Tiếng chuông không bình yên…
(Baonghean) - Như Báo Nghệ An đã đề cập, một trong những nguyên nhân khiến nhà thầu không thể rải thảm bê tông nhựa - hạng mục cuối cùng tại điểm vướng cục bộ có chiều dài 410m trên Quốc lộ 1A, đoạn qua địa bàn xóm 11, 12, xã Quỳnh Giang và khối 8, Thị trấn Cầu Giát (Quỳnh Lưu), là do bởi những tiếng chuông nhà thờ; Mỗi lần nhà thầu tiến hành thi công thì tiếng chuông nhà thờ tại một số giáo họ thuộc Giáo xứ Thuận Nghĩa lại vang lên, và ngay sau đó, hàng ngàn người (rất nhiều trong số đó là những người không sinh sống trên tuyến Quốc lộ 1A hoặc ở tận các xã khác) đã kéo ra Quốc lộ 1A ngăn cản, lăng mạ, đe doạ lực lượng thi công…
(Baonghean) - Như Báo Nghệ An đã đề cập, một trong những nguyên nhân khiến nhà thầu không thể rải thảm bê tông nhựa - hạng mục cuối cùng tại điểm vướng cục bộ có chiều dài 410m trên Quốc lộ 1A, đoạn qua địa bàn xóm 11, 12, xã Quỳnh Giang và khối 8, Thị trấn Cầu Giát (Quỳnh Lưu), là do bởi những tiếng chuông nhà thờ; Mỗi lần nhà thầu tiến hành thi công thì tiếng chuông nhà thờ tại một số giáo họ thuộc Giáo xứ Thuận Nghĩa lại vang lên, và ngay sau đó, hàng ngàn người (rất nhiều trong số đó là những người không sinh sống trên tuyến Quốc lộ 1A hoặc ở tận các xã khác) đã kéo ra Quốc lộ 1A ngăn cản, lăng mạ, đe doạ lực lượng thi công…
TIN LIÊN QUAN |
---|
Tiếng chuông đưa người đọc về một không gian làng quê Việt Nam yên bình, dung dị, mộc mạc và vô cùng gần gũi “làng tôi xanh bóng tre, từng tiếng chuông ban chiều, tiếng chuông nhà thờ rung/ Đời đang vui làng quê yêu dấu, bóng cau với con thuyền một dòng sông…”. Trong xà lim Quy Nhơn tháng 11 năm 1941, giữa cuộc sống ngục tù lao khổ, nhưng nhà thơ Tố Hữu đã có những cảm nhận sâu sắc về tiếng chuông nhà thờ “Mỗi buổi mai lên/ Trên tường mái phố/ Chuông nhà thờ đổ/ Mỗi buổi hoàng hôn/ Rủ xuống linh hồn/ Chim hôm về tổ/ Chuông nhà thờ đổ/ Tiếng đồng ngân nga/ Khoan thai bao la/ Bình yên uỷ mị/ Dịu dàng mang ý/ Muôn lời ngọt thương...”.
![]() |
Ngăn cản nhà thầu triển khai thi công Quốc lộ 1A tại xóm 11, xã Quỳnh Giang (Quỳnh Lưu). |
TIN LIÊN QUAN |
---|
Điển hình như vào chiều ngày 14/8/2014, khi nhà thầu và lực lượng chức năng triển khai thi công trên tuyến Quốc lộ 1A, đoạn qua địa bàn xã Quỳnh Giang và Thị trấn Cầu Giát, thì tại các nhà thờ Giáo họ Yên Lưu, Thuận Nghĩa, Tân Lập (thuộc Giáo xứ Thuận Nghĩa) đã rung chuông. Và ngay sau đó có trên 1.000 giáo dân kéo ra ngăn cản, lăng mạ, de dọa lực lượng thi công. Sáng 7/9/2014, khi nhà thầu tổ chức thi công trên tuyến Quốc lộ 1A tại xóm 11, xã Quỳnh Giang, tiếng chuông cũng rung lên, sau đó có khoảng hơn 400 giáo dân kéo ra ngăn cản, gây tắc nghẽn giao thông kéo dài. Tiếp đó, vào sáng 9/10/2014, khi nhà thầu đang thi công đoạn qua khối 8, Thị trấn Cầu Giát, tiếng chuông đã lại rung lên tại các nhà thờ họ Tân Lập, Thuận Nghĩa, Yên Lưu... rồi sau đó có khoảng 300 giáo dân kéo đến ngăn cản và việc thi công phải dừng lại.
