Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng: Có quan điểm Người nêu ra, sau này có lúc ta làm khác đi là lúng túng ngay

18/05/2017 18:51

(Baonghean.vn) - Báo Nghệ An có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng, Nguyên ủy viên TW Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo TW nhân kỷ niệm 127 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Vị cha già dân tộc, lãnh tụ thiên tài của cách mạng Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh - Vị cha già dân tộc, lãnh tụ thiên tài của cách mạng Việt Nam.

Phóng viên: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra đi về cõi vĩnh hằng gần nửa thế kỷ, đến nay, mỗi khi đến ngày sinh của Người, trong mỗi chúng ta đều có những tình cảm rất đẹp. Và ta thường nhớ đến câu “Nghĩ về Bác lòng ta trong sáng hơn”. Ông có cùng cảm nhận này?

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng: “Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn”. Nếu tôi nhớ không nhầm thì đó là lời thơ của nhà thơ nào đó rất yêu quý và kính trọng Bác Hồ. Lần đầu tiên tôi đọc được lời này khi còn học phổ thông trung học. Khi ấy tôi đã xúc động. Và mãi đến nay vẫn thế, mỗi khi đọc lại. Một lời thơ hay, phản ánh tình cảm thật của tác giả và của rất nhiều người đối với Bác Hồ - Người đã thành một trong những biểu trưng của hồn thiêng đất nước.

Phóng viên: Ông có thể lý giải về nguồn gốc những tình cảm đẹp đẽ, lâu bền đó?

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng: Tình cảm đẹp đẽ, lâu bền đó có nguồn gốc từ một tình yêu thiết tha của Người đối với dân tộc Việt Nam và Người đã hiến dâng cả cuộc đời mình để chiến đấu cho độc lập dân tộc và chăm lo cho hạnh phúc của nhân dân. Không một chút riêng tư. Cứ mỗi lần, bất kể ở đâu đó, mà đọc lại lời Người “Tôi hiến dâng cuộc đời tôi cho dân tộc tôi” thì hầu như ai cũng xúc động.

Đối với riêng tôi, còn có một kỷ niệm. Ngày còn bé, tôi sống với bà nội của tôi trong vùng Mỹ - Ngụy chiếm đóng ở Miền Nam. Tôi rất yêu thương và kính trọng bà. Hằng ngày tôi nghe người của chính quyền gọi Tổng thống Việt Nam cộng hòa ở Miền Nam là lãnh tụ. Đến một hôm, khi bà nội tôi hấp hối, bà bảo mọi người ra khỏi phòng, chỉ để lại mình tôi, bà nói với tôi “Việt cộng là người của mình. Hồ Chí Minh là lãnh tụ của dân tộc. Bà mất rồi, bằng mọi cách lên núi để tìm bên ấy!”. Nói xong thì bà tắt thở. Đó là lời trăn trối trước khi ra đi của một bà mẹ Việt Nam anh hùng. Và bắt đầu từ đó, Hồ Chí Minh đã bước vào đời sống tình cảm và ký ức trong tôi. Sau này, càng nghiên cứu về nhân cách, trí tuệ của Người, tôi càng thêm kính trọng và yêu quý.

Hình ảnh gần gũi, bình dị mà cao cả của Bác Hồ.
Hình ảnh gần gũi, bình dị mà cao cả của Bác Hồ. Ảnh tư liệu

Với một ngọn núi cao, càng ở gần người ta càng thấy nó lớn, nhưng lùi xa ra thì thấy nó không lớn như thế nữa. Nhưng đối với một vĩ nhân thật sự thì ngược lại, càng ra xa, khi thời gian đã đi qua, mới thấy hết cái lớn lao, vĩ đại của một nhân cách lớn. Hồ Chí Minh là một trong số không nhiều lắm những trường hợp như vậy.

Phóng viên: Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà lãnh đạo thiên tài. Người đã nắm vững những quy luật vận động, tiên đoán, dự cảm… nhiều vấn đề, mà đến nay chúng ta vẫn kiểm chứng được hàng ngày. Từ góc nhìn khoa học, ông nghĩ gì về điều này?

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng: Tôi thấy Hồ Chí Minh là một con người đặc biệt thông minh, cứ giống như được “trời phú” vậy. Người có một phương pháp tiếp cận và phương pháp luận rất tốt, có khả năng tư duy độc lập rất cao, hết sức nhạy cảm với thực tế cuộc sống, khái quát rất nhanh và hiểu rất sâu bản chất của tình hình, phát hiện nhanh và nắm chắc quy luật vận động của cuộc sống và xã hội, từ đó mà Người có thể dự đoán được những gì sắp xảy ra trong tương lai gần, cũng như nhìn thấy trước những vấn đề tất yếu sẽ đến trong tầm xa chiến lược.

Nhiều việc Bác đã nhìn thấy trước và dự báo rất lâu rồi, hơn nửa thế kỷ rồi, nay ta thấy thực tế phản ánh đúng như vậy. Có những quan điểm Người đã nêu ra, sau này có lúc ta làm khác đi, thế là lúng túng ngay, thậm chí phải tìm lối ra. Phải quay trở lại với các quan điểm của Người! Đây là một vấn đề rất khoa học và cũng rất thực tế.

Phóng viên: Những giá trị Hồ Chí Minh được khẳng định là giá trị vĩnh hằng, trường tồn. Vừa có ý nghĩa từng giai đoạn, vừa có ý nghĩa lâu dài. Theo ông, trong thời kỳ dựng nước, giữ nước, hội nhập, nhất là cách mạng công nghiệp 4.0, chúng ta vẫn có thể vận dụng bài học gì để thực hiện thành công?

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng: Có được Hồ Chí Minh là một diễm phúc lớn đối với dân tộc ta. Người đã để lại cho hậu thế nhiều giá trị trường tồn, vĩnh hằng. Đó là một tài sản vô giá. Trong số đó, theo suy nghĩ của tôi, có 3 vấn đề lớn nhất, cũng có thể gọi đó là những bài học cho hôm nay và hậu thế.

Thứ nhất, giá trị của một nhân cách văn hóa lớn, mà cái gốc là ĐẠO ĐỨC. Hết lòng với dân với nước, hiến dâng cả cuộc đời cho độc lập dân tộc và tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Đạo đức ở Người là một cuộc sống thực, bằng một cuộc đời thực, một tấm gương mẫu mực, đầy sức cảm hóa và làm xúc động lòng người, chứ không phải là những khẩu hiệu, những lời nói suông. Với mục tiêu “vì nhân dân”, Người đã chiến đấu một cách kiên cường, quên mình, suốt cuộc đời, vượt qua muôn vàng khó khăn, nguy hiểm, để đạt mục đích.

Thứ hai, đó là vấn đề DÂN. Tư tưởng Hồ Chí Minh nếu tóm lại, cô đọng lại, chưng cất đến cùng, đến khi chỉ còn một chữ, thì theo tôi, đó là chữ DÂN. Dân là mục đích, là mục tiêu phục vụ, mọi quyền lợi là của nhân dân, mọi quyền lực thuộc về nhân dân, dân là chủ và dân làm chủ, phải thực hành dân chủ rộng rãi và bảo đảm quyền tự do, hạnh phúc cho nhân dân, phải kính trọng và lễ phép với nhân dân… Dân là hồn của nước. Nước là nước của dân. Nhà nước là nhà nước của dân, để bảo vệ và phục vụ nhân dân, do nhân dân lập ra và kiểm soát. Mọi sự nghiệp đều vì dân và của nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh
Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương hết lòng với dân, với nước. Ảnh tư liệu

Đảng là “con nòi” của dân tộc, sinh ra là để phục vụ nhân dân. Đảng không có mục đích nào riêng. Khi lập nước, Người đã đưa thành tố “dân chủ” và “tự do” vào tên nước. Người nói nước ta là nước dân chủ. Và dân chủ trước tiên là để nhân dân được mở miệng. Sau khi vừa giành được chính quyền, Người đã nói, nước độc lập mà dân không được tự do và hạnh phúc thì độc lập cũng chưa có ý nghĩa gì. Theo ý đó, tôi hiểu rằng, độc lập chưa phải là mục đích cuối cùng, mà chỉ mới là điều kiện cần có, còn mục đích cuối cùng phải là tự do cho nhân dân. Tự do là hạnh phúc lớn nhất. Tự do là mong ước ngàn đời và thiêng liêng của con người.

Tự do mới giải phóng mọi tiềm năng để con người phát triển. Tự do và sự phát triển của con người là mục đích cao nhất của CNXH. Không đạt được tự do và sự phát triển của con người thì không thể có CNXH, và chưa thực hiện được mong muốn của của Bác Hồ. Trong di chúc của của Bác Hồ, Người đã để lại điều mong muốn cuối cùng là một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, DÂN CHỦ và GIÀU MẠNH. Không có dân chủ thì không thể có tự do. Không có tự do thì không thể phát triển. Không phát triển thì khó mà giữ được độc lập dân tộc, trong thời kỳ hội nhập. Không hướng đến DÂN CHỦ, GIÀU MẠNH, TỰ DO là chệch hướng, là con đường xa lạ với tư tưởng của Hồ Chí Minh và CNXH.

Thứ ba, một tấm gương tự học và thực học, phi thường, không mệt mỏi, ở mọi lúc, mọi nơi, với động cơ và mục đích để phục vụ nhân dân, giúp nước, giúp đời, không phải để làm quan, không phải hư học, không vì bằng cấp, không để ứng thí. Với một tinh thần tự học hiếm có mấy ai, cộng với một phương pháp tiếp cận, tự học rất thông minh và hiệu quả, xuất phát từ nhu cầu tự thân, bên trong (của người học), Hồ Chí Minh đã trở thành một bậc trí thức lớn, uyên thâm trên nhiều lĩnh vực.

Nhiều vấn đề lớn và khó, phức tạp, nhưng Người diễn đạt một cách đúng bản chất, rất ngắn gọn, đơn giản, dễ hiểu, dễ nhớ, cho mọi người. Việc đó ở bậc trí thức rất lớn mới có thể. Ngày nay, nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam ta, đang thực hiện công cuộc đổi mới nền giáo dục, để có một nền giáo dục hiện đại và hiệu quả, học để phát triển năng lực người, nhất là năng lực tự học, gắn học với hành, lý thuyết với thực tế, xây dựng một nền giáo dục mở, thực học… đều là những nội dung mà ngày xưa Hồ Chí Minh đã thực hiện từ lâu. Tinh thần và phương pháp tự học ấy sẽ mãi còn là bài học quý ở tầm thời đại.

Phóng viên: Ông là người có những chia sẻ, trăn trở về sự cần thiết phải đổi mới, từ đổi mới thực hiện đường lối kinh tế, đến mô hình, thể chế, vậy ông có suy nghĩ gì về sự cần thiết phải đổi mới cách học tập, phát huy các giá trị Hồ Chí Minh?

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng: Tôi nghĩ, rất cần thiết phải đổi mới cách làm để có hiệu quả cao hơn. Việc học tập và phát huy giá trị Hồ Chí Minh không nên và không thể làm theo kiểu phong trào, càng không thể hành chính hóa. Đây là việc xây dựng nhân cách, là làm văn hóa. Dựa vào Bác Hồ, nhìn vào tấm gương của Người để làm văn hóa.

Mà làm văn hóa là loại công việc khó khăn, nhưng lớn lao, sâu sắc và vĩ đại bậc nhất trong quá trình phát triển của bất kỳ một dân tộc nào. Văn hóa là con người, cuộc sống, và cách sống. Đó là cuộc sống thực, rất thực, không phải là sự biểu diễn. Làm văn hóa là làm cho các giá trị nhân văn lan tỏa rộng, bằng những con người thật, việc thật, rất tự nhiên, không gượng ép, truyền từ người này sang người khác, khắp trong cộng đồng.

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng
Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng - Ủy viên Hội đồng Lý luận TW, Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Nguyên Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương.

Các giá trị ấy thấm vào mỗi con người, ở lại lâu dài với họ, biến thành của họ. Điều đấy chỉ đạt được mỗi khi con người ta cảm thấy rưng rưng, xúc động thật sự. Không phải làm nhiều mà được, số lượng công việc không phải là hiệu quả, thậm chí nếu làm không đạt chất lượng thì càng nhiều càng trở nên nhàm chán.

Phóng viên: Cảm ơn Tiến sĩ về cuộc trò chuyện sâu sắc và ý nghĩa này!

Ngô Kiên

(Thực hiện)

TIN LIÊN QUAN

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng: Có quan điểm Người nêu ra, sau này có lúc ta làm khác đi là lúng túng ngay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO