Thủy lợi cho miền Tây: Khó khăn và thách thức

10/07/2013 19:05

(Baonghean) - Các huyện miền tây xứ Nghệ có điều kiện địa hình hiểm trở, sông suối xẻ dọc, cắt ngang, đất đai manh mún và có độ dốc lớn nên việc phát triển thủy lợi để chủ động nước tưới cho cây trồng gặp rất nhiều khó khăn.

Những ngày đầu tháng 7 này, chúng tôi ngược nguồn lên công tác tại huyện Quế Phong. Trong khi ở các huyện miền xuôi vụ lúa hè thu đã được gieo cấy khép kín thì đi dọc các xã Hạnh Dịch, Châu Kim, Cắm Muộn, Tiền Phong của huyện Quế Phong… nhiều vùng đất bà con đang để hoang chờ mưa để làm đất. Ông Lô Văn Lâm –Trưởng bản Bón, xã Tiền Phong cho biết: Gia đình tôi làm 3 sào ruộng nhưng cũng mới cày đất được 1 sào, còn 2 sào chưa có nước.

Hiện bản Bón có 35 ha cơ cấu lúa mùa nhưng bà con mới cày đất được 7 ha, còn lại đang thiếu nước.

Quế Phong hiện có trên 2.250 ha đất trồng lúa. Trong đó, số diện tích chủ động nguồn nước tưới là 1.800 ha, chủ yếu lấy nước ở các công trình nước tự chảy (chiếm 75%), còn lại 25% diện tích là do bà con tự điều tiết nước ở các khe, suối nhỏ. Đến thời điểm này bà con Quế Phong đã triển khai làm đất vụ lúa mùa được trên 60% diện tích, còn lại do thiếu nước tưới đang phải chờ mưa xuống. Trên 500 ha còn lại thiếu nước là do ảnh hưởng của Nhà máy Thủy điện Xao Va và Nhà máy Thủy điện bản Cốc đóng mở thất thường nên nhiều guồng quay lấy nước không hoạt động được. Chưa kể là nhiều xứ đồng vẫn chưa được đầu tư thủy lợi nhỏ để lấy nước, như cánh đồng bản Dốn ở xã Mường Nọc chưa có bất cứ công trình thủy lợi nào. Để có nước trồng lúa, bà con nông dân phải trông chờ hoàn toàn vào nước trời.



Tràn bản Cắm, xã Cắm Muộn - Quế Phong xây dựng hàng trăm triệu đồng nhưng không phát huy hiệu quả.

Không những thiếu đầu tư xây dựng, một số nơi hệ thống thủy lợi được đầu tư đã lâu nay cũng đã xuống cấp trầm trọng. Quế Phong có hệ thống kênh chính: Nậm Giải tưới cho 3 xã Mường Nọc, Quế Sơn, Châu Kim khoảng trên 600 ha, xây dựng từ năm 1990, kênh Mương Cọ tưới cho xã Hạnh Dịch 15 ha nhiều đoạn bị sạt lở, rò rỉ, nước thất thoát nhiều. Đập tràn Na Khích xã Nậm Nhoóng đã bị sạt lở, bà con phải dùng cọc tre để đóng tạm lấy nước. Kênh Mương Cuồng tưới nước cho xã Mường Nọc thi công quá chậm nên chưa tích được nước để phục vụ làm đất. Chưa kể là một số công trình thủy lợi chưa phát huy hiệu quả, như công trình tràn bản Cắm, xã Cắm Muộn. Theo phản ánh của người dân, tràn này trị giá hàng trăm triệu đồng nhưng lại được thiết kế và xây dựng tại nơi tràn không tích được nước.

Cùng chung cảnh ngộ như Quế Phong, để đảm bảo chủ động nước tưới cho diện tích đất lúa của huyện Quỳ Hợp là vấn đề vô cùng nan giải. Ông Vi Thanh Tường - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp cho biết: Toàn huyện có 2.400 ha lúa, nhưng đến thời điểm này mới chỉ có 1.200 ha là chủ động nước, trong đó 70% sử dụng hệ thống nước từ các hồ đập, các công trình thủy lợi nhỏ nước tự chảy. Còn lại 30% diện tích bà con tự tạo phai, tự điều tiết lấy nước ở vùng khe suối. 1.200 ha diện tích còn lại là do chưa được đầu tư về thủy lợi như tu sửa nâng cấp hồ đập, kênh mương.