![]() |
Cản trở thi công Quốc lộ 1A tại xóm 11, xã Quỳnh Giang (Quỳnh Lưu). |
Điều đáng nói là dù các điểm vướng cục bộ do tái lấn chiếm chỉ có 31 hộ, nhưng lại có hàng trăm, có lúc là hàng nghìn người “không liên quan”, không có nhà hay đất ở Quốc lộ 1A, thậm chí là ở xã khác, địa bàn khác kéo ra chống đối, ngăn cản không cho triển khai thi công công trình trọng điểm quốc gia. Một số đối tượng còn lợi dụng đức tin để đe dọa, cô lập những hộ giáo dân đã đồng ý bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công, hòng ngăn cản những giáo dân ấy thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân, đồng thời gây cản trở đối với việc thi công trên tuyến Quốc lộ 1A tại những điểm này. Những hành vi đó, không chỉ vi phạm pháp luật, vi phạm pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo, Nghị định 92/2012/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành tín ngưỡng tôn giáo, mà còn vi phạm các quy định của Giáo lý, Giáo luật của Giáo hội.
Câu hỏi đặt ra là vì sao một số công dân - giáo dân lại vi phạm pháp luật và Giáo lý, Giáo luật? Theo tìm hiểu của chúng tôi, là vì họ làm theo ý của “bề trên”. “Nếu không có ý kiến và không có sự cho phép của bề trên, thì không ai dám rung chuông để tập hợp mọi người ra đường..”, một giáo dân cho biết.
Trên thực tế, đối với mỗi nhà thờ của Giáo hội, dù lớn hay nhỏ, dù nhà thờ xứ hay nhà thờ họ, hình ảnh quả chuông có ý nghĩa rất thiêng liêng và việc rung chuông cũng phải theo quy định. Vào ngày lễ và Chủ nhật, nhà thờ thường cho đổ 3 hồi chuông. Vào đêm Giáng sinh thì mới đổ cả 6 hồi chuông. Chuông nhà thờ ngoài dịp lễ, thì hàng ngày giật 3 hồi vào lúc 4h sáng, 12h và 17h; đó là các giờ cầu kinh. Ngoài ra còn có những quy định khác như, hồi chuông báo cho mọi người trong xứ cầu nguyện cho linh hồn người mới qua đời (quy định nam 9 tiếng, nữ 7 tiếng), hồi chuông dài loan báo tin mừng trong các dịp lễ trọng…
Còn nhớ, nhân làm phép tháp chuông tại Họ đạo Cần Xây, Thành phố Long Xuyên ngày 28/6/2001, Đức Giám mục Bùi Tuần - Giáo phận Long Xuyên) đã viết: “Với nhà thờ và quả chuông nhà thờ, khi biết sử dụng, chúng ta sẽ tìm ra được những hạnh phúc ngay trong đời sống thường ngày. Những hạnh phúc đó sẽ nhỏ thôi, nhưng lại rất nhiều, rất sâu… Hy vọng sẽ nhiều hơn là thất vọng. Yêu thương sẽ mạnh hơn là ghen ghét. Ðoàn kết sẽ rộng hơn là chia rẽ… Nhà thờ cũng như quả chuông nhà thờ phải được gắn bó mật thiết với việc phục vụ Lời Chúa. Rồi từ việc phục vụ Lời Chúa, chúng ta sẽ sống Lời Chúa, và dấn thân cho Lời Chúa, dù phải phấn đấu vượt qua trăm ngàn trắc trở. Kết quả là một nền văn hoá tình yêu sẽ dần dần được thiết lập rộng rãi, một Nước Trời là Nước Tình yêu sẽ dần dần đi vào lòng mọi người”.
Thế nhưng, những tiếng chuông vang lên ở một số nhà thờ họ thuộc Giáo xứ Thuận Nghĩa trong chiều ngày 14/8, sáng 7/9, sáng 9/10/2014 khó có thể nói là để “phục vụ Lời Chúa”, mà đó là để tập hợp giáo dân (đa phần là những người không liên quan) ra Quốc lộ 1 để ngăn cản thi công công trình trọng điểm quốc gia.
Tôi có một người bạn sinh ra và lớn lên ở xã Quỳnh Giang, Quỳnh Lưu. Nhà bạn ở cách không xa nhà thờ. Bạn kể, quê bạn có cả đồng bào lương và giáo chung sống, nhưng đoàn kết, thương yêu, tối lửa tắt đèn có nhau. Và tiếng chuông nhà thờ đều đặn ngân vang mỗi buổi sáng sớm đã trở thành “chiếc đồng hồ” chung của cả vùng. Cứ mỗi khi nghe tiếng chuông, mọi người thức giấc, bắt tay vào chuẩn bị cho một ngày mới. Còn những cô, cậu học trò như bạn tôi thì tranh thủ ôn bài trước khi tới lớp. Tiếng chuông đã đi vào tiềm thức mọi người như một âm thanh không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. Dù là người ngoại đạo, nhưng đối với bạn tôi, tiếng chuông đã trở thành một phần ký ức tuổi thơ với những kỷ niệm đẹp đẽ không thể quên. Sau này lớn lên, xa quê, trong cuộc sống xô bồ, mỗi lần được nghe tiếng chuông nhà thờ, bạn tôi lại thấy cồn cào nỗi nhớ quê hương; tiếng chuông thức tỉnh, đưa bạn trở về với nơi chôn rau cắt rốn, có người thân, gia đình, bạn bè và cả những người dân xóm đạo hiền lành, chân chất. Thế nhưng, trong dịp về thăm quê, chứng kiến sau những hồi chuông rung, hàng trăm, hàng nghìn người đã kéo ra Quốc lộ 1A để ngăn cản thi công, gây ùn tắc giao thông kéo dài, bạn tôi chia sẻ “Trong lòng cảm thấy không bình yên và có điều gì đó vỡ vụn, xót xa…”.
Đến ngay cả người ngoại đạo như bạn tôi còn cảm thấy xót xa, thì không biết các giáo dân ngoan đạo kia sẽ cảm thấy như thế nào khi họ ngộ ra đã bị “bề trên” lợi dụng đức tin, và những tiếng chuông nhà thờ rung mỗi khi nhà thầu triển khai thi công trên Quốc lộ 1A không phải để dẫn dắt họ “phục vụ Lời Chúa”, mà để phục vụ cho những mục đích khác, không liên quan gì đến Giáo hội? Thậm chí còn đẩy họ đến những hành vi vi phạm pháp luật?
Bài, ảnh: Nhóm phóng viên
Điều 2, Chương I, Nghị định 92/2012/NĐ-CP ngày 8/11/2012 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo, nghiêm cấm việc “… lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo để phá hoại hòa bình, độc lập, thống nhất đất nước; kích động bạo lực hoặc tuyên tuyền chiến tranh, tuyên truyền trái với pháp luật, chính sách của Nhà nước; chia rẽ nhân dân, chia rẽ các dân tộc; chia rẽ tôn giáo; gây rối trật tự công cộng, xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm; danh dự, tài sản của người khác; cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân; hoạt động mê tín, dị đoan và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Mọi tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm về tín ngưỡng, tôn giáo đều bị xử lý theo quy định của pháp luật”. |