Tiếc thương 4 người con Nghệ An hy sinh ở Rào Trăng 3
(Baonghean.vn) - Những ngày qua mảnh đất xứ Huế - khúc ruột miền Trung mưa ngút trời, khiến hàng nghìn ngôi nhà chìm trong biển nước. Mệnh lệnh cứu dân phát ra, hàng nghìn chiến sĩ LLVT Quân khu 4 lập tức lên đường đến với bà con. Trong số 13 cán bộ, chiến sĩ hy sinh tại Tiểu khu 67 có 4 người con Nghệ An.
“Bố Dũng ơi, con sẽ đợi bố về”
Ngay sau khi thông tin Trung tá Nguyễn Tiến Dũng, Phó trưởng phòng Tác chiến, Bộ Tham mưu Quân khu cùngĐoàn công tác Quân khu 4 hy sinh trong quá trình cứu hộ, cứu nạn tại địa bàn huyện Phong Điền (Thừa Thiên Huế), mọi người ai cũng tiếc nuối người cán bộ mẫu mực. Đặc biệt tấm gương tận tụy hết lòng vì nhiệm vụ cùng những dự định của anh được đồng đội và người thân kể lại với tình cảm hết sức trân trọng.
Trung tá Nguyễn Tiến Dũng (thứ 2 từ trái sang) luôn tận tình với nhiệm vụ. Ảnh Ngọc Thăng |
Được thừa hưởng phẩm chất bộ đội Cụ Hồ từ người bố của mình. Năm 1998, sau khi tốt nghiệp cấp 3, Nguyễn Tiến Dũng đăng ký và thi đỗ vào Trường Sỹ quan Lục quân 1. Sau 5 năm học tập ra trường với tấm bằng xuất sắc, anh được trở về quê hương Nghệ An công tác tại Trung đoàn 1, Sư đoàn 324. Vốn là con người cần mẫn, nhiệt tình trách nhiệm nên trải qua các cương vị công tác khác nhau, anh luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và được cấp trên, đồng đội hết mực tin tưởng.
Nói về người đồng đội của mình, Thượng tá Lê Thanh Phong - Phó Trưởng phòng Tác chiến chia sẻ: Tuy mới về cơ quan một thời gian ngắn nhưng Dũng luôn mẫu mực, năng nổ nhiệt tình trong công tác. Thời gian về cơ quan chưa đầy một tháng nhưng Dũng đã xung phong đảm nhận tất cả các nhiệm vụ và đi đến những địa bàn khó khăn. Trước khi đi vào giúp dân vùng lũ Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, anh nói với tôi, hoàn thành nhiệm vụ cứu dân có thời gian em sẽ truyền thụ cho các anh em trong phòng những kiến thức quân sự sau 2 năm học tập tại Liên bang Nga. Vậy mà, dự định chưa thành…
Không chỉ là người cán bộ gương mẫu, anh Dũng luôn quan tâm gần gũi chiến sỹ để nắm bắt tâm tư tình cảm. Ảnh: Ngọc Thăng |
Có mặt tại ngôi nhà nhỏ của gia đình anh Dũng, Đại úy Hoàng Trọng Vinh, Phó Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 335, Sư đoàn 324, đơn vị anh Dũng có thời gian công tác chia sẻ: “Tôi trưởng thành như ngày hôm nay có sự dìu dắt, giúp đỡ rất lớn từ anh Dũng. Không chỉ trang bị cho tôi nâng cao về trình độ chuyên môn mà anh còn dạy cho chúng tôi đạo lý của người cán bộ đối với đơn vị, công việc…Đó là phải luôn tận tụy hết mình vì nhiệm vụ, luôn coi đơn vị như chính gia đình mình. Tháng trước tôi vừa gọi điện cho anh, sắp tới đơn vị chuẩn bị diễn tập nhờ anh bồi dưỡng thêm kỹ năng về công tác tham mưu trên bản đồ số. Anh bảo, sau đợt này có thời gian anh sẽ dành một ngày nghỉ giúp tôi...”.