Huyện Quỳ Châu cũng có 1.800 ha đất lúa, trong đó chủ động nước chỉ được 1.300 ha, nguồn nước lấy ở các hệ thống hồ đập và công trình tự chảy chiếm 65%, còn lại dân bản làm guồng nước. Diện tích 500 ha còn lại do chưa được đầu tư các công trình thủy lợi, hoặc một số bị xuống cấp. Đối với các huyện rẻo cao như Tương Dương, Kỳ Sơn do địa thế hiểm trở nên các hồ đập lớn chưa được đầu tư, chủ yếu xây dựng các tràn, phai lấy nước.

Ông Nguyễn Văn Hoa - Trưởng Chi cục Thủy lợi Nghệ An cho biết: Các công trình thủy lợi ở miền núi chủ yếu là công trình vừa và nhỏ, hầu hết các địa phương trực tiếp quản lý khai thác, vận hành, trình độ chuyên môn thủy lợi hạn chế, thiếu kinh phí duy tu sửa chữa hàng năm nên nhiều công trình nhanh chóng xuống cấp. Hầu hết các hồ chứa được xây bằng thủ công theo quy phạm kỹ thuật cũ, khả năng phòng lũ thấp và chống hạn kém. Chỉ mới xây dựng, nâng cấp được các cụm hồ chứa ở Anh Sơn và Thanh Chương, Quỳ Châu… (Đối với miền núi cao thì chỉ mới có đập Phà Lài ở Con Cuông) còn lại chưa được đầu tư xây dựng. Hệ thống kênh mương được xây dựng từ những năm 2000, chủ yếu là Nhà nước hỗ trợ xi măng, bà con tự xây bằng đá, táp lô… qua thời gian sử dụng nhiều năm, thiếu kinh phí cho việc bảo dưỡng, sửa chữa hàng năm nên các công trình kênh mương xuống cấp nghiêm trọng.

Chưa kể nhiều tuyến kênh mương được xây dựng giám sát chưa chặt chẽ dẫn đến chất lượng kém. Như ở Quế Phong nhiều công trình kênh mương và tràn ở các xã Mường Nọc, Châu Kim, Cắm Muộn vừa đưa vào sử dụng từ 3-5 năm nay đã hư hỏng nặng. Có nhiều công trình thiết kế chưa phù hợp, không phát huy được hiệu quả, như đập Đòn Phạt ở Cắm Muộn trị giá trên 10 tỷ đồng tưới cho trên 30ha, nhưng do kênh dẫn đào quá sâu, đã trở thành “kênh tiêu” nên không thể đáp ứng đủ diện tích tưới; đập dâng ở Phà Lài (Môn Sơn) thiết kế tưới cho 220 ha nhưng thực tế chỉ tưới được 130 ha.

Theo ông Hoa, để phát triển thủy lợi miền núi, trước tiên cần nâng cao hiệu quả quản lý và khai thác các công trình thủy lợi. Địa bàn miền núi công trình thủy lợi đa dạng, lớn, vừa và nhỏ, nhiều công trình thủy lợi phát huy tốt, nhưng cũng có những công trình còn lãng phí nguồn nước, hiệu quả tưới còn thấp. Cần phân cấp quản lý công trình thủy lợi hợp lý để từ đó bảo vệ công trình bền vững.

Đối với các công trình mới, cần đầu tư hợp lý tùy theo diện tích đất canh tác để xây dựng, tránh lãng phí. Tập trung đầu tư một lần nhưng chất lượng cao, đảm bảo độ bền vững của công trình, khi đưa vào sử dụng sẽ tiết kiệm hơn các công trình tạm thời. Cân đối đầu tư hợp lý giữa xây mới và đầu tư nâng cấp các công trình thủy lợi hiện có.

Theo ông Trịnh Xuân Dũng- Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quế Phong, Quế Phong là huyện rẻo cao, chủ yếu các chân ruộng bậc thang, cần phải tập trung để đầu tư các công trình thủy lợi vừa và nhỏ mới mang lại hiệu quả. Bởi có những xứ đồng chỉ từ 4-5 ha lúa mà xây dựng hồ đập trị giá từ 7-10 tỷ đồng thì quá lãng phí tiền của Nhà nước. Bên cạnh đó cần xây dựng các công trình tận dụng nguồn nước tự chảy. Khi có nguồn vốn đầu tư của Nhà nước cần phải cân đối để xây dựng kênh “xương cá” dẫn ra nội đồng. Lâu nay, Quế Phong chỉ chú trọng xây dựng các loại kênh chính, trong khi kênh “xương cá” chủ yếu kênh đất nên thất thoát nước nhiều.


Văn Trường

Mới nhất
x
Thủy lợi cho miền Tây: Khó khăn và thách thức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO