, ai sẽ là người được bổ nhiệm để đảm nhiệm vị trí “cầu nối” cho quan hệ ngoại giao Việt - Mỹ tại Việt Nam là điều được chính giới Mỹ quan tâm.
Ông Ted Osius đã được Tổng thống Barack Obama đề cử làm Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam ngày 15/5, sau đó được cho là “bị trì hoãn” cho đến ngày 18/11 vừa rồi mới được phê chuẩn. Điều này cho thấy quá trình lựa chọn ông Ted Osius làm Đại sứ ở Việt Nam thay cho ông David Shear là một sự lựa chọn kỹ càng và rất có chủ ý. Ở ông Ted Osius đã hội tụ đủ yếu tố để vượt qua sự lựa chọn có phần khắt khe đó. Bởi “nhân sự ngoại giao” có ý nghĩa quan trọng đối với việc thực thi và phát triển đường lối ngoại giao và kết quả hợp tác. Trong trường hợp cụ thể này, điều đó lại càng có ý nghĩa đặc biệt hơn. Bởi Việt Nam và Mỹ hiện đang có quan hệ đối tác toàn diện, đứng trước ngưỡng nâng lên tầm đối tác chiến lược và trước mốc kỷ niệm 20 năm thiết lập “bình thường hóa” quan hệ ngoại giao.
Ông Ted Osius “lọt” vào “tầm ngắm” của Tổng thống Obama và vượt qua sự lựa chọn của Thượng viện Mỹ bởi nhà ngoại giao chuyên nghiệp này có thể hứa hẹn làm cầu nối để phát triển quan hệ tin cậy lẫn nhau giữa Mỹ và Việt Nam. Ông Ted Osius vừa là một nhà nghiên cứu, vừa là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp. Ông là Phó giáo sư tại Đại học Chiến tranh Quốc gia ở Washington kể từ năm 2013. Ông còn là nghiên cứu sinh cao cấp thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế từ 2012 - 2013. Trước đó, ông Osius có bằng cử nhân ở trường Đại học Harvard và bằng Thạc sỹ tại trường Nghiên cứu quốc tế cao cấp thuộc Đại học Johns Hopkins.
Thực ra, ông Ted Osius không chỉ là người lắm duyên nợ với Việt Nam, mà còn là một trong số ít các nhà ngoại giao ở Mỹ hiện nay có thời gian gần gũi và hiểu rất rõ Việt Nam. Ông từng giữ chức Tùy viên Chính trị tại Tổng lãnh sự quán Mỹ ở Tp.HCM và tại Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội từ 1997 - 2001. Trước đó, năm 1996, ông Osius là người có mặt trong phái đoàn quan chức Mỹ đầu tiên đến Việt Nam kể từ khi quan hệ song phương được bình thường hóa. Ông cũng là người có mặt ở Việt Nam trước một năm để “tiền trạm” cho sự có mặt của Đại sứ Mỹ đầu tiên tại Việt Nam - ông Pete Peterson. Cũng trong khoảng thời gian có mặt tại Việt Nam giai đoạn đó, từ 1998 - 2001, ông Osius còn là cố vấn cho Phó tổng thống Mỹ về vấn đề châu Á. Từ năm 2001 - 2004, ông là quan chức phụ trách Khoa học-công nghệ, môi trường tại Đại sứ quán Mỹ ở Thái Lan; sau đó là Phó giám đốc Văn phòng các vấn đề Triều Tiên, Vụ Đông Á - Thái Bình Dương ở Bộ Ngoại giao Mỹ.
Sự chuyên nghiệp trong bề dày hoạt động ngoại giao của ông Ted Osius còn là thời gian ông trải qua các vị trí như: Phụ tá tham mưu và Tuỳ viên chính trị trong Phái bộ ngoại giao Mỹ tại Liên hiệp quốc; Tham tán chính trị kiêm Tham tán hành chính tại Đại sứ quán Mỹ tại Tòa thánh Vatican; Tham tán chính trị kiêm Tham tán lãnh sự tại Đại sứ quán Mỹ tại Philippines. Ông cũng từng làm việc ở Indonesia, Ấn Độ.
Do đó, có thể khẳng định ông Ted Osius là người có kinh nghiệm về các vấn đề khu vực Châu Á (với 25 lăm năm làm việc tại Châu Á), trong đó có Việt Nam. Mới đây, khi Việt Nam đề nghị phía Mỹ bỏ cấm vận vũ khát sát thương đối với Việt Nam thì ông Ted Osius cũng là người đã mạnh mẽ kêu gọi ủng hộ đề nghị của Việt Nam. Như vậy, giữa ông Ted Osius và người tiền nhiệm - ông David Shear rõ ràng có những khoảng cách giới hạn nhất định xét ở phương diện hiểu biết và thái độ ủng hộ Việt Nam. Ông David Shear từng có những đánh giá “cứng nhắc”, “lạnh lùng” trên BBC về Việt Nam, như việc ông cho rằng tình hình nhân quyền Việt Nam vẫn không có sự cải thiện nào đáng kể như sự mong đợi của Hoa Kỳ.
Vì vậy, việc ông Ted Osius chính thức trở thành tân Đại sứ Mỹ tại Việt Nam hứa hẹn sẽ "bắc cây cầu "mới cho quan hệ Việt - Mỹ vượt qua những khác biệt, khoảng cách, hướng đến tiến trình hợp tác mạnh mẽ và hiệu quả hơn.
Chí Linh Sơn