Chị Lê Thị Bích Hằng vợ anh Dũng chia sẻ: “Trước ngày anh đi công tác, anh còn dặn em ở nhà cố gắng giữ gìn sức khỏe. Hai vợ chồng còn dự định, cuối năm nay vay mượn thêm để sửa lại ngôi nhà cấp 4 này”.
Còn cháu Nguyễn Thị Hà Phương, con gái của anh khóc nghẹn: “Bố hứa con cố gắng học giỏi cuối năm nay bố sẽ có phần thưởng cho con! Bố ơi, bố đi rồi ai sẽ là người trao thưởng cho con đây? Bố Dũng ơi, con sẽ đợi bố về”.
Trong cuộc sống thường ngày, anh Dũng luôn quan tâm, thăm hỏi anh em chiến sỹ. Ảnh: Ngọc Thăng |
Với cán bộ, chiến sĩ từng công tác với Trung tá Nguyễn Tiến Dũng luôn dành cho anh tình cảm thân thương. Đặc biệt, các địa phương nơi anh từng công tác như huyện Đô Lương; xã Tường Sơn, Anh Sơn… luôn nhớ đến anh với người cán bộ Quân đội luôn hết lòng vì dân. Bởi mỗi khi nhân dân trên địa bàn gặp khó khăn, hoạn nạn anh và cán bộ, chiến sĩ đơn vị luôn có mặt kịp thời chung sức cùng nhân dân vượt qua hoạn nạn.
Một tấm gương mẫu mực trong công tác cũng như trong sinh hoạt đời thường với bao dự định dang dở cùng rất nhiều thành tích của người sỹ quan trẻ khiến mọi người không khỏi tiếc thương. 22 năm trong quân ngũ, anh đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng: Huân chương chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba; Huy chương Quân kỳ Quyết thắng; Bằng khen của của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Huân chương Bảo vệ Tổ quốc Hạng 3 cùng nhiều phần thưởng, danh hiệu thi đua các cấp và 13 năm liên tục từ 2004 đến 2016, anh được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua.
Nhớ mãi người đồng đội, người anh mẫu mực
“Anh Thắng không chỉ là thủ trưởng, là người anh mà còn là người bạn thân thiết của chúng tôi” - Đó là những tình cảm của đồng đội đối với Trung tá Lê Tất Thắng, Phó Lữ đoàn trưởng - Tham mưu trưởng Lữ đoàn Thông tin 80, vừa hy sinh trong cứu hộ, cứu nạn tại Thừa Thiên Huế.
Với cánh phóng viên chúng tôi, trong những lần tham gia thực hiện nhiệm vụ như diễn tập, phòng chống bão lụt, cháy rừng trên địa bàn các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế… cùngLữ đoàn thông tin 80thì quá quen với hình ảnh người cán bộ luôn sâu sát, sẻ chia.
Đến hôm nay sau gần 25 năm rời ghế nhà trường nhưng các học sinh niên khóa (1993 - 1996) Trường PTTH Kim Liên, Nam Đàn vẫn nhớ mãi hình ảnh người bạn Lê Tất Thắng năng nổ nhiệt tình trong mọi hoạt động đoàn đội, sẵn sàng giúp đỡ mọi người.
Trung tá Lê Tất Thắng (ngoài cùng bên trái) luôn quan tâm, chăm lo bữa ăn, giấc ngủ cho bộ đội. Ảnh: Ngọc Thăng |
Còn với cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Thông tin 80 và những người đã có cùng thời gian công tác với anh thì không thể quên được hình ảnh người chỉ huy, người anh, người bạn luôn hết mình vì đơn vị, vì bộ đội.
Thiếu tá Lê Minh Tường, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3, Lữ đoàn Thông tin 80 hiện đang học tập tại Học viện Lục quân khi nghe tin anh Thắng hy sinh đã không kìm được cảm xúc. Điện thoại với tôi kể về những tình cảm của anh Thắng dành cho anh và đơn vị mà anh Tường không nói nên lời. Theo lời anh Tường kể lại, sự trưởng thành của anh ngày hôm nay có sự giúp đỡ dìu dắt rất lớn của anh Thắng. Anh kể cho tôi nghe, dịp Hội thi Cán bộ điều lệnh toàn năng cấp Quân khu năm 2019, không quản ngày nghỉ, giờ nghỉ, anh Thắng đã bồi dưỡng, chỉnh sửa cho anh từ động tác nhỏ nhất. Và hội thi đó anh Tường được Giải nhất Quân khu.
Với Thiếu tá Nguyễn Hồng Văn - Trưởng ban Chính trị Đoàn An điều dưỡng 40 Cửa Hội, người có thời gian công tác dài với anh Thắng thì trong cuộc đời quân ngũ, anh ít thấy người cán bộ nào quan tâm, sâu sát, sẻ chia cùng anh em như anh Thắng. Thế mà…
Trung tá Lê Tất Thắng (bên phải) chỉ huy bộ đội bảo đảm thông tin trong cứu hộ, giúp dân chống lũ tại Huế vừa qua. Ảnh: Ngọc Thăng |
Chị Lê Ngọc Diệp - vợ anh, vốn bị bệnh nay gặp cú sốc quá lớn này, chị chỉ biết ôm tấm ảnh vợ chồng chụp đã lâu, lặng im chứ không còn khóc nổi. Các con anh, cháu Lê Quyết Tiến sinh năm 2005 và cháu Lê Minh Hằng sinh năm 2013 bắt đầu vào tuổi lớn, cùng với bố mẹ anh nay đã cao tuổi giờ đây biết trông cậy vào ai.
Trong trận “Đại hồng thủy” tại Thừa Thiên Huế vừa qua, hễ nơi nào có lãnh đạo, chỉ huy, có bộ đội tham gia cứu nạn, giúp dân, nơi đó có bộ đội thông tin là nơi đó có Phó Lữ đoàn trưởng - Tham mưu trưởng Lê Tất Thắng.
Trong những ngày qua, hình ảnh anh cùng đồng đội ngâm mình trong dòng nước dữ, hay cheo leo trên những chiếc thuyền bé xíu để bảo đảm thông tin liên lạc, phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội và nhận được những tình cảm tiếc thương lẫn sự khâm phục. Trong thiên tai bão lụt, trong khó khăn hoạn nạn, người chỉ huy Lữ đoàn Thông tin 80 luôn sẻ chia việc khó với bộ đội.
Đặc biệt, những hình ảnh cuối cùng của đoàn công tác còn lưu lại trong chiếc thẻ nhớ của đồng chí Nguyễn Đức Cương - Phó Tổng Biên tập Báo Quân khu 4, một trong số 8 người thoát nạn hôm đó vừa được các lực lượng tìm thấy nằm cùng thi hài các liệt sĩ, vẫn còn đó hình ảnh Trung tá Lê Tất Thắng mang khí tài thay bộ đội qua những đoạn đường hiểm nguy trên đường hành quân vào Thủy điện Rào Trăng 3. Và còn đó, hình ảnh người Phó Lữ đoàn trưởng - Tham mưu trưởng chỉ ăn lưng bát cơm chan nước mắm để nhường lại cho người đồng đội của mình trong bữa cơm cuối cùng tại Trạm kiểm lâm 67.
Khi những hình ảnh cuối cùng của anh và các liệt sĩ trong đoàn công tác trong ngôi nhà của Trạm kiểm lâm 67 bên ánh lửa bập bùng đêm đó được Báo Quân khu 4 đưa lên đã làm quặn thắt trái tim hàng triệu trái tim. Vẫn còn đó lời hỏi thăm ân cần của người chỉ huy Lữ đoàn về hoàn cảnh gia đình và động viên, nhắc nhở anh em cố gắng giữ gìn sức khỏe vì lũ còn dài.
Tuy hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn nhưng đồng chí Lê Tất Thắng luôn nỗ lực vượt lên để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Liên tục nhiều năm liền được các cấp khen thưởng, nhưng phần thưởng lớn nhất đó chính là hình ảnh người chỉ huy mẫu mực, người anh, người bạn luôn hết lòng thương yêu đồng đội, chiến sỹ mãi trong tâm trí mọi người
Lời hứa chưa trọn…
Xuyên màn đêm trong mưa chúng tôi tìm về ngôi nhà nhỏ của Đại úy Nguyễn Cảnh Cường, Đại đội trưởng, Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn Thông tin 80, một trong 13 cán bộ, chiến sỹ hy sinh trong quá trình cứu hộ tại thủy điện Rào Trăng 3 (huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế) ở xóm 18, xã Nghi Liên, thành phố Vinh.
Trong ngôi nhà cấp 4, ánh mắt ông Nguyễn Cảnh Anh, bố của Đại úy Cường - một người đàn ông đã từng kinh qua mưa bom bão đạn trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước vẫn không ngăn nổi hàng lệ. Ông Anh cho biết: “Trong 3 người con Cường là đứa lo cho bố mẹ nhất. Bà nhà tôi vốn đau bệnh tim, nên hôm trước khi vào Huế nó còn gọi điện dặn tôi ở nhà bố nhớ nhắc mẹ uống thuốc cho đều. Vậy mà…!”
Đại úy Nguyễn Cảnh Cường (người đứng chỉ tay) luôn tận tụy, hướng dẫn bộ đội trong huấn luyện, công tác. Ảnh: Ngọc Thăng |
“Cường là một cán bộ trẻ, năng động và luôn đảm nhận việc khó về mình. Nhất là trong các nhiệm vụ bảo đảm thông tin diễn tập, phòng chống cứu hộ, cứu nạn… Cường luôn xung phong lên đường đi trước. Trước ngày đi vào Huế công tác Cường vẫn còn 2 ngày nghỉ nhưng nghe tin đơn vị thực hiện nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn, Cường vội lên đơn vị ngay”.
Giọng Đại úy Lê Xuân Sơn - Chính trị viên Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn Thông tin 80 như lạc giọng đi khi nhắc về người đồng đội của mình: “Trước ngày ra đi công tác ở Huế mặc dù gần tới bữa cơm nhưng Cường và anh em trong đoàn công tác chưa kịp ăn”. Và rồi, cũng chính bữa cơm cuối cùng của cuộc đời anh cùng các đồng chí trong đoàn công tác cũng không trọn vẹn. Bởi sau khi hành quân vào đến Trạm kiểm lâm 67 thì đã 20h. Mọi người tìm mãi mới được ít gạo và cái nồi nhỏ đem vào nấu nhưng do củi ướt cơm không thể chín và còn ít nước mắm của lực lượng kiểm lâm để lại, các anh chia nhau ăn để lấy sức.
Đại úy Nguyễn Cảnh Cường (người đứng giữa) cùng đồng đội đảm nhiệm mạch máu thông tin thông suốt phục vụ nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn tại Huế vừa qua. Ảnh: Ngọc Thăng |
Bà Đinh Thị Thu, mẹ của Cường năm nay đã gần 70 tuổi nằm gục trên tay người thân. Từ khi nghe tin Cường và đoàn công tác gặp nạn, rất đông bà con đến thăm hỏi, động viên nhưng gia đình giấu bà. Thế nhưng, linh tính và tình mẫu tử, bà Thu đã lờ mờ nhận ra tin xấu đến với người con trai của mình. Và từ hôm đó đến nay, bà liên tục phải uống thuốc trợ tim. Ánh mắt nhìn xa xăm đờ đẫn, trong vô vọng, thỉnh thoảng bà lại khóc: Cường ơi, con bảo mẹ chuẩn bị sức khỏe để bế cháu cho con. Mà con sao nỡ dối mẹ Cường ơi!.
Chị Nguyễn Thị Thu Hà, vợ của Cường là một bác sĩ, nhưng do cú sốc quá lớn chị cũng như người không hồn. Được biết, vợ chồng Cường cưới nhau đến nay đã một năm nhưng vẫn chưa có con. Đã bao nhiêu lần bố mẹ, người thân giục vợ chồng đi khám nhưng vì nhiệm vụ Cường đều gác lại. Và dịp mới đây, anh xin phép đơn vị đi tranh thủ mấy ngày để hai vợ chồng cùng ra Hà Nội kiểm tra. Vậy mà, số thuốc bác sỹ cắt cho hai vợ chồng đưa về chưa kịp uống mà anh đã vội ra đi...
Mẹ ơi, sao tối rồi mà bố chưa về?
Thành Vinh mấy hôm nay trời liên tục đổ mưa, khiến con hẻm vào nhà Thượng úy QNCN Đinh Văn Trung - Đài trưởng 15W thuộc Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn Thông tin 80 ở khối 10, phường Bến Thủy, thành phố Vinh, thêm lầy lội. Con ngõ nhỏ thường ngày vốn ít người qua lại nay bao trùm không khí tang thương càng ảm đạm hơn. Rất đông đồng đội, người thân và bà con lối xóm đến động viên và cùng chung tay lo công việc với gia đình, ai cũng nhòe nước mắt bởi anh ra đi khi tuổi đời quá trẻ, hoàn cảnh lại quá khó khăn.
Thượng úy Đinh Văn Trung (ngoài cùng bên trái) luôn bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt trong mọi nhiệm vụ. Ảnh: Ngọc Thăng |
“Đau quá các chú ơi! Mặc dù không phải bà con thân thích nhưng khi nghe tin chú Trung hy sinh cả khối tôi ai cũng đau buồn. Mỗi dịp về nhà, gia đình nào cần việc gì chú Trung đều sẵn lòng giúp đỡ. Chủ nhật tuần trước, chú ấy vừa giúp nhà tôi sửa lại cái cầu dao điện bị hỏng”.
Vốn là nhân viên thông tin lại luôn cần cù chịu khó học hỏi nên việc sửa chữa điện nước Trung rất thành thạo. Vì vậy, mỗi khi bà con lối xóm gặp sự cố về điện nước là Trung có mặt giúp đỡ kịp thời.
Mấy ngày nay nghe tin Trung gặp nạn, ông Đinh Văn Đống, bố Trung năm nay đã 73 tuổi không sao chợp mắt nổi, làm căn bệnh tim lại tái phát nên ánh mắt đờ đẫn, khuôn mặt càng khắc khổ hơn. Trong tiếng nấc nghẹn ngào, ông Đống kể về tuổi thơ Trung, khiến mọi người không cầm nổi nước mắt. …Lên 7 tuổi mẹ Trung đột ngột qua đời. Thiếu tình thương, bàn tay chăm sóc của người mẹ, Trung thiệt thòi hơn so với chúng bạn.
Từ ngày lấy vợ và sinh con đến nay, hoàn cảnh gia đình Trung lại càng thêm phần khó khăn. Vợ Trung, tốt nghiệp Trường Đại học Vinh, Khoa Du lịch nhưng ra trường không xin được việc làm nên đang làm công nhân nhà máy in, thu nhập mỗi tháng chỉ hơn 3 triệu đồng, tất cả chi phí sinh hoạt của gia đình trông chờ vào số tiền lương ít ỏi của Trung, nhưng gia đình lúc nào cũng đầm ấm, thuận hòa.
Thượng úy Đinh Văn Trung (bên phải) thực hiện nhiệm vụ bảo đảm thông tin phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn tại Thừa Thiên Huế vừa qua. Ảnh: Ngọc Thăng |
Chị Nguyễn Thị Anh, vợ của Thượng úy Đinh Văn Trung không đủ tỉnh táo để lo công việc cho chồng. Mọi việc trong nhà đều nhờ vào sự giúp đỡ của đồng đội, anh em họ hàng và bà con lối xóm. Xót xa nhất là hai con nhỏ của Trung. Cháu Đinh Văn Anh Tuân, con trai đầu của Trung vừa tròn 4 tuổi, con gái nhỏ Đinh Thị Thùy Linh gần tròn 1 tuổi chưa đủ để hiểu hết nỗi đau ập đến đối với gia đình mình. Ánh mắt tròn xoe ngơ ngác khi thấy mẹ khóc, bám vai mẹ, Tuân nũng nịu: “Mẹ ơi, sao tối rồi mà bố chưa về?”.
“Trung là người đồng đội hết lòng vì mọi người. Tuy hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn, nhưng mỗi khi bạn bè, đồng đội cần giúp đỡ là anh luôn sẵn lòng. Nhất là trong nhiệm vụ chuyên môn, Trung luôn nhận về mình những nhiệm vụ khó khăn. Trong những lần thực hiện nhiệm vụ diễn tập, phục vụ thông tin liên lạc cho Lữ đoàn và Quân khu, Trung đều xung phong đi trước. Vậy mà…”.
1. Ngày 12/10/2020, khi nhận được thông tin có nhiều công nhân thủy điện Rào Trăng 3, tại huyện Phong Điền gặp nạn do đất đá vùi lấp. Mặc dù vừa dầm mình trong nước lũ để tiếp tế cho nhân dân các vùng bị ngập sâu thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế trên đường trở về, không một chút nghỉ ngơi, những người con xứ Nghệ cùng đoàn công tác tức tốc lên đường cứu người bị nạn. Khi cách hiện trường không còn xa, đất đá từ trên sườn núi đổ ập xuống làm 13 cán bộ trong đoàn hy sinh khi đang nghỉ chân ở Tiểu khu 67, trong đó có 4 người con ưu tú của quê hương xứ Nghệ. Các anh hy sinh để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với đồng bào, chiến sĩ cả nước.
2. Ghi nhận công lao to lớn và sự anh dũng hy sinh của các anh, ngày 16 tháng 10 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 1594/QĐ-TTg cấp Bằng “Tổ quốc ghi công” cho 4 đồng chí. Đồng thời, Bộ Quốc phòng ký quyết định truy thăng quân hàm từ Trung tá lên Thượng tá đối với đồng chí Nguyễn Tiến Dũng và đồng chí Lê Tất Thắng; Đại úy Nguyễn Cảnh Cường được truy thăng quân hàm Thiếu tá, đồng thời anh được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh quyết định truy tặng huy hiệu "Tuổi trẻ dũng cảm"; Thượng úy QNCN Đinh Văn Trung được truy thăng quân hàm lên Đại úy QNCN.
Ngày 17/10/2020, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ký quyết định số 1820/QĐ-CTN truy tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc Hạng Nhì cho đồng chí Nguyễn Tiến Dũng và đồng chí Lê Tất Thắng; truy tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc Hạng Ba cho đồng chí Nguyễn Cảnh Cường và đồng chí Đinh Văn Trung.
Ghi nhận sự hy sinh anh dũng của các anh đối với Nhân dân, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã truy tặng Bằng khen cho 4 đồng chí.
(Baonghean.vn) - Đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Quân khu 4; Cục Cứu hộ, Cứu nạn Bộ Quốc phòng, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp cận hiện trường, nhưng không may bị sạt lở núi và hy sinh trong khi làm nhiệm vụ vào rạng sáng 13/10.Danh tính 13 cán bộ, chiến sĩ hy sinh khi làm nhiệm vụ cứu hộ tại Rào Trăng 3