Thủy sản giữ vững giá trị xuất khẩu
Mặc dù, kim ngạch nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đã sụt giảm mạnh trong năm 2013. Nhưng ngành thủy sản đã vươn lên để giúp ngành nông nghiệp xuất khẩu ước đạt gần 27,47 tỷ USD, tăng nhẹ 0,7% so với năm ngoái.
Thủy sản trở thành điểm sáng
Theo Trung tâm Tin học và Thống kê, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản toàn ngành nông nghiệp trong cả năm nay uớc đạt 27,469 tỷ USD, tăng 0,7% so với năm ngoái (tính tới ngày 15/12/2013). Giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính như: gạo, cà phê, cao su... ước đạt 13,1 tỷ USD (giảm 11,9% so với năm 2012). Tuy nhiên, xuất khẩu thủy sản tiếp tục là “điểm sáng” với kim ngạch xuất khẩu đạt 6,7 tỷ USD, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Mỹ tiếp tục là thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản.
Ông Võ Thành Đô, Phó Cục trưởng Cục Nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT) cho biết, tôm đã trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực của thủy sản Việt Nam trong năm qua. Giá trị xuất khẩu của mặt hàng này trong năm 2013 có thể đạt mức 3 tỷ USD, vượt xa chỉ tiêu xuất khẩu đặt ra từ đầu năm là 2,5 tỷ USD.
Theo ông Đô, có được kết quả trên là do các vùng nuôi tôm được quy hoạch tốt, kiểm soát tốt về con giống, truy xuất nguồn gốc con giống... Bên cạnh đó, nước xuất khẩu tôm chính trong khu vực là Thái Lan bị dịch bệnh tràn lan, sụt giảm sản lượng. Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và bão lụt, trong khi đây là một thị trường có nhu cầu lớn về tôm. Vì vậy, mặc dù sản lượng tôm không tăng nhưng các yếu tố đó đã giúp giá tôm xuất khẩu trên thị trường thế giới tăng 20 -30%.
Tuy nhiên, trong năm qua, một số mặt hàng thủy sản xuất khẩu khác là cá ba sa, ca ngừ... lại có dấu hiệu giảm nhẹ. Trong đó, cá ba sa giảm khoảng 5% về giá trị và sản lượng. Nguyên nhân một phần là do sản lượng xuất khẩu vào thị trường EU sụt giảm trong một thời gian dài vì các rào cản thương mại. Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh xuất khẩu bằng giá, đã khiến giá trị xuất khẩu cá ba sa giảm.
“Cá ngừ được mùa nhưng không thể trở thành điểm sáng trong xuất khẩu vì khâu đánh bắt, chế biến sau thu hoạch của chúng ta chưa đạt yêu cầu. Do đó, giá bán không thể tăng được”, ông Võ Thành Đô, Phó Cục trưởng Cục Nông lâm thủy sản và nghề muối cho biết.
Theo dự báo của Cục Nông lâm thủy sản và nghề muối trong năm 2014, Thái Lan, Trung Quốc có thể phục hồi sản xuất tôm nên giá tôm có thể giảm, cơ quan quản lý sẽ tùy tình hình thực tế để có những giải pháp thúc đẩy xuất khẩu thủy sản.
Đánh giá về tình hình năm 2014, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho rằng, xuất khẩu thủy sản có thể gặp khó khăn do tình hình thị trường, dịch bệnh, thiên tai vẫn tiếp tục. Bên cạnh đó, vẫn còn những khó khăn do các nước tăng cường rào cản thương mại. Do đó, ngành thủy sản cần tận dụng các chính sách của Nhà nước, đặc biệt là các chính sách về tái cơ cấu ngành thủy sản để vượt qua khó khăn và phát triển.
Một số mặt hàng chủ lực sụt giảm mạnh
Trong khi thủy sản vươn lên trở thành điểm sáng xuất khẩu thì một số mặt hàng nông sản chủ lực khác lại có dấu hiệu sa sút. Nguyên nhân chính là do nhu cầu thế giới giảm mạnh.
Lúa, gạo là một trong những mặt hàng xuất khẩu truyền thống, đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu nông sản, nhưng sụt giảm cả về khối lượng và giá trị xuất khẩu. Bộ NN&PTNT cho biết, lượng gạo xuất khẩu cả năm ước đạt 6,61 triệu tấn, đạt giá trị khoảng 2,95 tỷ USD. Như vậy, xuất khẩu gạo giảm khoảng 17,4% về khối lượng và 19,7% về giá trị so với cùng kỳ 2012.
Nông sản trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực năm 2013 |
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, tạo ra giống lúa có chất lượng và giá trị thương mại cao hơn trong thời gian tới là con đường mà ngành lúa gạo của Việt Nam phải đi theo.
“Chúng ta phải tạo ra các giống lúa có giá trị cao và phải có tính bền vững, ổn định nhiều năm để các doanh nghiệp có thể tổ chức sản xuất trên quy mô lớn với chất lượng đồng đều. Từ đó, chúng ta có thể xây dựng thương hiệu gạo xuất khẩu và chiếm lĩnh các thị trường trên thế giới”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nói.
Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực khác của Việt Nam cũng sút giảm mạnh trong năm 2013. Xuất khẩu cà phê giảm 23,6% về khối lượng và giảm 25,1% về giá trị so với năm ngoái. Cao su, sắn là những ngành hàng cũng có xu hướng sụt giảm về sản lượng và giá trị xuất khẩu so với cùng kỳ năm 2012. Tuy nhiên, trong vài tháng gần đây, ngành hàng hạt điều, chè, gỗ, tiêu... lại có sự gia tăng đáng kể về giá trị.
Như vậy, thủy sản đã vươn lên trở thành “lá cờ đầu” trong xuất khẩu của ngành nông nghiệp. Nhờ đó, ngành nông nghiệp vẫn đảm bảo giá trị xuất khẩu tương đương năm 2012 trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều khó khăn hơn.
Theo Tintuc