"Tiền mất tật mang"...

01/04/2015 10:09

(Baonghean) - Lợi dụng tình trạng thiếu việc làm và muốn đổi đời nhanh chóng qua con đường xuất khẩu lao động nên một số kẻ đã lợi dụng để tổ chức đường dây lao động xuất khẩu chui nhằm trục lợi, gây nên những rủi ro khó lường. Đó là bài học cho nhiều người đang nuôi ý định đi xuất khẩu lao động qua con đường không chính thức…

Người dân Yên Thành trao đổi với phóng viên về đường dây lừa đảo xuất khẩu lao động.
Người dân Yên Thành trao đổi với phóng viên về đường dây lừa đảo xuất khẩu lao động.

1. Đang lo lắng vì chưa có việc làm ổn định thì vào khoảng tháng 8/2012, anh Hoàng Văn Mùi (SN 1991) ở xóm 3, xã Ngọc Sơn (Đô Lương) vui mừng vì có người quen hứa giới thiệu anh đến một công ty xuất khẩu lao động kiếm việc làm. Ít ngày sau, anh Mùi cùng cha mình là ông Hoàng Ngọc Bảo có mặt tại một công ty xuất khẩu lao động đóng ở phường Trường Thi (TP. Vinh).

Tại đây, cha con anh được một phụ nữ khuyên: "Nếu muốn, Mùi có thể đi lao động ở nước Ăng-gô-la bên châu Phi". Theo bà, bên ấy dễ làm ăn, tiền lương cao. Mỗi tháng người lao động có thu nhập bình quân hơn 20 triệu đồng Việt Nam. Nếu đồng ý, anh khẩn trương làm các giấy tờ cần thiết và nộp phí gần 150 triệu đồng. Đó là một khoản tiền quá lớn đối với gia đình nông dân như Mùi, nhưng với mức lương như bà giám đốc nọ đưa ra, thì sang “chẳng mấy chốc là trả hết nợ, chẳng mấy chốc mà giàu”. Nghĩ đến tương lai của con nên ông Bảo chạy sấp, chạy ngửa vay mượn khắp nơi, dồn tiền để lo cho con đi XKLĐ. Sau 3 lần nộp, cha con anh Mùi cũng giao đủ số tiền mà công ty yêu cầu.

Ít lâu sau, theo tin báo của bà Đàm qua điện thoại, cha con anh Mùi xuống trụ sở công ty, ra Hà Nội làm thủ tục xuất cảnh. Lúc này, hỏi bà giám đốc hợp đồng lao động thì bà này bảo: "Lên máy bay sẽ có người đưa. Hợp đồng đến 3 năm, mọi người cứ yên tâm". Ra sân bay Nội Bài, anh Mùi hỏi người đưa vé máy bay và visa thì người này lại bảo: "Sang bên đó, có người đưa".

Đặt chân xuống đất Ăng-gô-la, Mùi được một người tên Lam, quê Kỳ Anh - Hà Tĩnh đón. Anh ta cho biết, chẳng có hợp đồng hợp "kẽm" gì đâu. "lao động chui" thì làm chi có hợp đồng. Lúc đó mọi người mới biết, mình đã sa bẫy của một đường dây lừa đảo lao động xuất khẩu.Theo sự phân công của Lam, Mùi đến làm việc ở một cơ sở làm nước đá. Được vài ba tháng anh lại được đưa đến một cửa hiệu photocopy. Tất cả đều do người Việt làm chủ nên cũng thuận lợi trong giao tiếp; có điều tiền công quá thấp. Đã thế, suốt ngày thấp thỏm lo âu, sợ bị bắt vì cư trú bất hợp pháp. Không hợp khí hậu nên Mùi bị sốt rét liên miên, cơ thể suy nhược. Biết được hoàn cảnh bi đát của con trai bên xứ người qua điện thoại, cha anh từ Đô Lương mấy lần xuống gặp bà giám đốc công ty yêu cầu đưa con về. Trước thái độ kiên quyết của ông, bà Đàm đành cho người mua vé máy bay để Mùi về nước. Cha anh ra tận Hà Nội đón con và không tin nổi vào mắt mình, thằng con trai của ông ngày nào còn khỏe mạnh thế mà nay chỉ còn da bọc xương và không một xu dính túi...

2. Năm 2012, học hết lớp 12, Thái Thị Trinh, xóm 3, xã Xuân Thành (Yên Thành) liều mình sang Nga lao động chui. So với anh Mùi thì Trinh có vẻ thuận lợi hơn về thu nhập. Trong vòng 8 tháng cô hoàn được số tiền nợ lại còn gửi về cho cha mẹ được hơn 30 triệu đồng. Chỉ có điều, sang làm ăn trái phép nên cô và những người cùng cảnh phải trốn sự kiểm soát của cơ quan chức năng Nga.

Sáng 18/12/2014, trong khi Trinh đang lao động trong nhà kính (thu hoạch rau quả) thì có thông báo công an kiểm tra đột xuất. Cả tốp người cư trú bất hợp pháp hốt hoảng chạy ra ngoài trốn như các đợt trước. Tuy nhiên, lần này, sau khi qua "nạn" chờ mãi mà mọi người vẫn không thấy Trinh về. Biết chuyện chẳng lành mọi người đổ xô đi tìm và đến sáng hôm sau mới thấy cô bất tỉnh vì rét trong một khu rừng gần đó. Dù được đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng cô không qua khỏi.

Cái chết thương tâm của Trinh đã tác động đến nhiều người cùng hoàn cảnh. Anh Thái Duy Quang, cậu ruột của nạn nhân và một số người trong làng đã tìm cách về nước và quyết không trở lại nước Nga lao động bất hợp pháp nữa.

3. Tháng 7/2014, TAND tỉnh Nghệ An đã xét xử Phạm Viết Văn (SN 1974) Giám đốc chi nhánh công ty xuất khẩu lao động Cosevco đóng tại TP. Vinh về hành vi thuê giang hồ đánh người.

Trước đó, công ty này tổ chức đường dây lao động chui sang Ăng - gô - la và nhận của anh Nguyễn Quang Hạnh, xã Nghi Thiết (Nghi Lộc) 5,500 USD. Hết thời hạn cam kết nhưng anh Hạnh không xuất cảnh được, lại bị chi nhánh bớt lại 2.000 USD. Sáng 21/1/2013, khi thấy cha con anh Hạnh đến đòi số tiền còn lại, Giám đốc Phan Viết Văn đã chỉ đạo một số đối tượng dưới quyền xua đuổi. Trong quá trình giằng co, anh Hạnh bị 1 đối tượng dùng dao nhọn đâm vào người bị trọng thương và tử vong trên đường đi cấp cứu.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nghệ An thì tỉnh chưa giới thiệu, cấp giấy phép cho bất cứ công ty nào tuyển dụng lao động sang làm việc tại thị trường Ăng-gô-la. Sở đã công khai tên 40 doanh nghiệp được phép xuất khẩu nhằm để người dân tránh được nạn bị lừa đảo. Tuy nhiên, lợi dụng tình trạng thiếu việc làm và muốn đổi đời nhanh chóng qua con đường xuất khẩu lao động nên một số kẻ đã lợi dụng tổ chức đường dây lao động xuất khẩu chui để trục lợi và gây nên những rủi ro khó lường, âu đó cũng là bài học cho nhiều người khác đang nuôi mong ước đi xuất khẩu lao động qua con đường không chính thức.

Việt Long

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
"Tiền mất tật mang"...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO