Thủy, hải sản xuất khẩu: Ít về lượng, kém về chất

16/10/2014 09:13

(Baonghean) - Nghệ An có tiềm năng về khai thác và nuôi trồng thủy, hải sản song sản lượng, chế biến xuất khẩu các mặt hàng này chưa nhiều. Nguyên nhân chính do sản lượng thủy, hải sản tuy nhiều, nhưng không đồng bộ, hơn nữa, năng lực chế biến xuất khẩu của các doanh nghiệp trong tỉnh còn hạn chế. Số liệu xuất khẩu của Sở Công thương cho thấy, mặt hàng xuất khẩu ở lĩnh vực này chủ yếu là bột cá làm thức ăn chăn nuôi…

Thuỷ, hải sản được xác định là một trong những mặt hàng có lợi thế cho xuất khẩu của Nghệ An. Tuy nhiên, sản lượng xuất khẩu ở lĩnh vực này còn hạn chế so với tổng sản lượng khai thác. 9 tháng đầu năm 2014, sản lượng khai thác thuỷ hải sản các loại đạt 73.224 tấn, bằng 92% kế hoạch năm. Theo số liệu của Chi cục Nuôi trồng thuỷ sản, diện tích nuôi trồng thủy sản 10 tháng năm 2014 đạt 23.610 ha, bằng 112% kế hoạch năm, sản lượng ước đạt 34.095 tấn, bằng 78% kế hoạch và bằng 105% so cùng kỳ năm 2013. Trong đó, sản lượng nuôi ở nước ngọt 26.280 tấn, sản lượng nuôi mặn lợ 7.815 tấn. Trong khi đó, xuất khẩu chính ngạch 8 tháng đầu năm 2014 chỉ đạt 5.405 tấn, kim ngạch xuất khẩu hơn 6,7 triệu USD.

Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là bột cá và cá đông lạnh, do 3 công ty thực hiện gồm: Công ty TNHH Chế biến phụ phẩm thủy sản XuRi Việt Trung, Công ty TNHH Phương Mai và Công ty TNHH Phương Huy. Mặc dù nhu cầu thị trường thế giới tương đối cao và ổn định, nhưng thủy, hải sản của Nghệ An hiện chỉ xuất được sang một số thị trường “dễ tính” như Trung Quốc và Lào. Bởi năng lực các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng được các yêu cầu về công nghệ, chất lượng sản phẩm của các thị trường “khó tính” như Mỹ, Nhật,…; đồng thời, còn hạn chế trong khâu tìm kiếm bạn hàng.

Bà Nguyễn Thị Mai - Giám đốc Công ty TNHH Phương Mai chia sẻ: “Doanh nghiệp rất muốn mở rộng thị trường xuất khẩu, song rất khó, đòi hỏi chất lượng sản phẩm nguyên liệu đầu vào tốt, đồng bộ; đồng thời, doanh nghiệp phải đầu tư cơ sở hạ tầng chế biến đúng tầm, hệ thống xử lý nước thải đảm bảo,… mới vươn tới được những thị trường khó tính. Với nguồn tài chính và năng lực có hạn, chúng tôi cũng không dám mạo hiểm vì e ngại rủi ro. Hiện, doanh nghiệp mới tiếp cận được thị trường phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị. Sản phẩm chủ yếu mới chỉ xuất thô cá đông lạnh sang thị trường Lào. 9 tháng năm 2014, tiêu thụ nội địa và xuất khẩu hơn 1.000 tấn, giá trị khoảng gần 30 tỷ đồng.”

Doanh nghiệp Phương Mai (Quỳnh Lưu) xuất bán cá đông lạnh.
Doanh nghiệp Phương Mai (Quỳnh Lưu) xuất bán cá đông lạnh.

Công ty cổ phần XNK Thuỷ sản Nghệ An II là đơn vị có đủ điều kiện chế biến thuỷ sản xuất khẩu. Công ty đã đầu tư lắp đặt thiết bị chế biến thuỷ sản công nghệ cao IQF cho phép sản xuất các sản phẩm cao cấp với công suất 8 - 10 tấn sản phẩm/ngày, đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu sang các thị trường khó tính như EU, Mỹ,… Giá trị xuất khẩu có thể đạt 10 - 12 triệu USD/năm. Công ty cũng đã đầu tư nâng cấp công nghệ đóng gói chân không, công nghệ Sashimi,... với công suất 5 - 6 tấn/ngày, giá trị chế biến xuất khẩu có thể đạt 4 - 5 triệu USD/năm. Song vài năm trở lại đây, do gặp vấn đề về nhân lực, tài chính nên công ty ngừng sản xuất hoặc sản xuất trì trệ. Hiện tại điều kiện hạ tầng, thiết bị ở các nhà máy này ngày càng xuống cấp. Hiện nay, công ty này chủ yếu chế biến tôm đông lạnh. Sản phẩm các loại của 2 đơn vị này bình quân trong vài năm trở lại đây chỉ đạt 2.000 - 3.000 tấn/năm.

Một số cơ sở chế biến đông lạnh khác như doanh nghiệp Phương Mai, Kim Liên, Hải An (đã áp dụng chương trình quản lý chất lượng theo HACCP)… cũng đã đầu tư cơ sở vật chất, máy móc, thiết bị cho chế biến như tủ cấp đông, kho lạnh bảo quản, xe vận chuyển… tuy nhiên, công nghệ mà các doanh nghiệp trong tỉnh đang sở hữu rất lạc hậu hay các công nghệ được chuyển giao nhiều đời, thủ công, đơn giản. Sản phẩm dừng lại ở mức độ thô. Theo số liệu của Chi cục Phát triển nông thôn Nghệ An, 6 tháng đầu năm 2014, tổng sản lượng chế biến công nghiệp (thuỷ sản) đạt 14.500 tấn/26.400 tấn sản phẩm các loại. Giá trị chế biến xuất khẩu chỉ đạt 12/22 triệu USD. Như vậy, giá trị chế biến xuất khẩu còn khiêm tốn so với sản lượng khai thác và nuôi trồng thuỷ, hải sản của tỉnh.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh cũng chưa có doanh nghiệp nào xây dựng được phòng nghiên cứu, thí nghiệm nhằm đổi mới, nâng cấp công nghệ, nâng cấp quy trình kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm. Điều này làm cho khả năng đa dạng hoá sản phẩm, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp bị hạn chế. Mặt khác, doanh nghiệp chưa tập trung đầu tư khảo sát thị trường, tìm kiếm bạn hàng, nên rất ít đơn hàng. Bên cạnh đó, nguồn nguyên liệu thủy sản trong tỉnh còn manh mún, không đủ đáp ứng những đơn hàng lớn do ảnh hưởng từ tính chất mùa, vụ và số lượng tàu, thuyền lớn đánh bắt xa bờ chưa nhiều,… Ông Dương Văn Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản cho biết: Hàng năm, chi cục lấy hàng trăm mẫu thuỷ sản (các loại cá, tôm khai thác và nuôi) để phân tích, đều chưa phát hiện được chất cấm trong các sản phẩm thuỷ, hải sản. Nếu các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư đồng bộ, hiện đại, tham gia xúc tiến thương mại và khai thác thị trường tốt, thì sản phẩm thuỷ, hải sản của Nghệ An vẫn đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường khó tính như EU, Mỹ,…

Có thể thấy, ngành hàng thủy, hải sản vẫn chưa được khai thác hết tiềm năng, mang lại giá trị kinh tế lớn thông qua xuất khẩu. Vì vây, trong thời gian tới, để thúc đẩy lĩnh vực chế biến xuất khẩu thuỷ, hải sản phát triển xứng với tiềm năng, cần có các giải pháp đồng bộ từ khâu nuôi trồng, khai thác tạo nguồn nguyên liệu, chế biến và an toàn vệ sinh thực phẩm, tìm kiếm thị trường, sự gắn kết giữa nhà quản lý, doanh nghiệp, và người nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản.

Bài, ảnh: Quỳnh Lan

Mới nhất
x
Thủy, hải sản xuất khẩu: Ít về lượng, kém về chất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO