Tiềm ẩn nguy cơ lũ ống, sạt lở

28/06/2013 09:52

(Baonghean) - Kỳ Sơn là huyện có địa thế hiểm trở, nhiều núi cao suối lớn, nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét cao khi mùa mưa bão đến. Chưa kể huyện còn có nhiều điểm nằm trong vùng sạt lở núi đe dọa tính mạng người dân.

Thực tế cho thấy Kỳ Sơn là huyện thường xuyên phải gánh chịu nặng nề những thiệt hại do mưa lũ gây nên, trước tiên là lũ quét, lũ ống. Riêng trong năm 2012, toàn huyện xảy ra 3 đợt mưa lũ kéo dài làm sập và ngập nước 281 ngôi nhà, trong đó 14 công trình trường học bị hư hỏng nặng. Đặc biệt nhiều tuyến giao thông bị sạt lở nghiêm trọng như tuyến Mường Xén - Mường Lống, Huồi Tụ - Bắc Lý, Phà Xắc - Mỹ Lý, tuyến Mường Típ - Mường Ải… khối lượng đất đá sạt lở trên 105.000m3, tổng thiệt hại trên 35 tỷ đồng. Ngay từ đầu mùa mưa lũ 2013, vào ngày 29/3 và ngày 2/4 Kỳ Sơn đã xảy ra đợt lốc xoáy tại 3 xã Bảo Nam, Chiêu Lưu, Nậm Càn làm tốc mái 67 nhà, 1 người chết, 1 người bị thương.

Trước nữa trong năm 2011, lũ quét đi qua đã làm cho nhiều hộ dân ở ven bờ sông Nậm Mộ từ xã Hữu Kiệm đến Thị trấn Mường Xén và xã Tà Cạ bị đổ nát tan hoang, cầu đường bị phá hỏng. Sau 2 năm, dấu tích của trận lũ quét kinh hoàng vẫn còn, đó là nhiều đoạn lòng sông lồi lõm đá cuội dồn từng ụ, một số đoạn bị khoét rộng thêm. Điều đặc biệt là người dân chen chúc ở san sát ven bờ Nậm Mộ trước mùa mùa lũ đang đến. Chị Kha Thị Mế ở bản Cầu Tám, xã Tà Cạ đang ngồi bồng con bên ngôi nhà tạm bợ vừa dựng xong cheo leo bên mép sông, tâm sự: “Biết là nguy hiểm nhưng không có đất bằng để dựng nhà nên chúng tôi cứ ở liều”.

Nhà chị Mế rất tạm bợ, chỉ có 2 cây cột gỗ cắm dưới sông lên để gánh ngôi nhà, phần còn của ngôi nhà là phải bám vào mép đường nhựa. Xung quanh là phên gỗ tạp, mái lợp prô xi măng. Chị Mế nói tiếp: Nếu mưa to, gió lớn gia đình tôi sẽ sơ tán cả gia đình vào một người anh em ở bản Hòa Sơn xã Tà Cạ, nhưng nếu lũ ống lũ quét thì cũng sợ trở tay không kịp. Sát bên là nhà chị Vi Thị Vân ở bản Cầu Tám vừa mới xây dựng xong khang trang. Chị Vân cho biết: Trận lũ quét năm 2011 đã làm hư hỏng ngôi nhà, mấy năm nay tích góp vay mượn gia đình tôi vừa hoàn thiện xong ngôi nhà trên 150 triệu đồng.

Trụ và sàn nhà được đổ bê tông cốt thép, nhưng nhìn vẫn rất chông chênh. Đoạn Thị trấn Mường Xén khách sạn “T-K” vốn đã “thò đuôi” ra bờ sông Nậm Mộ khá nhiều nhưng nay ông chủ lại cho đổ trụ bê tông cốt thép và xây hẳn một khách sạn 3 tầng ngay mép ngoài lòng sông. Chưa kể là nhiều cửa hàng kinh doanh buôn bán dọc Thị trấn Mường Xén đều cơi nới diện tích ra lòng sông bằng cách đổ trụ bê tông để nối thêm chiều dài của ngôi nhà.



Một khách sạn ở Thị trấn Mường Xén xây dựng ở lòng sông Nậm Mộ.

Ông Bùi Trầm - Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết: Từ đầu năm huyện đã nhiều lần xuống vận động bà con ở ven bờ sông Nậm Mộ di chuyển đến nơi tái định cư mới tại xã Tà Cạ, nhưng hầu hết bà con vẫn cố bám trụ. Bởi đất ở dọc QL7 kinh doanh có lợi nhuận kinh tế, hiện có 58 hộ dân ở ven sông Nậm Mộ bị ảnh hưởng nặng nếu lũ quét xảy ra.

Mưa lũ năm nay Kỳ Sơn có nhiều điểm dự báo sẽ xảy ra sạt lở núi như các xã tuyến Mường Xén - Mường Típ - Mường Ải, Mường Típ - Mường Ải - Na Ngoi, Mường Xén -Tây Sơn, Mường Xén - Nậm Cắn. Tại xã Nậm Cắn vào mùa mưa thường xuyên bị 5 điểm sạt lở núi. Ông Hờ Chống Nhìa - Chủ tịch UBND xã Nậm Cắn cho hay: Tại bản Huồi Pốc của người Mông có 3 điểm sạt lở núi nặng thường xảy ra. Thời điểm này đã vào mùa mưa, xã đã tuyên truyền vận động bà con không đi nương rẫy vào những thời điểm mưa lớn, đặc biệt là đặt bảng hiệu ở khu vực lở núi để cảnh giới người đi đường. Xã thành lập các tổ đội xung kích tại các bản để kịp thời ứng cứu khi các sự cố xảy ra. Vào mùa mưa lớn Kỳ Sơn còn nhiều điểm ngập úng khác như xã Hữu Kiệm, Chiêu Lưu, Keng Đu…

Để đối phó lũ ống, lũ quét và sạt lở núi, Kỳ Sơn đã xây dựng phương án phòng tránh lũ nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản. Huyện phối hợp với nước bạn Lào (Noọng Hét-Mường Nọc) để nắm thông tin lượng nước từ thượng nguồn Lào chảy về, từ đó có các biện pháp phòng chống lũ quét, (năm 2011, nước lũ từ thượng nguồn Lào đổ về do không nắm được thông tin nên Kỳ Sơn đã phải gánh chịu thiệt hại nặng nề). Sau đó huyện kiện toàn lại Ban Chỉ huy PCLB của các địa phương, xây dựng phương án PCLB chi tiết, cụ thể; tăng cường tập huấn tăng cường kiến thức về phòng chống lụt bão, đặc biệt về lũ quét. Cắm biển báo tại các điểm có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở thông báo cho người dân biết để chủ động phòng tránh. Tại các điểm sạt lở huyện sẽ bố trí các máy xúc lật để giải phóng ách tắc giao thông.

Đến thời điểm này, bằng các nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, Kỳ Sơn vừa xây dựng kè chống sạt lở núi đường lên Nậm Cắn, kè chống sạt lở bằng rọ đá tại bản Hoa Sơn, xã Tà Cạ trị giá trên 300 triệu đồng; kè chống sạt lở ở Mường Típ trị giá 1,5 tỷ đồng. Hiện cầu treo vượt lũ của xã Chiêu Lưu đơn vị thi công đang đẩy nhanh tiến độ để kịp đưa vào sử dụng.

Nguy cơ lũ ống, lũ quét và sạt lở núi ở Kỳ Sơn là rất lớn, các cấp ủy, chính quyền ở Kỳ Sơn cần tiếp tục tuyên truyền vận động các hộ dân ở ven sông Nậm Mộ cần di dời ra khỏi khu vực nguy hiểm. Rà soát chỉ đạo các khu dân cư tuyên truyền cho bà con nhân dân chằng chéo nhà cửa, vận động các hộ dân ở khu vực ven khe suối lên cao để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do lũ quét, lũ ống gây ra.


Bài, ảnh: Văn Trường

Mới nhất
x
Tiềm ẩn nguy cơ lũ ống, sạt lở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO